📞

Tin bất động sản mới nhất: Hà Nội ‘xin’ làm thêm 2 cầu qua sông Hồng, giá đất Đà Nẵng tụt không phanh, dự án đắt nhất Tây Nguyên 'cháy hàng'

Hoàng Nam 08:32 | 30/03/2021
Hà Nội xin làm thêm 2 cầu qua sông Hồng; Bất động sản Đà Nẵng tụt giá ‘không phanh; Hà Nam chấn chỉnh hoạt động mua bán đất; dự án đắt nhất Tây Nguyên 'cháy hàng'… là những tin bất động sản mới nhất.
Tin bất động sản mới nhất: Hà Nội ‘xin’ làm thêm 2 cầu qua sông Hồng. Trong ảnh là phối cảnh cầu Tứ Liên. (Ảnh: HN)

Hà Nội cần 26.000 tỷ đồng làm 2 cầu qua sông Hồng

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 28/3, lãnh đạo TP. Hà Nội mong muốn Thủ tướng thống nhất chủ trương phát triển đồng bộ các cầu qua Sông Hồng.

Trong đó, dự án cầu Tứ Liên (tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng), cầu Thượng Cát (khoảng 9.000 tỷ đồng) trước đây đã được kêu gọi đầu tư theo hình thức BT. Tuy nhiên, do hình thức BT đã bị hủy bỏ, Hà Nội chủ trương chuyển đổi thực hiện bằng đầu tư công và hình thức đầu tư khác phù hợp.

Thành phố cũng đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 quốc gia 4 dự án giao thông với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng.

Các dự án gồm: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, Km14+380 - Km38+00; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32, đoạn từ Sơn Tây đến cầu Trung Hà; Xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; Xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và đường nối ra Quốc lộ 32).

Tổng thể giai đoạn 2021-2025, tổng cầu chi đầu tư của Hà Nội là 965.000 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư công khoảng 650.000 tỷ đồng, khả năng cân đối ngân sách mới chỉ đáp ứng được khoảng 30-35% nhu cầu.

Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu qua sông Hồng. Các cầu mới gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc). Hiện nay, Hà Nội có 8 cầu, gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.

Hà Nam chấn chỉnh hoạt động mua bán đất nền

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã xuất hiện tình trạng mua, bán, nhận chuyển nhượng đất đai chưa đúng với quy định của pháp luật.

Giá đất tại một số khu vực tăng đột biến, đặc biệt là các khu vực thuộc huyện Kim Bảng, huyện Duy Tiên, các khu đô thị, khu nhà ở… nguy cơ tạo ra các cơn sốt đất ảo về thị trường bất động sản; đồng thời gây khó khăn cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực kêu gọi đầu tư của tỉnh.

Để tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý tốt thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh Hà Nam có công văn số 706 gửi các sở, ngành yêu cầu, các nhà đầu tư thực hiện các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc ký kết hợp đồng góp vốn, chuyển nhượng đất đối với tổ chức, cá nhân không đúng quy định của pháp luật.

Tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với ban quản lý các khu đô thị mới, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện, tham mưu, xử lý nghiêm các hành vi giao dịch, kinh doanh các sản phẩm bất động sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra cần tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, đặc biệt là điều kiện, thủ tục chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng cũng như cảnh báo cho người dân đề cao cảnh giác về các hành vi mua bán không lành mạnh, các thông tin sai sự thật.

Bất động sản Đà Nẵng tụt giá ‘không phanh’

Báo cáo thị trường bất động sản Đà Nẵng của công ty tư vấn DKRA Việt Nam cho biết, nhóm bất động sản nghỉ dưỡng ven biển rơi vào tình trạng đóng băng giao dịch suốt 12 tháng qua. Nguyên nhân là chịu tác động kép của đợt suy giảm từ nửa cuối 2019 và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Năm 2020 cũng đánh dấu giai đoạn đất nền tại Đà Nẵng có nguồn cung và lượng tiêu thụ mới giảm mạnh, rổ hàng chủ yếu tập trung ở quận Liên Chiểu và quận Ngũ Hành Sơn. Suốt năm chỉ có 2 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 183 nền, chỉ bằng 3% so với năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới chưa đạt đến 2% lượng tiêu thụ năm 2019.

Giao dịch trên thị trường thứ cấp kém sôi động, tính thanh khoản thấp. Giá thứ cấp ghi nhận mức giảm trung bình 5-10%. Riêng một số trường hợp người bán cần thu hồi vốn gấp ở các dự án thuộc khu đô thị Tây Bắc (quận Liên Chiểu) hoặc khu đô thị Nam Hòa Xuân (quận Ngũ Hành Sơn), mức giảm giá thứ cấp có thể lên đến 15 - 20%.

Nhà phố, biệt thự, shophouse tiếp tục hạ nhiệt sau giai đoạn tăng trưởng nóng từ năm 2018 đến tháng 4/2019 với mức thanh khoản thấp ghi nhận ở nhiều dự án.

Lãi suất cho vay bất động sản sẽ tăng?

Từ đầu tháng 3 đến nay, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6-12 tháng ở một số ngân hàng đã nhích nhẹ lên so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, phần lớn các ngân hàng nhỏ có mức lãi suất hấp dẫn ở các kỳ hạn dài từ 18-36 tháng với mức trên 7%/năm.

Trao đổi với báo giới, chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng tình trạng riêng lẻ của một số ngân hàng, chưa phải là xu hướng chung. Việc tăng lãi suất có thể là do nhu cầu tín dụng tăng khi nền nền kinh tế đang đi vào giai đoạn phục hồi.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ, trong trường hợp lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay bất động sản cũng sẽ tăng theo mặt bằng lãi suất chung. Nhưng biến động của lãi suất cho vay bất động sản sẽ phụ thuộc rất lớn vào lãi suất chung và lạm phát.

Khi lãi suất tăng sẽ có tác dụng làm chậm tín dụng cho bất động sản, không có lợi cho lĩnh vực bất động sản. Nếu lãi suất tăng, nhiều khả năng các doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn nữa.

Đối với nhà đầu tư bất động sản, thời điểm này nếu dùng đòn bẩy tài chính phải rất cẩn thận. Vì những nhà kinh doanh sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao thì khả năng vỡ nợ rất lớn.

Chính vì vậy, việc nhà đầu tư bỏ vốn vào những dự án của các chủ đầu tư uy tín là rất quan trọng. Hãy cẩn thận khi bỏ vốn vào những dự án có độ rủi ro cao.

Bảo tàng Thế giới cà phê ở Buôn Ma Thuột. (Nguồn: Trung Nguyên)

Giá siêu đắt, dự án Thành phố Cà phê vẫn hết hàng

Là dự án đắt nhất Tây Nguyên, nhưng Thành phố Cà phê của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã bán được 99% sản phẩm chỉ trong khoảng 80 phút đầu mở bán đầu tiên với 139 căn Tesla và Cantata.

Dự án bất động sản của ông vua cà phê có quy mô 45,45 ha tọa lạc tại trung tâm Buôn Ma Thuột, là dự án đắt nhất Tây Nguyên.

Được biết, giá cụ thể cho mỗi căn nhà phố thiết kế 1 trệt 3 lầu sẽ dao động từ 7-10 tỷ đồng/căn tùy vào vị trí. Mặc dù vậy, 99% sản phẩm đã nhanh chóng giao dịch thành công chỉ trong 80 phút đầu mở bán, theo thông tin từ Trung Nguyên Legend.

Thành phố Cà phê được Trung Nguyên Legend đầu tư và khởi công xây dựng vào tháng 1/2017. Vào tháng 11/2018, công trình kiến trúc Bảo tàng Thế giới Cà phê thuộc Thành phố Cà phê được khai trương, mở cửa đón khách với 235 ngày đêm xây dựng.

Sau hơn 2 năm hoạt động, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã đón trên 1 triệu lượt khách tham quan, góp phần gia tăng gần 40% doanh thu cho ngành du lịch tới Đắk Lắk.

Tháng 1/2021, Trung Nguyên Legend chính thức giới thiệu dự án và xây dựng hàng loạt tiện ích dành cho cư dân như tiện ích vườn Zen (Zen Garden) đã hoàn thiện trong chưa tới 30 ngày, tạo thành điểm đến thú vị của Buôn Ma Thuột.

(tổng hợp)