Thủ tướng Australia Scott Morrison thảo luận cùng Ngoại trưởng các nước Bộ tứ. (Nguồn: The News Yard) |
Bộ tứ
Ngoại trưởng Bộ tứ cam kết ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền
Ngày 11/2, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết, Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ cam kết sẽ hỗ trợ mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữa lúc dấy lên lo ngại về việc Moscow có thể phát động cuộc tấn công nhằm vào Ukraine.
Trả lời họp báo sau hội nghị 4 nước thuộc Bộ tứ diễn ra ở thành phố Melbourne, Australia, bà Payne nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, Ngoại trưởng các nước Bộ tứ đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với các nguyên tắc cởi mở, bảo vệ chủ quyền quốc gia và tuân thủ các quy tắc và luật chơi công bằng”.
Cũng trong buổi họp báo, Ngoại trưởng Payne cho biết, Bộ tứ đã thảo luận về công tác nhân đạo và ứng phó thảm họa trong khu vực, đồng thời nhất trí hỗ trợ hoạt động đấu tranh chống đánh bắt bất hợp pháp.
Bà Payne nêu rõ: "Chúng tôi nhất trí tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải cho các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải cũng như khả năng phát triển các nguồn tài nguyên ngoài khơi của những nước này, từ đó đảm bảo tự do hàng hải và hàng không cũng như đấu tranh chống lại các thách thức chẳng hạn như đánh bắt bất hợp pháp”. (AFP)
Ngoại trưởng Bộ tứ cam kết tăng cường hợp tác về Biển Đông và Triều Tiên
Australia, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã cam kết hợp tác nhiều hơn để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để giúp các nước này bảo vệ các nguồn tài nguyên ngoài khơi của mình.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, tại thành phố Melbourne, Australia ngày 11/2, bốn nước thành viên Đối thoại An ninh Bộ tứ (Bộ tứ) khẳng định luật pháp quốc tế, hòa bình và an ninh trong lĩnh vực hàng hải là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng các bên một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, để đối phó với các thách thức đối với trật tự dựa trên luật lệ trên biển, bao gồm cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bộ tứ khẳng định quyết tâm tăng cường tham gia sâu rộng với các đối tác trong khu vực, bao gồm thông qua nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, để tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải; bảo vệ khả năng của các đối tác này trong việc phát triển các nguồn tài nguyên ngoài khơi phù hợp với UNCLOS; đảm bảo tự do hàng hải và hàng không; chống lại các thách thức như đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát; và thúc đẩy sự an toàn và an ninh của các tuyến thông tin liên lạc trên biển.
Đồng thời, Ngoại trưởng Bộ tứ đã ra tuyên bố chung chỉ trích các vụ phóng tên lửa đạn đạo “gây bất ổn” của Bình Nhưỡng, đồng thời tái khẳng định cam kết của nhóm đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bình Nhưỡng. (Reuters)
Bắc Kinh: Bộ tứ đối thoại để ngăn Trung Quốc phát triển
Phát biểu tại họp báo ngày 11/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định mục đích đối thoại an ninh của nhóm Bộ tứ là để ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc.
Ông nói: “Về bản chất, Bộ tứ là một công cụ để kiềm chế Trung Quốc và duy trì quyền bá chủ của Mỹ”. Nhấn mạnh “Chiến tranh Lạnh đã qua lâu”, ông chỉ trích cái gọi là “liên minh kiềm chế Trung Quốc” không được ưa chuộng và sẽ không có triển vọng: “Các nước liên quan nên từ bỏ hoàn toàn tâm lý lạc hậu của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sửa chữa cách làm sai lầm trong việc thúc đẩy đối đầu giữa các khối và các trò chơi địa chính trị, nên đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Trò chuyện với Thủ tướng Australia Scott Morrisontrên kênh truyền hình ABC, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đề cập cụ thể đến Trung Quốc.
Theo ông, các nước Bộ tứ chia sẻ lo ngại rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã hành động “quyết đoán hơn trong khu vực và có khả năng vươn ra xa hơn”. (Sputnik)
Nga-Ukraine
Nga: Phương Tây không hiểu cuộc xung đột Ukraine
Ngày 11/2, Điện Kremlin đã viện sai lầm địa lý của Ngoại trưởng Anh Liz Truss như một minh chứng cho việc các nhà lãnh đạo phương Tây thiếu hiểu biết về vấn đề này như thế nào trong cuộc đối đầu Đông-Tây liên quan Ukraine.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Đây là thực tế mà chúng tôi phải bảo vệ quan điểm của mình”. Ông cũng cho biết các cuộc thảo luận hôm 10/2 liên quan đến Pháp và Đức về việc giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine đã không mang lại kết quả nào.
Tờ Kommersant của Nga dẫn hai nguồn tin ngoại giao cho hay, trong cuộc họp kín hôm 10/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hỏi người đồng cấp Truss rằng liệu bà có công nhận chủ quyền của Nga với Rostov và Voronezh - hai khu vực ở miền Nam đất nước mà Nga đang tăng cường lực lượng - hay không.
Theo báo này, bà Truss đã trả lời Anh sẽ không công nhận đây là lãnh thổ của Nga. Đại diện của bà đã phải đính chính. Trong cuộc phỏng vấn sau đó với một tờ báo khác của Nga, bà Truss thừa nhận đã tưởng ông Lavrov đang đề cập đến các tỉnh của Ukraine.
Nga tiếp tục tập trận gần Ukraine, Mỹ gửi thêm tàu khu trục tới châu Âu
Ngày 11/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo nước này chuẩn bị tiến hành một cuộc tập trận mới gần biên giới Ukraine giữa lúc đối thoại được nối lại giữa Nga và châu Âu.
Theo đó, 400 quân Nga trong ngày 11/2 sẽ tham gia “cuộc tập trận chiến thuật” ở vùng Rostov phía Nam nước Nga giáp với Ukraine. Thông báo nêu rõ, 70 phương tiện quân sự, xe tăng, súng phóng lựu và thiết bị bay không người lái sẽ tham gia cuộc tập trận, đồng thời cho biết các binh lính sẽ thực hiện "những hoạt động tác chiến".
Trong một thông báo riêng rẽ, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Hạm đội Biển Đen cũng tổ chức cuộc tập trận bao gồm huấn luyện về “tìm kiếm và tiêu diệt tàu của kẻ thù giả định”. Đây là một phần của “kế hoạch huấn luyện chiến đấu của Hạm đội Biển Đen”.
Bên cạnh đó, Moscow cũng đang tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật trên khắp lãnh thổ Belarus, đồng của Nga có lãnh thổ giáp Ukraine và Liên minh châu Âu (EU).
Trong một diễn biến khác, Hải quân Mỹ đã cử 4 tàu khu trục tên lửa đến lãnh hải châu Âu để tăng cường nhóm hải quân. Người phát ngôn Hải quân Mỹ Arlo Abrahamson cho biết: “Trong thời gian ở châu Âu, các quân nhân sẽ tham gia một số hoạt động hàng hải để hỗ trợ hạm đội tác chiến số 6 của Mỹ và các đồng minh NATO của chúng tôi”.
Ông nói thêm rằng, các tàu khu trục Donald Cook, USS Mitscher, The Sullivans và Gonzalez đã rời căn cứ trên bờ biển phía Đông nước Mỹ từ tháng 1 năm nay.
Do được trang bị vũ khí, các tàu khu trục có thể đối phó các lực lượng trên không và trên biển, cũng như các cuộc đổ bộ của đối phương. Trên mỗi tàu có thể bố trí tối đa 56 tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 1.600 km. Bên cạnh đó, những tàu này còn được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis.
Ngày 29/12/2021, quân đội Mỹ ra lệnh duy trì tàu sân bay hạt nhân USS Harry S. Truman trên Biển Địa Trung Hải do tình hình xung quanh Ukraine. Tàu sân bay lớp Nimitz được cho là sẽ đi cùng nhóm tàu tới Trung Đông, nhưng lộ trình của nó đã được thay đổi để đảm bảo “sự hiện diện lâu dài ở châu Âu”. (Sputnik/Reuters)
Nga tập trận ở Biển Đen không ảnh hưởng đến thị trường Ukraine
Ngày 11/2, giới thương gia cho biết các cuộc tập trận hải quân của Nga ở Biển Đen và Biển Azov cùng với việc đóng cửa tuyến hải vận truyền thống cho đến nay không ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Ukraine, một trong các nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về thép, ngũ cốc và dầu hướng dương, thường vận chuyển hàng hóa qua các cảng ở Biển Đen và Biển Azov - Odessa, Pivdeny, Chornomorsk, Kherson, Mariupol và Berdyansk.
Giới chức Ukraine đã chỉ trích các cuộc tập trận hải quân của Nga gần bờ biển Ukraine, nhấn mạnh rằng sự xuất hiện của các tàu chiến là một phần của “cuộc chiến tranh hỗn hợp” vốn đã khiến cho việc di chuyển trên Biển Đen và Biển Azov gần như là không thể.
Cơ quan quản lý cảng biển của Ukraine thông báo những hạn chế sẽ kéo dài từ ngày 13-19/2 và “sự di chuyển của tàu thuyền... tới các cảng biển của Ukraine trên Biển Azov sẽ bị phong tỏa trong toàn bộ thời gian diễn ra các hoạt động đó.”
Một trong số các thương gia ngũ cốc ở Ukraine khẳng định: “Thị trường vẫn yên tĩnh. Tất cả đều hy vọng rằng Hải quân sẽ cho phép các thương gia chuyển hàng qua”. Một thương gia khác nói: “Tôi không thấy tác động nghiêm trọng nào ở đó”. (Reuters)