Cảnh bà Nhung đến nhà bà Nga xin nhận lại con gái trong tập 7 phần 2 Thương ngày nắng về. |
Thương ngày nắng về 2 trình chiếu trên VTV3 tiếp tục thu hút khán giả khung giờ vàng với những câu chuyện xoay quanh gia đình bà Nga (NSƯT Thanh Quý). Nội dung phần 2 của bộ phim nói về cuộc chiến tranh giành con cực kỳ căng thẳng.
Trong tập 7 của Thương ngày nắng về phần 2 mới trình chiếu tối 18/4, bà Nhung đã tìm đến gặp bà Nga để nhận lại con. Tuy nhiên, bà Nhung bị bà Nga mắng như tát nước vì đã bỏ rơi con.
Chia sẻ về phân đoạn bùng nổ cảm xúc này, NSƯT Thanh Quý cho hay, đây thực sự là một cảnh quay đáng nhớ với bà trong Thương ngày nắng về phần 2.
Khi bà Nhung trình bày rằng do hoàn cảnh khó khăn thì ba Nga tiếp tục đay nghiến mẹ ruột của con gái: "Cô bảo cô cùng quẫn rồi, không còn con đường nào khác.
Ngày tôi sang làng cô tìm, người ta bảo với tôi cô đi lấy chồng rồi, mà chồng rất giàu, xe đưa xe đón cơ mà. Vì không mang được con theo nên cô mới hất sang nhà tôi đúng không?".
Bà Nhung chỉ biết khóc và cầu xin bà Nga: "Chị cho em nói, xin chị hãy nghe em".
Ngay khi bà Nga đã mủi lòng trước lời giải thích của bà Nhung thì người chị Vân Khánh (Lan Phương) xuất hiện, nói ra chuyện Trang 10 năm nay vẫn ở Hoàng Kim để đợi mẹ, gần đây còn liên tục bị mẹ ruột hành hạ.
Chuyện này như một gáo nước lạnh dội lên đầu cả bà Nga lẫn bà Nhung. Trong khi bà Nga tủi hờn vì phát hiện ra con gái vẫn đau đáu chuyện tìm mẹ thì bà Nhung xót xa vì mình đã làm khổ con gái bao lâu nay.
Cuối cùng, bà Nga thẳng tay đuổi bà Nhung ra khỏi nhà. Hai người phụ nữ cách nhau một cánh cửa, cùng đau đớn, khóc nghẹn vì một đứa con.
Phân cảnh xin nhận con với diễn xuất bùng nổ của hai diễn viên gạo cội đã lấy đi của khán giả không ít nước mắt.
Người xem thương bà Nga vì cảm giác hụt hẫng, đau lòng, thất vọng đều hiện lên trên ánh mắt của bà, nhất là đoạn bà mẹ này ngồi thụp xuống với bao nhiêu uất nghẹn không nói thành lời.
Đứa con gái mà bà thương yêu hết mực lúc nào cũng nghĩ về mẹ ruột. Bị mẹ ruột đối xử bất công lại chạy về khóc với mẹ nuôi.
Người xem cũng dành không ít lời khen ngợi cho NSND Minh Hòa bởi đã truyền tải rất chân thực cảm giác hối hận, đau đớn khi biết mình chính là người đã hành hạ, chèn ép con gái bấy lâu.
Vì trong suy nghĩ, bà Nhung luôn xác định con mình đã chết rồi nên lúc đó chỉ sống trong nỗi hận và ôm mục tiêu trả thù mà không nhận ra con gái.
Chia sẻ về cảnh quay trên, NSƯT Thanh Quý cho hay, khi tiếng "bắt đầu" của đạo diễn vang lên thì cảm xúc của nhân vật đã dẫn dắt bà đi. Bà nắm bắt tính cách của nhân vật và đặt mình vào trong hoàn cảnh của bà Nga. Cứ như thế, cảm xúc diễn ra một cách tự nhiên.
"Nhắc đến thành công của cảnh quay không thể không kể đến diễn xuất của Minh Hòa. Ánh mắt van lơn, cử chỉ, lời nói của Hòa… đã đưa đẩy cảm xúc giúp tôi nhập vai tốt hơn. Hai chị em phải phối hợp ăn ý thì cảnh quay mới diễn ra suôn sẻ được như vậy".
Theo NSƯT Thanh Quý, trước phân đoạn này, bà và diễn viên Minh Hòa không phải tập hay thảo luận nhiều. Điều quan trọng là cả hai phải thuộc lời thoại để không bị lỡ nhịp của người kia.
"Cảnh này được quay đi quay lại vài ba lần song không phải vì diễn viên diễn xuất chưa đạt là nhằm để đạo diễn lấy được nhiều góc (góc toàn cảnh, góc cận mặt, góc máy cao…)", diễn viên Thanh Quý cho hay.
Để giữ được nhịp độ cảm xúc giữa các lần quay này, NSƯT Thanh Quý đã phải tập trung cao độ. Bà chia sẻ: "Khi quay phim, những trường đoạn mang tính sinh hoạt đời thường thì diễn viên có thể để cảm xúc thoải mái. Còn những trường đoạn như cảnh nhận con trong tập 7 thì cần tập trung cao độ.
Khi nghỉ giữa các lần quay, tôi thường ngồi một chỗ, không giao tiếp với ai để bảo toàn cảm xúc của nhân vật. Tôi giữ tâm trạng bình thản, không để bị ảnh hưởng bởi chuyện gì cáu giận, bực bội hay vui mừng quá mức.
Chỉ có như thế thì cảm xúc của nhân vật mới không bị lơi đi. Diễn đi diễn lại mấy lần nhưng vẫn là bà Nga đang đau đớn đối chất với người mẹ đẻ đã bỏ rơi đứa con mình nhiều năm".
Trước đó, NSƯT Thanh Quý cho hay, vì đã đóng nhiều những vai đanh đá, sắc sảo nên nhân vật người mẹ như bà Nga là vai diễn bà mong ước bấy lâu.
Trước đây, khi thấy NSND Trung Anh thể hiện hình tượng ông bố trong phim Về nhà đi con làm mưa làm gió khắp màn ảnh, NSƯT Thanh Quý cũng mong lúc nào đó trên phim có một bà mẹ gây ấn tượng mạnh, có nhiều đất diễn, có độ dài, có câu chuyện để cân đối về hình ảnh người bố, người mẹ.
Sau này, khi được đạo diễn mời vào vai bà Nga, bà cảm thấy rất may mắn và trân trọng.
"Khi nhận vai bà Nga, mới đầu tôi cũng khá lo. Lo là làm thế nào để bắt được tinh thần của nhân vật. May mắn là khi diễn thì "thiên thời địa lợi", được đạo diễn, được các bạn diễn xúc tác nên tôi càng diễn càng say", nữ diễn viên chia sẻ.
Bằng kinh nghiệm của một diễn viên gạo cội nhiều năm, NSƯT Thanh Quý đã hóa thân thành công vào vai một người phụ nữ tần tảo với gánh bún riêu nhưng vẫn chăm lo chu toàn cho 3 người con và cậu em trai.
Từ khi còn trẻ cho tới lúc xế chiều, bà dường như chưa có một ngày nào nghỉ ngơi. Không chỉ thể hiện đầy đủ đức tính của người mẹ, người phụ nữ truyền thống chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, bà Nga còn có những "tật xấu" như hay kể lể, áp đặt con cái, lo xa quá mức.
Theo NSƯT Thanh Quý, người phụ nữ Việt Nam nào cũng nhìn thấy mình trong bà Nga nên nhân vật này càng dễ dàng có được sự đồng cảm, yếu mến của khán giả.