Nhỏ Bình thường Lớn

Thực phẩm “ZERO” bán chạy ở Nhật

Chưa có lời giải thích chính xác, tại sao tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản lại vượt trội hơn hẳn với các nước khác? Nội dung dưới đây không giải đáp câu hỏi này, nhưng theo Trends of Japan nó sẽ giúp hiểu thêm về xu hướng tiêu thụ hàng thực phẩm và đồ uống của người Nhật, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh các mặt hàng có khả năng thâm nhập thị trường hiệu quả.

“ZERO” vì sức khỏe

Nếu vào siêu thị hoặc các cửa hàng tiện ích ở Nhật Bản trong những ngày này bạn sẽ thấy ưu thế của các sản phẩm có chữ số “0” được biểu thị trên bao bì đóng gói. Ký hiệu này gần đây gây được sự chú ý của khách hàng mua sắm, bởi những cam kết của nó đối với sức khỏe thực khách: thực phẩm này không chứa đường, không calo, không chất béo và đôi khi không chứa cả ba thứ này.

Người Nhật thường có ý thức giữ gìn sức khỏe thông qua việc chọn các loại thực phẩm và đồ uống ít đường, calo thấp, không cholesterol, nhiều chất polyphenol, nhiều chất xơ. Vì vậy, thực phẩm “zero” đang tạo được ấn tượng mạnh, từ những người đàn ông trung niên muốn vòng bụng của họ giảm đi vài centimet, cho đến các phụ nữ trẻ muốn giữ cho mình một thân hình mảnh mai vừa ý.

Trong một nghiên cứu về hiện tượng chuyển hóa trong cơ thể với khả năng làm tăng các bệnh về cơ tim và các bệnh khác, kết quả là thói quen ăn uống đóng vai trò khá quan trọng quyết định các chỉ số vòng bụng, cholesterol, thành phần chất béo, huyết áp, tỷ lệ đường huyết. Điều này càng có tác dụng cảnh tỉnh người dân Nhật về cân nặng của họ,  giúp tạo sự bùng phát cho các loại thực phẩm và đồ uống mang số “0”.

“Danh mục” bán chạy

Việc phát triển các loại thực phẩm thỏa mãn được cùng một lúc cả hai yêu cầu ngon miệng và cắt giảm lượng calo là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất hàng thực phẩm và đồ uống hiện nay đang tung ra thị trường một loạt các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh của những người tiêu dùng coi chăm lo cho sức khỏe là hàng đầu.

Các sản phẩm có chữ số “0” không những chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn đặc biệt mời gọi những ai không muốn cai rượu, bia, nước ngọt nhưng vẫn muốn kiểm soát năng lượng nạp vào. Happoshu đóng hộp (một loại đồ uống giống bia với hàm lượng mạch nha thấp), Chuhai (các loại đồ uống có ga với Shochu, hoặc rượu hoa quả chưng cất) và cà phê không chứa các chất phụ gia làm ngọt... được tung liên tiếp ra thị trường và đứng trong “Danh mục hàng bán chạy đến không ngờ”, tạo nên một thị trường mới rộng lớn. Thị trường đồ uống “số 0” thực sự bùng phát, lan rộng sang các loại đồ uống phục vụ thể thao, đồ uống có gaz và đồ uống không calo. Theo các nhà sản xuất, vị ngon sẽ là bí quyết để  giữ một vị thế lâu dài của loại đồ uống này trên thị trường.

Không chỉ giới hạn ở đồ uống, mà rất nhiều loại thực phẩm đang được “zero hóa” ở thị trường Nhật. Giò, xúc xích “số 0”, thậm chí đã có các loại kẹo không đường, sữa chua không đường và không chất béo; hiện tại thậm chí còn có đồ ăn chế biến từ hoa quả “3 số 0” và các sản phẩm khác được công bố không chứa chất béo, không đường hoặc không calo.

Sự bùng phát về thực phẩm này được hy vọng sẽ mở rộng hơn đối với các sản phẩm bánh bột mì trộn trứng, bánh sữa, bánh quy, các loại bánh kẹo và món tráng miệng khác. Khi những sản phẩm này có mặt trên thị trường, các món tráng miệng không chứa năng lượng thậm chí có thể châm ngòi cho một làn sóng quan tâm cao hơn nữa trong lòng người tiêu dùng - những người muốn từ bỏ calo chứ không phải là từ bỏ các loại kẹo.

Luật xúc tiến Y tế quy định các tiêu chuẩn thành phần trong thực phẩm. Các sản phẩm ghi là không chứa calo chỉ được phép giải phóng không quá 5 kcalo đối với 100 gam sản phẩm. Các sản phẩm không đường, không được chứa nhiều hơn 0,5 gam đường trong 100 gam sản phẩm. Sự khác biệt giữa “đường” và “chất làm ngọt” là ở chỗ, theo đó một loại đồ uống không đường không nhất thiết là loại không chứa chất làm ngọt.

Phan Thanh