📞

Tiến trình hiện thực AEC chưa như mong đợi

16:31 | 23/12/2016
AEC là một thị trường lớn, dân số trẻ, có sức tiêu thụ lớn. Bởi vậy, dưới con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, nếu AEC là một thị trường thống nhất như cam kết, có thể tự do di chuyển được năm yếu tố nói trên, việc “làm ăn” trên thị trường này sẽ dễ dàng hơn.

Riêng với Việt Nam, AEC kết nối thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội giảm chi phí lưu chuyển các loại hàng hóa, chi phí trung gian dẫn tới giá thành phẩm sẽ thấp hơn. AEC cũng giúp các công dân Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt với những người có tay nghề, chuyên môn cao. Các nước cũng sẽ đón nhận làn sóng đầu tư và hợp tác từ các nền kinh tế lớn, phát triển bên ngoài khối.

Nhiều vấn đề, ít tiến bộ

Tuy nhiên, tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016 do hãng tin Bloomberg tổ chức mới đây, các nhà đầu tư nước ngoài không đánh giá cao, thậm chí có phần thất vọng về tiến trình thực hiện các cam kết trong AEC, dù khu vực này đã hình thành gần tròn một năm. Theo nhận định của Phó Chủ tịch Credit Suisse khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Lito Camacho, rất ít tiến bộ đạt được trong thời gian qua trừ lĩnh vực thương mại khi nhiều dòng thuế đã giảm xuống 0%, còn những yếu tố khác như lao động, dịch vụ, đầu tư..., dường như không có nhiều thay đổi.

Trên thực tế, sau khi AEC hình thành, rất nhiều công ty Thái Lan, Singapore đã tìm kiếm và thấy nhiều cơ hội kinh doanh tại các nền kinh tế thành viên như Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam như Masan, Vinamilk, Vietjet Air cũng đã bắt đầu bán sản phẩm của mình tại Thái Lan, Malaysia... Nhưng trong khi các quốc gia thành viên cam kết xóa bỏ thuế quan đối với tất cả mặt hàng, Malaysia lại không muốn giảm thuế cho xe hơi và phụ tùng xe hơi…

Sự dịch chuyển trong thị trường lao động, dịch vụ, tài chính, ngân hàng… trong ASEAN càng không được đánh giá cao. CEO khu vực ASEAN của GE từng đặt nhiều hy vọng và đã không cảm thấy thỏa mãn vào tính “không biên giới” của thị trường lao động AEC, bởi hai phần ba nhân lực của tập đoàn này làm việc trong môi trường quốc tế, luôn có sự thay đổi từ nước này sang nước khác. Người ta thường cho rằng nguyên nhân là do yếu tố quy định và cơ chế - những bất cập không dễ vượt qua tại mỗi nền kinh tế. “Làm sao có thể khuyến khích các ngân hàng ASEAN đầu tư vào Việt Nam khi họ được đối xử chỉ giống như những nhà đầu tư ngoài khu vực”, đó là ví dụ thực tế mà ông Camacho đưa ra.

Tất nhiên, sẽ còn nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi AEC, nhưng có chuyên gia đã cho rằng, vẫn còn sự hoài nghi giữa các thành viên trong Cộng đồng. Đối với những thành viên có sự phát triển kinh tế tương đồng, cùng sản xuất các mặt hàng tiêu dùng mang tính cạnh tranh lẫn nhau, có thể họ đã lo ngại đến việc nếu liên kết quá nhanh sẽ mất lợi thế, mất thị trường. Bởi trên thực tế, sản phẩm xuất khẩu của các thành viên trong AEC đều hướng tới các thị trường tiêu thụ rộng lớn như Hoa Kỳ, EU. Ngoài ra, tuy gần gũi về mặt địa lý, nội khối vẫn tồn tại những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc.

Từ góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Vissan Văn Đức Mười cho rằng, trong điều kiện các nước ASEAN có các lợi thế so sánh khá tương đồng, nếu sức cạnh tranh yếu, doanh nghiệp sẽ khó có khả năng vươn ra, chiếm lĩnh thị trường các nước thành viên ASEAN khác. Doanh nghiệp năng lực kém sẽ không được chọn để tham gia các khâu có lợi nhuận cao của chuỗi cung ứng. Người lao động trình độ thấp sẽ khó vươn lên các vị trí quản lý hay trở thành các chuyên gia có mức lương cao, khó di chuyển tự do và tận dụng tốt các cơ hội mở ra theo các cam kết hội nhập kinh tế khu vực.

Định lượng về tiến độ thực hiện cam kết trong AEC, các chuyên gia cho rằng, các thành viên trong khối mới chỉ cùng nhau đi được 50% chặng đường dễ nhất. Ở chặng đường tiếp theo, AEC sẽ gặp những khó khăn lớn hơn trong việc đảm bảo hiệu lực của các quy định và cam kết.

75% doanh nghiệp Việt không quan tâm AEC

Một năm trước, khi AEC chuẩn bị được hình thành, nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ AEC, ít nhất trên khía cạnh thúc đẩy giao thương. Lý do rất đơn giản, ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và động lực quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu trong nhiều năm qua. Các nước thành viên ASEAN hiện là đối tác đứng thứ ba cung cấp hàng hóa cho Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc).

Giao thương nội khối AEC. (Nguồn: Wordpress.com).

Tuy nhiên, kèm theo cơ hội cũng là những thách thức cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Trên thực tế, diễn biến xem ra đang đi theo chiều hướng ngược lại, thực sự là điều cần cảnh báo. Không những chưa tận dụng được cơ hội từ AEC, mà chúng ta đã bắt đầu phải “trả giá” vì sự chậm chạp. Sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN ít nhiều cho thấy điều đó.

Theo thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN 10 tháng đầu năm 2016 đã giảm tới 7,4% so với cùng kỳ. Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng xuất khẩu dương với 3 thị trường ASEAN, là Myanmar (tăng 21,1%), Philippines (tăng 13,8%) và Thái Lan (tăng 11,6%). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 thị trường còn lại đều giảm. Thậm chí, xuất khẩu sang thị trường Singapore giảm tới 31,1% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN giảm sút là do tính tương đồng trong cơ cấu hàng xuất khẩu và những rào cản phi thương mại khiến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn khi tìm chỗ đứng tại các thị trường này. Bên cạnh đó, nếu so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan hay Singapore, nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được về giá và sự đa dạng chủng loại hàng hóa.

Tuy nhiên, một nhận xét khác của Tổng Thư kí Hiệp hội Dệt may Việt Nam - bà Nguyễn Thị Tuyết Mai đáng được lưu tâm hơn, đó là phần lớn doanh nghiệp ít quan tâm đến việc tham gia thị trường AEC. Theo thống kê mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 75% doanh nghiệp không quan tâm đến AEC, 25% trong số đó không biết AEC cam kết những gì, 65% không nhìn thấy cơ hội AEC mang lại.