📞

Thượng đỉnh Nga-Triều Tiên: Sau cuộc gặp gỡ bước ngoặt, không phải hạt nhân, đây mới là lĩnh vực sẽ 'bùng nổ hợp tác'

13:45 | 14/09/2023
Giới quan sát bình luận, ngay sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, thương mại song phương Nga-Triều có dấu hiệu tăng trưởng trở lại sau nhiều năm trì trệ.
Hai nhà lãnh đạo Nga-Triều Tiên trong chuyến thăm Trung tâm Vũ trụ Vostochny của Nga. (Nguồn: Reuters)

Trong chuyến công du đầu tiên sau 4 năm, Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tới Nga gặp Tổng thống Putin và tham dự Diễn đàn kinh tế Viễn Đông. Ông Kim đã nói với Nhà lãnh đạo Nga rằng, cuộc gặp này đã đưa quan hệ song phương Nga-Triều Tiên lên một tầm cao mới.

Như KCNA bình luận - một “sự kiện mang tính bước ngoặt”, sẽ giúp củng cố mối quan hệ chiến lược giữa Nga và Triều Tiên, tất nhiên, trong đó có quan hệ kinh tế.

Sự hội tụ các lợi ích chiến lược

Triều Tiên được đánh giá có tầm quan trọng địa chính trị đặc biệt đối với Nga, xét đến vị trí then chốt của nước này ở Đông Bắc Á và đường biên giới chung nhỏ nhưng mang tính chiến lược.

Trong nhiều năm, thương mại giữa Nga và Triều Tiên bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt quốc tế và chính sách của Triều Tiên. Tuy nhiên, những năm gần đây đã chứng kiến sự thay đổi về động lực phát triển kinh tế, làm nổi bật chiến lược kinh tế quốc tế đang phát triển của Triều Tiên và việc Nga theo đuổi các đối tác thương mại thay thế ở châu Á, mở đường cho việc tăng cường hợp tác song phương.

Trong khi cả hai quốc gia vẫn duy trì mối quan hệ thân mật, bối cảnh địa chính trị hiện tại đang thúc đẩy họ khám phá các mối quan hệ đối tác chiến lược và thương mại sâu sắc hơn.

Trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, cả hai quốc gia đều đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ kinh tế. Thực tế, kết quả trao đổi thương mại hai năm qua đã cho thấy một xu hướng tăng khá rõ ràng.

Mặc dù khó có được con số chính xác, nhưng thương mại song phương năm ngoái được báo cáo đã đạt 120 triệu USD, đánh dấu mức tăng đáng kể so với những năm qua. Tất nhiên, khi so sánh với khối lượng thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc, con số này có vẻ khiêm tốn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, quỹ đạo phát triển quan hệ thương mại song phương Nga-Triều là không thể phủ nhận.

Xét về cơ cấu thương mại song phương, từ lâu, Nga đã xuất khẩu dầu thô, sản phẩm dầu mỏ, than đá, máy móc và sản phẩm khai thác gỗ sang Triều Tiên. Đổi lại, Triều Tiên chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô và lao động (lao động Triều Tiên ở nước ngoài).

Hàng nghìn công nhân Triều Tiên, nổi tiếng với tính kỷ luật và đạo đức làm việc, đã tìm được việc làm trong lĩnh vực xây dựng và gỗ của Nga. Đây không chỉ là nguồn thu quan trọng cho Bình Nhưỡng mà còn đóng vai trò là cầu nối ngoại giao, củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Trong khi đó, các công ty Nga đã thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực khai thác mỏ của Triều Tiên, đặc biệt là trữ lượng kim loại đất hiếm khổng lồ.

Đồng thời, các sản phẩm của Triều Tiên, trong đó có nông sản, thuốc Đông y… đã tìm được thị trường ngày càng lớn ở Nga.

Ngoài thương mại, động lực đầu tư đang dần lớn mạnh. Đầu tư giữa hai nước tuy còn hạn chế nhưng có dấu hiệu tăng trưởng tiềm năng. Đầu tư của Nga vào các Đặc khu kinh tế của Triều Tiên, đặc biệt là Khu kinh tế Rason, là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn của nước này đối với mối quan hệ chiến lược.

Những khu vực đặc biệt này được thiết kế để thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại cơ hội sinh lời cho các doanh nghiệp Nga, từ sản xuất đến hậu cần. Các lĩnh vực mà hai bên đều rất quan tâm, bao gồm năng lượng, cơ sở hạ tầng và khai thác mỏ.

Nga - với kinh nghiệm phong phú về phát triển cơ sở hạ tầng ở những địa hình đầy thách thức, coi nhu cầu phát triển đường sắt, đường bộ và cảng của Triều Tiên là một cơ hội quan trọng.

Trong khi, ở phía bên kia, nhu cầu cơ sở hạ tầng của Triều Tiên rất lớn. Nhu cầu phát triển đường sắt, đường bộ và cảng của đất nước này phù hợp với khả năng phát triển cơ sở hạ tầng của Nga. Và tất nhiên, các tập đoàn Nga không thể bỏ lỡ cơ hội “có một không hai” này, họ đã sớm bày tỏ sự quan tâm đến các lĩnh vực này của Triều Tiên khi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng to lớn từ đây.

Giới phân tích nhận định, câu chuyện liên kết kinh tế Nga-Triều Tiên gắn bó chặt chẽ với tương tác chiến lược và chính trị. Gần đây, sự tập trung đặc biệt của Triều Tiên vào việc hiện đại hóa nền kinh tế và tiến bộ khoa học, cùng với chính sách “Hướng Đông” của Nga, có thể mở đường cho các mối quan hệ được củng cố và có thể báo trước những triển vọng đầy hứa hẹn.

Triều Tiên - theo quan điểm của Nga, đóng vai trò là đối trọng trước ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Mỹ trong khu vực. Nga đã và đang ủng hộ tiếng nói của Triều Tiên tại các diễn đàn châu Á đa phương và nhận thấy sự hội tụ các lợi ích chiến lược ở nơi đây.

Với sự tham gia ngày càng tăng của Triều Tiên vào các diễn đàn đa phương khu vực và sự sẵn sàng tham gia của Nga, theo dự báo, kể cả bỏ qua vấn đề quân sự hay hạt nhân, những năm tới có thể chứng kiến mối quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế mạnh mẽ hơn giữa hai quốc gia có mối liên hệ lịch sử này.

Hóa giải thách thức, tăng cường cơ hội

Tất nhiên, con đường dẫn đến đầu tư song phương mạnh mẽ không phải là không có trở ngại. Các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên đã làm phức tạp các quy trình giao dịch và ngân hàng, khiến hoạt động kinh doanh gặp nhiều thách thức.

Ngoài ra, việc thiếu dữ liệu chi tiết, minh bạch từ Triều Tiên khiến các nhà đầu tư tiềm năng của Nga cũng khó đưa ra các quyết định sáng suốt.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, trong đó có các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây có thể cản trở sự tiến bộ nhanh chóng trong hợp tác, nhưng nền tảng cho sự phát triển và tăng trưởng trong tương lai đã được “gieo mầm”.

Hiện tại, Nga-Triều Tiên có tiềm năng cho nhiều chương trình trao đổi sinh viên, tương tác văn hóa và hợp tác khoa học, vì cả hai quốc gia đều có lịch sử phong phú về năng lực học thuật và khoa học. Vì thế, hợp tác phát triển về công nghệ và đổi mới có thể là “đường biên giới” được gỡ bỏ tiếp theo.

Giới quan sát đánh giá, cuộc xung đột Nga-Ukraine trở thành một sự kiện then chốt, đóng vai trò là chất xúc tác cho những thay đổi lớn hơn trong trật tự toàn cầu. Khi Nga định hướng lại các chiến lược và ưu tiên của mình, mối quan hệ của nước này với Triều Tiên nổi lên như một phần an ủi giữa đám mây bất ổn địa chính trị.

Sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Triều Tiên phản ánh sự điều chỉnh chiến lược đối với thực tế địa chính trị Đông Bắc Á. Cả hai quốc gia đều đang điều hướng rõ ràng lợi ích của mình dựa trên hoàn cảnh khu vực và toàn cầu hiện tại. Và việc Triều Tiên gần đây đã mở 6 văn phòng thương mại ở Nga đã nói lên nhiều điều.

Ngoài ra, về một mối quan hệ quan trọng khác, chắc chắn khiến Bình Nhưỡng luôn trân trọng, khi Nga luôn là nhà cung cấp hỗ trợ nhân đạo hào phóng cho Triều Tiên, đặc biệt là trong giai đoạn nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.

Viện trợ này thường ở dạng hàng hóa thiết yếu giảm giá, chủ yếu là các nguồn năng lượng như than và dầu. Ngoài ra, đã có những trường hợp Nga giảm nợ và tái cơ cấu cho Triều Tiên, cũng là một thực tế phản ánh sự ràng buộc kinh tế và gần gũi về chính trị giữa hai quốc gia.

(theo Russia-briefing, KCNA)