Ứng viên Tổng thống Ecuador Fernando Villavicencio đã bị ám sát khi vận động tranh cử ở Quito ngày 9/8. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga chỉ ra sự “thất bại chiến lược” của Mỹ ở Ukraine: Ngày 10/8, viết trên Telegram, Đại sứ quán Nga tại Mỹ thông báo: “Chúng tôi đã ghi nhận một tuyên bố khác của đại diện Nhà Trắng rằng cần phải hỗ trợ thêm cho Ukraine, mặc dù sự ủng hộ của dân chúng với điều này đã giảm đáng kể. Việc Washington khăng khăng nói về việc phải hỗ trợ giúp đỡ Kiev bằng mọi cách có thể, trước hết là cung cấp vũ khí mới, đã thừa nhận thất bại trong chiến lược của Mỹ ở Ukraine”.
Phía Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi những người ra quyết sách ở Washington về cuộc khủng hoảng ở Ukraine hãy tỉnh táo để thấy rằng tất cả những hành động trước đây chỉ dẫn đến sự leo thang xung đột và thương vong mới, vì mục đích có một chiến thắng hão huyền trước Nga trên thực địa”.
Trước đó ít lâu, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby đã chỉ ra “sự ủng hộ vững chắc của người dân, Quốc hội Mỹ, gồm cả hai đảng và hai viện, để tiếp tục hỗ trợ Ukraine”. (TASS)
* Ukraine nói đang đối phó tốt với Nga ở Kupyansk: Ngày 10/8, phát biểu trên truyền hình Ukraine, người phát ngôn Serhii Cherevatyi của Bộ Chỉ huy quân sự miền Đông cho biết: “Hôm nay, ở mặt trận miền Đông, quân Nga không thể vượt qua các vị trí của chúng tôi (ở Kupyansk). Họ chỉ hoạt động ở phía xa, với 20 cuộc không kích/ngày.
Theo thường lệ, đó là những chiếc trực thăng tấn công Mi-24 hoặc Ka-52, Su-25 hoặc mới hơn là Su-35. Đây là một lực lượng tấn công mạnh mẽ, nhưng không phải là mũi nhọn và chúng tôi đang đối phó tốt với họ”.
Theo ông, các lực lượng Ukraine hiện đang bị pháo phản lực làm phiền nhiều hơn, song quân đội Ukraine vẫn tiếp tục tấn công ở khu vực Bakhmut: “Ở Bakhmut, chúng tôi đang gây áp lực lớn, tiêu diệt nhân lực và thiết bị của đối thủ. Trong 24 giờ qua, đã có 5 cuộc đụng độ và 3 cuộc không kích của Nga".
Người phát ngôn trên cũng cho biết, trong cuộc giao tranh ở hướng Bakhmut, 56 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, 104 người bị thương và 5 người bị bắt. 3 xe tăng T-72, 1 xe bọc thép, 3 IFV, 1 BMD, 1 lựu pháo D-30, 3 kho đạn, 1 phương tiện bay không người lái trinh sát và 2 máy bay không người lái (UAV) tấn công Lancet đã bị phá hủy.
Cùng ngày 10/8, hải quân Ukraine thông báo hành lang nhân đạo tạm thời mới đã bắt đầu hoạt động. Các tàu thương mại bị mắc kẹt tại các cảng Biển Đen của Ukraine sẽ sử dụng hành lang này trong vài ngày tới, chuyên chở ngũ cốc và các nông sản khác.
Theo người phát ngôn Hải quân Ukraine Oleh Chalyk, hoạt động vận chuyển trên hành lang này sẽ minh bạch. Các tàu sẽ lắp đặt camera và loa phát thanh để cho thấy đây đơn thuần là một “sứ mệnh nhân đạo” và không có mục đích quân sự. (Ukrinform/Reuters)
* Đức gửi thêm bệ phóng Patriot cho Ukraine: Ngày 9/8, theo danh sách chính thức về viện trợ quân sự cập nhật hàng tuần, Đức đã bổ sung 2 bệ phóng cho hệ thống phòng không Patriot của Kiev. Trong lần cập nhật mới này, Đức cũng bổ cung cấp 10 xe bánh xích đa năng Bandvagn 206, 6 xe tải hạng nặng cùng khoảng 6.000 viên đạn khói dùng cho pháo 155 mm. Bên cạnh đó, Berlin cũng cung cấp súng máy, kính ngắm bắn, ống nhòm và thiết bị rà phá bom mìn cho Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gửi lời cảm ơn Thủ tướng Đức Olaf Scholz vì gói viện trợ quân sự mới, nhấn mạnh rằng việc Berlin thực thi thoả thuận của hai bên sẽ góp phần cứu mạng hàng nghìn người. Kiev khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Đức. Trong video hàng đêm, ông Zelensky cũng kêu gọi đồng minh tiếp tục hỗ trợ vũ khí, đặc biệt là bổ sung nhiều hệ thống phòng không và tên lửa, giúp Kiev phòng thủ trước các đợt tấn công của Nga. (TTXVN)
Đông Nam Á
* Ngoại trưởng Trung Quốc sắp thăm Campuchia: Ngày 10/8, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia ra thông cáo cho biết, theo lời mời của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ thăm chính thức Campuchia từ ngày 12-13/8.
Dự kiến, trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Phnom Penh. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng sẽ có các cuộc hội kiến riêng với Thủ tướng đương nhiệm của Campuchia Hun Sen và Thủ tướng mới được bổ nhiệm Hun Manet. Nội dung thảo luận sẽ xoay quanh một loạt vấn đề liên quan đến hợp tác song phương và đa phương, phản ánh các ưu tiên chung của hai nước.
Ngoài ra, thông cáo báo chí nêu rõ, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ có các cuộc gặp riêng người đồng cấp nước chủ nhà Prak Sokhonn, Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia Sok Chenda Sophea. Các cuộc đối thoại sẽ bao gồm những khía cạnh hợp tác đa dạng, bao trùm các lĩnh vực song phương và đa phương, phù hợp với lợi ích có đi có lại của hai nước.
Thông cáo nhấn mạnh: “Chuyến thăm sắp tới trùng với dịp kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm Hữu nghị Campuchia-Trung Quốc. Chuyến thăm sẽ góp phần củng cố hơn nữa Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, củng cố cộng đồng chung vận mệnh chất lượng cao, trình độ cao và tiêu chuẩn cao, thúc đẩy Khuôn khổ Hợp tác Kim cương và đẩy mạnh hợp tác giữa nền tảng khu vực và quốc tế, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước”. (TTXVN)
* Pheu Thai kêu gọi chấm dứt phân cực chính trị ở Thái Lan: Ngày 10/8, phó chủ tịch đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) Phumtham Wechayachai đã đề xuất lập một chính phủ đặc biệt để chấm dứt tình trạng phân cực chính trị sau bầu cử. Ông cũng bác bỏ chỉ trích cho rằng Pheu Thai đã đổi phe, khẳng định những gì đảng này cố gắng đạt được là gác vấn đề phe phái sang một bên và kêu gọi các bên chung tay giải quyết khủng hoảng chính trị cản trở đà phát triển của đất nước.
Phó chủ tịch đảng Pheu Thai hy vọng việc đề cử ông Srettha Thavisin làm ứng cử viên Thủ tướng sẽ góp phần giảm thiểu xung đột chính trị và tạo ra môi trường chính trị mới để bảo đảm chính phủ và phe đối lập có thể hợp tác vì lợi ích chung. Ông bày tỏ: “Chúng tôi sẵn sàng chung tay với tất cả các bên, cho dù đó là phe đối lập hay độc lập. Chỉ có một vấn đề, luật khi quân, sẽ không bị ảnh hưởng”.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh liên minh do Pheu Thai lãnh đạo mới có được 238/500 ghế tại Hạ viện. Hiện đảng này đang cố gắng tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ đảng Quốc gia Thái thống nhất (UTN) và đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP). Đáng chú ý, trong chiến dịch tranh cử vừa qua, đảng Pheu Thai đã cam kết không thành lập chính phủ với UTN và PPRP. (Bangkok Post)
Châu Âu
* Đức siết chặt an ninh sau vụ bắt giữ sĩ quan nghi làm gián điệp cho Nga: Ngày 10/8, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser tuyên bố, nước này đã siết chặt các biện pháp an ninh để phòng vệ hiệu quả hơn trước những thách thức hiện nay.
Bà nhấn mạnh: “Các cơ quan an ninh của chúng tôi cực kỳ cảnh giác. Chúng tôi đã phối hợp các lực lượng và tăng cường các biện pháp an ninh để chống lại những mối đe dọa hiện hữu”. Theo bà, Đức đã có nhiều bước đối phó với tình báo Nga, bao gồm trục xuất các nhà ngoại giao xứ bạch dương bị cáo buộc có quan hệ với những cơ quan này. Ngoài ra, bà lưu ý cuộc xung đột ở Ukraine cũng đã làm thay đổi tình hình an ninh ở Đức.
Trước đó, Cục Hình sự Liên bang Đức (BKA) đã bắt giữ một sĩ quan Đức vì bị nghi làm tình báo cho Nga. Theo thông báo, người bị bắt có tên Thomas H., làm việc tại Cục Công nghệ thông tin và Mua sắm vũ trang Bộ Quốc phòng Đức. Nơi ở và làm việc của nghi phạm cũng bị khám xét. Cụ thể, hồi tháng 5, nghi phạm được cho là đã nhiều lần liên lạc với Tổng Lãnh sự quán Nga tại Bonn và Đại sứ quán Nga tại Berlin để đề nghị hợp tác, cung cấp thông tin liên quan tới hoạt động nghề nghiệp của bản thân nhằm chuyển tiếp cho tình báo Nga.
Thẩm phán của Toà án Tư pháp Liên bang Đức đã ban hành lệnh bắt giữ người này. Vụ điều tra hiện được tiến hành với sự hợp tác chặt chẽ của Cục Tình báo quân đội thuộc Bộ Quốc phòng và Cục Bảo vệ Hiến pháp (Cơ quan tình báo nội địa của Đức) thuộc Bộ Nội vụ Đức.
Phát biểu với Funke (Đức), Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đức Marie-Agnes Strack-Zimmermann cho rằng cần kiểm tra cả các nhân viên làm việc liên quan tới thông tin mật. Bà không loại trừ khả năng “trong số các quan chức, có những người cung cấp thông tin mật cho Nga mà không biết hối hận”. (Sputnik)
Châu Mỹ
* Mỹ sẽ hạn chế đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Trung Quốc: Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của nước này vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc, đồng thời yêu cầu chính phủ phải được báo cáo về tài trợ trong các lĩnh vực công nghệ khác.
Sắc lệnh này cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của xứ cờ hoa vào thực thể ở Trung Quốc trong 3 lĩnh vực: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Nó cũng hướng tới chặn nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ giúp phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ, tập trung vào vốn cổ phần tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, liên doanh và đầu tư mới.
Trong một bức thư gửi Quốc hội, Tổng thống Biden cho biết ông đang tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với mối đe dọa về sự tiến bộ của các quốc gia như Trung Quốc “về các công nghệ và sản phẩm nhạy cảm quan trọng đối với quân đội, tình báo, giám sát hoặc khả năng kích hoạt mạng”.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer khẳng định: “Trong một thời gian dài, tiền của Mỹ đã giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc. Hôm nay, chúng ta đang thực hiện bước đầu tiên mang tính chiến lược để bảo đảm đầu tư của mình không dùng để tài trợ cho sự tiến bộ của quân đội Trung Quốc”. Ông cho rằng Quốc hội phải ghi nhận và sửa đổi các hạn chế trong luật.
Theo một quan chức trong chính quyền Mỹ, các quy định sẽ chỉ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư tương lai, không ảnh hưởng đến khoản đầu tư hiện có. (Reuters)
* Ecuador: Ứng viên Tổng thống bị ám sát, nhiều nước và tổ chức lên tiếng: Theo đài truyền hình địa phương Ecuavisa (Ecuador) và báo chí địa phương, ứng cử viên Tổng thống Ecuador Fernando Villavicencio đã bị bắn chết khi tham gia vận động tranh cử ở Quito tối 9/8. Vụ tấn công cũng khiến 9 người khác bị thương.
Truyền thông địa phương đưa tin chính trị gia Fernando Villavicencio đã nhận được nhiều lời đe dọa sát hại trước khi vụ việc xảy ra. Văn phòng Tổng công tố Ecuador cho biết một nghi phạm chính trong vụ ám sát đã chết vì vết thương do đạn bắn, đồng thời cho biết thêm 6 người bị giam giữ liên quan đến vụ việc này.
Về phần mình, người đứng đầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia Ecuador Diana Atamaint cho biết, cuộc bầu cử Tổng thống nước này sẽ tiếp tục diễn ra ngày 20/8 như dự kiến. Trước đó, sau khi xảy ra vụ ám sát, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong 60 ngày.
Về phần mình, phát biểu ngày 9/8, phái bộ Giám sát Bầu cử của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ra thông cáo nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi các cơ quan hữu quan tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và toàn diện. Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các ứng cử viên tăng cường biện pháp an ninh và kêu gọi các cơ quan chức năng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để bảo đảm tính trung thực của những người tham gia quá trình bầu cử. Sự an toàn của các ứng cử viên là điều cơ bản để duy trì niềm tin vào hệ thống dân chủ”. Đồng thời OAS cho biết các thành viên Phái bộ Giám sát Bầu cử sẽ tới Ecuador trong ngày 10/8 để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết trong việc bảo đảm “môi trường an toàn và dân chủ trong quá trình bầu cử”.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mexico đã lên án hành động bạo lực gần đây ở Ecuador, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Ecuador.
Ngày 10/8, Đại sứ Mỹ tại Quito Michael Fitzpatrick cho biết nước này lên án vụ ám sát và đề xuất hỗ trợ Quito điều tra hành vi tội ác này. Trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội X (tiền thân là Twitter), Đại sứ quán Mỹ nêu rõ: “Chính phủ Mỹ cực lực lên án vụ tấn công này và đề xuất hỗ trợ khẩn cấp cho cuộc điều tra”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc lên án vụ tấn công và gửi lời chia buồn vì sự ra đi của ông Villavicencio”. (Reuters/Sputnik)
Trung Đông-Châu Phi
* Mali, Pháp ngừng cấp thị thực cho công dân của nhau: Ngày 10/8, giới ngoại giao cho biết Pháp và Mali đã ngừng cấp thị thực cho công dân của nhau. Trong tuần này, Đại sứ quán Pháp đã đình chỉ cấp thị thực mới tại Bamako sau khi đặt toàn bộ Mali vào “vùng đỏ”, nơi công dân được khuyến cáo không nên đến. Đáp lại, Mali cũng ngừng cấp các thị thực mới cho công dân Pháp tại Đại sứ quán ở Paris. (AFP)
* Đại sứ quán Thụy Điển ở Lebanon bị tấn công: Ngày 10/8, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom và một nguồn tin ngoại giao cho biết, một kẻ tấn công đã ném bom xăng vào Đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Beirut của Lebanon.
Một nguồn tin ngoại giao tại đây nói: “Chúng tôi xác nhận rằng có một quả bom xăng được ném vào mặt tiền Đại sứ quán của chúng tôi vào tối qua nhưng không phát nổ... Thủ phạm đã tìm cách bỏ trốn”. Ngoại trưởng Thụy Điển Billstrom cũng nhấn mạnh: “Thật may mắn khi không có ai bị thương”. Theo ông, vụ việc đang được điều tra làm rõ. Nhà ngoại giao Thụy Điển cũng lưu ý: “Chính quyền Lebanon có nghĩa vụ bảo vệ các cơ quan ngoại giao theo Công ước Vienna”.
Căng thẳng đã bùng lên giữa Thụy Điển và các quốc gia Hồi giáo sau một số cuộc biểu tình liên quan đến việc công khai báng bổ kinh Quran ở Stockholm. (AFP)
* Vụ đảo chính ở Niger: Lực lượng quân sự công bố bộ trưởng, ECOWAS họp kín: Đêm ngày 9/8, người đứng đầu lực lượng nổi dậy nắm quyền ở Niger, Tướng Abdourahamane Tchiani, đã ký sắc lệnh thành lập chính phủ chuyển tiếp gồm 21 bộ trưởng. Tuyệt đại đa số thanh viên nội các chuyển tiếp mới được thành lập, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ, đều phục vụ trong quân đội.
Về phần mình, ngày 9/8, Đảng Dân chủ Xã hội Niger (PNDS-Tarayya) của Tổng thống Mohamed Bazoum, cho biết chính trị gia này và gia đình đang bị giam giữ trong điều kiện “tàn khốc” và “vô nhân đạo” tại nơi cư trú, không có nước sinh hoạt, không có điện, không được tiếp cận với các thực phẩm tươi sống hoặc bác sĩ. Đảng này kêu gọi huy động toàn quốc để cứu ông Bazoum cùng gia đình.
Trước đó, ngày 9/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ lo ngại về sức khỏe của ông Bazoum sau cuộc điện đàm với chính trị gia này.
Cũng trong ngày 9/8, trong một tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia, chính quyền quân sự Niger nói: “Một máy bay quân sự của Pháp đã cố tình cắt đứt mọi liên lạc với kiểm soát không lưu khi đi vào không phận của chúng tôi từ 6h39-11h15 sáng (giờ địa phương) hôm 9/8”. Tuy nhiên, Pháp đã bác bỏ cáo buộc này.
Ngày 10/8, người phát ngôn của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cho biết, lãnh đạo các nước thành viên đã bắt đầu cuộc họp kín tại thủ đô Abuja (Nigeria) về phản ứng của khối này với tình hình hiện nay ở Niger. Theo tin tức truyền thông, khả năng cuộc họp trên tập trung thảo luận việc liệu ECOWAS có tiến hành can thiệp quân sự vào Niger hay không.
Trước đó, chính quyền quân sự Niger từng liên tiếp từ chối các đề nghị đàm phán ngoại giao từ các phái viên châu Phi, Mỹ và Liên hợp quốc. Tuy nhiên, hôm 9/8, tại thủ đô Niamey, chính quyền quân sự Niger đã gặp Đặc phái viên Lamido Muhammad Sanusi và ông Abdullsalami Abubarkar của Nigeria, Chủ tịch ECOWAS. Cả hai đã được vào Niger cho dù nước này đang đóng cửa biên giới. Ông Sanusi đã gặp Tướng Abdourahamane Tiani, còn đặc phái viên Abubarkar tiếp xúc các đại diện khác ngay tại sân bay. (Al-Arabiya/Reuters/Sputnik)