Một trong hai lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Fessenheim đã ngừng hoạt động. (Nguồn: Teller Report) |
Trong thông báo ngày 22/2, EDF cho biết công ty này đã ngắt kết nối một trong hai lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Fessenheim, nằm dọc theo sông Rhine gần biên giới phía Đông giữa Pháp với Đức và Thụy Sỹ, lúc 2h sáng cùng ngày. Đây là công đoạn đầu tiên của việc đóng cửa hoàn toàn nhà máy này.
Dự kiến, lò phản ứng thứ hai sẽ ngừng hoạt động vào ngày 30/6 sau khi đã được làm nguội, để đảm bảo cho việc dỡ bỏ các thanh nhiên liệu. Việc loại bỏ các thanh nhiên liệu dự kiến sẽ được hoàn tất vào mùa Hè năm 2023, tiến tới đóng cửa hoàn toàn nhà máy này vào năm 2040.
Việc đóng cửa nhà máy Fessenheim vốn là mục tiêu chính của các nhà hoạt động xã hội, vận động chống hạt nhân, sau cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011. Giới chuyên gia cho rằng các tiêu chuẩn về xây dựng và mức độ an toàn tại Fessenheim kém xa so với nhà máy hạt nhân ở Fukushima, bên cạnh đó các rủi ro về hoạt động địa chấn và lũ lụt ở khu vực Alsace cũng thường bị xem nhẹ.
Cam kết đóng cửa nhà máy Fessenheim đã được đưa ra từ thời cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande, chỉ vài tháng sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp sự cố. Tuy nhiên, phải đến năm 2018, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron mới "bật đèn xanh" cho hành động này.
Trong một phát biểu hồi đầu tuần này, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nêu rõ: "Điều này đánh dấu bước đi đầu tiên trong chiến lược năng lượng của Pháp để dần cân bằng lại các nguồn điện hạt nhân và năng lượng tái tạo, đồng thời cắt giảm lượng khí thải carbon bằng cách đóng cửa các nhà máy điện than vào năm 2022".
Sau khi nhà máy trên bị đóng cửa, Pháp vẫn sẽ còn lại 56 lò phản ứng nước nặng tại 18 nhà máy điện hạt nhân - chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ về số lò phản ứng (98 lò), theo đó đảm bảo được 70% nhu cầu điện năng trong nước.
Hồi đầu năm nay, Chính phủ Pháp thông báo mục tiêu tới năm 2035 sẽ đóng cửa thêm 12 lò phản ứng gần đạt ngưỡng hoặc đã vượt quá giới hạn 40 năm hoạt động. Dự kiến ở thời điểm này, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 50% trong tổng nguồn năng lượng tiêu thụ ở Pháp.