TIN LIÊN QUAN | |
Thượng đỉnh 3 bên về Syria: Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran nhất trí thúc đẩy nỗ lực hòa bình | |
Nga, Syria nhất trí về danh sách Ủy ban Hiến pháp Syria |
Lãnh đạo ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại Ankara ngày 16/9/2019. (Nguồn: AFP) |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tới Ankara vào ngày 16/9 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước bảo trợ lệnh ngừng bắn ở Syria. Chủ đề chính trong sự kiện lần này là giảm leo thang căng thẳng tại Idlib và thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria.
Phát biểu sau họp báo chung, Tổng thống nước chủ nhà cho biết ba bên đã nhất trí về cách tiếp cận linh hoạt nhằm thúc đẩy nỗ lực hòa bình tại Syria thông qua giải pháp chính trị, loại bỏ các vấn đề cản trở và phối hợp với Liên hợp quốc để hoàn thiện thành phần xây dựng Ủy ban Hiến pháp,
Về giảm căng thẳng tại Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng tình hình cần sớm được kiểm soát để khu vực này không trở thành “hành lang khủng bố”, đề xuất giải pháp xây dựng thành phố riêng cho người tị nạn sinh sống. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong 24h tại Ankara giữa lãnh đạo ba quốc gia bảo trợ cho lệnh ngừng bắn ở Syria rõ ràng là nhiều hơn thế.
Thu hẹp bất đồng
Một trong những nội dung “bên lề” đó là nỗ lực của Nga trong việc thu hẹp bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ. Các chiến dịch quân sự lớn của Ankara sau cuộc gặp gỡ lần thứ tư tại Sochi đã đe dọa tới sự tồn vong của Damascus và buộc Moscow phải ra tay, bởi chiến sự tại Idlib là ưu tiên hàng đầu đối với Nga, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria.
Trước chuyến đi, Bộ Quốc phòng Nga đã có động thái mào đầu khi tuyên bố hoàn tất giai đoạn hai trong chuyển giao hệ thống tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, thể hiện cam kết đối với quan hệ Moscow – Ankara. Trước thềm gặp ba bên, ông Putin cũng thảo luận riêng với ông Erdogan và ông Rouhani. Đáng chú ý, cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến kết thúc trong một giờ, song đã kéo dài tới hơn hai giờ thảo luận sôi nổi. Tâm huyết của ông Putin và ông Erdogan đã ít nhiều được đền đấp thông qua bản tuyên bố cuối cùng với 14 điểm.
Theo đó, Moscow và Ankara đồng ý tiếp tục tuân thủ cam kết tại Sochi về Idlib ngày 17/9/2018, xây dựng khuôn khổ giải quyết bất đồng song phương ở khu vực này. Hai bên cũng khẳng định sẽ hoàn thiện cơ chế phối hợp tác chiến nhằm tôn trọng các mối quan tâm về mặt an ninh tại đây. Điều này đồng nghĩa rằng chiến dịch tấn công của Chính phủ Syria do Moscow hậu thuẫn nhắm vào nhóm Hayat Tahrir al-Sham và một số lực lượng Damascus cho là “khủng bố” sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ mong Nga tuân thủ cam kết, không gây tổn hại đến căn cứ quân sự và các nhóm đối lập thân Ankara.
Một nội dung đáng chú ý khác trong tuyên bố 14 điểm chính là lập trường thay đổi của Nga trong vấn đề “vùng an toàn”. Trước đó, nhà lãnh đạo Nga từng cho rằng “vùng an toàn” do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập là cách để giảm tải gánh nặng người nhập cư của Ankara. Song giờ đây, Tổng thống Putin khẳng định: “Mọi vấn đề cần được giải quyết trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi tin rằng việc chia Syria thành các vùng ảnh hưởng là không thể chấp nhận được”.
Đây rõ ràng là cách Nga “đuổi khéo” Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng một khi an ninh quốc gia được đảm bảo, Ankara nên ngưng các chiến dịch quân sự của mình tại Syria, tránh tổn hại đến chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Chiến sự tại tỉnh Idlib của Syria tiếp tục diễn biến phức tạp. (Nguồn: AFP) |
Quan điểm này đã nhận được sự tán thành của ông Rouhani, người cho rằng “người Syria cần có quyền quyết định tương lai của họ mà không chịu sự can thiệp hay áp lực đến từ bên ngoài”. Ông cũng ủng hộ thỏa thuận Adana, đề xuất được ông Putin đưa ra nhằm hòa giải mối quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ngoài ra, Tổng thống Rouhani ít nhiều đã thỏa lòng sau khi ông Putin và ông Erdogan đều lên tiếng chỉ trích các cuộc tấn công của Israel tại Syria, cho đây là hành động “gây mất ổn định, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, khiến bao lực leo thang trong khu vực”.
Xóa nhòa khoảng cách
Cuối cùng, cuộc gặp gỡ tay ba này đã được nguyên thủ Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng như một diễn đàn không chính thức nhằm tăng cường hợp tác, thể hiện tầm ảnh hưởng thông qua chính sách đối ngoại khu vực, vượt ra khỏi khuôn khổ của tình hình Syria. Ông Rouhani cho rằng: “Mở rộng hợp tác giữa ba quốc gia sẽ là chìa khóa bảo đảm nhằm giải quyết tình hình tại Syria và những khủng hoảng khu vực khác. Về lâu về dài, những kẻ ngoại đạo sẽ sớm rời khỏi đây, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục là anh em thân thiết”. Iran còn nhiều lợi ích hợp tác với Nga và “kẻ ngoại đạo” được đề cập ở đây hẳn là Mỹ.
Ông Putin thì thoải mái hơn khi bông đùa rằng: “Chúng tôi đã chuẩn bị giúp đỡ Saudi Arabia bảo vệ đất nước. Giới cầm quyền tại Riyadh chỉ cần đưa ra một quyết định khôn ngoan hơn, như Iran khi mua hệ thống tên lửa S-300 và ông Erdogan khi đón nhận hệ thống tên lửa S-400. Các hệ thống này sẽ bảo vệ cho bất kỳ cơ sở lọc dầu nào của Saudi Arabia”.
“Trò đùa” của nhà lãnh đạo Nga đã khiến các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, quốc gia bị Mỹ cáo buộc đứng đằng sau vụ tấn công, suýt chút nữa bật cười thành tiếng. Sự tương tác thú vị giữa nguyên thủ ba nước khi ấy có thể là tiền đề để mở rộng hợp tác, không chỉ về vấn đề Syria mà vượt xa hơn để vươn tới tầm khu vực và quốc tế.
Minh Quân
Chuẩn bị Thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ lệnh ngừng bắn ở Syria TGVN. Bộ phận báo chí của Phủ Tổng thống Syria ngày 15/9 ra thông báo cho biết Tổng thống nước này Bashar Al-Assad cùng ngày đã ... |
Tướng Mỹ McKenzie tiết lộ kế hoạch điều quân của Lầu Năm góc tại Syria TGVN. Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ngày 13/9 khẳng định, Lầu Năm Góc sẽ không điều thêm quân ... |
Ngoại trưởng Nga: Chiến tranh ở Syria đã thực sự kết thúc, Moscow kêu gọi các bên duy trì tiếp xúc TGVN. Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, chiến tranh ở Syria "đã thực sự kết thúc". |