Tại văn phòng làm việc của Tictail – một công ty khởi nghiệp chuyên về thương mại điện tử của Thụy Điển ở Stockholm, rất nhiều lập trình viên trẻ đang tập trung thảo luận về dự án mới sẽ ra mắt vào tháng tới. Dù được thành lập cách đây không lâu nhưng startup này đã sớm ghi được dấu ấn khi vừa “gọi vốn” thành công 32 triệu USD từ một nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, Tictail dự kiến sẽ chuyển trụ sở từ Stockholm sang New York với tham vọng chinh phục thị trường Mỹ sau khi đã có chỗ đứng khá vững chắc tại Thụy Điển.
Thụy Điển đang trở thành thiên đường của các công ty khởi nghiệp. (Nguồn: The Atlantic) |
Người sáng lập ra Tictail là Birk Nilson – một doanh nhân hơn 30 tuổi. “Tôi bắt đầu học lập trình năm 11 tuổi, làm blog cho một tạp chí danh tiếng của Thụy điển năm 16 tuổi và lên ý tưởng thành lập Tictail khi 19 tuổi”, Nilson bắt đầu câu chuyện về chặng đường khởi nghiệp của mình.
Thủ đô khởi nghiệp của châu Âu
Câu chuyện của Birk Nilson chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện khởi nghiệp thành công đang diễn ra tại Stockholm – thủ đô khởi nghiệp của châu Âu. Nếu như Paris hoa lệ, Rome cổ kính hay London năng động là những thiên đường thu hút khách du lịch, thì Stockholm lại đang nổi lên như một trung tâm sôi động, hấp dẫn những startup tài năng của thế giới.
Theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Atomico, thủ đô của Thụy Điển đang có số lượng startup tỷ USD nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Thung lũng Silicon (Mỹ). Spotify – dịch vụ nghe nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới, Mojang (nhà phát triển game Minecraft) hay King Digital Entertainment (nhà phát triển game Candy Crush Saga) đều được “thai nghén” tại Stockholm.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Thụy Điển cũng xếp hạng cao nhất trong các quốc gia phát triển về khả năng nhận thức cơ hội. Khoảng 65% người Thụy Điển trong độ tuổi từ 18 – 64 nghĩ rằng có nhiều cơ hội tốt để mở một công ty nơi họ sinh sống, so với chỉ 47% người Mỹ cũng nhóm tuổi.
Việc tạo một hệ sinh thái thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp đóng vai trò khá quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế nào muốn hướng tới sự năng động và thịnh vượng, đặc biệt là với những quốc gia như Mỹ. Tuy nhiên, làn sóng khởi nghiệp lại đang có xu hướng chậm lại tại “xứ cờ hoa” khi chỉ 8% các doanh nghiệp Mỹ hiện nay được coi là startup so với con số 15% của năm 1978. Ngược lại với Mỹ, tốc độ các công ty mới ra đời tại Thụy Điển đã tăng lên nhanh chóng kể từ những năm 1990.
Thành công nhờ cải cách
Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những yếu tố góp nên thành công của Thụy Điển ngày nay chính là nhờ những cải cách mà quốc gia này thực hiện từ đầu những năm 1990, cho phép người dân có thể mua máy tính với giá rẻ. Thời điểm đó, Chính phủ Thụy Điển đã đưa ra ưu đãi thuế đối với các công ty cung cấp máy tính để bàn cho nhân viên với điều kiện những máy tính này phải được trao cho tất cả mọi người, từ những người quản lý cho đến nhân viên vệ sinh. Đồng thời, Chính phủ nước này cũng sớm đầu tư vào dịch vụ Internet tốc độ cao. Nếu khoảng 20 năm trước, hầu như gia đình nào tại Thụy Điển cũng được kết nối Internet thì ngày nay, Thụy Điển vẫn nằm trong những quốc gia có tốc độ Internet nhanh nhất thế giới.
Những cải cách thức thời của Chính phủ đã đưa người dân Thụy Điển trở thành những người tiêu dùng thông thạo về kỹ thuật số cũng như sản sinh ra đội ngũ kỹ sư, lập trình viên ưu tú. “Chính những điều này đã tạo nên nền tảng vững chắc cho những thành quả mà chúng ta được chứng kiến ngày nay”, Jacob de Geer – Giám đốc sáng lập công ty khởi nghiệp iZettle chia sẻ.
Bên cạnh đó, mạng lưới an sinh xã hội ưu việt của Thụy Điển cũng khiến các doanh nhân nước này cảm thấy an tâm khi thực hiện các hoạt động kinh doanh có tính rủi ro cao. Bậc đại học được phổ cập tại Thụy Điển khi các sinh viên có thể vay tiền để đóng học phí cũng như trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nhiều dịch vụ y tế cũng được miễn phí và hỗ trợ từ phía Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người dân Thụy Điển đều biết rằng, họ có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh mang tính rủi ro cao vì những nhu cầu thiết yếu của mình được đảm bảo.
“Tôi nghĩ nếu bạn muốn trở thành một quốc gia sáng tạo, bạn phải khiến cho người dân cảm thấy đủ an toàn để họ dám hành động liều lĩnh”, Mikael Damberg - Bộ trưởng Doanh nghiệp và Đổi mới của Thụy Điển - cho biết.