Italy cho biết không còn đủ năng lực tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn qua Địa Trung Hải. Trong ảnh: Tàu chở người di cư tới nơi tiếp nhận tạm thời trên đảo Lampedusa, Italy. (Nguồn: AFP) |
Tờ Schweiz am Wochenende dẫn trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Baume-Schneider cho biết bà không loại trừ khả năng Thụy Sỹ tạm dừng việc thực thi thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh "tình hình ở khu vực phía Nam Italy rất phức tạp”.
Cuối năm ngoái, Italy thông báo tạm dừng tiếp nhận lại những người tị nạn đặt chân tới nước này đầu tiên. Thông báo nêu rõ, Italy không còn đủ năng lực tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn đi qua Địa Trung Hải. Theo bà Baume-Schneider, Thụy Sỹ rất kỳ vọng Italy tôn trọng thỏa thuận Dublin. Bà cũng đề cập khả năng Thụy Sỹ hỗ trợ tài chính cho các dự án về người nhập cư ở Italy.
Vào tháng 3, Thụy Sỹ ký tuyên bố chung với các nước trong khu vực đi lại tự do Schengen về việc cải cách quy định quản lý người tị nạn. Thời điểm đó, Bộ trưởng Baume-Schneider lưu ý rằng, chỉ có 1/3 số người tị nạn được chuyển đến quốc gia tiếp nhận đầu tiên theo thỏa thuận Dublin.
Liên quan vấn đề trên, ngày 27/5, tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) thông báo tàu Geo Barents do MSF điều hành đã giải cứu được gần 600 người di cư trên một chiếc thuyền bị quá tải gặp nạn ngoài khơi đảo Sicily của Italy.
Trong thông báo đăng trên mạng xã hội Twitter, MSF cho hay tàu Geo Barents đã cứu được 599 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, khi đang thực hiện các hoạt động huấn luyện. Những người di cư này sẽ được đưa lên bờ ở cảng Bari phía Nam Italy theo chỉ định của chính quyền nước này. MSFcho biết thêm, tàu Geo Barents sẽ mất khoảng 40 giờ để đến cảng Bari.
Số liệu của Bộ Nội vụ Italy cho thấy từ đầu năm đến nay đã có 47.000 người di cư đến nước này bằng thuyền, so với khoảng 18.000 người cùng kỳ năm 2022.