📞

Thượng viện Nga bật đèn xanh cho ông Putin điều quân đến Đông Ukraine, nói không còn lựa chọn khác

Bảo Hà 06:50 | 23/02/2022
Ngày 22/2, Thượng viện Nga đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin về việc điều động quân đội ra nước ngoài để hỗ trợ lực lượng ly khai ở Ukraine.
Một cuộc họp của Thượng viện Nga. (Nguồn: AFP)

Theo kết quả bỏ phiếu, 153/153 thượng nghị sĩ Nga đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của ông Putin.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Nikolai Pankov xác nhận, Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị Thượng viện nước này thông qua kế hoạch triển khai quân đội ra nước ngoài nhằm hỗ trợ cho phe ly khai ở Ukraine.

Phát biểu trong phiên họp bất thường tại Thượng viện Nga theo đề nghị của Tổng thống Putin, ông Pankov nói: “Tiến trình đàm phán đang bị đình trệ. Ban lãnh đạo Ukraine đã lựa chọn con đường bạo lực và đổ máu”.

Thứ trưởng Pankov khẳng định, Moscow không còn bất kỳ sự lựa chọn nào khác ngoài đề xuất Thượng viện Nga thông qua kế hoạch triển khai quân đội ra nước ngoài.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới cùng ngày, Tổng thống Putin cho hay, quyết định điều động quân đội tới miền Đông Ukraine sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế.

Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin khẳng định, giải pháp duy nhất để ngăn chặn thảm họa nhân đạo, chấm dứt chiến tranh ở Donbass và thiết lập hòa bình tại khu vực này là phê chuẩn Hiệp ước về hữu nghị, hợp tác và tương trợ giữa Nga với các vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở khu vực này.

Ông Volodin nhấn mạnh, nguyên nhân của tình hình hiện nay tại Donbass là cuộc đảo chính diễn ra cách đây 8 năm ở Ukraine.

Trong phiên họp đặc biệt cùng ngày, Thượng viện Nga đã nhất trí phê chuẩn các thỏa thuận về hữu nghị, hợp tác và tương trợ với Donetsk và Lugansk.

Thỏa thuận nêu rõ “các bên sẽ xây dựng quan hệ như các quốc gia hữu nghị, nhất quán theo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, giải quyết hòa bình mọi bất đồng dựa trên những nguyên tắc bình đẳng và không can thiệp”.

Các thỏa thuận - đề cập những vấn đề như kinh tế, quốc phòng và bảo vệ biên giới, quyền của các dân tộc thiểu số - sẽ có thời hạn 10 năm và được tự động gia hạn thêm 5 năm.

Đáng chú ý, mỗi bên sẽ trao cho bên còn lại quyền xây dựng, sử dụng các căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ của mình.

Các động thái trên diễn ra ngay sau khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố công nhận độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine. Quyết định này đã vấp phải chỉ trích của nhiều quốc gia phương Tây.

(theo AFP, Reuters, TASS)