TIN LIÊN QUAN | |
Học giả Bắc Kinh kêu gọi Trung Quốc ký thỏa thuận ‘đình chiến’ với ông Trump | |
Dù thế nào, quan hệ kinh tế Mỹ - Trung sẽ không bao giờ quay lại như trước |
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước sang tháng thứ 15. (Nguồn: The Verge) |
Sau nhiều vòng đàm phán, cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm cuối cùng đã có bước chuyển biến tích cực.
Từ nay đến giữa tháng 11, hai bên sẽ đàm phán thêm để hoàn thiện các chi tiết của một thỏa thuận tạm thời sẽ được ký bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Chile tới đấy.
Dấu hiệu tích cực về sự đồng thuận
Giới chuyên gia kỳ vọng, sự kiện này sẽ mở ra cơ hội “đình chiến” cao nhất kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Bởi so với quy định “đình chiến” của Mỹ - Trung tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trước đây, thỏa thuận hiện tại có nhiều dấu hiệu tích cực hơn về sự đồng thuận của hai bên.
Thứ nhất, tại thỏa thuận này, tình trạng đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã được hai quốc gia xác nhận ngay lập tức. Bên cạnh đó, hai bên cũng tỏ ra thiện chí về việc hướng tới một thỏa thuận tạm thời. Các lời tuyên bố chính thức từ cả hai phía là rất hiếm sau các cuộc đàm phán thương mại diễn ra trước đó.
Thứ hai, dường như, thỏa thuận này đã có một sự tách bạch hơn giữa các vấn đề cần giải quyết. Thỏa thuận “giai đoạn một” bao gồm hầu hết các vấn đề thương mại, cụ thể là Trung Quốc sẽ mua hàng nông sản Mỹ và mở cửa thị trường nội địa. Ngược lại, Mỹ tạm ngừng các mức thuế quan bổ sung. Đây là một trong những vấn đề có thể dễ dàng giải quyết nhất trong tranh chấp thương mại song phương.
Thứ ba, động lực đạt được một thỏa thuận để phục hồi nền kinh tế của cả Bắc Kinh và Washington chưa bao giờ lớn hơn thời điểm này.
Đối với Trung Quốc, suốt 14 tháng qua, các ngành thương mại và liên quan đến thương mại đều đã phải chịu thiệt hại nặng nề từ các đợt thuế quan của ông chủ Nhà Trắng. Việc nới lỏng thuế quan đã giúp giảm bớt thiệt hại cho đến thời điểm này, song Bắc Kinh khó có thể giữ được mức tăng trưởng ổn định trên 6% để chống lại các đợt thuế quan tiếp theo.
Nền kinh tế Mỹ cũng đã “bải hoải” khi cuộc chiến thương mại leo thang hơn một năm qua. Trong khi sự suy giảm sản xuất đã kéo dài suốt thời gian qua, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy, sự yếu kém bắt đầu xâm nhập vào các lĩnh vực lớn và quan trọng hơn, như dịch vụ và thị trường lao động. Do đó, việc tạm dừng tăng thuế quan có thể giúp nền kinh tế Mỹ xua tan rủi ro suy thoái, đồng thời giúp Tổng thống Trump “ghi điểm” để đảm bảo cho hành trình tái cử vào năm tới.
Có thể thấy, thỏa thuận “giai đoạn một” là một kết quả có lợi cho cả hai bên và là “cứu cánh” thực sự cho nhiều nhà đầu tư - những người đang hoài nghi về sự tiến triển của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Tổng thống Mỹ Trump bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng, ngày 11/10. (Nguồn: NBC News) |
Mặc dù, có nhiều mặt tích cực nhưng các nhà đầu tư cũng cần thận trọng hơn với những gì sẽ xảy ra trong nhiều tuần tới, đồng thời, nhìn nhận về những vấn đề nằm ngoài thỏa thuận “giai đoạn một”. Trên phương diện đó, triển vọng về các vấn đề khó khăn như chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, chính sách công nghiệp của Trung Quốc và các cơ chế thực thi của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong các cuộc đàm phán tiếp theo khá ảm đạm.
Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều sự nhượng bộ hơn về những vấn đề này, để khiến Tổng thống Trump đồng ý với thỏa thuận “giai đoạn một”. Sự sẵn sàng của Trung Quốc mua thêm hàng nhập khẩu của Mỹ và mở cửa thị trường đã được quốc gia này nhen nhóm ý định từ lâu. Như vậy, dù có được một thỏa thuận "giai đoạn một" về thương mại với Mỹ sẽ không khiến cho Trung Quốc đạt được những mục tiêu khác.
Về phía Mỹ, việc Tổng thống Trump sẵn sàng đàm phán theo giai đoạn, thay vì thực hiện một thỏa thuận toàn diện là đáng khích lệ. Nhưng một câu hỏi được đặt ra rằng, cử chỉ thiện chí này sẽ kéo dài bao lâu?
Xét về mặt kinh tế, ông chủ Nhà Trắng nhận thấy, tỷ lệ thắng của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 trước bối cảnh suy thoái kinh tế là rất mong manh. Do đó, vị Tổng thống này đã giành sự quan tâm đặc biệt tới việc ký một thỏa thuận “đình chiến” với Trung Quốc để ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, xét về mặt chính trị, thái độ không hoan nghênh với Trung Quốc giữa các chính trị gia Mỹ và một số bộ phận công chúng Mỹ sẽ có khả năng làm cho các cuộc đàm phán tiếp theo chậm lại, khó khăn và không thể đoán trước được.
Nhìn chung, một sự nhượng bộ nhỏ đã mang lại niềm hy vọng ngắn hạn cho nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, dành thời gian cho Trung Quốc và Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán trong tương lai mà không phải chịu những “đòn” thuế quan bổ sung. Nhưng việc có thêm thời gian không có nghĩa là sẽ giải quyết được vấn đề. Các nhà đầu tư không nên vội mừng, mà hãy chuẩn bị cho việc xuất hiện những thách thức trong thời gian tới.
Theo Cary Huang, chuyên gia kỳ cựu của Trung Quốc, điều duy nhất chắc chắn về bất kỳ cuộc đàm phán nào là nó sẽ dẫn đến nhiều cuộc đàm phán tiếp theo.
Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc có thể mong đợi các cuộc đàm phán quan trọng hơn và vẫn còn một chặng đường dài để đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện để chấm dứt cuộc tranh cãi giữa hai nền kinh tế này.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc: Bắc Kinh không muốn thay thế hoặc đe dọa bất cứ quốc gia nào TGVN. Ngày 22/10, tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 9, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành kêu gọi Bắc Kinh và ... |
Mỹ - Trung Quốc đạt thoả thuận thương mại: Hạn chế thiệt hại TGVN. Mỹ - Trung Quốc vừa đạt thoả thuận thương mại - một thoả thuận tối thiếu, một giải pháp tình thế nhất thời, không ... |
Thương chiến Mỹ - Trung: Thỏa thuận giới hạn nên cũng rất... có hạn TGVN. Thỏa thuận giới hạn, ngoài việc đình chỉ một đợt thuế quan sắp diễn ra và một chiến thắng cho nông dân, nếu xét ... |