Cuộc họp thượng đỉnh EU được tổ chức để các các nhà lãnh đạo của khối thảo luận về hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine và các vấn đề liên quan.
Thượng đỉnh EU tại Versaille diễn ra trong 2 ngày 10-11/3. |
Cuộc họp đạt được một số kết quả như sau:
Theo đó, EU nhất trí không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu lửa và khí đốt Nga. Vào giữa tháng 3, một đề xuất có thể sẽ được công bố nhằm loại bỏ dần nhiên liệu Nga vào năm 2027.
Trong tuyên bố chung sau hội nghị, các nhà lãnh đạo EU nhất trí tăng cường khả năng phòng thủ, tăng chi tiêu quốc phòng và tăng cường hợp tác trong các dự án quân sự giữa các thành viên. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nêu rõ, EU cần có cách tiếp cận cứng rắn hơn để đảm bảo an ninh của chính mình.
Trong khi đó, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết, liên minh đang xem xét các vấn đề như chương trình mua sắm quốc phòng chung giữa các nước, đặc biệt là các loại khí tài quân sự đòi hỏi khoản ngân sách lớn mà không phải nước nào cũng có khả năng. Bà cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên EU - 6 trong số đó không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - thực hiện cam kết của liên minh quân sự này là dành ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng.
Về hỗ trợ Ukraine, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel đề xuất tăng gấp đôi tài chính lên mức 1 tỷ Euro để cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng cho biết, đang chuẩn bị cho vòng trừng phạt kinh tế mới nhằm gia tăng áp lực đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông sẽ cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp tục trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông cảnh báo nhà lãnh đạo Nga về "các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ" hơn nữa nếu tình hình căng thẳng tại Ukraine tiếp tục leo thang.
Liên quan vấn đề kết nạp Ukraine, các nhà lãnh đạo EU tuyên bố đây là một quá trình lâu dài, không phải "trong nay mai".
Trước thềm hội nghị này, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune đã nhấn mạnh, việc Ukraine gia nhập EU không phải là vấn đề ngay chốc lát. Theo ông, “cần có thời gian” cho các cuộc tranh luận về việc có hay không để Ukraine nhanh chóng gia nhập EU.
Tuyên bố chung còn nêu rõ, EU khẳng định “sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác để hỗ trợ Ukraine theo đuổi con đường châu Âu của mình”, đồng thời nhấn mạnh, “Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”.
Các đại biểu đã lưu ý đến lá đơn đề nghị cho Ukraine gia nhập EU của Tổng thống Volodymyr Zelensky và giao cho Ủy ban châu Âu chuẩn bị báo cáo về vấn đề này.
Dự kiến báo cáo sẽ được công bố trong vài tuần tới. Sau đó, các lãnh đạo EU sẽ bỏ phiếu về việc trao tư cách ứng viên cho Ukraine. Các bên liên quan sẽ thương lượng và Ukraine phải thực hiện những cải cách cần thiết.
| EU: Phương Tây đã sai lầm khi hứa kết nạp Ukraine vào NATO Ngày 11/3, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nói rằng, phương Tây đã sai lầm khi ... |
| Mỹ, Anh hoan nghênh các cam kết 'chưa từng có', nhất trí tăng hợp tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc tham vấn, các quan chức cấp cao Anh-Mỹ hoan nghênh các cam kết "chưa từng có" ... |