Ukraine đã lên án thỏa thuận của Gazprom với Hungary như một thứ 'vũ khí' Nga sử dụng trước Ukraine. (Nguồn: Energy Post) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Ukraine cáo buộc Nga sử dụng khí đốt làm vũ khí mới
Lãnh đạo công ty dầu khí quốc gia Ukraine Naftogaz, ông Yuriy Vitrenko cho biết quyết định của tập đoàn Gazprom đình chỉ vận chuyển khí đốt qua Ukraine tới Hungary cho thấy, Nga đang sử dụng nguồn cung năng lượng như một vũ khí, đồng thời nhấn mạnh quốc tế cần phải đưa ra các biện pháp trừng phạt.
Trên Facebook, ông Vitrenko cho rằng "Điện Kremlin đang cố tình làm điều này... rõ ràng Moscow sử dụng khí đốt làm vũ khí... Một tuyên bố chung của Mỹ và Đức nhấn mạnh nếu Điện Kremlin sử dụng khí đốt làm vũ khí, thì sẽ có phản ứng thích đáng. Hiện chúng tôi đang chờ đợi việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty con 100% của Gazprom, nhà điều hành Dòng chảy phương Bắc 2".
Trước đó, Kiev đã lên tiếng về thỏa thuận của Gazprom với Hungary và tuyên bố sẽ nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban châu Âu (EC) về hợp đồng này. (Reuters)
Nga khẳng định hoàn thành các nghĩa vụ hợp đồng khí đốt
Điện Kremlin ngày 1/10 khẳng định Nga đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của mình theo các hợp đồng khí đốt hiện có, đồng thời cho rằng hầu hết các khiếu nại chống lại Moscow về khí đốt tự nhiên đã bị chính trị hóa.
Liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2, Điện Kremlin cho biết chính quyền Đức đang tiếp tục hoàn tất thủ tục để cấp giấy chứng nhận cho hệ thống đường ống khí đốt tại nước này.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành công ty Uniper của Đức cho biết ông không nghĩ rằng đường ống khí đốt dưới biển này sẽ sớm được cấp giấy phép hoạt động. (Reuters)
Mỹ vẫn giữ quan điểm tiêu cực về sáng kiến ngừng tên lửa tầm trung của Nga
Đó là phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 30/9.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một trong những câu hỏi mà theo quan điểm của chúng tôi, rất có liên quan. Những gì chúng tôi nghe được là quan điểm không thay đổi của người Mỹ về vấn đề này. Một quan điểm chủ yếu là tiêu cực liên quan đến đề xuất của Tổng thống Nga về việc triển khai các hệ thống như vậy.", ông Ryabkov khẳng định.
Theo nhà ngoại giao Nga, Moscow nhấn mạnh "ý định tiếp tục giải quyết vấn đề này”, cũng như khẳng định, nếu Mỹ thể hiện thiện chí để nghiêm túc giải quyết vấn đề, Nga sẽ ngay lập tức bắt tay vào làm việc.
Ông cũng lưu ý rằng các quốc gia châu Âu đang tỏ ra không quan tâm đến sáng kiến của Nga. (TASS)
Triều Tiên lại bắn thử tên lửa
Ngày 30/9, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo, nước này vừa tiếp tục phóng thử một loại tên lửa phòng không mới.
Tên lửa này do Học viện Khoa học quốc phòng Triều Tiên phát triển. Cuộc thử nghiệm nhằm khẳng định tính thực tiễn trong hoạt động của bệ phóng, radar và phương tiện chỉ huy chiến đấu toàn diện cũng như hiệu suất chiến đấu toàn diện của tên lửa này.
Bộ Quốc phòng Triều Tiên đánh giá, các tính năng của loại tên lửa phòng không mới là “đáng kinh ngạc”. Tốc độ, độ chính xác về khả năng dẫn đường cũng như phạm vi tiêu diệt mục tiêu trên không của tên lửa đã được tăng lên đáng kể. Ngoài ra, các công nghệ quan trọng mới như công nghệ điều khiển bánh lái đôi và động cơ bay xung kép cũng được áp dụng. (KCNA)
Hàn Quốc khẳng định không có chính sách thù địch với Triều Tiên
Ngày 1/10, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đã bác yêu cầu của Triều Tiên về việc Hàn Quốc và Mỹ phải từ bỏ “chính sách thù địch”, gọi đây là hành động “đơn phương”, đồng thời nhắc lại rằng Seoul và Washington không có chính sách như vậy đối với Bình Nhưỡng.
Trả lời câu hỏi liệu Hàn Quốc và Mỹ có đáp ứng lời kêu gọi của Triều Tiên về việc từ bỏ cái mà Bình Nhưỡng gọi là chính sách thù địch và “tiêu chuẩn kép” hay không, Ngoại trưởng Chung nói: “Tôi đánh giá rằng tuyên bố của bà Kim Yo-jong (em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) kêu gọi ngừng áp dụng các tiêu chuẩn kép là một yêu sách đơn phương của Triều Tiên, điều chúng tôi không mong chờ. Hàn Quốc và Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chúng tôi không có bất kỳ chính sách thù địch nào đối với Triều Tiên”.
Trong khi đó, cùng ngày, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng vẫn không trả lời các cuộc gọi của Seoul qua đường dây quân sự và liên lạc liên Triều sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị khôi phục đường dây liên lạc vào đầu tháng 10. (Yonhap)
Iran: Chiến tranh với Israel đã bắt đầu
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Maariv của Israel, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói rằng 'cuộc chiến giữa Iran và Israel đã bắt đầu', đồng thời kêu gọi tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề khu vực theo Nghị quyết của Liên hợp quốc.
Ông Khatibzadeh nói: "Israel đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm phá hủy chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran, sát hại các nhà khoa học hạt nhân và gây thiệt hại cho người dân Iran. Iran bị buộc tội khủng bố, nhưng thực tế không có kẻ khủng bố tốt hay xấu. Toàn bộ cuộc khủng hoảng ở khu vực là do lỗi của Israel".
Ông Khatibzadeh cho rằng Israel đã "làm mọi thứ" để cản trở đàm phán hạt nhân ở Vienna, Áo, đồng thời gây ra xung đột giữa Iran và các cường quốc trên thế giới. Khatibzadeh tố Mỹ tiến hành "chủ nghĩa khủng bố mềm" thông qua trừng phạt nhằm vào lương thực và thuốc men đối với Iran. (Jerusalem Post)
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo về thỏa thuận vũ khí Hy Lạp-Pháp
Ngày 1/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã công kích thỏa thuận tàu chiến trị giá hàng tỷ Euro giữa Pháp và Hy Lạp, đồng thời cảnh báo thỏa thuận này sẽ đe dọa sự ổn định khu vực bằng cách cô lập Ankara.
Hôm 28/9, Pháp và Hy Lạp đã ký một biên bản ghi nhớ cho phép Athens mua 3 tàu chiến của Pháp, một thỏa thuận được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi là động lực chính cho tham vọng quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có lịch sử và mối quan hệ không mấy êm đẹp với Hy Lạp, đã chỉ trích thỏa thuận trên nhằm chống lại Ankara.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Tanju Bilgic nêu rõ: "Việc trang bị vũ khí của Hy Lạp cũng như cô lập và xa lánh Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì hợp tác, là chính sách có vấn đề, sẽ gây hại cho Hy Lạp và EU, đồng thời đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực".
Theo ông Bilgic, thỏa thuận tàu chiến với Pháp là một phần trong nỗ lực của Hy Lạp nhằm củng cố những gì mà ông gọi là "các yêu sách đối với vùng biển và vùng trời theo chủ nghĩa tối đa" vốn "trái với luật pháp quốc tế". (AFP)
Tân Chủ tịch LDP Nhật Bản Kishida Fumio cải tổ ban lãnh đạo đảng
Chiều 1/10, tân Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Kishida Fumio đã công bố ban lãnh đạo mới của đảng cầm quyền.
Trong cuộc cải tổ này, ông Kishida, người sẽ giữ chức Chủ tịch LDP cho tới tháng 9/2024, đã bổ nhiệm Hạ nghị sỹ Akira Amari, 72 tuổi, làm Tổng Thư ký LDP thay cho ông Toshihiro Nikai.
Ông Amari là thành viên của phái lớn thứ 2 trong đảng cầm quyền do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso lãnh đạo và đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Hệ thống Thuế của đảng.
Chính trị gia này cũng là một nhân vật thân cận với cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Khi còn giữ chức Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính dưới thời chính quyền của ông Abe (từ tháng 12/2012 tới tháng 1/2016), ông Amari đã thúc đẩy gói chính sách kinh tế Abenomics của vị thủ tướng này.
Bên cạnh đó, ông Kishida đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi làm Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách, còn nghị sĩ Tatsuo Fukuda được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng chung, cơ quan ra quyết định của LDP.
Ông Fukuda, năm nay 54 tuổi, có bố (Yasuo Fukuda) và ông nội (Takeo Fukuda) đều đã từng giữ chức Thủ tướng Nhật Bản. (Kyodo)
Armenia sẵn sàng đàm phán với Azerbaijan để giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh
Ngày 1/10, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Ararat Mirzoyan cho biết, Yerevan cam kết nối lại các cuộc đàm phán với Baku để tìm ra giải pháp cuối cùng cho vấn đề Nagorno-Karabakh, trong khuôn khổ Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
“Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp của tôi với các đồng chủ tịch nhóm Minsk diễn ra tại New York vào ngày 23/9, cũng như cuộc gặp với ngoại trưởng Azerbaijan vào ngày 24/9 do nhóm Minsk làm trung gian và tham dự.
Các cuộc họp cho thấy rõ rằng các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột vẫn nằm trong chương trình nghị sự”, ông Mirzoyan khẳng định sau trong Tuyên bố chung với người đồng cấp Czech Jakub Kulhanek. (TASS)