Tiêm kích Dassault Rafale được lắp bộ tác chiến điện tử Thales Spectra tích hợp nhiều tính năng như xác định chính xác các nguồn phát ra tia hồng ngoại, tần số vô tuyến và laser từ đối phương. |
Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic nói với hãng tin AP: “Thương vụ mua máy bay Dassault Rafale chiến lược này là điều mà chúng tôi coi như yếu tố ‘thay đổi cuộc chơi’ dành cho Croatia”.
Dự kiến, phía Pháp sẽ bàn giao 12 chiếc tiêm kích Dassault Rafale cho Croatia trong hai năm 2024 và 2025, để thay cho một số dòng tiêm kích đã lỗi thời trong biên chế không quân nước này.
Dassault Rafale là tiêm kích đa nhiệm một chỗ ngồi được Pháp đưa vào biên chế từ năm 2001. Máy bay có chiều dài 15,27m; chiều rộng sải cánh 10,8m; chiều cao 5,34m.
Trọng lượng rỗng và cất cánh tối đa của Dassault Rafale lần lượt là 10,3 và 24,5 tấn. Khối lượng nhiên liệu tối đa nó có thể mang khi chiến đấu lên tới 4,7 tấn.
Máy bay được trang bị 2 động cơ turbine phản lực cánh quạt SNECMA M88-2 do hãng Snecma sản xuất, với lực đẩy trung bình đạt 48,7 KiloNewton/chiếc.
Vận tốc hành trình và vận tốc tối đa của Dassault Rafale lần lượt đạt 1.390 km/h và 1.912 km/h. Phạm vi chiến đấu của nó đạt 1.850km trong trường hợp được nạp đủ ba thùng nhiên liệu.
Những phiên bản đầu của Dassault Rafale được lắp một radar RBE2 có thể phát hiện và theo dõi hướng di chuyển của 40 mục tiêu đối phương ở khoảng cách 90km. Về sau, Dassault Rafale được trang bị hệ thống radar tiên tiến RBE2-AA có thể phát hiện máy bay đối phương cách nó 130km.
Dassault Rafale được lắp bộ tác chiến điện tử Thales Spectra tích hợp nhiều tính năng như xác định chính xác các nguồn phát ra tia hồng ngoại, tần số vô tuyến và laser từ đối phương; đưa ra những cảnh báo laser, cảnh báo tên lửa đối phương đang đến gần và bộ phóng mồi bẫy để đối phó với mối đe dọa.
Tên lửa ASMP-A. (Nguồn: Wikipedia) |
Theo bài đăng trên trang India Defence Research Wing hôm 21/7, bộ tác chiến Thales Spectra lắp trên máy bay Dassault Rafale đã nhiều lần vô hiệu hóa thành công hệ thống điện tử của các tiêm kích Su-35 trong một cuộc tập trận được Không quân Ai Cập tổ chức.
Về vũ khí, Dassault Rafale được trang bị một pháo GIAT 30/M791 cỡ nòng 30mm với 125 viên đạn, cùng 14 ray treo có thể mang theo tên lửa không đối không Magic II; tên lửa hành trình không đối đất MBDA Storm Shadow; tên lửa chống hạm AM-39 Exocet hay thậm chí cả tên lửa ASMP-A chứa đầu đạn TN81 có sức công phá từ 100-300 Kiloton.
Dassault Rafale từng được Hải quân Pháp triển khai trong chiến dịch “Heracles” chống lại lực lượng Taliban tại Afghanistan hồi năm 2001.
Vào tháng 10/2016, một số máy bay Dassault Rafale xuất phát từ tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã bắn phá hàng loạt mục tiêu nằm trên lãnh thổ Iraq có liên hệ với tổ chức khủng bố IS.
Theo dữ liệu được tạp chí quốc phòng Janes công bố hồi năm 2016, giá cho mỗi chiếc Dassault Rafale trang bị đầy đủ vũ khí được Pháp bán cho Ấn Độ nằm ở mức 219,4 triệu Euro/chiếc, khiến máy bay này trở thành loại tiêm kích đắt nhất thế giới.