Nhỏ Bình thường Lớn

Mai trắng thế - thú chơi Tết Hà thành

Hoa mai là loài hoa đẹp nhất trong "Thập đại danh hoa" xưa vừa mang biểu tượng của cốt cách người quân tử, lại vừa mang bóng dáng thiếu nữ mình hạc sương mai trong trắng.Vì vậy, từ bao đời nay, thú chơi mai vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là thú chơi mai trắng thế trên đất Hà Thành.
Vợ chồng anh Sơn bên những cây mai ngày Tết.


"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" hai câu thơ do Thiền sư Mãn Giác thời Lý xuất thần để lại và được nhà thơ Ngô Tất Tố dịch rằng: "Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai"…

Vẻ đẹp tương phản

Câu thơ trên chỉ là một trong nhiều vần thơ đẹp, trong kho tàng thi ca từ đời Lý, Trần, Lê lột tả vẻ đẹp cũng như sức sống mãnh liệt của mai. Hoa mai là loài hoa đứng đầu trong "thập đại danh hoa" (Mai, Thủy tiên, Ngọc lan, Đỗ quyên, Sơn trà, Hồng, Sen, Cúc, Quế, Mẫu đơn). Hoa mai trắng hay còn gọi là bạch mai-nhất chi mai với thân cây đen bóng, cành gầy guộc nhưng có sức sống mãnh liệt, vượt qua mùa Đông buốt giá tới mùa Xuân đơm những bông hoa trắng mỏng manh, hương thơm dịu nhẹ.

Cũng chính vì vậy, người xưa xem nhất chi mai như khí tiết người quân tử. Cụ Thánh thơ Cao Bá Quát còn bày tỏ lòng ngưỡng mộ hoa mai rằng: "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" (Mười năm lặn lội tìm gươm báu/ Một đời riêng phục có hoa mai). Đại thi hào Nguyễn Du lại mượn mai mà tả nét đẹp quý phái đoan trang của chị em Thúy Kiều: "Mai cốt cách, tuyết tinh thần/ Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười".

Với vẻ đẹp và cốt cách như vậy, nhất chi mai đi vào chiều sâu tâm thức của người dân Việt, người Hà thành từ bao đời nay, thành một thú chơi tao nhã này.

Nghề trồng lắm công phu

Hà Nội ngày nay, đang dần phục hồi thú chơi mai ngày Tết. Trong đó nhiều cây mai xuất xứ từ vườn mai Tứ Liên - Nhật Tân. Theo chân những cây mai mang thương hiệu "Mai Thế Ngọc Sơn", tôi đến vườn mai của doanh nghiệp Mai Thế Ngọc Sơn, vùng hoa Tứ Liên- Nhật Tân trên diện tích rộng trên 300 m2. Vợ chồng anh Sơn chị Ngọc có ba khu vườn: Vườn ươm, vườn tạo dáng và vườn mai thành phẩm với khoảng hơn 400 bình, chậu, cây mai thế.

Anh Sơn chia sẻ: "Chăm mai phải có tâm: Thanh tâm-lúc chăm sóc mai tấm lòng thanh thản,nhẹ nhõm; Tĩnh tâm -trồng mai đừng vội nghĩ sẽ kiếm được bao nhiêu tiền; Chú tâm -trồng mai tập trung vào chăm sóc mai”.

Theo chủ doanh nghiệp này, “trồng mai nói dễ thì rất dễ mà nói khó thì rất khó”. Dễ trồng là vì dù thời tiết có khắc nghiệt ra sao nó vẫn có thể sống. Sức sống của mai mạnh mẽ. Nhưng nói khó trồng cũng đúng vì cây mai không "ăn bẩn"; cây mai không chịu tưới nước bẩn, không biết chăm mai sẽ chết tay, chết tán. “Chúng tôi phải tưới cho mai bằng nước ủ đỗ tương nên cuối năm có thể để trên ban thờ được", anh nói.

Học theo người xưa

Giới sành chơi, những học giả, văn nghệ sĩ hay người lớn tuổi trong ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà thành vẫn thích bày một cây mai trong ngày Tết. Chơi mai phải chơi kỹ. Mai phải có dáng trực (mọc vươn lên) hoặc dáng huyền (mọc xuống). Mai có nhiều thế: thăng long (rồng bay lên), long giáng (rồng lượn xuống), thác đổ, phụ tử, mẫu tử, song thụ (2 cây to đứng song song), lão mai- tiểu đồng (cây to trước, cây bé sau), ngũ phúc….

Mai trắng đẹp nhất khi hàm tiếu. Lúc đó, trên cây có vài bông bắt đầu nở trắng, vài nụ phớt hồng he hé, lộc mơn mởn. Màu lá xanh non, hoa trắng muốt, đặt trên một bàn ghế gỗ, phía dưới lót một tấm lụa màu để cánh hoa rụng xuống rất đỗi nên thơ.

Anh Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch tập đoàn Phúc Thanh vừa ngắm cây nhất chi mai với thế ngũ phúc vừa vịnh thơ rằng: "Ngũ phúc bén duyên phụ tử đài/Lương quý hợp thành nhất chi mai/Xuân hồi hoa khai ân đức vượng/Đáo gia tài lộc phúc trùng lai" (Vịnh cây mai thế Ngũ Phúc Phục tử). Chính sự tao nhã của thú chơi nhất chi mai ngày Tết đã và đang làm thăng hoa nét đẹp văn hóa cổ truyền mỗi độ Tết đến xuân về.

Các loại cây thế chơi ngày Tết

- Cây mai trắng thế giá từ 500 nghìn đồng đến 40 triệu đồng. Thuê giá khoảng một nửa giá bán.

- Cây đào thế từ 200 nghìn đồng - 40 triệu đồng

- Cây quất thế: 1- 10 triệu đồng

- Được cấy ghép từ những cành linh chi đỏ, giá bán từ 700.000 đồng cho đến 4 - 5 triệu đồng

- Cây phật thủ thế dao động từ 1,6 triệu - 4,5 triệu đồng

- Cây bưởi thế dao động từ 2 triệu- 40 triệu đồng

(Các cây đều phụ thuộc vào dáng, thế cây, kích cỡ to nhỏ mà có giá cao hay thấp)


Minh Hòa