📞

Tìm thấy 23 xác tàu đắm trong 22 ngày

15:00 | 23/07/2016
Do đặc điểm lịch sử, vùng biển Hy Lạp là nơi có rất nhiều xác tàu đắm. Chỉ sau hai đợt khảo sát, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 45 xác tàu trong vùng biển Aegean.

Một buổi chiều tháng 7/2015, nhà khảo cổ hàng hải George Koutsouflakis nhận được cuộc gọi từ một thợ lặn tự do từ quần đảo Fourni xa xôi, nằm giữa Samos và Ikaria thuộc vùng biển Tây Aegean. Anh ta đã phát hiện dưới đáy biển có nhiều xác tàu dính đầy bùn cát, và đã vẽ bản đồ chính xác vị trí của nhiều xác tàu đắm.

Quả là đúng lúc, Koutsouflakis đang tổ chức thám hiểm nhằm định vị các vụ đắm tàu tại địa điểm trên. Khi nhận được tin từ người thợ lặn, ông và các đồng nghiệp đã rất phấn khích vì dự án vậy là sắp thành công.

Một thợ lặn đang khảo sát những chiếc vò hai quai cổ xưa tại một trong 45 xác tàu, có niên đại khoảng năm 480 trước Công nguyên.

Chỉ trong 11 ngày lặn xuống biển hồi tháng 9/2015, Koutsouflakis và đồng nghiệp Peter Campbell đã phát hiện được 22 xác tàu. Đến tháng 6/2016, họ quay lại vùng đảo Fourni cùng với 25 thợ lặn, nhà khảo cổ và chuyên gia phục hồi. Thêm 23 xác tàu nữa được phát hiện sau 22 ngày, nâng tổng số lên thành 45, chiếm tới 20% tổng số xác tàu đắm được xác định tại vùng biển Hy Lạp.

Các con tàu được phát hiện hồi tháng 6/2016 có tuổi thọ trên 2.000 năm, lâu nhất là từ năm 525 TCN và mới nhất là từ những năm 1800. Vật dụng phổ biến nhất được tìm thấy ở các xác tàu là các bình đựng làm bằng sét, hay còn được gọi là vò hai quai, dùng để đựng rượu, dầu ô-liu, súp cá và hàng hóa khác.

Ông Koutsouflakis thuật lại: Nhóm ông đi trên chiếc tàu nhỏ theo chỉ dẫn của người thợ lặn về khu vực đắm tàu tại vùng nước sâu bất thường thuộc quần thể nhiều vịnh nhỏ được hình thành do địa hình uốn cong của hòn đảo chính. Chính đặc điểm có nhiều vịnh tự nhiên đã biến Fourni trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho các con tàu cổ khi gặp gió lớn.

Giảm tốc độ tàu, nhóm gọi lại cho người thợ lặn để xác định vị trí. Các dự án thám hiểm tàu đắm đều sử dụng các dụng cụ cảm ứng từ xa để định vị xác tàu, nhiều dự án còn tiêu tốn hàng chục nghìn USD đầu tư cho các thiết bị này. Tuy nhiên, nhóm Koutsouflakis lại sử dụng phương pháp “truyền thống” là liên lạc với các ngư dân đã thông thạo vùng biển họ thám hiểm.

Khi đến khu vực nghi vấn, hai thợ lặn đầu tiên mang theo các thiết bị, dụng cụ bắt đầu lặn xuống biển. Một trong hai người chính là Manos Mitikas - người thợ lặn tự do đã gọi cho Koutsouflakis. Họ lặn xuống độ sâu hơn 60 mét và tìm thấy nhiều xác tàu.

“Chúng tôi đợi ở trên và rất lo lắng bởi rủi ro luôn có thể xảy ra cho các thiết bị. Và sau 25 phút, phao đỏ nổi lên, tức là họ đã tìm thấy xác tàu và định vị nó”, ông Koutsouflakis cho biết.

Con số 45 xác tàu có thể là nhiều, nhưng qua nhiều thế kỷ, đó chỉ như một hạt cát nhỏ. Hầu hết tàu đắm ở đây là do va vào đá ngầm. Hải tặc cũng là một mối nguy khác, do chúng thường xuyên ẩn náu ở quanh vùng biển này.

Manos Mitikas thực chất xuất thân từ một dòng họ hải tặc, anh kể cho nhóm về lịch sử của gia đình anh với nhiều chiến tích cướp biển từ những năm 1869 rồi trấn an “Đừng lo, tôi là người tốt, chuyện xảy ra đã nhiều thế hệ rồi.”

Bảo tàng tương lai

Manos cùng người dân nơi đây thường xuyên nhìn thấy các vật dụng làm bằng gốm dưới đáy biển, họ chẳng ngạc nhiên về điều đó. Nhà nào cũng bày biện vò hai quai trong nhà như đồ trang trí. Cứ quăng lưới là vớt được, họ cho biết.

Một ngư dân khác 33 tuổi, Smalis Olympiadis đã dẫn nhóm khảo cổ đến vị trí của chiếc mỏ neo đá cổ xưa tại Aegean, dài 1,8 mét, nặng 136 kg, nằm sâu dưới vịnh tới 40 mét nước. Nhóm sau đó đã trục vớt nó thành công và đưa lên xuồng.

Năng suất đánh bắt cá của anh Olympiadis đã giảm 10% mỗi năm nhưng anh vẫn vui vẻ bởi hiện có nhiều nhà khảo cổ làm việc quanh đây và họ thường xuyên mua cá của anh. Mùa tới, anh sẽ báo tối thiểu 10 vị trí đắm tàu để các nhà khảo cổ đến tìm kiếm.

Ông Koutsouflakis cho biết ông rất muốn hỗ trợ người dân nơi đây gìn giữ được khu bảo tàng hàng hải mang tầm thế giới ngay trên hòn đảo này.

Thị trưởng quần đảo Fourni, ông John Marousis, nói rằng 10 năm trước nhiều người dân Athens và gần như tất cả người nước ngoài, chưa bao giờ nghe nói về quần đảo này.

Mãi đến năm 1969, hòn đảo chính ở đây mới có điện. Dân số hiện nay chỉ có khoảng 1.200 người. Nền kinh tế phần lớn phụ thuộc vào du lịch nhưng suy thoái kinh tế đã làm du lịch giảm sút.

Ông hy vọng một bảo tàng sẽ được xây, nhưng không chỉ để thu hút khách du lịch mà còn làm nên danh tiếng cho quần đảo. Fourni vốn là một cụm đảo nhỏ nằm gần hai quần đảo lớn hơn là Samos và Ikaria. "Samos nổi tiếng với rượu vang và là nơi sinh ra nhà toán học lừng danh Pitago. Ikaria nổi tiếng với số người già và các chuyện thần thoại. Bây giờ, quần đảo chúng tôi có những con tàu đắm”, ông nói.  

(theo National Geographic)