📞

Tiếp thêm sức mạnh, sức lan toả cho phong trào xây dựng đời sống văn hoá

11:43 | 21/09/2018
Sáng 21/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2000-2018.

Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá”, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và 15.000 đại biểu tại các điểm cầu trên cả nước.

Trong phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhất là trong bối cảnh nhiều nguy cơ hiện hữu có thể làm mất đi những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Phó Thủ tướng đã điểm lại phong trào xây dựng đời sống mới do Bác Hồ phát động ngay sau khi đất nước độc lập cùng việc thành lập Ủy ban Vận động đời sống mới Trung ương (1946), sự ra đời của tác phẩm “Đời sống mới” (1947) để hướng dẫn toàn dân thực hiện. Trong đó Bác Hồ đã viết rõ: Thực hành đời sống mới là "Cần, Kiệm, Liêm, Chính". Đời sống mới, đạo đức mới không phải là gạt bỏ mọi cái cũ mà phải phát huy những tinh hoa về truyền thống yêu nước, cần cù lao động, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách… Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2000-2018.

Tinh thần đó đã được kế thừa và phát triển trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết xác định "sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, cần các giải pháp vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp bách, thường xuyên, mang tính đột phá và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, gắn chặt các phong trào thi đua yêu nước với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một giải pháp quan trọng để xây dựng văn hóa ngay từ cơ sở, từng người, gia đình, làng, xã, đơn vị văn hóa đến môi trường văn hóa và có vai trò kết nối nhiều phong trào, từ xóa đói giảm nghèo, người tốt, việc tốt, bảo vệ an ninh Tổ quốc, đền ơn đáp nghĩa, văn nghệ quần chúng, đến rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại…

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt, sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã trở thành một phong trào rộng lớn của quần chúng, thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nêu gương người tốt việc tốt, khơi dậy cái thiện, đấu tranh với cái xấu, cái ác, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân.

Phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến đã trở thành mục tiêu trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong mỗi dòng họ, gia đình. Hiện cả nước có trên 1,2 triệu gương “Người tốt, việc tốt” được tôn vinh ở các cấp.

Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp. Thông qua  trong phong trào, các chỉ tiêu về thể dục, thể thao, văn hoá quần chúng có bước phát triển mạnh mẽ với 12 triệu người tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và sinh hoạt câu lạc bộ; 22 triệu người tập thể dục, thể thao thường xuyên.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế và đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, lạc hậu trong xã hội

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, đạo đức, gia phong của dòng tộc, làng xã được giữ gìn, bảo tồn và trao truyền. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành được người dân hưởng ứng thi đua, tham gia thực hiện đầy đủ, trách nhiệm.

Qua 18 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Kết quả đã có 19.064069/22.236778 gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; 69.024/106.382 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố được công nhận; 84.785/114.972 cơ quan, đơn vị , doanh nghiệp văn hóa. Nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen thưởng động viên kịp thời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa, ở nhiều nơi hành chính hoá, hình thức hoá.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống hiện nay đang có rất nhiều biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, đạo đức xã hội có nhiều biểu hiện xuống cấp và rất dễ có thể nhận thấy trong mọi lĩnh vực, hầu như ở mọi nơi, mọi lúc kể cả trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền và những thành phần vốn được tôn kính như thầy giáo, thầy thuốc và kể cả một số nhà tu hành.

Đặc biệt là hoạt động phong trào, việc xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa, ở nhiều nơi trở thành hình thức. Các phong trào liên quan xây dựng văn hóa ở nông thôn cũng mới chủ yếu chú ý đầu tư xây dựng, chưa quan tâm tới căn cốt là văn hóa.

“Có thể nói phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa không còn duy trì được sự hứng khởi, sự lan toả và tính thiết thực như những năm đầu, đáp ứng cho được, cho kịp yêu cầu phát triển của kinh tế, xã hội”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Vì vậy, với sự tham dự của hơn 15.000 đại biểu từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cán bộ từ cơ sở, nhiều gương tiêu biểu, nhiều thành phần, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các ý kiến tập trung đánh giá về sức sống, sự tác động của những phong trào liên quan đến xây dựng đời sống văn hoá hiện nay, đặc biệt là của các danh hiệu văn hoá.

“Phải chăng như đã đánh giá, nhiều phong trào, danh hiệu đã dần trở thành hành chính hoá, hình thức hoá. Chúng ta nhất thiết phải đổi mới không chỉ tiêu chí mà còn là cách đánh giá, cách thể hiện sao cho đơn giản, dễ hiểu và có chiều sâu”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Hội nghị cũng cần thẳng thắn chỉ ra những khó khăn vướng mắc từ xây dựng cơ sở, chính sách pháp luật cho đến cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Cùng với đó là vấn đề con người, nguồn lực, chế độ cho cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở.

Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu từ cơ sở, từ các thành phần trong xã hội, bằng thực tiễn của mình sẽ đưa ra được ý kiến đóng góp rất cụ thể về phương hướng, giải pháp, đặc biệt là những vấn đề cần sửa ngay như các tiêu chí, quy định về xét tặng các danh hiệu gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá. Sau hội nghị này, tiếp thu các ý kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá để thực hiện trong thời gian tới.