Động thái này làm dấy lên triển vọng chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Tổng thống Nga trong hơn 1 thập kỷ qua ngay cả khi quan hệ giữa hai cường quốc đang xói mòn.
Thư ký Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết, Nhà Trắng là một trong số “các địa điểm tiềm năng” được thảo luận trong cuộc điện đàm của ông Trump với ông Putin hôm 20/3 vừa qua.
Trước đó, hôm 2/4, Điện Kremlin thông báo ông Trump đã gửi lời mời tới ông Putin trong cuộc điện đàm.
Theo Cố vấn chính sách đối ngoại Yury Ushakov, trong cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo, “ông Trump đã đề xuất tổ chức cuộc gặp đầu tiên tại Nhà Trắng ở Washington” và gọi đó là “một ý tưởng khá thú vị và tích cực”.
Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa có bất kỳ một cuộc thảo luận cụ thể nào về cuộc gặp. Quan hệ song phương Nga - Mỹ đang bị rạn nứt với việc các nhà ngoại giao hai bên bị trục xuất.
Từ phải sang: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước cuộc hội đàm song phương ngày 7/7/2017 tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Hamburg, Đức.(Nguồn: AP) |
Ông Ushakov hy vọng, căng thẳng từ vụ trục xuất các nhà ngoại giao sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận về hội nghị thượng đỉnh và hai nước có thể trở lại với những cuộc đối thoại xây dựng và nghiêm túc.
Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng yêu cầu giấu tên nói rằng, trong cuộc điện đàm trên, ông Trump đã nêu ra khả năng tổ chức một cuộc gặp tại Nhà Trắng theo cách “ngẫu nhiên và để ngỏ”. Quan chức này nhấn mạnh rằng chưa có công cuộc chuẩn bị lớn nào được xúc tiến.
Giới quan sát nhận định, nếu cuộc gặp trên diễn ra, Tổng thống Putin sẽ lần đầu tiên tới tham dự cuộc họp kín tại Phòng Bầu dục kể từ khi ông gặp gỡ Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng năm 2005.
Giới ngoại giao và các nhà hoạch định chính sách đối ngoại đã nêu ra khả năng ông Trump đề xuất gặp ông Putin tại Mỹ mà không đề cập đến nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, cũng như cáo buộc Moscow liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal, điều mà Nga luôn bác bỏ.
Nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings Alina Polyakova nhận định: “Điều này sẽ dẫn tới sự bình thường hóa quan hệ ở mức độ nhất định và chắc chắn chúng ta đang không ở trong bầu không khí bình thường".
Rất nhiều diễn biến đã xảy ra kể từ khi ông Trump và ông Putin tiến hành cuộc điện đàm hôm 20/3.
Kể từ sau cuộc điện đàm, hơn 20 quốc gia, gồm Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga để bày tỏ sự đoàn kết với Anh trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái ông.
Moscow đã phủ nhận cáo buộc dính líu tới vụ tấn công này và trả đũa bằng cách trục xuất số lượng tương ứng các nhà ngoại giao của mỗi nước nói trên.
Tổng thống Trump đã gặp người đồng cấp Putin hai lần với cương vị tổng thống, tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Đức mùa Hè năm ngoái và tại hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam hồi tháng 11/2017.
Nhà lãnh đạo Nga đã tới thăm Nhà Trắng năm 2005, khi Tổng thống Bush lúc đó chào đón ông tại Phòng phía Đông như “một người bạn”. Ông Putin đã tới các thành phố khác của Mỹ trong những năm gần đây, bao gồm chuyến thăm khu nhà của gia đình cựu Tổng thống Bush tại Maine.
Ông Putin cũng gặp gỡ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại các hội nghị thượng đỉnh quốc tế và bên lề hội nghị Liên hợp quốc tại New York (Mỹ).