Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về cung ứng các sản phẩm gia vị với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm. Gia vị của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. Đây là ngành có tỷ lệ 95% hàng hóa xuất khẩu cho nên cần tập trung đầu tư chế biến sâu và xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị gia tăng.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 6, Việt Nam xuất khẩu trên 28.000 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch hơn 141 triệu USD; tuy giảm về lượng nhưng lại tăng về kim ngạch nhờ giá xuất khẩu tăng cao.
Gia vị của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam) |
Cây gia vị quay lại “thời hoàng kim”
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 140.000 tấn hồ tiêu các loại, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 634 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu giảm gần 7% nhưng kim ngạch xuất khẩu lại tăng 30,5%. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2023 giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 4.365 USD/tấn tăng đến 922 USD, còn tiêu trắng đạt 5.983 USD/tấn tăng 1.028 USD.
Trong nhóm gia vị, quế là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị lớn thứ hai sau hồ tiêu và trên thị trường thế giới, Việt Nam cũng đứng đầu về sản lượng. Trong 6 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 45.000 tấn quế, tổng kim ngạch đạt 127 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu tăng 3,9% tuy nhiên kim ngạch giảm 1,8%. Các thị trường xuất khẩu chính là Ấn Độ, Mỹ và Bangladesh…
Tuy không có kim ngạch cao như hạt tiêu hay quế nhưng trong nửa đầu năm nay một số mặt hàng gia vị lại đạt tốc độ tăng trưởng rất mạnh. Tăng cao nhất phải kể đến là nghệ tăng 14 lần và đạt giá trị xuất khẩu 3 triệu USD. Kế đến là gừng, tăng 9 lần đạt giá trị 5,6 triệu USD và tỏi tăng 3 lần đạt 4,7 triệu USD…
Cùng với các mặt hàng nông sản khác, nhờ lực đẩy của các FTA, ngành hàng gia vị Việt Nam cũng tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng tại nhiều thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và mở rộng thêm nhiều thị trường mới.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, ngành rau quả, gia vị Việt Nam thuộc tốp đầu ngành hàng được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Các quốc gia châu Âu mang lại nhiều cơ hội nhất là Đức, Anh, Hà Lan và Tây Ban Nha. Dựa trên số liệu thống kê nhập khẩu, các loại gia vị và thảo dược có thị phần và hiệu quả tốt nhất tại thị trường châu Âu là gừng, nghệ, hồ tiêu, quế, húng tây và nhục đậu khấu.
Chánh Văn phòng VPSA Lê Việt Anh chia sẻ, xu hướng thị trường gia vị toàn cầu hiện nay và thời gian tới là tiêu dùng xanh, giảm khí phát thải carbon; sản phẩm truy xuất nguồn gốc; đảm bảo chất lượng; các sản phẩm giá trị gia tăng, hữu cơ. Ông Việt Anh khẳng định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về xuất khẩu gia vị nhất là khi có các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Đặc biệt, nhận thức về canh tác và thương mại bền vững, chất lượng sản phẩm của người nông dân Việt Nam ngày càng được cải thiện; các doanh nghiệp chủ động tham gia liên kết sản xuất, tăng cường chế biến sâu cũng là những lợi thế của Việt Nam. Trong bối cảnh nhu cầu về gia vị của các thị trường vẫn ở mức cao, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn nếu nỗ lực thúc đẩy sản xuất, chế biến gia vị theo xu thế của thị trường.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý, do đặc thù của thị trường châu Âu và ngành thương mại, cơ hội cho các loại gia vị và hương liệu của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng cung cấp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, giá cả và chứng nhận.
“Nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững, nguồn gốc mới, việc sử dụng gia vị, hương liệu trong ẩm thực quốc tế là những xu hướng hàng đầu mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Ngược lại, yêu cầu ngày càng tăng của người mua và những thay đổi về luật pháp có thể là mối đe dọa đối với các nhà cung cấp từ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nhà cung cấp mới chưa quen với các yêu cầu này. Các loại gia vị ngày càng được kiểm tra về chất gây dị ứng, độc hại và tính xác thực, vì vậy điều quan trọng là phải theo kịp các động lực thị trường này để duy trì vị thế là nhà cung cấp cạnh tranh cho thị trường châu Âu”, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết.
Thông tin đưa ra tại Tọa đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố về hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực quế do Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Yên Bái tổ chức mới đây cho thấy, Việt Nam cho đến nay là một trong những quốc gia có chỗ đứng tương đối vững chắc trong sản xuất và xuất khẩu quế trên thế giới.
Trong khi đó, quế là cây trồng có từ lâu đời gắn liền với truyền thống, tập quán, văn hóa của đồng bào các dân tộc tại tỉnh Yên Bái. Do đó, quế là mặt hàng có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Yên Bái đẩy mạnh xuất khẩu, không chỉ sang các thị trường truyền thống, mà còn có thể khai thác sang các thị trường mới với nhiều tiêu chuẩn cao hơn.
Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), với việc Việt Nam đã thực thi 16 FTA đến thời điểm hiện tại, trong đó có 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) là cơ hội rất lớn để đưa quế và các mặt hàng từ quế tiếp cận tới các đối tác thương mại mới do tác động từ cam kết ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu và nhu cầu từ các thị trường mới này, từ đó giúp doanh nghiệp quế tại Yên Bái nói riêng và Việt Nam nói chung có thể nâng cao giá trị, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu.
Tọa đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố về hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực quế được tổ chức mới đây tại Yên Bái. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh
Tại Toạ đàm, các đại biểu đã giới thiệu về Đề án Hệ sinh thái tận dụng các FTA, bao gồm: mục tiêu, cách thức kết nối, vai trò, lợi ích của các bên tham gia, cách thức hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA, tiêu chí tham gia, những khó khăn khi xây dựng Hệ sinh thái, lộ trình và các bước thực hiện xây dựng Hệ sinh thái trong thời gian tới; chia sẻ về tình hình xuất nhập khẩu các mặt hàng quế trong 6 tháng đầu năm 2024; thực trạng tình hình trồng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu quế trên địa bàn cụm tỉnh với các đối tác trong các FTA thế hệ mới.
Trên cơ sở những ý kiến thiết thực từ các doanh nghiệp và hợp tác xã, các đại biểu đã thảo luận nhằm đưa ra định hướng chiến lược thúc đẩy hoạt động xuất khẩu mặt hàng quế sang các thị trường FTA thế hệ mới, tăng cường xây dựng kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, Hiệp hội, hợp tác xã và người dân, từ đó xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành quế của Yên Bái cũng như các địa phương vốn có thế mạnh đối với mặt hàng này.
Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng tốt nhất lợi thế từ các FTA thì việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu được coi là yêu cầu "sống còn". Hiện tại ngành hàng rau quả, gia vị đang triển khai dự án "Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam" (SFV-Export) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam xây dựng.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc dự án SFV- Export chia sẻ, dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng gia vị, rau quả về các kỹ thuật chuyên sâu giúp doanh nghiệp tuân thủ và được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do châu Âu công nhận; hỗ trợ hoạt động marketing, phát triển thị trường, cung cấp thông tin về thị trường và kết nối doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng từ thị trường châu Âu; số hóa các hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến thương mại trên nền tảng số chuyên biệt; hỗ trợ cải thiện chính sách và thực hành tốt liên quan đến người lao động, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường; thúc đẩy hợp tác đa bên để nâng cao năng lực ngành và quảng bá nông sản Việt Nam vào thị trường châu Âu...