📞

Tin bất động sản hôm nay 21/1: Chuyện giá nhà và ‘bong bóng’ ở TP. Hồ Chí Minh; lý do ‘ông lớn’ địa ốc ồ ạt rót tiền vào miền đất hứa Hà Nội

Hoàng Nam 08:57 | 21/01/2021
TGVN. Các nhà đầu tư phía Nam đang có xu hướng ‘Bắc tiến’, xung quanh câu chuyện giá nhà đất và ‘bong bóng’ bất động sản TP. Hồ Chí Minh, diện tích tối thiểu để được cấp sổ đỏ… là những tin bất động sản đáng chú ý.
Bất động sản Hà Nội ngày càng thu hút nhà đầu tư địa ốc TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn Dân trí)

Tin bất động sản hôm nay ở miền Bắc

Các nhà đầu tư phía Bắc ngày càng mở rộng hoạt động xuống các tỉnh, thành phía Nam, xu hướng này gọi là "Nam tiến". Ngược lại, các nhà đầu tư phía Nam lại đang có xu hướng "Bắc tiến".

Trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội đón nhận ồ ạt dòng vốn mới, đến từ giới đầu tư các nhà đầu tư phía Nam, đa phần là nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM).

Ngay trong năm 2020, bất chấp các ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các "ông lớn" trong ngành bất động sản TP. Hồ Chí Minh liên tục công bố các dự án chung cư, khu đô thị mới tại Hà Nội.

Tháng 11/2020, một chủ đầu tư có nhiều dự án bất động sản tại TP. HCM, nhưng lần đầu tiên công bố phát triển một dự án tỷ đô tại khu Đông, Hà Nội.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, hiện tại, quỹ đất của TP. HCM đang dần trở nên khan hiếm, giá nhà tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh chạm mức cao. Trong khi đó, thị trường bất động sản miền Bắc hiện có nhiều dư địa tăng trưởng, đặc biệt về giá. Vì thế, một số chủ đầu tư có tiếng ở thị trường miền Nam sẽ gia nhập miền Bắc.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, việc các nhà đầu tư phía Nam có xu hướng "Bắc tiến" và ngược lại, các nhà đầu tư phía Bắc lại có xu hướng "Nam tiến" là xu hướng tất yếu của thị trường và nó không phụ thuộc vào yếu tố nguồn cung.

Theo giải thích của Phó Chủ tịch VARs: Nguyên nhân sâu xa của quá trình "Bắc tiến" của giới đầu tư địa ốc TP. HCM là do họ "thay đổi khẩu vị" và tìm được một "miền đất hứa" mới hơn, tiềm năng và có dư địa cao hơn.

Xu hướng đầu tư nghịch đảo đã xuất hiện từ nhiều năm trước, tuy nhiên, trong 2 năm gần đây mới mở rộng và tăng mạnh về cả số lượng dự án và dòng vốn.

Phân tích rõ hơn từng vấn đề, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết: Thị trường bất động sản Hà Nội đang trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư phía Nam. Thứ nhất, pháp lý tại Hà Nội đang khiến nhà đầu tư yên tâm khi rót vốn vào đây.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư TP. HCM và nước ngoài mong muốn mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, tạo sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư Hà Nội.

Tuy nhiên, theo bà Hằng, thành công của các chủ đầu tư TP. HCM tại thị trường Hà Nội vẫn còn là một câu hỏi lớn. Tâm lý khách hàng là một trong những thách thức lớn, vì họ có thể chưa hiểu tường tận về nhu cầu và thị trường bất động sản Hà Nội, cụ thể là về giá.

Tại TP. HCM, những dự án tại trung tâm thành phố có thể có giá bán lên đến trên 10.000 USD/m2. Tuy nhiên, ở Hà Nội, những dự án như vậy rất ít và rất khó bán.

Do đó, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bất động sản nhà ở, nhưng thấu hiểu thị trường Hà Nội để đạt được thành công là một thử thách với các chủ đầu tư TP. Hồ Chí Minh.

Tin bất động sản hôm nay ở miền Trung

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021, Tập đoàn DIC đã nhận Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư từ UBND tỉnh Quảng Bình cho 2 dự án bất động sản: Khu nghỉ dưỡng DIC Star Hotels & Resorts Quảng Bình và Khu Sân Golf Quốc tế DIC Quảng Bình với tổng mức đầu tư dự kiến 1.950 tỷ đồng.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ hỗ trợ Tập đoàn DIC khảo sát, nghiên cứu, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, đồng thời, hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn, áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất thuộc thẩm quyền của tỉnh đối với dự án phức hợp gồm 2 dự án thành phần: Khu nghỉ dưỡng DIC Star Hotels & Resorts Quảng Bình (88 ha) và Khu Sân Golf Quốc tế DIC Quảng Bình (89 ha, thuộc dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng DIC Star Hotels & Resorts – Sân golf quốc tế DIC Quảng Bình).

Cụ thể, dự án phức hợp này dự kiến sử dụng tổng diện tích đất là 177 ha, nằm trên địa phận xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Để chuẩn bị cho dự án lần này, Tập đoàn DIC đã hợp tác với Tập đoàn kiến trúc Pháp NDA Group để lên các phối cảnh ban đầu.

Quảng Bình chuẩn bị có thêm dự án bất động sản nghỉ dưỡng. (Nguồn: Cafef)

Tin bất động sản hôm nay ở miền Nam

Sốt ảo, bong bóng hay mất cân đối nghiêm trọng về vấn đề nguồn cung (thừa nhà ở cao cấp, thiếu phân khúc bình dân)..., là những lo ngại của giới chuyên gia tại thị trường bất động sản TP. HCM.

Một trong vấn đề khiến nhiều người quan tâm ở thị trường bất động sản TP. HCM chính là câu chuyện về giá.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản cho biết, giá bán căn hộ bình dân tại TP. HCM đã được đẩy lên thành phân khúc trung cấp. Giá bán căn hộ trung cấp cũng tăng mạnh, so với năm 2019 tăng 26,5% và so với năm 2018 tăng 50,7%.

Ông Đính cũng cho hay, trong cơ cấu nguồn cung chào bán ra thị trường, căn hộ giá thấp không còn xuất hiện.

Theo vị chuyên gia, điều này là bất thường khi không phản ánh đúng giá trị của bất động sản, rất dễ xảy ra bong bóng bất động sản. "Một thị trường như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển không bền vững, gây nên những bất ổn về kinh tế, tài chính…", ông Đính nhấn mạnh.

Khi đề cập vấn đề giá bất động sản ở TP. HCM, chuyên gia Đinh Thế Hiển lại cho rằng, nếu nhìn từ góc độ thu nhập của người dân thì có thể nói giá bất động sản ở TP.HCM khá cao so với thu nhập. Song nhu cầu bất động sản ở Việt Nam vẫn lớn nên nhiều nhà đầu tư vẫn chọn kênh này. Chính điều này đã hình thành lực cầu lớn.

Do vậy, theo nhận định của vị chuyên gia này, không quá lo ngại sẽ xảy ra "bong bóng" bất động sản ở TP. HCM.

Trong khi đó, đánh giá tổng quát tình hình phát triển nhà ở TP. HCM năm 2020, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) nhấn mạnh: Thị trường cơ bản vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không bị đóng băng, cũng không bị "bong bóng".

Điều khiến ông Châu lo ngại đó là thị trường tiếp tục thiếu hụt nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

Đồng thời, ông Châu cũng cho rằng, có sự đáng quan ngại về dấu hiệu biểu hiện thừa cung của phân khúc nhà ở cao cấp, do tỷ trọng nhà đầu tư thứ cấp trong phân khúc này chiếm tỷ lệ rất cao, trên dưới 60%.

Diện tích tối thiểu để được cấp sổ đỏ

Hiện nay, diện tích đất tối thiểu để được cấp sổ đỏ được quy định về cho từng địa phương dựa trên điều kiện về quỹ đất, điều kiện phát triển kinh tế, cũng như quy hoạch xây dựng, sử dụng đất của địa phương đó.

Căn cứ theo quy định tại Điều 143 và Điều 144 Luật đất đai 2013, UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở cả nông thôn hay đô thị.

Trong cùng một tỉnh, tùy theo từng vị trí, điều kiện kinh tế, quy hoạch mà từng quận, huyện cũng có thể có mức diện tích tối thiểu để được cấp sổ là khác nhau.

Ví dụ: Diện tối thiểu để cấp sổ đỏ của TP.HCM sẽ chia thành 3 khu vực:

+ Khu vực 1 bao gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú: diện tích tối thiểu 36m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m.

+ Khu vực 2 bao gồm các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức: diện tích tối thiểu 50m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4m.

+ Khu vực 3 bao gồm các huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện NHà Bè, huyện Cần Giờ: diện tích tối thiểu 80m2 và mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5m.

(tổng hợp)