📞

Thuốc lá làm biến đổi cấu trúc ADN ở người

10:39 | 07/11/2016
Các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng, thuốc lá là nguyên nhân gây đột biến hàng trăm cấu trúc ADN ở người.

Sau khi nghiên cứu hàng ngàn khối u, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, với những người hút 20 điếu thuốc lá mỗi ngày, trung bình mỗi năm, trong cơ thể họ sẽ có khoảng 150 cấu trúc ADN phổi bị đột biến. Các ADN này sẽ thay đổi vĩnh viễn ngay cả khi họ đã bỏ thuốc.

Nhờ phân tích các mẫu ADN lấy từ những khối u, các nhà khoa học đã tìm ra được nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều căn bệnh ung thư khác nhau.

Lá phổi người bình thường (trái) và lá phổi của người hút thuốc lá (phải). (Nguồn: Emed Help)

Quá trình phức tạp

Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc viện Wellcome Trust Sanger (Anh) và Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos (Mỹ) đăng trên tạp chí Science đã công bố tìm ra mối liên hệ giữa tổng số điếu thuốc một người hút trong đời và số lượng ADN đột biến tạo thành khối u. Kết quả cho thấy, nếu một người hút một bao thuốc mỗi ngày thì sau một năm, cơ thể người đó sẽ có 150 đột biến ADN ở phổi, 97 đột biến ADN ở thanh quản, 23 đột biến ADN ở khoang miệng, 18 đột biến ADN ở bàng quang và 6 đột biến ADN ở gan.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, trong phổi – nơi tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc – diễn ra quá trình biến đổi các chất hóa học có trong thuốc lá. Quá trình này tạo ra ít nhất 60 chất hóa học gây ung thư. Tuy nhiên, các cơ quan khác không tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc như bàng quang lại không diễn ra quá trình biến đổi này.

Nhà nghiên cứu chính của dự án, GS. Mike Stratton cho biết: “Hiện tượng đột biến ADN xảy ra càng nhiều thì khả năng các gene quan trọng trong cơ thể chuyển biến thành gene ung thư ngày càng cao. Các gene này sẽ làm biến đổi một tế bào bình thường thành tế bào ung thư. Thuốc lá chính là tác nhân đẩy nhanh quá trình đột biến gene tự nhiên. Nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của quá trình này. Nó khá bí ẩn và phức tạp".

Ông cho biết: “Nghiên cứu gene các khối u của nhiều loại ung thư khác nhau sẽ giúp chúng tôi tìm thấy những dấu vết và tác nhân gây ra quá trình biến đổi gene, từ đó tìm ra cách phòng ngừa căn bệnh này”.

Khói thuốc lá gâ​y hậu quả lâu dài

Theo TS. David Gilligan - bác sỹ chuyên khoa Ung bướu tại bệnh viện Papworth (Anh), 150 đột biến gene mỗi năm chính là 150 cơ hội để bệnh ung thư phổi phát triển trong cơ thể. Các bác sỹ đã nghiên cứu căn bệnh ung thư phổi trong nhiều năm qua. Nhờ đó, y học đã có những bước tiến đáng kể trong phương pháp điều trị căn bệnh này, cụ thể như liệu pháp miễn dịch và các loại thuốc ngăn chặn sự di truyền.

Bà Pamela Pugh - một bệnh nhân ung thư phổi - khuyên những người khác đừng bao giờ hút thuốc. (Nguồn: BBC)

Bà Pamela Pugh (69 tuổi, người Anh) được chẩn đoán mắc ung thư phổi vào năm 2013. Bà hút thuốc từ lúc mới 17 tuổi cho đến khi hơn 50 tuổi. Bà cho biết: “Mặc dù tôi đã bỏ thuốc từ nhiều năm trước nhưng vẫn bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu biết được thuốc lá sẽ gây biến đổi gene vĩnh viễn thì tôi đã không bao giờ hút thuốc”.

Bà đã tham gia thử nghiệm Matrix, điều trị bằng thuốc phá vỡ cấu trúc gene gây di căn ung thư phổi tại bệnh viện Papworth và bệnh viện Addenbrooke ở Cambridgeshire trong hơn 6 tháng. Tuy nhiên, do khối u vẫn phát triển nên bà đã phải ngưng cuộc thử nghiệm và tiến hành điều trị bằng phương pháp xạ trị.

Theo ông Robert Pirker, một chuyên gia về ung thư phổi của Bệnh viện đa khoa Vienna (Áo), ung thư phổi hiện là “sát nhân số 1” trong các loại ung thư. Ông Pirker cho rằng, một trong các biện pháp phòng ngừa quan trọng là giảm thiểu số người hút thuốc bởi đây là thủ phạm chính gây ung thư phổi, với 85% người mắc căn bệnh này là người đang hút đã từng hút thuốc.

(theo BBC)