📞

Tin thế giới 10/10: Kiev rung chuyển, Tổng thống Ukraine hiện ở đâu? Ông Putin nói gì vụ nổ cầu Crimea? Ấn Độ-Pakistan cần 'cho hòa bình cơ hội'

Hà Thu 18:56 | 10/10/2022
Các vụ nổ ở thủ đô Kiev và cầu Criema giữa xung đột Nga-Ukraine, quan hệ Ấn Độ-Pakistan, tình hình Bán đảo Triều Tiên, bầu cử Áo, Giải Nobel Kinh tế 2022... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Nhiều ô tô bốc cháy sau cuộc tấn công tên lửa nhằm vào thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 10/10. (Nguồn Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nổ liên hoàn ở thủ đô Kiev của Ukraine trong ngày 10/10. Theo AFP, có tin tên lửa rơi xuống gần Cơ quan An ninh và Văn phòng Tổng thống Ukraine

Theo Sputnik (Nga), đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng thủ đô Kiev chứng kiến các vụ nổ lớn như vậy. Trong khi đó, TASS đưa tin, có tổng cộng 10 vụ nổ đã xảy ra ở thủ đô của Ukraine trong ngày 10/10.

hiều tài khoản trên Telegram đã đề cập một đám cháy lớn tại nhà máy nhiệt điện Kiev. Các cơ sở năng lượng ở tỉnh Zhytomyr cũng bị hư hại.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, loạt vụ nổ trên là một phần trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine và "mọi việc đang diễn ra trong khuôn khổ".

* Truyền thông nói Tổng thống Ukraine được sơ tán tới miền Tây: Trang mạng Readovka của Ukraine ngày 10/10 cho biết: “Trong bối cảnh xảy ra các cuộc tấn công bằng tên lửa vào thành phố Kiev, Tổng thống Ukraine đã nhanh chóng rời khỏi Kiev và được đưa đến một boongke bí mật”.

Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, các cuộc tấn công tên lửa vẫn chưa lắng xuống trên khắp Ukraine.

Cũng theo nhà lãnh đạo, đối phương đã chọn thời điểm để thực hiện các cuộc tấn công vào Ukraine trong ngày 10/10, có sử dụng cả máy bay không người lái do Iran sản xuất, nhằm gây ra thiệt hại lớn nhất có thể. (AFP, Reuters)

* Tổng thống Ukraine điện đàm với lãnh đạo Đức, Pháp sau loạt vụ nổ ngày 10/10 nhằm kêu gọi một phản ứng cứng rắn đối với Nga.

Trên mạng Twitter, Tổng thống Zelensky nêu rõ, trong các cuộc điện đàm, ông đã thảo luận về việc "gia tăng sức ép" đối với Nga, cũng như "việc tăng cường năng lực phòng không, sự cần thiết của việc đưa ra phản ứng cứng rắn của châu Âu và cộng đồng quốc tế".

Tổng thống Pháp Emmaniel Macron bày tỏ "hết sức quan ngại" về cuộc tấn công tên lửa vào thủ đô Kiev, đồng thời cam kết sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định "tình đoàn kết của Đức và các nước thành viên G7 khác" đối với Ukraine.

Dự kiến, lãnh đạo các nước G7 và Tổng thống Zelensky sẽ tiến hành hội nghị trực tuyến khẩn cấp trong ngày 11/10 để thảo luận vụ tấn công tên lửa ngày 10/10. (AFP)

* Ukraine phản ứng trước các cuộc tấn công tên lửa vào Kiev: Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng, các cuộc tấn công tên lửa trên khắp nước này trong ngày 10/10 "sẽ không phá vỡ" được quốc gia Đông Âu.

Trong khi đó, trên Facebook, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố: "Đã có sự hy sinh về người và sự thiệt hại về vật chất. Kẻ thù sẽ bị trừng phạt vì đã gây ra nỗi đau và cái chết trên lãnh thổ của chúng ta! Chúng ta sẽ trả thù!". (AFP, Reuters)

* EU dự kiến huấn luyện 15.000 binh sĩ Ukraine vào mùa Đông này, trong khuôn khổ sứ mệnh hỗ trợ đào tạo, theo báo Die Welt (Đức) dẫn nguồn tin ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU). Trụ sở điều phối sứ mệnh huấn luyện đang được thành lập trên lãnh thổ Ba Lan và Đức.

Tại Ba Lan, các binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Ukraine sẽ học cách điều khiển hệ thống phòng không, tự vệ trước các vũ khí mạng, dành hỗ trợ y tế và sử dụng pháo. Tại Đức, các binh sĩ Ukraine sẽ phải trải qua khóa huấn luyện chiến thuật và hướng dẫn về kỹ thuật công binh.

* Trung Quốc kêu gọi giảm căng thẳng ở Ukraine: Ngày 10/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraine sau khi một loạt vụ nổ làm rung chuyển một số thành phố ở Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev.

Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: "Chúng tôi hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện". (Reuters)

* Slovakia chuyển pháo tự hành Zuzana 2 mới sản xuất cho Ukraine vào ngày 9/10 theo hợp đồng thương mại giữa hai nước. Đến nay, Slovakia đã chuyển giao cho Kiev 4 cụm pháo như vậy trong tổng số 8 bộ quy định trong hợp đồng.

Zuzana 2 là pháo tự hành thế hệ mới được chế tạo trên khung gầm bánh lốp TATRA 8x8, trang bị pháo 155 mm với tầm bắn tối đa 41 km, kíp điều khiển 4 người. Hệ thống nạp đạn tự động cho phép mỗi phút bắn được 6 phát đạn. (Sputnik)

* Ukraine cho nổ gần như tất cả cầu ở khu vực biên giới với Belarus và gài mìn chống tăng trên các con đường, Chủ tịch Ủy ban Biên giới Nhà nước Belarus Anatoly Lappo cho biết ngày 9/10.

Ông Lappo thông báo: “Tình hình hướng Nam khó khăn. Các nỗ lực của phía Ukraine đang tập trung vào việc tăng cường bảo vệ biên giới nhà nước”. Đồng thời, không phải lực lượng biên phòng mà là quân đội Ukraine được điều đến biên giới.

Chủ tịch Ủy ban Biên giới Nhà nước Belarus nói: “Chúng tôi đang phải chịu áp lực, họ đang nhằm vào lực lượng biên phòng của chúng tôi, đôi khi họ bắn cảnh cáo trong khi liên tục thực hiện hoạt động trinh sát trên không”. (Al Mayadeen)

* Ukraine tăng cường tấn công vào lãnh thổ Nga: Ngày 9/10, Cơ quan An ninh LB Nga (FSB) cho biết: “Kể từ đầu tháng 10, số lượng các cuộc tấn công từ các nhóm vũ trang Ukraine vào lãnh thổ của Nga đã tăng đáng kể”.

Theo FSB, trong 1 tuần vừa qua “hơn 100 cuộc bắn phá đã được ghi nhận ở 32 địa phương, với việc sử dụng nhiều hệ thống phóng tên lửa, pháo, súng cối và máy bay không người lái”.

Các cuộc tấn công tập trung vào khu vực Belgorod của Nga, gần thành phố Kharkov của Ukraine, cũng như các thành phố Bryansk và Kursk, “phá hủy 2 trạm điện, 11 tòa nhà dân sinh và 2 tòa nhà hành chính”. (TASS)

* Tổng thống Putin đổ lỗi cho mật vụ Ukraine gây ra vụ nổ cầu Crimea: Ngày 9/10, đề cập vụ nổ cầu Kerch nối bán đảo Crimea với Nga trong một đoạn video do Điện Krelin đăng tải, Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Các tác giả, thủ phạm và nhà tài trợ là các cơ quan mật vụ Ukraine. Không nghi ngờ gì, đây là hành động khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Nga”.

Vụ đánh bom xe tải hôm 8/10 đã gây ra một đám cháy lớn trên cầu đường bộ và đường sắt nối giữa Nga và bán đảo Crimea, làm 3 người thiệt mạng. Ukraine chưa nhận trách nhiệm gây ra vụ việc này. (Reuters)

Châu Âu

* Quân đội Đức và Lithuania tập trận ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đây cũng là cuộc tập trận đầu tiên của Lữ đoàn Đức nhằm tăng cường bảo vệ khu vực này.

Trong cuộc tập trận mang tên “Fast Griffin”, kéo dài đến giữa tháng 10, khoảng 200 binh sĩ Đức cùng khoảng 50 phương tiện vận tải và chiến đấu tham gia huấn luyện với quân đội Lithuania tại khu huấn luyện quân sự Gaiziunai, gần căn cứ quân sự Rukla.

Hai bên sẽ tập huấn sự tương tác giữa các lực lượng vũ trang của hai đối tác liên minh NATO. (Sputnik, Euronews)

* Thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ điện đàm vào ngày 9/10 để thảo luận về vấn đề Ukraine cũng như chuẩn bị cho các hội nghị sắp tới.

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo chỉ trích những đe dọa hạt nhân của Điện Kremlin và cho rằng, lệnh động viên một phần của Moscow là "sai lầm nghiêm trọng" cũng như không bao giờ chấp nhận việc Nga sáp nhập phần lãnh thổ của Ukraine.

Cuộc điện đàm cũng tập trung vào việc chuẩn bị cho các cuộc họp của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). (AP, Reuters)

* Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống tại Áo: Tổng thống liên bang Áo Alexander Van der Bellen, 78 tuổi, đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai khi nhận trên 50% số phiếu ủng hộ ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Nếu tính đến trên 800.000 lá phiếu bầu gửi qua bưu điện chưa được kiểm, kênh ORF dự đoán ông Van der Bellen có thể nhận được khoảng 56% số phiếu thuận. Dự kiến, kết quả chính thức sẽ được công bố trong ngày 10/10. (Reuters)

* Cảnh sát và quân đội Đức bắt tay điều tra các sự cố với đường ống Dòng chảy phương Bắc, kênh truyền hình Tagesschau của Đức ngày 9/10 đưa tin.

Hai tàu của Hải quân Đức, bao gồm tàu quét mìn "Dillingen" và tàu đa năng "Mittelgrund", đã được triển khai từ các căn cứ tương ứng ở Kiel và Eckernförde hướng tới Biển Baltic cho sứ mệnh điều tra. Tàu "BP 81-Potsdam" của cảnh sát liên bang cũng tham gia vào sứ mệnh này.

Trang Taggesschau dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp liên bang Đức Marco Buschmann cho biết, Cơ quan Công tố liên bang đang xem xét mở cuộc điều tra hình sự về các hành động phá hoại đối với các đường ống Nord Stream.

* Nga phóng thành công vệ tinh định vị GLONASS-K bằng tên lửa đẩy Soyuz-2.1b từ sân bay vũ trụ Plesetsk, cách thủ đô Moscow 300km về phía Bắc, vào ngày 10/10. Vệ tinh này sau đó cùng ngày đã đi vào quỹ đạo dự kiến.

GLONASS-K là vệ tinh định vị nằm trong hệ thống vệ tinh định vị GLONASS của Nga. Trong 2 thập niên qua, Nga đã chi nhiều tỷ USD để phát triển hệ thống GLONASS được xem là có thể cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. (TASS)

Châu Á

* Australia đề cao quan hệ đối tác với Ấn Độ: Ngày 10/10, trong họp báo chung với người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar tại Canberra, Ngoại trưởng Australia Penny Wong khẳng định, hai nước chia sẻ tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tôn trọng chủ quyền, nơi các quốc gia không bắt buộc phải lựa chọn bên, mà đưa ra lựa chọn chủ quyền của riêng mình”.

Ngoại trưởng Australia khẳng định: "Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ quốc gia nào thống trị hoặc bất kỳ quốc gia nào bị thống trị... Tôi cho rằng quan hệ đối tác Australia-Ấn Độ là một minh chứng cho thấy rằng chúng tôi hiểu rằng tốt nhất là hai nước cần cùng nhau vượt qua giai đoạn thay đổi này". (The Hindu)

* Tướng Pakistan gợi ý về hòa bình với Ấn Độ: Ngày 9/10, Tham mưu trưởng lục quân Pakistan (COAS), Tướng Qamar Javed Bajwa nói rằng: “Chúng ta phải cho hòa bình cơ hội bằng cách phát triển một cơ chế giải quyết tất cả các vấn đề song phương một cách hòa bình".

Khẳng định mong muốn hòa bình không bị coi là sự yếu đuối, tướng Ấn Độ nói thêm: “Không ai nên phạm bất kỳ sai lầm nào về quyết tâm tập thể trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình và bảo vệ mỗi một tấc đất của tổ quốc”.

Theo Tướng Bajwa, “chúng ta đang cố gắng hết sức nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị đang ngăn cản các nước Nam Á tiến lên và giải quyết tất cả các vấn đề của khu vực và song phương một cách hòa bình và đàng hoàng”. (Gulf News)

* Ấn Độ từ chối tiết lộ việc bỏ phiếu về tuyên bố sáp nhập của Nga: Ngày 10/10, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết, nước này không muốn tiết lộ về lá phiếu liên quan dự thảo nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó lên án việc Nga tuyên bố sáp nhập một số khu vực ở Ukraine, dự kiến diễn ra vào ngày 11 hoặc 12/10.

Trong khi đó, Bộ trưởng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Ấn Độ Hardeep Singh Puri khẳng định, không có quốc gia nào yêu cầu nước này ngừng mua dầu của Nga và New Delhi sẽ tiếp tục mua dầu từ "bất cứ nơi đâu" bởi chính phủ Ấn Độ có nghĩa vụ đạo đức là cung cấp năng lượng với giá cả phải chăng cho người tiêu dùng.(Reuters)

* Malaysia-Nhật Bản nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và bắt đầu thảo luận ở cấp chính thức, theo lời Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasacho biết, nước này mong muốn tăng cường hợp tác với Malaysia để hiện thực hóa nguyên tắc của một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong việc giải quyết các vấn đề địa chính trị đang gây ra trên thế giới hiện nay. (Malay Mail)

* Triều Tiên lên tiếng về việc phóng tên lửa bay qua Nhật Bản: Ngày 10/10, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, vật thể bay qua quần đảo Nhật Bản hôm 4/10 là "tên lửa đạn đạo tầm trung đất đối đất kiểu mới" được phóng trong khuôn khổ cuộc tập trận diễn ra từ cuối tháng 9 vừa qua.

KCNA cho hay, cuộc tập trận do các đơn vị chịu trách nhiệm vận hành vũ khí hạt nhân chiến thuật thực hiện và 7 vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên đều là tập trận "hạt nhân chiến thuật" do Chủ tịch nước này Kim Jong-un đích thân giám sát. (Kyodo, AFP)

* Israel 'bật đèn xanh' thử nghiệm đường ống dẫn khí đốt của mỏ Karish tranh chấp: Tờ Times of Israel dẫn thông báo của Công ty khai thác khí đốt Energean cho biết: "Sau khi được Bộ Năng lượng Israel cho phép bắt đầu quy trình thử nghiệm, khí đốt từ dự án FPSO đã được vận chuyển".

Mỏ khí tự nhiên Karish hiện là tâm điểm của tranh chấp về quyền khai thác giữa Israel và Lebanon.

* Tòa án Tối cao Israel bác lệnh cấm đảng Balad của người Arab tham gia bầu cử quốc hội, dự kiến tổ chức vào ngày 1/11 tới. Tòa án Tối cao Israel không đề cập lý do cụ thể dẫn tới quyết định này.

Theo Times of Israel, toàn bộ 9 thành viên bồi thẩm đoàn của Tòa án Tối cao đã nhất trí quyết định hủy lệnh cấm của Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) loại đảng Balad khỏi cuộc bầu cử sắp tới.

Người Arab tại Israel, hiện chiếm khoảng 20% dân số nước này, là người Palestine ở lại Israel sau cuộc chiến giành độc lập của Israel năm 1948.

Châu Phi

* AU đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố ở Somalia: Phái bộ Chuyển tiếp Liên minh châu Phi tại Somalia (ATMIS) đã mở các trung tâm hoạt động chung (JOC) để tăng cường phối hợp và lập kế hoạch với lực lượng an ninh của Somalia (SSF) trong các chiến dịch chống lại nhóm khủng bố Al-Shabaab.

Lực lượng an ninh Somalia và các đối tác sẽ phối hợp và lập kế hoạch hoạt động tại các trung tâm theo Tư tưởng Hoạt động của ATMIS (CONOPs). CONOPs cung cấp một khuôn khổ để hướng dẫn thực hiện việc chuyển giao dần dần trách nhiệm đảm bảo an ninh cho lực lượng an ninh Somalia và cuối cùng là lực lượng của Liên minh châu Phi (AU) sẽ rời khỏi quốc gia châu Phi này. (African Business)

Giải Nobel Kinh tế 2022 gọi tên 3 nhà kinh tế người Mỹ

Vào lúc 16h45 ngày 10/10 (theo giờ Việt Nam), 3 nhà kinh tế người Mỹ gồm Ben S. Bernake, Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2022 cho "những nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính

Từ năm 1969 đến năm 2021, đã có 53 giải Nobel Kinh tế được trao. Người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải thưởng danh giá này là bà Esther Duflo (khi đó 46 tuổi), trong khi người cao tuổi nhất từng được vinh danh là nhà kinh tế học Leonid Hurwicz (ở tuổi 90).