📞

Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021: Bài học từ đại dịch, thông điệp về sự đoàn kết và chuyển đổi số

Hải An 16:27 | 12/11/2021
Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp (CEO Summit) APEC 2021 diễn ra trong 2 ngày 11-12/11 theo hình thức trực tuyến tại New Zealand, nổi bật với thông điệp về chuyển đổi số, sự đoàn kết, cùng nhau vượt qua đại dịch và ứng phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh APEC 2021 - CEO Summit APEC 2021 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Các nền kinh tế thành viên của APEC trải dài trên vành đai Thái Bình Dương, chiếm khoảng 38% dân số và hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. Ngoài những căng thẳng địa chính trị, dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã làm tăng thêm sự bất ổn ở một khu vực từ lâu được coi là động lực của tăng trưởng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp của 21 nền kinh tế thành viên sẽ cùng nhau thiết lập lộ trình phục hồi kinh tế, thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời kỳ hậu Covid-19.

Đoàn kết vượt qua đại dịch

Phát biểu tại lễ khai mạc CEO Summit APEC 2021, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định, mỗi nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt với những thách thức vô cùng khác nhau trước đại dịch Covid-19, nhưng có chung một số bài học.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: apec.org)

Thủ tướng Ardern cho rằng: “Một bài học rõ ràng là sức khỏe của người dân và nền kinh tế có mối liên hệ bản chất với nhau. Chính phủ của chúng tôi ở New Zealand đã tin vào điều này ngay từ đầu".

Theo bà: “Mỗi cuộc khủng hoảng đều mang đến một cơ hội. Và 21 nền kinh tế APEC đã phải đối mặt với thách thức, nhưng cũng là cơ hội để thiết lập lại nền kinh tế trên quy mô chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II.

Năm nay các nhà Lãnh đạo APEC đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ để cùng nhau vượt qua đại dịch và trở nên kiên cường hơn”.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh về những cố gắng của các nền kinh tế để cùng nhau chống lại đại dịch Covid-19, nhằm đạt được mục tiêu xây dựng một khu vực APEC thịnh vượng.

Ông nói: “Đầu tiên, chúng ta cần dốc toàn lực để chống lại Covid-19. Thoát khỏi cái bóng của đại dịch và đạt được sự phục hồi kinh tế ổn định là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay.

Đối mặt với thử thách chỉ có một lần trong thế kỷ này, các nền kinh tế APEC nên đặt con người và cuộc sống của họ lên hàng đầu, tuân theo sự hướng dẫn của khoa học, cùng đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chiến đấu để đánh bại đại dịch”.

Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, các nền kinh tế cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực, như y học, nghiên cứu, sản xuất và công nhận vaccine, để thực sự tạo ra sức mạnh tổng hợp chống lại đại dịch.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chúng ta cần chuyển sự đồng thuận, rằng vaccine là hàng hóa công cộng toàn cầu thành các hành động cụ thể, đảm bảo sự phân phối công bằng và bình đẳng, cũng như khả năng tiếp cận và khả năng chi trả ở các nước đang phát triển, cùng nhau hợp tác để thu hẹp khoảng cách tiêm chủng”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại sự kiện. (Nguồn: apec.org)

Đồng quan điểm về cuộc chiến với Covid-19, Tổng thống Peru José Pedro Castillo Terrones khẳng định: “Chúng ta cần ngăn chặn Covid-19 và những hậu quả kinh tế, xã hội do cuộc khủng hoảng gây ra thông qua chương trình hành động thống nhất mạnh mẽ”.

Theo ông, Diễn đàn APEC là không gian quan trọng để phối hợp các biện pháp và xác định các thực hành chính sách công hữu hiệu nhằm đối mặt với các thách thức kinh tế và sức khỏe cộng đồng.

Nhà lãnh đạo Peru nhấn mạnh: “Peru đã đề xuất, chương trình nghị sự của APEC nên bao gồm việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi các tác nhân kinh tế từ nền kinh tế phi chính thức sang chính thức, nhằm phát triển các nghiên cứu, tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất, để giải quyết vấn đề này ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Thông điệp về chuyển đổi số cũng được các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tại CEO Summit APEC 2021.

Thủ tướng New Zealand nhận định: “Sau nhiều năm nói về quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, Covid-19 đã thúc đẩy tiến trình này của chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Theo nhà lãnh đạo này, các nước không cho phép quá trình phục hồi sau Covid-19 lại tiếp tục làm tăng lượng khí thải và tăng nhiệt độ Trái đất.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Nguồn: apec.org)

Còn Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định, APEC cần đi đầu trong trách nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật số toàn cầu, vốn rất quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.

Theo ông, khối 21 nền kinh tế thành viên có vị trí thuận lợi để đi đầu trong những nỗ lực nhất quán và phối hợp nhằm thiết lập các tiêu chuẩn khi thế giới chuyển sang giai đoạn số hóa tiếp theo. Mục tiêu là có nhiều người hơn tham gia một cách có ý nghĩa vào nền kinh tế kỹ thuật số.

Còn theo ông Tập Cận Bình, các nền kinh tế APEC có nguồn lực trí tuệ đặc biệt và truyền thống đổi mới. Với việc tạo ra nhiều công nghệ mới, các ngành công nghiệp mới và các cơ chế mới, APEC luôn là một tổ chức tiên phong trên toàn cầu về sự phát triển theo định hướng đổi mới.

Chủ tịch Trung Quốc nói: “Ngày nay, cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ sản xuất đang phát triển nhanh chóng.

Chúng ta cần mở rộng quy mô hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC về đổi mới khoa học và công nghệ, thúc đẩy một môi trường cởi mở, công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử cho sự phát triển của khoa học và công nghệ”.

Tổng thống Peru José Pedro Castillo Terrones. (Nguồn: apec.org)

Nhận định về vai trò của đổi mới và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ, Tổng thống Peru khẳng định: “Với các ứng dụng hiệu quả, đổi mới là chìa khóa để thúc đẩy và duy trì khả năng cạnh tranh và hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp”.

Ông Castillo Terrones nhấn mạnh: “Chúng ta cũng phải chuẩn bị để đối mặt với các trường hợp khẩn cấp và thiên tai, mà chúng ta biết rằng sẽ xảy ra thường xuyên hơn và khốc liệt hơn, do hậu quả của biến đổi khí hậu”.

Thông điệp từ Việt Nam

Cũng trong ngày khai mạc, là người được mời phát biểu chính, định hướng cho thảo luận tại phiên đầu tiên về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi tới hội nghị thông điệp từ Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi Thông điệp từ Việt Nam. (Nguồn: VGP)

Chủ tịch nước khẳng định phát triển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia, các nền kinh tế và doanh nghiệp; đòi hỏi sự chung tay hành động.

Nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng, trong các quyết sách của mình, nhà nước cần tính đến các lợi ích lâu dài, có cách tiếp cận toàn diện, từ hạ tầng, tài chính, thương mại đến bảo vệ môi trường và lao động, xã hội…

Tuy nhiên, nhà nước không thể hành động thay các chủ thể trong xã hội mà chỉ đóng vai trò khuyến khích bằng cách tạo dựng thể chế, lợi ích phù hợp để huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, người dân, phát huy các dự án công tư cho tăng trưởng xanh.

Chủ tịch nước nêu ba đề xuất đến cộng đồng doanh nghiệp, gồm:

Thứ nhất, mỗi doanh nghiệp nên có kế hoạch và lộ trình cắt giảm khí thải tuân thủ mục tiêu, các chỉ số quy định của quốc gia về kiểm soát mức phát thải khí nhà kính, tiêu hao năng lượng, xanh hóa các ngành kinh tế, lối sống và tiêu dùng.

Thứ hai, cần đầu tư cho tương lai khi hướng vào các dự án năng lượng sạch, phát triển công nghệ mới với “giá trị xanh” ngày càng cao, xây dựng nền nông nghiệp xanh thông minh; hình thành các chuỗi cung ứng xanh và khuyến khích thay đổi hành vi thân thiện với môi trường của người tiêu dùng.

Thứ ba, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC nên xây dựng “Bộ hướng dẫn thúc đẩy kinh doanh bền vững APEC”, với trọng tâm là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân Việt Nam hiểu rõ nguy cơ và cơ hội đan xen, đồng thời cam kết hành động quyết liệt để chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021 được tổ chức trong hai ngày 11-12/11/2021 tại thành phố Aukland, New Zealand theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Tham dự sự kiện có khoảng 4.500 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng New Zealand, Thủ tướng Australia, Tổng thống Indonesia, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Peru, Thủ tướng Singapore; Thủ tướng Thái Lan,… là những khách mời danh dự của hội nghị năm nay.

Hội nghị gồm 9 phiên thảo luận về các chủ đề: Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu; Tương lai năng lượng; Phục hồi trong và sau đại dịch Covid-19; Các cơ hội từ gián đoạn kỹ thuật số; Tình hình thế giới; Sức mạnh của niềm tin; Ưu tiên của doanh nghiệp trong thời gian tới; Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hướng tới tương lai.

(theo apec.org, VGP)