Baarle-Nassau và Baarle-Hertog được coi là hai thị trấn độc đáo nhất thế giới bởi vị trí địa lý rất đặc biệt. (Nguồn: Atlas Obscura) |
Nơi nào trên thế giới mà người dân có thể "nhảy" sang biên giới nước khác hàng chục lần chưa đầy một giờ mà không bị kiểm tra?
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng điều này hoàn toàn có thật tại Baarle-Nassau và Baarle-Hertog, hai thị trấn có vị trí rất đặc biệt: Nằm tại hai quốc gia độc lập. Một thị trấn thuộc về Hà Lan, thị trấn còn lại thuộc về Bỉ.
Những điểm "khác thường" này đã biến nơi đây trở thành một trong những thị trấn độc đáo nhất thế giới.
Tại thị trấn Baarle-Hertog (Bỉ) vẫn có những khu đất thuộc Baarle-Nassau (Hà Lan) và ngược lại. Cụ thể, có 24 khu vực thuộc Bỉ nằm trên đất Hà Lan và 6 khu vực Hà Lan tọa lạc ở Bỉ.
Đây là kết quả của nhiều hiệp ước được trao đổi, ký kết và mua bán đất giữa tầng lớp quý tộc thời trung cổ.
Sau này, khi chia tách thành hai đất nước Hà Lan và Bỉ, người ta phải thông qua 3 hội đồng biên giới để xác định lãnh thổ nước mình.
Lần cuối diễn ra vào năm 1995 khi chính quyền hai bên hoàn tất đường kẻ biên giới. Đó cũng là lúc mọi tranh chấp về phân chia kết thúc.
Muốn tới Baarle, du khách hãy đến phía Bắc của Bỉ hoặc mũi phía Nam của Hà Lan. Đây là nơi có rất nhiều thứ thuộc về hai nửa, từ hai quốc kỳ, hai thị trưởng, hai hội đồng và thậm chí cả hai bộ luật.
Bởi vậy mới nói, đây cũng là nơi người dân "phân thân" sống tại hai quốc gia mỗi ngày. Có những trường hợp nhà cửa nằm ở đất Hà Lan, nhưng cửa sau lại thuộc đất Bỉ. Nhiều ngôi nhà tại đây thậm chí có đường biên chạy thẳng qua.
Nhờ vị trí địa lý độc đáo nên đường biên giới này thu hút rất đông du khách tới tham quan mỗi năm để trải nghiệm cảm giác đứng tại hai quốc gia cùng lúc.
Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống người dân tại đây có lúc rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" vì lệnh phong tỏa mỗi nước một khác.
Có thời điểm số ca tử vong vì Covid-19 tại Bỉ gấp đôi Hà Lan nên Bỉ phải áp dụng biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn.
Cô Monic van der Krogt, một cư dân tại thị trấn Baarle-Hertog cho biết: "Tôi không được phép mở cửa hàng, nhưng chỉ cách đây 50 m ở phía bên kia, các nhà hàng quán cà phê vẫn mở đón khách. Và tôi cũng không được sang vì đang sống tại Bỉ".
Hay tương tự, nhà ông Julien Leemans có đường biên giới chạy ngang qua. Trước cửa nhà ông nằm trên đất Bỉ nên không thể ra khỏi nhà để sang cửa hàng bên Hà Lan mua sắm, dù bản thân ông sinh ra và lớn lên tại Hà Lan.
Tuy nhiên, với người dân địa phương, việc lựa chọn sống ở "nửa nào" không quan trọng lắm. Đường biên giới tại đây chỉ mang tính chất phân chia lãnh thổ, cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường mà không hề có tranh chấp nào.