📞

Tìm cánh cửa cho lao động Việt Nam làm việc tại Mông Cổ

15:39 | 07/11/2019
TGVN. Với mục đích tìm kiếm thị trường cho người lao động Việt Nam, vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Đoàn Thị Hương đã có buổi làm việc với một số công ty sản xuất đồ len của Mông Cổ.    
Đại sứ Đoàn Thị Hương trao đổi với lãnh đạo một số công ty sản xuất len của Mông Cổ về việc tuyển dụng lao động người Việt Nam.

Thay mặt các công ty có mặt tại buổi làm việc, Giám đốc Công ty TNHH SOR CASHMERE M.Erdenetuya đã giới thiệu một số nét về ngành sản xuất len của Mông Cổ, bao gồm những tiềm năng, cơ hội mà các công ty sản xuất đồ len của Mông Cổ có thể hợp tác với Việt Nam.

Bà M.Erdenetuya cho biết, các mặt hàng được sản xuất bằng lông dê của SOR CASHMERE là sản phẩm nổi tiếng trên thế giới. Mông Cổ có nguồn nguyên liệu dồi dào, sản lượng lông dê mỗi năm thu được khoảng 2.500 tấn.

Tuy nhiên, việc sản xuất thành sản phẩm len ở trong nước chỉ đạt 500 tấn, 2.000 tấn còn lại là bán nguyên liệu thô cho nước ngoài.

Một trong những lý do khiến Mông Cổ phải bán nguyên liệu thô cho nước ngoài là thiếu nguồn nhân lực. Bởi vậy, nhiều công ty sản xuất len của Mông Cổ muốn tuyển dụng lao động của Việt Nam sang làm việc.

Trao đổi với lãnh đạo các công ty, Đại sứ Đoàn Thị Hương cho biết, Việt Nam có nguồn lao động lao động trẻ khéo tay, chăm chỉ và cần cù. Bên cạnh đó, ngành dệt may của Việt Nam rất phát triển do đó, lao động Việt Nam có đủ khả năng để làm việc tại công ty sản xuất len của Mông Cổ.

Đại sứ Đoàn Thị Hương tin rằng, lao động của Việt Nam sẽ góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng len của Mông Cổ. Tuy nhiên, cần phải làm rõ chế độ tiền lương, bảo hiểm, ăn ở… của người lao động Việt Nam.

Về vấn đề này, bà E. Agvaan, thành viên Hội đồng Cố vấn Công nghiệp cho biết, hiện tại, lao động là người nước ngoài làm việc tại Mông Cổ phải đóng cho nhà nước một khoản kinh phí khá cao. Bà E. Agvaan đề nghị Chính phủ Việt Nam và Mông Cổ cần bàn bạc để có chính sách phù hợp thì doanh nghiệp mới có khả năng tuyển dụng và đảm bảo thu nhập tốt cho người lao động.

Ghi nhận ý kiến của đại diện các công ty, Đại sứ Đoàn Thị Hương cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo các công ty về thị trường lao động của Việt Nam và đề nghị lãnh đạo các công ty sớm xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó nêu rõ tiêu chí tuyển dụng, chế độ làm việc, tiền lương, bảo hiểm... đối với lao động Việt Nam.

(từ Ulan Bator, Mông Cổ)