Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những công ty Nga tham gia dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. (Nguồn: Euractiv) |
Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, ông Sullivan cho biết, Mỹ đã trừng phạt một số thực thể của Nga liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và chỉ miễn trừng phạt cho 2 nhân tố không phải là của Nga. Đó là một cá nhân của Đức và 1 công ty của Thụy Sỹ.
Dưới thời chính quyền ông Donald Trump, dự án Dòng chảy phương Bắc đã được triển khai và khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, dự án đã hoàn thành tới 90%.
Giải thích vì sao các thực thể ở châu Âu liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được gỡ trừng phạt, ông Sullivan cho hay, Mỹ từng xem xét việc liệu có nên tìm cách trực tiếp sử dụng quyền trừng phạt đối với các đồng minh và bè bạn của Washington ở châu Âu hay không và "Tổng thống Biden đã nói rằng ông không sẵn sàng thực hiện điều đó”,
Cũng theo quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế đối với những tổ chức của Nga tham gia dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 với tần suất 90 ngày/lần.
Bên cạnh đó, đề cập cáo buộc đầu độc nhân vật đối lập chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny, vốn đang bị giam giữ tại một nhà tù Nga, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho hay, Washington đang chuẩn bị các đòn trừng phạt mới nhằm vào Moscow để áp dụng trong vụ việc này.
Phản ứng trước các thông tin trên, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov, người vừa quay lại Washington để tiếp tục thực hiện sứ mệnh ngoại giao sau thời gian trở về Moscow để tham vấn với chính phủ sau những căng thẳng song phương, cho rằng, không thể ổn định và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước bằng những biện pháp áp đặt các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, bình luận về thông tin trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: “Giới chức Mỹ đã liên hệ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với vụ việc của Navalny. Những hoạt động bất hợp pháp của Mỹ luôn nhận được sự đáp trả hợp lý của chúng tôi”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, khuynh hướng áp đặt các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Moscow nhằm phục vụ nỗ lực giải quyết những vấn đề thiếu năng lực cạnh tranh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trên kênh Telegram cá nhân Zarakhova, bà viết: “Đối với những nỗ lực liên hệ một dự án kinh tế - gồm các nhà điều hành tư nhân và quốc gia độc lập trong số các bên tham gia - với trường hợp của Navalny, các nhà tư tưởng Mỹ đã bộc lộ bản thân: họ cần đến sự ồn ào xung quanh vụ đầu độc giả tạo để làm công cụ giải quyết những vấn đề thiếu năng lực cạnh tranh của chính họ”.
Các động thái mới nhất này diễn ra chưa đầy một tuần sau cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đánh giá cuộc gặp là tích cực và có tính xây dựng, đồng thời 'hứa hẹn' thực hiện các biện pháp để có thể cải thiện quan hệ song phương ổn định và có thể dự đoán được.