📞

Thượng đỉnh G7: Sóng gió thách thức “câu lạc bộ”

08:26 | 08/06/2018
Không khí tại cuộc họp của “câu lạc bộ giàu có” được dự báo sẽ đầy sóng gió trong bối cảnh tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp.

Ngày 8 - 9/6 tới đây, thượng đỉnh của lãnh đạo nhóm bảy nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) sẽ diễn ra tại thành phố thơ mộng Charlevoix, tỉnh Quebec ở Canada. Được coi là nơi tụ họp của những “ông lớn” nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, hội nghị G7 năm nay lại gây nhiều lo lắng hơn là kỳ vọng.

Hội nghị G6 + Mỹ

Trong cuộc họp G7 cuối tuần này, nhiều khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rơi vào tình thế đơn độc khi cả sáu nước thành viên còn lại bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Anh đều bày tỏ quan ngại và không hài lòng về những chính sách của ông Trump thời gian qua.

Báo chí thế giới đã dùng cụm từ “kẻ gây rối” khi nhắc đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Từ các quy tắc thương mại đến biến đổi khí hậu, từ ngân sách quốc phòng đến thỏa thuận hạt nhân Iran, chính sách bảo hộ “nước Mỹ trước tiên” của ông Trump đang phá vỡ sự đồng thuận toàn cầu tồn tại dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, cùng thông báo của Nhà Trắng về áp mức thuế nhập khẩu thép 25% và nhôm 10% với các sản phẩm nhập từ Liên minh châu Âu (EU) tạo ra một rào cản mới đối với ô tô nhập khẩu thời gian qua, khiến giới chức châu Âu vô cùng giận dữ.

Nguyên thủ các nước thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2017 (Nguồn: Getty Images)

Do đó, không khó để lý giải tại sao Canada, Mexico và EU lại phản ứng gay gắt như vậy với Mỹ. Thống kê cho thấy, sau khi bị Washington áp đặt thuế, lượng thép và nhôm xuất khẩu của các nước này đến xứ cờ hoa năm 2017 chỉ đạt khoảng 23 tỷ USD, gần bằng một nửa (48 tỷ USD) so với năm trước đó.

Sự phản đối này đã phủ bóng lên Hội nghị quan chức tài chính G7 ngày 1/6. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin đã phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt từ Bộ trưởng Tài chính của các nước G7 khác. Đỉnh điểm của những tranh cãi bị đẩy lên cao khi Canada và EU đe dọa sẽ trả đũa Mỹ. Tất cả những phát ngôn của Bộ trưởng Tài chính Mỹ đều bị coi là bao biện và chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”. Kết quả là Hội nghị Bộ trưởng Tài chính kết thúc, song các bên đã không thể đưa ra một tuyên bố chung. Điều này đã cho thấy dấu hiệu rõ nét nhất của sự bất đồng và lục đục nội bộ giữa các nước thành viên G7.

Đáng lo ngại hơn, nhiều đồng minh vốn thân cận với Washington tại châu Âu đang bắt đầu quay lưng với quốc gia này và bắt tay với đối thủ thương mại của nước này. Chuyến thăm lần thứ 11 tới Bắc Kinh kể từ khi đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Đức của bà Angela Merkel đã đảm bảo một sự lựa chọn thay thế đáng kể cho số lượng hàng hóa của Đức nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Thậm chí, bà còn lên ý tưởng về việc tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc. 

Tìm kiếm tiếng nói chung

Thực trạng lục đục giữa Mỹ và phần còn lại G7 đang khiến nhiệm vụ tìm kiếm tiếng nói chung giữa các bên cho hội nghị ngày 8/6 của những nhà ngoại giao trở nên khó khăn hơn. Thể hiện đồng thuận, đưa ra tuyên bố chung sẽ trở thành bài toán cấp bách của thượng đỉnh G7 lần này, nhằm gìn giữ truyền thống nhiều năm của sự kiện vốn được coi là lời khẳng định thường niên về sự đoàn kết giữa các cường quốc lớn nhất phương Tây.

Giới quan sát thừa nhận G7 đang bị chia rẽ bởi nhiều vấn đề chung và kết quả của hội nghị sẽ rất khó đoán. Tín hiệu đồng thuận hiếm hoi tại thượng đỉnh lần này được dự đoán sẽ xoay quanh vấn đề Venezuela. Vào tuần trước, G7 tuyên bố “không công nhận quá trình bầu cử” ở nước này và sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp giữa các Ngoại trưởng G7 trước thềm thượng đỉnh vào cuối tháng Tư, các bên nhất trí duy trì sức ép tối đa với Bình Nhưỡng trong vấn đề phi hạt nhân hóa và khẳng định không bao giờ chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Tất cả đều kì vọng cuộc gặp Mỹ - Triều ngày 12/6 tới đây sẽ đạt được bước tiến cụ thể, hướng tới chấm dứt chương trình hạt nhân, tạo nền tảng thúc đẩy một giải pháp thông qua đàm phán.

Về tổng thể, những khúc mắc còn tồn tại khiến không ít người quan ngại về khả năng tranh luận gay gắt trong cuộc họp sắp tới của G7, đồng thời đặt câu hỏi về tương lai của nhóm này. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia vẫn tin tưởng G7 sẽ tiếp tục hoạt động trên danh nghĩa đồng minh, dù lợi ích nhóm sẽ bị suy giảm. Đạt được tuyên bố chung, thể hiện sự đồng thuận được hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả cuộc hội ngộ giữa bảy nhà lãnh đạo các nước phương Tây vào ngày 8/6 tới.