📞

Thương mại điện tử 'chắp cánh' cho hàng Việt bay xuyên biên giới

15:05 | 07/03/2023
Thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành xu hướng phát triển toàn cầu. Điều này đã mang lại cho DN Việt nhiều cơ hội đưa sản phẩm vượt biên giới, vươn tầm quốc tế.
Một gian hàng nông sản Việt trên sàn thương mại điện tử Alibaba. (Nguồn: Vietnamnet)

Ngồi một chỗ, bán hàng toàn cầu

Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW Trần Thị Yến Phi cho biết, từ doanh thu 3.000 USD cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua sàn TMĐT Alibaba, đến nay con số này tăng lên 260.000 USD. Tiếp đà tăng trưởng này, DSW đặt mục tiêu thời gian tới kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 triệu USD, tiếp tục đưa hàng Việt Nam vào thị trường EU.

DSW không phải là đơn vị duy nhất tận dụng TMĐT xuyên biên giới để tăng kim ngạch xuất khẩu, hiện rất nhiều doanh nghiệp đã thành công khi chuyển hướng bán hàng thông qua các sàn TMĐT. Từ kinh nghiệm thực tế đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Amazon quảng bá, tiêu thụ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải đánh giá, dù mới hợp tác với Amazon Global Selling từ đầu năm 2022, nhưng Sunhouse đã thu được những kết quả kinh doanh bước đầu vượt mong đợi. "Với chỉ số tăng trưởng trung bình mỗi tháng đạt mức 160 - 200%, đặc biệt là tại thị trường Bắc Mỹ. Tôi tin rằng, sàn TMĐT Amazon sẽ đóng vai trò quan trọng trong hành trình đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế''- ông Hải khẳng định.

Theo Giám đốc Quốc gia Alibaba.com khu vực châu Á - Thái Bình Dương Roger Luo, ở thời điểm hiện tại, trên nền tảng Alibaba.com đã có 59% nhà cung cấp Việt Nam trong các ngành hàng thực phẩm và đồ uống, nông nghiệp, nhà cửa và vườn tược, xây dựng, làm đẹp… có xếp hạng sao cao.

“Hiện trên Alibaba.com niêm yết 800.000 sản phẩm Việt, trung bình 1 tháng có hơn 70.000 tin nhắn hỏi mua hàng Việt Nam của người tiêu dùng trên thế giới”- ông Roger Luo thông tin. Không riêng Alibaba, Giám đốc đối tác chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam Đỗ Hồng Hạnh cho hay, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam qua kênh Amazon tăng tới 80%, đã có gần 10 triệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu qua các nền tảng TMĐT.

Thông qua các sàn TMĐT như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global…, người tiêu dùng trên thế giới có thể mua hàng với số lượng lớn hoặc mua lẻ từ các nhà bán hàng Việt Nam. Thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), hiện trên địa bàn thành phố có tới 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng đã có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về TMĐT. Nhiều doanh nghiệp trong số đó sử dụng các sàn TMĐT làm kênh đưa sản phẩm nông sản thành phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất, gia dụng hoặc sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiên nhiên…ra thế giới.

Còn nhiều việc phải làm

Thông tin từ Bộ Công Thương, mặc dù TMĐT tạo cơ hội cho doanh nghiệp đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng thế giới tuy nhiên số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp qua các sàn TMĐT còn khiêm tốn, chiếm tỷ lệ nhỏ trong số 200.000 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa thực sự tiếp cận các sàn TMĐT thế giới là do phải đối mặt với việc thiếu nguồn nguồn lực, nhân sự, công nghệ. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nêu rõ, để ngồi một nơi mà bán được sản phẩm tới người tiêu dùng toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp cần chuẩn bị nhân lực chất lượng cao, biết ngôn ngữ bản địa của khách hàng, có chuyên viên trả lời online 24/24h.

Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp qua các sàn TMĐT còn khiêm tốn, chiếm tỷ lệ nhỏ trong số 200.000 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Thêm vào đó, doanh nghiệp cần có nhân sự chăm sóc gian hàng một cách liên tục, đảm bảo phục vụ khách hàng tốt nhất. “Đặc biệt, doanh nghiệp cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu... trong khi đây lại là mặt yếu của doanh nghiệp Việt”- ông Cung phân tích.

Dưới góc độ doanh nghiệp Phó Chủ tịch Hanoisme Mạc Quốc Anh phản ánh mặc dù doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhận được một số chính sách hỗ trợ triển khai chuyển đổi số, ứng dụng TMĐT trong kinh doanh. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này còn nhỏ lẻ, nên các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về nguồn lực nhân sự có trình độ kỹ năng về lĩnh vực này. Bên cạnh đó hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT như hạ tầng hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics hiện thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối.

Để giúp doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các sàn TMĐT xuất khẩu hàng Việt ra thế giới, Giám đốc kinh doanh quốc tế và xuất nhập khẩu Công ty Mê Trang Dương Khánh Toàn kiến nghị, doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ nguồn lực trong việc tiếp cận kênh kinh doanh thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới, cụ thể doanh nghiệp mong muốn được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú khẳng định, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các DN Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới, đồng thời tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng.

Phản ánh của các đơn vị sản xuất, kinh doanh cho thấy, để doanh nghiệp Việt Nam làm quen với khái niệm và thủ tục liên quan đến xuất khẩu hàng Việt thông qua sàn TMĐT xuyên biên giới cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các sàn TMĐT.

(theo Báo Kinh tế & Đô thị)