Bà Keller-Sutter được đề cử làm Tổng thống Thụy Sỹ. (Nguồn: The Swiss Times) |
Bộ Tài chính Thuỵ Sỹ cho biết các khoản tiền bị đóng băng theo lệnh trừng phạt mà nước này áp dụng vào năm 2011 theo sự điều chỉnh của Liên minh châu Âu, nhắm vào nhà lãnh đạo Syria và những người cộng sự vì những vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên, không có khoản nào trong số đó trực tiếp của ông Assad. Thông tin này cũng được tờ Neue Zuercher Zeitung xác nhận, cho rằng có tương đối ít tài sản của Syria được nắm giữ trong hệ thống ngân hàng nổi tiếng bí mật của Thụy Sỹ.
Tờ Neue Zuercher Zeitung cho biết: "Thụy Sỹ và trung tâm tài chính của nước này tự nhiên trở thành tâm điểm. Tuy nhiên, cuộc săn lùng hàng triệu USD của ông Assad dường như không diễn ra đối với các ngân hàng Thụy Sỹ, vì mối quan hệ tài chính giữa Thụy Sỹ và Syria đã gần như bị đóng băng kể từ năm 2011”.
Bên cạnh đó, tờ Neue Zuercher Zeitung cũng chỉ ra rằng ngành ngân hàng của Thụy Sỹ đã rút lui phần lớn khỏi Syria, quốc gia từng mang lại lợi nhuận vào đầu những năm 2000.
Hiện tại, 318 người và 87 thực thể nằm trong danh sách trừng phạt của Thụy Sỹ liên quan đến Syria và Tổng thống Bashar al - Assad.
Cũng trong ngày 11/12, Quốc hội Thụy Sỹ đã đề cử Bộ trưởng Tài chính Karin Keller-Sutter làm Tổng thống của nước này trong năm 2025.
Theo thông báo, bà Keller-Sutter, 60 tuổi, đã nhận được 168 trong số 203 phiếu bầu hợp lệ và sẽ nhậm chức vào đầu năm tới.
Quy định của Thụy Sỹ nhấn mạnh vị trí Tổng thống của nước này được luân phiên giữa 7 thành viên Hội đồng Liên bang. Với kết quả mới nhất, bà Keller-Sutter sẽ là người kế nhiệm Tổng thống Viola Amherd.
Bà Keller-Sutter, thành viên của Đảng Tự do, đã đảm nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính từ năm 2023 và ngay lập tức phải đối mặt với cuộc khủng hoảng liên quan tới sự sụp đổ của ngân hàng Credit Suisse.
Quốc hội Thụy Sỹ sẽ công bố báo cáo về cuộc khủng hoảng nêu trên, vốn dẫn tới việc UBS mua lại Credit Suisse. Trong những tháng qua, vai trò của Bộ trưởng Karin-Keller được ghi dấu bằng việc Thụy Sỹ áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng và quá trình đàm phán về thỏa thuận hợp tác mở rộng với Liên minh châu Âu.