📞

Thuế tối thiểu toàn cầu có làm giảm tính hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút FDI?

Nguyễn Thị Minh Hiền 11:17 | 14/06/2022
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, nguyên Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, đã chia sẻ góc nhìn về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Thoả thuận cải cách thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đã đạt được đồng thuận sau nỗ lực nhiều năm đàm phán của các nước thành viên OECD, của nhóm G20, nhóm G7.

Có 137/141 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của Khuôn khổ hợp tác toàn diện BEPS (Inclusive Framework on BEPS, IF) đã đạt thỏa thuận khung về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, bao gồm Việt Nam.

Bởi thế, các công ty đa quốc gia có hoạt động đầu tư tại Việt Nam phải chịu tác động của Quy tắc về thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2), nếu công ty mẹ cao nhất hoặc công ty mẹ trực tiếp/gián tiếp có trụ sở đặt tại quốc gia có áp dụng Quy tắc GloBE.

Điều này khiến các lợi thế về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam vô hình trung bị mất tác dụng, đồng thời quyền thu thuế của Việt Nam đối với thu nhập tạo ra từ các hoạt động kinh doanh của công ty đa quốc gia tại Việt Nam bị chuyển sang quốc gia đi đầu tư.

Việt Nam đang nỗ lực thu hút đầu tư từ các tập đoàn quy mô lớn. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Giảm tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài?

Tham gia Khuôn khổ hợp tác toàn diện BEPS (Inclusive Framework on BEPS, IF) Việt Nam cần thực hiện các quy trình pháp lý nội bộ, trong đó cần đánh giá toàn diện các lợi ích và chi phí của việc tham gia thỏa thuận này.

Về lợi ích, có thể là tăng thu, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt. Nhưng thực hiện quy tắc này cũng có thể làm giảm tính hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Trụ cột 2 đã đặt ra các thách thức đối với việc duy trì tính cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam ở phân khúc trên, gồm các nhà đầu tư có quy mô hoạt động lớn trên toàn cầu.

Số lượng các nhà đầu tư này mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong số lượng các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nhưng sự hiện diện của họ có tính lôi kéo và dẫn dắt chuỗi cung ứng, phần nào định hình cơ cấu vốn và ngành nghề mà các doanh nghiệp FDI chọn đầu tư tại Việt Nam.

Mặt khác, thách thức này cũng tạo cơ hội, đòi hỏi Chính phủ nhìn nhận, đánh giá lại các chính sách thu hút đầu tư, đưa ra các biện pháp thu hút đầu tư đổi mới, hiệu quả hơn, không chỉ với các nhà đầu tư bị ảnh hưởng mà các nhà đầu tư nói chung, tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa tính hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đang được chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10-15% (thuế suất thông thường là 20%) trong thời hạn từ 15-30 năm và hưởng chính sách ưu đãi về thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian tương ứng từ 4-9 năm.

Một số tập đoàn đa quốc gia lớn có đầu tư tại Việt Nam đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi Việt Nam đang ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thì các quốc gia thành viên của OECD là nơi đóng trụ sở chính của các tập đoàn này có thể thu đươc thuế thu nhập từ phần lợi nhuận tại Việt Nam khi họ sửa đổi lại nội luật theo thỏa thuận cam kết cải cách thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu.

Như vậy, với chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện tại và cải cách về thuế quốc tế trong tương lai, Việt Nam sẽ mất đi quyền thu thuế đối với phần lợi nhuận tạo ra tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này sẽ phải nộp thuế cho nước đối tác đầu tư và do vậy sẽ cân nhắc để lại lợi nhuận tại Việt Nam để tái đầu tư.

Tại Việt Nam, ưu đãi thuế vẫn là công cụ chính sách chính để thu hút đầu tư nước ngoài, vì vậy khi Trụ cột 2 hạn chế khả năng của các nước dùng công cụ ưu đãi thuế để cạnh tranh vốn đầu tư, các công ty đa quốc gia chịu tác động sẽ xem xét các yếu tố khác ngoài thuế như cơ sở hạ tầng, thị trường, môi trường chính sách, ổn định chính trị, lao động và các biện pháp hỗ trợ khác ngoài thuế để quyết định địa điểm đầu tư.

Xét về các biện pháp hỗ trợ ngoài thuế, Việt Nam hiện vẫn đi sau các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn độ… Chính sách hỗ trợ của các quốc gia này có xu hướng cụ thể, rõ ràng về tiêu chí và lượng hóa được theo quy mô đầu tư hoặc chi phí đầu tư nên cho phép nhà đầu tư dự báo tốt hơn ảnh hưởng của các biện pháp này đối với hiệu quả đầu tư của họ.

Xét trên góc độ các biện pháp hỗ trợ đầu tư là công cụ thu hút đầu tư thay thế ưu đãi thuế thì môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ giảm tính cạnh tranh tương đối dưới ảnh hưởng của Trụ cột 2 so với các nước thực thi tốt chính sách này.

Từ các chi phí, lợi ích này, việc cân nhắc tiến tới ký kết thỏa thuận đa phương rất cần được đánh giá một cách toàn diện. FDI hiện chiếm tới 23-25% tổng đầu tư toàn xã hội hàng năm và các doanh nghiệp nước ngoài đóng góp trên 70% giá trị xuất khẩu (động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam).

Dù còn nhiều tranh cãi về hiệu quả và giá trị gia tăng trong nước do khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra, không thể phủ nhận vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc thu hút FDI trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Cân nhắc, đàm phán, có thể lùi thời điểm áp dụng

Về thời điểm áp dụng, là nước đang phát triển, Việt Nam có thể đàm phán lùi thời điểm áp dụng thỏa thuận.

Nhiều hiệp định song phương và đa phương có điều khoản này và Việt Nam cũng đã từng đạt được các thỏa thuận về thời điểm áp dụng đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận với thời gian bảo lưu lên tới 10 năm như Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ.

Đồng thời, có thể đàm phán các nguyên tắc bảo lưu hoặc loại trừ. Theo đó, nghiên cứu khả năng loại trừ khỏi phạm vi áp dụng của thỏa thuận đối với các ưu đãi đã được quy định trước khi hiệp định đa phương về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có hiệu lực. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là nguyên tắc không hồi tố.

Cùng với đó, rà soát và điều chỉnh chính sách pháp luật về thuế để đánh thuế đối với các tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, nhưng phát sinh hoạt động kinh doanh và thu nhập tại Việt Nam. Đây là điều kiện cần để đánh thuế đối với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

Đồng thời, tiến hành rà soát và đàm phán lại các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để cập nhật, bổ sung các khái niệm về cơ sở thường trú trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0 và kinh tế số.

Bên cạnh đó, có thể tham khảo áp dụng một số biện pháp về thuế để đảm bảo cam kết của Chính phủ tại Luật Đầu tư (Chương II, Điều 13), trong trường hợp pháp luật thay đổi.

Để ứng phó với Trụ cột 2 khi thay đổi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, làm ảnh hưởng bất lợi đến các nhà đầu tư hiện tại, Chính phủ cần cân nhắc tới các biện pháp để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư một cách hài hòa, kịp thời và minh bạch.

Cụ thể, có thể tham khảo một số biện pháp, chẳng hạn áp dụng thuế suất thuế thu nhập tối thiểu nội địa bổ sung 15% (Domestic Minimum Top-up Tax - DMT), nhằm bảo vệ cơ sở thuế của Việt Nam. Vấn đề này đã được Hồng Kong, Singapore, Thái Lan thảo luận, cân nhắc và tuyên bố áp dụng. Việt Nam có thể tham khảo.

Cụ thể, bỏ ưu đãi, áp dụng DMT 15% đối với các công ty bị ảnh hưởng; hoặc cho các công ty bị ảnh hưởng tự lựa chọn tiếp tục áp dụng ưu đãi đang có (tức sẽ nộp thuế bổ sung tại nước của công ty mẹ) hoặc không áp dụng ưu đãi và áp dụng DMT 15% tại Việt Nam.

Ngoài ra, về vấn đề kỹ thuật cũng cần xem xét áp dụng DMT 15% trên toàn bộ thu nhập tính thuế của công ty bị ảnh hưởng; hoặc áp dụng DMT 15% trên thu nhập điều chỉnh theo Trụ cột 2 của công ty bị ảnh hưởng.

Áp dụng các hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ

Các ưu đãi cho phép doanh nghiệp ghi tăng chi phí được trừ đối với một số hạng mục đầu tư được Chính phủ khuyến khích như chi phí nghiên cứu - phát triển, chi phí mua sắm tài sản là máy móc thiết bị, chi phí nhân lực công nghệ cao… đã được áp dụng khá phổ biến tại nhiều quốc gia, bởi các biện pháp này có tính nhắm thẳng và ràng buộc trên thực tế triển khai của doanh nghiệp, phù hợp với mục tiêu mà chính phủ mong muốn khuyến khích.

Tuy nhiên, vì các biện pháp này có tác dụng làm giảm chi phí thuế của doanh nghiệp mà không làm thay đổi lợi nhuận kế toán, chúng sẽ không có tác dụng giảm tổng chi phí thuế của doanh nghiệp dưới tác động của Trụ cột 2.

Khi áp dụng DMT 15% và đồng thời cho ghi tăng chi phí R&D, tổng chi phí thuế của doanh nghiệp thấp hơn so với phương án cơ sở (147.5 vs. 150) nhưng vẫn cao hơn phương án doanh nghiệp tiếp tục hưởng ưu đãi và nộp thuế tại nước của công ty mẹ.

Dưới ảnh hưởng của Trụ cột 2, các phương án kỹ thuật không làm thay đổi lợi nhuận kế toán mà chỉ giảm thuế phải nộp tại nước nguồn sẽ có tác dụng làm giảm thuế suất hiệu quả, phát sinh số thuế phải nộp bổ sung tại nước của công ty mẹ và không đạt được kết quả bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư không bị thiệt hại.

Bên cạnh các ưu đãi về thuế, nhiều quốc gia còn thực thi các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện nhất định. So với ưu đãi thuế thường mang tính hậu kiểm, việc thực thi giải ngân hỗ trợ có thể phức tạp hơn về hồ sơ xin hỗ trợ cần được thẩm định trước khi khoản hỗ trợ được chi trả.

Tuy nhiên các chương trình hỗ trợ thường đa dạng, linh hoạt và trọng điểm hơn, được thiết kế để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia, ngành hay địa phương tại từng thời điểm. Xét dưới ảnh hưởng của Trụ cột 2, hỗ trợ có thể giải quyết được vấn đề thuế suất hiệu quả mà các phương án ưu đãi thuế/ giảm thuế không xử lý được.

Có thể áp dụng biện pháp hỗ trợ bằng tiền cho nhà đầu tư sử dụng nguồn thu thuế tăng thêm khi áp dụng DMT. Có thể thấy, khi dùng khoản thu thuế bổ sung để hỗ trợ lại cho doanh nghiệp bằng tiền, thuế suất hiệu quả của doanh nghiệp tăng mà không giảm như các trường hợp trên. Do đó, không làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế bổ sung tại quốc gia của công ty mẹ, giảm thiểu tác động đến quyền lợi của nhà đầu tư và ngân sách chính phủ, đạt được sự hài hòa lợi ích của cả hai bên.

Chính phủ có thể tham khảo những phương án trên để không vi phạm cam kết về ưu đãi đầu tư và không có nghĩa vụ thực hiện bảo đảm đầu tư theo Luật Đầu tư.

Tuy nhiên, về dài hạn, để thu hút FDI, Chính phủ vẫn cần quyết định lựa chọn các biện pháp chính sách ưu đãi, hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam, cân bằng lợi ích của Chính phủ và nhà đầu tư.

(theo Báo Đầu tư)