Phái đoàn Nga, Mỹ đàm phán an ninh ngày 10/1 tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: Tellerreport) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Đàm phán an ninh Nga-Mỹ: Nga nói chẳng có lý do gì để lạc quan
Ngày 10/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đàm phán an ninh với Nga tại Geneva (Thụy Sỹ) đã kết thúc sau khoảng 7,5 tiếng đồng hồ thảo luận.
Theo đó, Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn khi phản bác những đề xuất an ninh của Nga, gọi đây là những đòi hỏi không thực tế, đi ngược lại chính sách mở cửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song để ngỏ khả năng sớm gặp lại để thảo luận các vấn đề song phương một cách chi tiết hơn.
Mỹ cũng đã đưa ra một số đề xuất về các biện pháp song phương nhằm cải thiện tình hình an ninh.
Ngày 11/1, các hãng RIA và Interfax dẫn một nguồn tin cho biết, Mỹ đã cam kết sẽ phản hồi bằng văn bản đối với đề xuất an ninh của Nga vào tuần tới.
Về phía Nga, trong cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, không có lý do gì để lạc quan sau cuộc hội đàm ở Geneva, song nhận định, cuộc đàm phán là bước khởi đầu tích cực, thực chất, trực tiếp và cởi mở.
Theo ông Peskov, còn quá sớm để rút ra kết luận từ cuộc hội đàm, đồng thời nói rõ, hai bên vẫn chưa sẵn sàng để tiến hành cuộc cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden về các đề xuất đảm bảo an ninh.
Bên cạnh đó, quan chức Điện Kremlin cho hay, Nga không hài lòng trước việc kéo dài vô thời hạn quá trình đàm phán, đồng thời nhận định, tình hình sẽ trở nên rõ ràng hơn khi Moscow tham gia hai vòng đối thoại khác với NATO tại Brussels (Bỉ) vào ngày 12/1 và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Vienna (Áo) vào ngày 13/1 tới. (Reuters, Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Đàm phán an ninh Nga-Mỹ: Kéo dài 7,5 tiếng, Mỹ cứng rắn phản bác Nga, đề xuất ý tưởng mới |
Nga tố Mỹ phi lý, nói Washington chơi 'đòn phủ đầu'
Ngày 11/1, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho hay, Moscow không hiểu việc Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Nga rút quân song lại từ chối thảo luận về số lượng binh sĩ Mỹ ở châu Âu.
Trước đó, trong cuộc đàm phán an ninh Nga-Mỹ tại Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhấn mạnh rằng, việc rút các lực lượng của Nga khỏi biên giới Ukraine sẽ là bằng chứng cho thấy Moscow không có kế hoạch xâm lược Ukraine.
Trên tài khoản Twitter, Đại sứ quán Nga nêu rõ: "Chúng tôi không hiểu được logic khi Thứ trưởng Sherman nói rằng Nga cần 'rút quân về doanh trại hoặc thông báo với Mỹ về các cuộc tập trận đang diễn ra hay mục đích của chúng' trong khi phía Mỹ không muốn thảo luận về quy mô các binh sĩ được triển khai ở châu Âu với chúng tôi".
Cơ quan này lưu ý, thời gian địa điểm tiến hành tập trận trên lãnh thổ của mình là lựa chọn của Moscow và nước này "sẽ tiếp tục tiến hành tập trận vì nó đáp ứng các lợi ích an ninh Nga".
Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay: "Chúng tôi thấy rằng các đối thủ Mỹ của Nga tiếp tục đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt... Theo tôi, điều này có lẽ thuộc một loại đòn phủ đầu thông tin trước vòng đàm phán".
Ông nêu rõ, những lời đe dọa này không thể tác động đến phái đoàn Nga tại cuộc tham vấn về đảm bảo an ninh. (TASS, Sputik)
TIN LIÊN QUAN | |
Đàm phán an ninh: Nga nói khác biệt lớn, tuyên bố tiếp tục tập trận, cảnh báo Mỹ đừng coi nhẹ khả năng đối đầu |
Moscow: Đàm phán Nga-NATO hiện ở thời điểm then chốt
Ngày 11/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nhấn mạnh, tuần ngoại giao giữa Nga và phương Tây đã khởi động trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước châu Âu lo ngại về một cuộc xâm lược của Nga đối với nước láng giềng thân phương Tây là Ukraine.
Ông nêu rõ: "Không quá lời khi nói rằng thời điểm then chốt đang đến trong mối quan hệ của chúng tôi với NATO".
Khi đề cập cuộc đàm phán tại Brussels diễn ra vào ngày 11/1, ông nói: "Kỳ vọng của chúng tôi là hoàn toàn thực tế và chúng tôi hy vọng rằng, đây sẽ là một cuộc thảo luận nghiêm túc và sâu sắc về các vấn đề cơ bản, then chốt của an ninh châu Âu".
Ông Grushko cũng cho hay, Nga sẽ đòi hỏi sự phản hồi toàn diện của liên minh này đối với các yêu cầu của Moscow: “Chúng tôi muốn nhận được phản hồi cụ thể, thực chất và rõ ràng đối với dự thảo thỏa thuận về bảo đảm an ninh của Nga".
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Sherman, trong cuộc đàm phán an ninh với Nga, Mỹ kiên quyết đẩy lùi các đề xuất không có triển vọng đối với Washington, tuyên bố không cho phép bất cứ ai ngăn chặn chính sách mở cửa của NATO và "không đưa ra quyết định về Ukraine mà bỏ qua Ukraine, về châu Âu mà bỏ qua châu Âu hoặc về NATO mà bỏ qua NATO”. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga tuyên bố không dùng 'con bài' tấn công Ukraine để mặc cả, cảnh báo tình hình nguy hiểm |
Tổng thống Zelensky: Ukraine sẵn sàng chấm dứt chiến tranh
Ngày 11/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, Kiev sẵn sàng lựa chọn quyết định để chấm dứt chiến tranh ở vùng Donbass thuộc miền Đông Ukraine.
Ông Zelensky nhấn mạnh: “Đã đến lúc nhất trí chấm dứt cuộc xung đột này. Chúng tôi sẵn sàng cho những quyết định cần thiết tại hội nghị thượng đỉnh mới của lãnh đạo bốn nước Ukraine, Nga, Pháp và Đức”.
Cũng trong tuyên bố này, theo ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng tổng thống Ukraine, Kiev muốn đạt được sự đồng thuận về các biện pháp như thực thi lệnh ngừng bắn và trao đổi nhiều tù nhân hơn.
Liên quan tình hình Donbass, trước đó một ngày, quân đội Ukraine thông báo, 2 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong một vụ nổ thiết bị chưa xác định.
Quân đội Ukraine cũng cáo buộc lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã tấn công vào các vị trí của chính phủ bằng súng phóng lựu, súng máy và vũ khí hạng nhẹ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Quan hệ NATO-Nga, phần chìm của tảng băng |
Tình hình Kazakhstan: Trung Quốc tỏ lòng
Ngày 10/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi.
Ông Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng dành sự ủng hộ vững chắc cho Kazakhstan trong việc duy trì ổn định và chấm dứt bạo lực vào thời khắc quan trọng liên quan tương lai, vận mệnh quốc gia Trung Á.
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng gửi thông điệp tới Tổng thống Kazakhstan Kassym - Jomart Tokayevbày tỏ tình hữu nghị và sự đoàn kết giữa hai nước.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hợp tác với các lực lượng an ninh và thực thi pháp luật của Kazakhstan nhằm bảo vệ an ninh chính quyền và chế độ chính trị của hai nước, ngăn chặn mọi âm mưu “Cách mạng màu” và chống lại sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.
Ngày 11/1, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố, Bắc Kinh và Moscow, với tư cách là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), không thể để xảy ra tình trạng các nước Trung Á lâm vào hỗn loạn và chiến tranh.
Ông Vương Nghị nói thêm: "Moscow và Bắc Kinh cần tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ tương tác và phối hợp, chống lại sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của các nước Trung Á". (Sputnik, THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Kazakhstan: Gần 10.000 người bị bắt, Tổng thống chỉ định Thủ tướng, CSTO tính rút quân |
Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đầu năm, ý đồ gì?
Ngày 11/1, Triều Tiên phóng thử một vật thể bay ra ngoài vùng biển phía Đông nước này. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC), vật thể này bay được hơn 700 km, đạt độ cao 60 km, với vận tốc Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh).
Đây là vụ thử vũ khí thứ hai kể từ đầu năm 2022, 6 ngày sau khi Triều Tiên phóng thử vật thể mà nước này tuyên bố là tên lửa siêu thanh, và diễn ra ngay ở thời điểm Hội đồng Bảo an (HĐBA) tổ chức thảo luận về mối đe dọa tên lửa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.
Nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hàn Quốc Shin Beom-chul bình luận: “Vụ phóng này có động cơ chính trị và quân sự… Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm để đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân, song lựa chọn thời điểm tiến hành trùng với cuộc họp của HĐBA để tối đa hóa các tác động chính trị”.
Theo giới phân tích quốc phòng, những vụ thử này cho thấy Triều Tiên đang phát triển những công nghệ phức tạp hơn để nhắm mục tiêu tới các căn cứ của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ bằng vũ khí có gắn đầu đạn hạt nhân và các loại vũ khí tấn công khác.
AFP cho biết, giới ngoại giao không kỳ vọng vào việc có được một tuyên bố chung sau cuộc gặp của HĐBA do Nga và Trung Quốc không “cùng một chiến tuyến” với phương Tây.
Về phía Mỹ, ngay trước khi HĐBA tiến hành họp kín về vụ phóng tên lửa đạn đạo vào tuần trước của Triều Tiên, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas Greenfield tuyên bố: "Việc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế".
Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên "làm tăng nguy cơ phán đoán sai lầm và gia tăng căng thẳng, đồng thời gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Triều Tiên đang theo đuổi các công nghệ mới như vũ khí siêu vượt âm". (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngó lơ chỉ trích của phương Tây, Triều Tiên tiếp tục phóng vật thể bay không xác định |
ECOWAS cấm vận Mali, Mỹ ủng hộ
Ngày 9/1, Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 nước thành viên đã công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Mali do quốc gia này không tôn trọng lịch trình bầu cử tổng thống theo kế hoạch, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2022 để chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.
Theo đó, các nước thành viên đóng cửa biên giới trên đất liền và không phận với Mali, đình chỉ tất cả giao dịch tài chính và thương mại trừ các mặt hàng thiết yếu, rút các đại sứ tại thủ đô Bamako về nước.
Bên cạnh đó, ECOWAS cũng phong tỏa tài sản của Mali tại các ngân hàng trung ương và thương mại của tổ chức này, tạm ngừng mọi hoạt động hỗ trợ tài chính đối với Mali. Các lệnh trừng phạt này có hiệu lực ngay lập tức.
Chính quyền Mali đáp trả các biện pháp trừng phạt trên bằng việc quyết định triệu hồi đại sứ tại các quốc gia thành viên khác của ECOWAS, đồng thời đóng cửa biên giới trên bộ và trên không với các quốc gia liên quan.
Phản ứng với diễn biến mới này, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Washington ủng hộ các biện pháp trừng phạt của ECOWAS, đồng thời nhắc lại mối quan ngại của ECOWAS về nguy cơ gây mất ổn định từ các lực lượng lính đánh thuê Nga (được biết dưới tên nhóm Wagner) ở Mali. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bị ECOWAS tung đòn cấm vận, Mali 'tuyên chiến', ráo riết hành động |
Ngoại trưởng Pakistan thăm Romania và Tây Ban Nha
Từ 9-12/1, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi bắt đầu chuyến thăm tới Romania và Tây Ban Nha theo lời mời những người đồng cấp hai nước.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Pakistan, chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ thương mại với Romania và Tây Ban Nha, hai nước Liên minh châu Âu (EU) có mối quan hệ tốt đẹp với Pakistan, thể hiện chính sách đối ngoại của Pakistan tăng cường hợp tác với tất cả các nước và thúc đẩy hòa bình. (The Nation)
| Tin thế giới 10/1: Ukraine gọi Nga là 'kẻ xâm lược'; Kazakhstan cảm ơn Tổng thống Nga; Thủ tướng Campuchia nói gì về Myanmar? Đàm phán an ninh Nga-Mỹ, quan hệ Nga với NATO và Ukraine; tình hình Kazakhstan, Myanmar, đàm phán hạt nhân Iran, Tổng thống Hàn Quốc ... |
| Ảnh ấn tượng tuần (3-9/1): Điều quân tới Kazakhstan, Nga gửi Mỹ thông điệp cứng rắn; 2 năm ngày Tướng Iran Soleimani bị sát hại và 'sóng thần' Omicron Nga và các nước thuộc CSTO điều quân tới Kazakhstan, kỷ niệm 1 năm vụ bạo loạn ở Đồi Capitol, 2 năm ngày Tướng Iran ... |