📞

Tin thế giới 10/12: Hàn Quốc cấm quan chức cấp cao xuất cảnh, Quân đội Israel tiến sát thủ đô của Syria, Nga tuyên bố sắp đạt mục tiêu tại Ukraine

Nhất Phong 20:00 | 10/12/2024
Phe đối lập chỉ định nhân sự thành lập chính phủ mới ở Syria, Mỹ triển khai máy bay tấn công đến Philippines, Trung Quốc hạn chế thị thực đối với một số quan chức Mỹ… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu (ngoài cùng bên phải) đến thăm núi Bental nằm trong vùng do nước này kiểm soát trên Cao nguyên Golan ngày 8/12. (Nguồn: Văn phòng Thủ tướng Israel)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Hàn Quốc khẳng định duy trì hoạt động ngoại giao theo Hiến pháp: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Jae-woong ngày 10/12 tuyên bố các hoạt động ngoại giao của nước này vẫn diễn ra theo quy định của Hiến pháp, khẳng định vai trò của Tổng thống Yoon Suk Yeol trong việc ra quyết định đối ngoại.

Tranh cãi bùng phát sau khi lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền Han Dong Hoon tuyên bố Thủ tướng sẽ điều hành công việc nhà nước, bao gồm cả các công việc ngoại giao, với sự tham vấn chặt chẽ của đảng này.

Theo Hiến pháp Hàn Quốc, tổng thống có quyền ký kết và phê chuẩn các hiệp ước, tiếp nhận hoặc cử phái viên ngoại giao, tuyên chiến và ký kết hiệp định hòa bình. (AFP)

*Trung Quốc hạn chế thị thực đối với một số quan chức Mỹ: Tại một cuộc họp báo ngày 10/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này đã quyết định áp đặt hạn chế thị thực đối với một số nhân sự Mỹ.

Bắc Kinh cho rằng những người này đã "hành xử không đúng đắn" và "can thiệp" vào các vấn đề liên quan đến Hong Kong. (Reuters)

*Philippines khẳng định cam kết tuân thủ UNCLOS: Ngày 10/12, Chính phủ Philippines tái khẳng định cam kết tuân thủ các điều khoản và nguyên tắc được ghi trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày ký kết công ước.

Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) tuyên bố Chính phủ Philippines đã tuân thủ các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, nhấn mạnh rằng "các yêu sách vượt quá giới hạn địa lý và thực chất của các quyền hàng hải theo UNCLOS là không có hiệu lực pháp lý. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tuân thủ Phán quyết Trọng tài năm 2016 và chúng tôi đánh giá cao sự công nhận ngày càng tăng đối với Phán quyết như một phần không thể chối cãi của luật pháp quốc tế". (Inquirer)

*Hàn Quốc cấm nhiều quan chức cấp cao xuất cảnh: Chính quyền Hàn Quốc ngày 10/12 đã ban lệnh cấm xuất cảnh đối với nhiều quan chức cấp cao, sau nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Trong số các quan chức bị cấm xuất cảnh có Tổng thanh tra Cơ quan cảnh sát Quốc gia Cho Ji-ho cùng hai quan chức cảnh sát cấp cao khác. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun đã bị bắt và đang chờ tòa án xem xét phê chuẩn lệnh bắt giữ chính thức.

Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã lập "lộ trình từ chức" cho Tổng thống Yoon, dự kiến diễn ra vào tháng 2 hoặc tháng 3/2025, trước cuộc bầu cử mới vào tháng 4 hoặc tháng 5/2025. (AFP)

*Chủ tịch Trung Quốc cam kết duy trì đối thoại với Mỹ: Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 10/12 cho biết Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng ổn định, lành mạnh và bền vững.

Phát biểu trong cuộc gặp với lãnh đạo các tổ chức kinh tế quốc tế lớn tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại và chiến tranh khoa học-công nghệ đi ngược lại xu thế lịch sử và quy luật kinh tế, sẽ không có người chiến thắng”. Ông khẳng định Trung Quốc sẵn sàng duy trì đối thoại, mở rộng hợp tác và kiểm soát bất đồng với Chính phủ Mỹ. (TTX)

*Mỹ triển khai máy bay tấn công đến Philippines: Mỹ đã triển khai một số máy bay tấn công đến Philippines trong bối cảnh căng thẳng dai dẳng ở Biển Đông đang có tranh chấp.

Những bức ảnh do Không quân Mỹ công bố mới đây cho thấy, ít nhất 4 máy bay A-10 Thunderbolt II, thường được gọi là Warthog, đã đến căn cứ Không quân Clark ở Philippines. Chúng sẽ tiến hành huấn luyện chung với Không quân Philippines cho đến ngày 15/12.

Việc triển khai Warthog diễn ra sau khi gần 100 tàu Trung Quốc bị phát hiện chiếm đóng vùng biển gần đảo Thị Tứ đang tranh chấp ở Biển Đông. (Newsweek)

Trung Đông-châu Phi

*Israel phá hủy trung tâm nghiên cứu quốc phòng Syria: Ngày 10/12, các phóng viên hãng tin AFP có mặt tại hiện trường xác nhận một trung tâm nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Syria ở khu vực Barzeh, Damascus đã bị phá hủy hoàn toàn sau các cuộc không kích được cho là do Israel tiến hành.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết máy bay chiến đấu của Israel đã thực hiện hơn 100 cuộc không kích, trong đó có trung tâm nghiên cứu khoa học Barzeh.

Năm 2018, liên quân phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã không kích cơ sở này với cáo buộc nó là một phần trong "cơ sở hạ tầng vũ khí hóa học" của Syria. (AFP)

*Mỹ giúp lực lượng đồng minh chiếm các vùng lãnh thổ chiến lược ở Syria: Tờ Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, lực lượng Mỹ ở Syria đã giúp các nhóm dân quân đồng minh chiếm giữ các vùng lãnh thổ có tầm quan trọng chiến lược ở Syria sau khi đất nước này thay đổi chính quyền.

Khoảng 800 binh sĩ Mỹ đóng tại nhiều địa điểm ở miền Đông Syria được cho là đã điều phối hoạt động của các nhóm này, từ đó giúp họ chiếm được những vùng lãnh thổ trước đây do chính quyền của Tổng thống bị lật đổ Bashar Assad và Iran kiểm soát.

Các nhóm vũ trang Syria đã chiếm được thủ đô Damascus hôm 8/12. Một nguồn tin từ Điện Kremlin nói với hãng tin Sputnik rằng ông Assad và gia đình đã tới Moscow và Nga đã cho họ tị nạn vì lý do nhân đạo. (Sputniknews)

*Israel bác tin lực lượng nước này vượt vùng đệm với Syria: Ngày 10/12, một người phát ngôn của quân đội Israel đã bác bỏ thông tin cho rằng lực lượng nước này đã xâm nhập vào lãnh thổ Syria vượt quá vùng đệm ngăn cách giữa Syria và Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, sau khi các nguồn tin Syria cho biết vụ xâm nhập chỉ cách thủ đô Damascus 25 km.

Người phát ngôn này nêu rõ: "Thông tin này không đúng sự thật, các lực lượng của chúng tôi không rời khỏi vùng đệm”. (Reuters)

*Syria yêu cầu Israel rút quân: Ngày 9/12, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc (LHQ) Qusay al-Dahhak tuyên bố Israel phải rút quân khỏi Syria.

Ông Qusay al-Dahhak nêu rõ: "Chúng ta cần chấm dứt hành động xâm lược của Israel đối với Syria. Chúng ta cần lực lượng Israel xâm lược lãnh thổ của chúng ta ... phải rời đi". Theo ông, Israel phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và thỏa thuận phân chia lực lượng năm 1974. Theo thỏa thuận, chỉ có lực lượng LHQ mới được đồn trú tại vùng đệm ở Cao nguyên Golan.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya phàn nàn việc Israel đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về Cao nguyên Golan. (TASS)

*Phe đối lập chỉ định nhân sự thành lập chính phủ mới ở Syria: Truyền thông Syria ngày 9/12 đưa tin các phe phái vũ trang lật đổ Tổng thống Bashar Al-Assad đã chỉ định ông Mohammed Al-Bashir - người đứng đầu “Chính phủ cứu nguy” ở tỉnh Idlib - thành lập chính phủ mới của Syria để quản lý giai đoạn chuyển tiếp ở quốc gia Trung Đông.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp giữa thủ lĩnh nhóm Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) Ahmed Al-Sharaa, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mohammed Al-Jalali và ông Bashir để xác định các bước chuyển giao quyền lực và ngăn chặn tình trạng hỗn loạn ở Syria.

Trong một diễn biến khác, trong thông báo được đăng tải trên kênh Telegram ngày 9/12, các nhóm đối lập Syria tuyên bố mọi quân nhân phục vụ trong thời kỳ cai trị của Tổng thống Assad đã được ân xá. (Al Jazeera)

*Quân đội Israel tiến sát thủ đô Damascus của Syria: Ngày 10/12, hai nguồn tin an ninh khu vực và một nguồn tin an ninh Syria cho biết lực lượng quân sự Israel đã tiến vào miền Nam Syria tới điểm chỉ cách thủ đô Damascus khoảng 25 km về phía Tây Nam.

Nguồn tin an ninh Syria cho hay quân đội Israel đã tới Qatana, địa điểm nằm trong lãnh thổ Syria, cách khu phi quân sự 10 km về phía Đông. Khu phi quân sự này là vùng đệm ngăn cách giữa Syria và Cao nguyên Golan đang bị Israel chiếm đóng. Quân đội Israel từ chối bình luận về thông tin trên. (Reuters)

Châu Âu

*Nga tuyên bố tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine tới cùng: Ngày 10/12, Điện Kremlin cho biết Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine cho đến khi đạt được các mục tiêu do Tổng thống Vladimir Putin đề ra thông qua hành động quân sự hoặc đàm phán.

Trước đó, ông Putin đã yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và rút hoàn toàn khỏi 4 vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố chủ quyền. (Reuters)

*Lithuania bắt chính trị gia làm gián điệp cho Nga: Văn phòng Tổng công tố Lithuania ngày 9/12 xác nhận quốc gia Baltic đã bắt giữ 1 thành viên của đảng bảo thủ đối lập với cáo buộc làm gián điệp cho Nga.

Lithuania - thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với 2,8 triệu dân - là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Ukraine.

Nhà chức trách Lithuania từ chối tiết lộ danh tính của nghi phạm, song 2 nguồn tin giấu tên cho biết đó là Eduardas Manovas, 82 tuổi. Người đàn ông này đã trở về Lithuania vào năm 1997, không lâu sau khi Vilnius tuyên bố độc lập, và sống tại thành phố Siauliai ở miền Bắc Lithuania. (Sputniknews)

*Nga bắt giữ công dân Đức với cáo buộc phá hoại: Hãng thông tấn nhà nước RIA đưa tin, các nhà chức trách Nga đã bắt giữ một người đàn ông mang hai quốc tịch Nga-Đức với cáo buộc chuẩn bị thực hiện hành vi phá hoại đường sắt ở Nizhny Novgorod, một thành phố cách Moscow khoảng 450km về phía Đông.

Theo RIA, Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) cho biết đã phát hiện chất nổ tại nhà của người này. (RIA)

*Nga tuyên bố sắp đạt mục tiêu quân sự tại Ukraine: Truyền thông Nga ngày 10/12 đưa tin Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại Liên bang Nga Sergei Naryshkin cho biết Moscow đang gần đạt được các mục tiêu quân sự ở Ukraine và nắm thế chủ động chiến lược trên mọi mặt trận.

Hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời ông Naryshkin phát biểu với tạp chí Razvedchik (ấn phẩm chính thức của cơ quan tình báo đối ngoại Nga), cho hay: "Tình hình trên chiến tuyến không có lợi cho Kiev" và "chúng ta đang nắm thế chủ động chiến lược trên mọi mặt trận". (RIA)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Canada cảnh báo đáp trả nếu ông Trump áp mức thuế mới: Tờ Wall Street Journal ngày 10/12 đưa tin Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump áp thuế "không công bằng" đối với hàng hóa nước này.

Hồi cuối tháng 11, ông Trump thông báo sẽ áp thuế 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico sau khi nhậm chức, với lý do hai nước chưa giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy vào Mỹ.

Theo Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), nhiều mặt hàng được miễn thuế khi giao thương giữa ba nước, với điều kiện đáp ứng các quy tắc xuất xứ. Do đó, đề xuất của ông Trump có thể vi phạm hiệp định và làm phức tạp thêm quan hệ kinh tế, chính trị giữa các nước trong khu vực. (Sputnik)

*Mỹ áp đặt các trừng phạt thị thực mới đối với 17 quan chức Nga: Trong một thông cáo ngày 9/12, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đã áp đặt các biện pháp hạn chế thị thực đối với 17 quan chức Nga với cáo buộc "phá hoại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine".

Thông cáo nêu rõ: "Theo Mục 212(a)(3)(C), Bộ Ngoại giao đang công bố các bước áp dụng hạn chế thị thực đối với 17 quan chức Nga và các cơ quan đại diện do Nga chỉ định", đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine và thực hiện các bước nhằm buộc những người có hành vi phá hoại nền độc lập của Ukraine phải chịu trách nhiệm. (Sputniknews)

*Chính phủ Canada vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm lần thứ 3: Ngày 9/12, Chính phủ Canada lại vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần thứ 3 trong nhiều tháng qua, do đối thủ chính là đảng Bảo thủ khởi xướng.

Chính phủ đảng Tự do thiểu số của Thủ tướng Justin Trudeau đã nhận được sự ủng hộ của đảng Dân chủ Mới (NDP), một phe cánh tả nhỏ từng liên kết với họ, để vượt qua động thái này.

Với lợi thế dẫn trước 20 điểm trong các cuộc thăm dò, lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre đang nóng lòng muốn có một cuộc bầu cử kể từ khi NDP hủy bỏ thỏa thuận liên minh với đảng Tự do từ năm 2015. Tuy nhiên, NDP và các đảng đối lập khác cho đến nay vẫn từ chối đứng về phía họ.

Hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do Đảng Bảo thủ đưa ra hồi tháng 9 và tháng 10 đã thất bại khi NDP và Khối Quebecois ủng hộ đảng Tự do. (AFP)