12 bà Mụ là những vị thần lo nắn lại cơ thể cho một người nào đó khi được lệnh đầu thai. |
Sự tích về 12 Bà Mụ đã được Nguyễn Đổng Chi kể trong sách Lược khảo về thần thoại Việt Nam rằng: "Sự tích của 12 vị nữ thần này hiện nay chúng ta chỉ còn biết một cách lờ mờ. Có thuyết nói đó là các thần giúp việc cho Ngọc Hoàng từ lúc ông ta có ý định sáng tạo ra loài người. Nhưng cũng có thuyết lại cho đó là những thần được Ngọc Hoàng giao phó trách nhiệm sau khi ông đã sáng tạo ra đủ số lượng người và vật ở hạ giới". Nói cách khác, 12 bà Mụ là những vị thần có trách nhiệm nắn lại cơ thể cho một người nào đó khi được lệnh đầu thai.
Con số về 12 Bà Mụ được giải thích với nhiều khác biệt. Có quan điểm cho rằng, đó là một tập thể chịu trách nhiệm chung công việc tạo thành con người hoặc mỗi Bà Mụ lo một việc: người nắn tai, người nắn mắt, người nắn tứ chi, người dạy trẻ cười, người dạy trẻ nói. Trong một quan niệm khác thì, 12 Bà Mụ là 12 vị luân phiên nhau lo việc thai sản trong 12 năm, tính theo "thập nhị chi" - tức theo 12 con giáp. Nói cách khác, họ mang đậm dấu ấn của thần Thời gian. Từ xưa đến nay, số 12 vẫn là con số của sự hoàn thành, một chu kỳ hoàn tất và được hiểu là tái sinh. Có lẽ, cũng vì những suy đoán phong phú này, khi nghĩ về công đức của tạo hóa, người ta đã cho ra đời tín ngưỡng thờ cúng Bà Mụ.
Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á và thường được tổ chức vào những thời điểm: khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng), 100 ngày (ngày đầy tuổi tôi) và 1 năm (ngày thôi nôi). Trong sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn viết: "Tục nước ta, đẻ con được ba ngày, làm mâm cơm cúng Mụ. Đến hôm đầy tháng, hôm một trăm ngày, hôm đầy tuổi tôi, đều có làm cỗ cúng gia tiên, bầy tiệc ăn mừng".
Tiệc cúng Mụ để tạ ơn và cầu xin ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành. Dân tộc Dao thường làm lễ cúng Mụ khi đứa trẻ được 3 ngày, bằng cách lập đàn cúng ở động Đào Hoa Lâm Châu (người Dao quan niệm đây là nơi Mụ trú ngụ). Trong nghi thức cúng Mụ, phần sửa soạn lễ vật hết sức quan trọng đòi hỏi phải được thực hiện cẩn thận và chu đáo. Tất cả các lễ vật được bài trí một cách hài hòa, cân đối ở chính giữa phía trên của hương án, trong đó lễ vật dâng các bà mụ chia làm 12 phần nhỏ đều nhau và 1 phần to hơn.
Ở Việt Nam, bà Mụ được thờ cúng tại một số đền chùa như chùa Hóc Ông, chùa Biên Hòa, chùa Phước Tường Thủ Đức và chùa Minh Hương Gia Thạnh Chợ Lớn. Tại Điện Ngọc Hoàng ở Tp.Hồ Chí Minh, hiện có 12 pho tượng các bà Mụ trong tư thế ngồi ngai, mỗi tượng có một kiểu ngồi độc đáo với các động tác chăm sóc trẻ: bồng trẻ, cầm bình sữa, bồng bé bú, tắm cho bé. Các pho tượng được làm từ khoảng đầu thế kỷ 20, bằng chất liệu gốm với màu sắc sinh động từ màu xanh lục đậu, lam cô-ban, trắng ngà, vàng đất, nâu đen.
Tín ngưỡng về Bà Mụ từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt. Vì vậy, người ta luôn tin rằng, mỗi người phụ nữ khi mang thai và mỗi đứa trẻ khi chào đời và lớn lên đều có các Bà Mụ đi theo làm nhiệm vụ chăm sóc và nâng đỡ.
YẾN NHI