Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 11/11: Nga lên tiếng cảnh báo Mỹ, Ukraine và NATO; Mỹ-Trung gạt bất đồng, ra tuyên bố chung; Czech sắp rơi vào khủng hoảng chính trị?

Thỏa thuận giữa Mỹ-Ukraine khiến Nga 'nóng mặt', tình hình biên giới Ba Lan-Belarus, quan hệ Nga-Mỹ, Nga-NATO... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Tin thế giới 11/11: Nga lên tiếng cảnh báo Mỹ, Ukraine và NATO; Mỹ-Trung gạt bất đồng, ra tuyên bố chung; Czech sắp rơi vào khủng hoảng chính trị?
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Nga đề nghị Mỹ không cung cấp vũ khí cho Ukraine

Sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 10/11 cảnh báo kế hoạch của Washington cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ chỉ làm tình hình ở khu vực Đông Nam Ukraine thêm nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố đăng tải trên Facebook của Đại sứ quán Nga, ông Antonov nói: "Kế hoạch cung cấp vũ khí cho 'chính quyền Kiev' sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình ở miền Đông Nam Ukraine. Chúng tôi cho rằng một cơ hội nữa để buộc Kiev ngừng chiến tranh đã bị bỏ lỡ".

Ông Kuleba và các thành viên khác của phái đoàn Ukraine đã có chuyến thăm và làm việc tại Washington hôm 10/11 và hai bên đã ký kết thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược mới. Ngoại trưởng Blinken tại cuộc hội đàm đã cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có vũ khí sát thương. (Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Ukraine nhận 'quà to' của Mỹ, nguy cơ chọc giận Nga

Đại sứ Nga: Hành động của NATO ở Biển Đen là ‘vô ích’

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, các hoạt động hiện nay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Biển Đen là một nỗ lực vô ích nhằm kiểm tra khả năng quốc phòng của Nga.

Phát biểu với báo giới, Đại sứ Antonov nói: "Chúng tôi lo ngại, cuộc họp hôm nay tại Washington (giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Ukraine) đã diễn ra trong bối cảnh leo thang nghiêm trọng ở khu vực Biển Đen. Lực lượng hải quân và không quân của NATO đang thử quân đội và hạm đội của chúng tôi. Đây là một sự lãng phí thời gian và công sức". (Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Nga tuyên bố 'chiếu tướng' tàu Mỹ vào Biển Đen

Nga không liên quan cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus-Ba Lan

Ngày 11/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, Nga không liên quan cuộc khủng hoảng di cư ở khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan, đồng thời nhấn mạnh Moscow đang nỗ lực hỗ trợ giải quyết xung đột thông qua hoạt động liên lạc với chính quyền.

Phát biểu với phóng viên, ông Peskov nói: "Thủ tướng Ba Lan (Mateusz Morawiecki) là người đầu tiên đưa ra cáo buộc về sự liên quan của Nga... Nga không liên quan gì đến những diễn biến ở khu vực biên giới Belarus-Ba Lan". Theo ông, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn duy trì liên lạc với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko.

Ông còn nhấn mạnh: "Như tất cả các quốc gia khác, Nga đang nỗ lực hướng tới giải quyết tình huống này. Tổng thống Putin thường xuyên liên lạc với người đồng cấp Belarus. Ngày 10/10, Tổng thống Putin cũng đã điện đàm với quyền Thủ tướng Đức (Angela Merkel), tập trung vào những diễn biến ở khu vực biên giới này".

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune nhận định, không có bằng chứng cho thấy sự tham gia của Nga trong cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới với Belarus. Ông cũng bày tỏ tin tưởng, Moscow có thể gây ảnh hưởng đối với Minsk để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. (Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Giữa lúc biên giới Belarus-Ba Lan nóng, Nga điều máy bay ném bom sang Belarus, EU nhất trí cơ sở đòn mới

Belarus khẳng định không kích động xung đột với EU

Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei khẳng định, nước này không tiến hành bất kỳ cuộc "chiến tranh hỗn hợp" nào nhằm vào Liên minh châu Âu (EU) ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan.

Theo Ngoại trưởng Makei, tất cả những gì đang diễn ra ở biên giới không phải lỗi của Belarus mà "đó là kết quả của chính sách thiếu suy nghĩ của EU, liên quan đến sự tàn phá chế độ ở một số quốc gia, thực tế là họ (EU) đã mời những người tị nạn tới và tuyên bố sẵn sàng cho họ chỗ tạm trú".

Ông nói: "Giờ đây, họ (EU) đã thay đổi hoàn toàn chính sách này, cố gắng trừng phạt Belarus, cáo buộc Belarus tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp nào đó chống lại EU. Chiến tranh hỗn hợp nào? Belarus chống lại nửa tỷ dân EU ư? Từ phía chúng tôi không có bất kỳ cuộc chiến nào và điều đó là không cần bàn cãi".

Người đứng đầu ngành ngoại giao Belarus khẳng định, nước này muốn giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới với Ba Lan càng sớm càng tốt. Ngoại trưởng Makei nhấn mạnh, Belarus sẽ thực hiện các biện pháp mang tính quyết định để ngăn chặn xung đột ở biên giới Belarus-Ba Lan. (Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Khủng hoảng di cư ở biên giới với Belarus chưa xuôi, Ba Lan quay sang tố Tổng thống Nga làm 'đạo diễn'

Chủ tịch Trung Quốc gửi thông điệp cho Tổng thống Biden trước thềm thượng đỉnh

Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung sẽ diễn ra vào tuần tới. Đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền hồi tháng 1/2021. Tuy nhiên thông tin và thời gian cụ thể vẫn chưa được công bố.

Trước khi cuộc gặp này diễn ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra tuyên bố rằng, quan hệ Mỹ-Trung đã có xu hướng ấm dần lên một chút.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường trao đổi và hợp tác trên diện rộng với Mỹ, đồng thời đưa quan hệ giữa 2 nước trở lại đúng hướng.

Tuyên bố này của ông Tập được công bố trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 9/11. (CNN)

TIN LIÊN QUAN
Lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc chuẩn bị họp thượng đỉnh?

Mỹ-Trung Quốc đạt bước tiến mới, cùng ra tuyên bố bày tỏ cam kết với thế giới

Ngày 10/11, Mỹ và Trung Quốc ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, theo đó hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới cam kết sẽ xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tuyên bố song phương, có tên "Tăng cường hành động vì khí hậu trong những năm 2020", cho biết, Mỹ và Trung Quốc "thừa nhận mức độ nghiêm trọng và cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu" và sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề này.

Theo tuyên bố, hai nước khẳng định cam kết cùng làm việc nhằm đạt mục tiêu khống chế mức gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C đề ra trong Hiệp định Paris, đồng thời kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực để thu hẹp khoảng cách đáng kể đang tồn tại để đạt mục tiêu này.

Hai bên cũng cam kết giải quyết vấn đề phát thải khí metan và hợp tác trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, giảm phát thải carbon, “thiết kế xanh và sử dụng tài nguyên tái tạo".

Mỹ cùng Trung Quốc sẽ thành lập nhóm làm việc chung và thường xuyên nhóm họp để thảo luận về các giải pháp khí hậu. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc: Kiểm soát cạnh tranh có trách nhiệm

Mỹ-Pháp tái khẳng định tầm quan trọng quan hệ song phương

Trong khuôn khổ chuyến công du Pháp 4 ngày, ngày 10/11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron.

Phát biểu trong cuộc hội kiến tại Điện Elysee ở thủ đô Paris, Tổng thống Macron hoan nghênh chuyến thăm của bà Harris, đồng thời cho biết, cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/10 vừa qua tại Rome đã tạo tiền đề cho quan hệ giữa hai nước trong tương lai.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ hy vọng, hai nước sẽ duy trì hợp tác và khôi phục những trọng tâm trong quan hệ đối tác, dựa trên kết quả của cuộc hội đàm giữa hai tổng thống hôm 29/10. (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Pháp chuẩn bị đón đoàn quan chức cấp cao Nga, tình hình Ukraine sẽ được 'mổ xẻ'?

Hàn Quốc, Nga nhất trí thiết lập đường dây nóng quân sự

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 11/11 thông báo, nước này và Nga nhất trí thiết lập đường dây nóng quân sự song phương nhằm tăng cường liên lạc, qua đó ngăn chặn các vụ đụng độ bất ngờ trên biển và trên không.

Theo thông báo, ông Kim Sang-jin, Tổng giám đốc phụ trách chính sách quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và ông Viktor Kalganov, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng của Nga, đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thiết lập đường dây nóng giữa lực lượng hải quân và không quân hai nước.

Trong thông cáo báo chí, bộ trên nêu rõ: "Thông qua MOU này, chúng tôi hy vọng hai nước có thể ngăn chặn các vụ đụng độ bất ngờ trên biển và trên không bằng cách tăng cường lòng tin và liên lạc giữa giới chức quân sự của Hàn Quốc và Nga. Chúng tôi cũng hy vọng, MOU này sẽ góp phần giảm căng thẳng và thiết lập hòa bình trong khu vực".

Một trong hai đường dây nóng sẽ được thiết lập để duy trì liên lạc giữa Bộ tư lệnh hạm đội Hàn Quốc và Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, trong khi đường dây nóng còn lại kết nối Trung tâm Báo cáo và Kiểm soát tổng thể đầu tiên của Không quân Hàn Quốc với Quân chủng Phòng không và Không quân thứ 11 của Nga. (Yonhap)

TIN LIÊN QUAN
Tân Ngoại trưởng Nhật Bản tỏ thái độ gì với Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc?

Một số tin quốc tế nổi bật khác trong ngày:

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trở lại chính trường: Ngày 11/11, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã nhận được sự nhất trí của các thành viên "phái Hosoda", phái lớn nhất trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, bầu làm người đứng đầu thay ông Hiroyuki Hosoda. Sự kiện này cũng đánh dấu sự trở lại chính trường của ông Abe Shinzo kể từ khi bất ngờ từ chức Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 8/2020, vì lý do sức khỏe.

Czech: Thủ tướng Andrej Babiš từ chức, chính phủ giải tán: Theo Hãng thông tấn Czech (ČTK), ngày 10/11, sau cuộc họp chính phủ, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Andrej Babiš tuyên bố sẽ trao đơn từ chức cho Tổng thống Miloš Zeman sau cuộc họp khai mạc của Hạ viện ngày 11/11.

Iran sẵn sàng đàm phán hạt nhân: Ngày 10/11, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố, Tehran sẵn sàng cho việc đạt được một “thỏa thuận hữu ích” về vấn đề hạt nhân tại các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra ở Vienna (Áo) vào ngày 29/11 tới đây, sau đình trệ từ tháng 6.

CPTPP 'nóng' tại APEC, cơ hội đối thoại với Trung Quốc

CPTPP 'nóng' tại APEC, cơ hội đối thoại với Trung Quốc

Vấn đề Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) nộp đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái ...

Tin thế giới 10/11: Ba Lan khiến Nga nổi giận; Indonesia-Malaysia tuyên bố về Biển Đông; Trung Quốc chìa cành olive cho Mỹ?

Tin thế giới 10/11: Ba Lan khiến Nga nổi giận; Indonesia-Malaysia tuyên bố về Biển Đông; Trung Quốc chìa cành olive cho Mỹ?

Khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus, căng thẳng Nga-Ba Lan, quan hệ Nga-Mỹ, Mỹ-Trung Quốc, Biển Đen, Biển Đông, Ấn Độ Dương-Thái ...