📞

Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc: Nút thắt kinh tế sẽ được gỡ?

Dương Hà 14:12 | 16/11/2021
Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ để ngỏ khả năng loại bỏ thuế quan, trước vô số khó khăn đang thách thức nền kinh tế số 1 thế giới.
Trực tuyến thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc: Nút thắt kinh tế sẽ được gỡ?. (Nguồn: Globaltimes)

Bức ảnh được THX công bố trước khi cuộc hội đàm bắt đầu, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, đồng thời là Trưởng đoàn Đối thoại kinh tế Mỹ-Trung và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đều nằm trong số các thành viên quan trọng tham dự cuộc họp.

Cuộc gặp được đánh giá có ý nghĩa lịch sử trong việc xác định lại tương lai quan hệ Trung - Mỹ, diễn ra trong bối cảnh Washington bỏ ngỏ khả năng loại bỏ thuế quan trừng phạt đối với một số hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, lạm phát đã tăng vọt ở Mỹ, khiến niềm tin người tiêu dùng lung lay và chuỗi cung ứng đứt gãy khiến cộng đồng doanh nghiệp không khỏi lao đao.

Bởi vậy, theo giới phân tích, cuộc nói chuyện của lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nhấn mạnh mong muốn của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc mở rộng quan hệ với Bắc Kinh, nhằm giảm bớt các thách thức kinh tế của Mỹ. Hai bên có thể thảo luận về một số vấn đề kinh tế và thương mại cùng quan tâm, chẳng hạn như phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô.

Gao Lingyun, một chuyên gia tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết, giá cả ổn định trong xuất khẩu của Trung Quốc có thể là yếu tố then chốt để Mỹ duy trì tỷ lệ lạm phát ở một mức nhất định.

Giới phân tích cũng cho rằng, đây có thể là một trong những lý do chính khiến Washington phát đi những tín hiệu tích cực nhằm tạo không khí tốt cho cuộc gặp.

Ông Gao cho biết thêm: “Nếu cuộc đàm phán mang lại kết quả tích cực trong các lĩnh vực kinh tế, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể ít xung đột hơn và có nhiều cạnh tranh lành mạnh hơn trong tương lai”.

He Weiwen, một cựu quan chức thương mại cấp cao và là thành viên của Hội đồng điều hành Viện Nghiên cứu WTO của Trung Quốc, cho rằng các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo có thể tập trung nhiều hơn vào các vấn đề chiến lược.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng đề cập việc Mỹ nên dỡ bỏ thuế quan, bởi đây không chỉ là động thái vi phạm các quy định của WTO, mà nó còn giống như việc “Mỹ đang nâng một tảng đá lên chỉ để rơi vào chính đôi chân của mình”.

Giới phân tích cũng dự đoán, một số cuộc họp cấp thấp hơn có thể được tổ chức sau đó để triển khai một số vấn đề tiếp theo, dựa trên kết quả của cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến này.

Zhou Mi, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu châu Mỹ và châu Đại Dương, thuộc Học viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc cũng cho rằng, "các cuộc tham vấn về thuế quan có thể được thu xếp sau cuộc họp cấp cao nhất".

Trong khi đó, về phía Mỹ, một ngày trước cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập, Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng, việc loại bỏ thuế quan do chính quyền cựu Tổng thống Trump áp đặt lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc “sẽ tạo ra một số khác biệt” về lạm phát. Bà Yellen cũng cho biết thêm, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đang “xem xét lại” thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Bắc Kinh.

Trong một bức thư gửi Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vào tuần trước, hai chục hiệp hội doanh nghiệp Mỹ đã thúc giục chính quyền Tổng thống Biden loại bỏ thuế quan và mở rộng phạm vi miễn thuế nhập khẩu.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ hết hạn vào ngày 31/12. Theo thỏa thuận, Trung Quốc đã cam kết tăng mua các sản phẩm của Mỹ trong khoảng thời gian hai năm, trong khi Mỹ thực hiện cam kết lùi thuế đối với hàng hóa Trung Quốc theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, kết quả của Thỏa thuận không được phía Mỹ đánh giá cao. Theo báo cáo từ Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) công bố ngày 7/2/2021, phần lớn thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc cách đây 1 năm đã “thất bại”. Vào tháng 10, hai vòng đàm phán thương mại giữa các quan chức cấp cao Mỹ-Trung Quốc đã được tiến hành, nhất trí sẽ tiếp tục tham vấn về các vấn đề còn tồn tại.

(theo Globaltimes)