Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tỉnh Cà Mau 2021 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Lê Văn Sử. |
Mục đích của diễn đàn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh kết nối tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm nông, thủy sản, sản phẩm OCOP, đặc sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh có cơ hội được kết nối, trao đổi, mở rộng hợp tác với các nhà mua trong và ngoài nước.
Theo thống kê của địa phương, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 405.258 tấn, trong đó sản lượng tôm ước đạt 142.873 tấn; sản lượng tôm chế biến 8 tháng ước đạt 114.957 tấn. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiệm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến. Đặc biệt, từ ngày 4/8/2021, các doanh nghiệp triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh, một số nhà máy, cơ sở sơ chế và chế biến tôm tạm dừng hoạt động; các nhà máy chế biến, doanh nghiệp phải thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” giảm số lượng công nhân làm việc, giảm giờ làm, làm giảm công suất chế biến tôm. Trong khi đó, dù bước đầu có khó khăn, hoạt động thu hoạch, tiêu thụ lúa hè thu cơ bản khắc phục được, thu hoạch tới 95% và tiêu thụ ổn định.
Trước những khó khăn trên, tỉnh đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản. Theo đó, tổ đã hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân tiêu thụ được hơn 20.000 tấn nông sản các loại, hiện còn tồn 1.183 tấn, đang tiếp tục hỗ trợ kết nối. Ngoài ra, Tổ cũng đã rà soát diện tích nuôi trồng thủy sản trong dân đến thời điểm thu hoạch hoặc sắp thu hoạch, hiện có 1.958 tấn thủy sản của 271 hộ dân, trong đó có 1.837 tấn tôm thẻ chân trắng của 247 hộ, gần 96 tấn cá kèo của 16 hộ và 25 tấn sò huyết của 8 hộ.
Để kết nối tìm đầu ra tiêu thụ nông, thủy sản, tại diễn đàn lần này, tỉnh Cà Mau đã chủ động giới thiệu các sản phẩm đang có nhu cầu kết nối tìm đầu ra. Qua đó, các đại biểu tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc đối với tiêu thụ nông, thủy sản trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp. Diễn đàn cũng được nghe đại diện các kênh phân phối truyền thống và sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp thu mua, chế biến chia sẻ các giải pháp cải thiện tình hình tiêu thụ, phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Chia sẻ tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối đặt ra vấn đề, sản phẩm tôm, cua của Cà Mau rất ngon và được nhiều người biết đến đến. Tuy nhiên, giá tôm, cua ở nơi sản xuất và trên thị trường có sự chênh lệch lớn. Các địa phương và ngành chức năng cần tìm cách kết nối, làm sao đem sản phẩm ngon và đúng giá đến các siêu thị.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Coop, cho rằng: “Phía Bộ NN-PTNT và các địa phương nên có một định hướng, hướng dẫn thu hoạch làm sao đừng để bị dồn vào một lúc, dẫn đến bà con gặp khó khăn. Bên cạnh đó, phải làm sao để con tôm Cà Mau đến TP. Hồ Chí Minh có giá hợp lý nhất và chất lượng tươi ngon nhất. Để đạt được điều đó thì phải chuẩn từ khâu nuôi trồng, sơ chế, đến đóng gói, bảo quản. Xa hơn nữa là bao bì hình thức, mẫu mã làm sao thu hút khách hàng”, ông Huy nhấn mạnh.
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam, cho biết: “Phía MM Mega Market đã có những nhà cung cấp ổn định ở Cà Mau. Hiện nay các mặt hàng chủ lực của Cà Mau như tôm sú, cua Cà Mau được đơn vị mua rất nhiều từ các doanh nghiệp của Cà Mau. Tuy nhiên, từ ngày 23/8 đến nay, tỉnh áp dụng giãn cách xã hội và sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” dẫn đến nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể sản xuất hết công suất, dẫn đến nguồn hàng cung ứng cho các siêu thị, nhà phân phối bị thiếu hụt nghiêm trọng”.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND Lê Văn Sử cũng nhìn nhận việc địa phương chưa làm được là chưa tổ chức thành chuỗi để hợp tác với nhà phân phối. Cà Mau có nhiều sản phẩm, có lợi thế đặc biệt trong phát triển sản xuất thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ lực là sản lượng tôm. Cà Mau có đội ngũ doanh nghiệp chế biến xuất khâu tôm mạnh, xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính, kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 1 tỷ USD. Ngoài ra tỉnh cũng có các loại thủy hải sản khác được ưa chuộng. Khi các đối tác đã chọn lựa sản phẩm nào thì đăng ký với Cà Mau để tỉnh cùng với nhà mua thiết lập chuỗi cung ứng sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu.
“Cà Mau hiện có khoảng 33 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao. Bên cạnh đó, sản phẩm tiềm năng OCOP của Cà Mau là rất nhiều và được người tiêu dùng quan tâm. Đây là điều kiện rất tốt để tỉnh kết nối với các nhà phân phối, nâng cao sản lượng, giá trị sản phẩm đặc sản của tỉnh, đưa đến nhiều thị trường”, ông Sử nhận định.
Về phía Bộ NN-PTNN, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn làm sao xây dựng được chuỗi giá trị để cho các nhà bán lẻ, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gần gũi hơn với vùng nguyên liệu; gần gũi hơn các nhà lãnh đạo địa phương để cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn.
“Vừa qua, chúng tôi cũng đã kết nối 1.400 đầu mối, trong đó có các đầu mối doanh nghiệp, hợp tác xã của Cà Mau, để cung ứng lên TP. Hồ Chí Minh thông qua các túi combo, được người tiêu dùng đánh giá cao. Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT giữ vai trò kết nối tiêu thụ nông, thủy sản, mong muốn nhận được sự ủng hộ, đóng góp ý kiến của các nhà bán lẻ, doanh nghiệp, hợp tác xã”, ông Nam nhấn mạnh.
Tại diễn đàn trực tuyến lần này cũng đã diễn ra lễ ký kết, thực hiện các tiêu chí cũng như sự đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hoá giữa các bên giữa lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau với 2 nhà bán lẻ lớn là Tập đoàn Central Retail và Tập đoàn Lộc Trời.
Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ diễn đàn này đã diễn ra hội nghị giao lưu trực tuyến giữa nhà bán lẻ với các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, nhằm đẩy mạnh chuỗi liên kết và tiêu thụ hàng hoá trong thời gian tới.