📞

Tin thế giới 11/7: Mỹ muốn thay lãnh đạo Ukraine, Bắc Kinh phản đối Tokyo đưa tàu vào vùng biển Trung Quốc, Mỹ và Iran bí mật đàm phán hạt nhân

Nhất Phong 20:57 | 11/07/2024
Cựu Tổng thống Nga Medvedev dọa xóa sổ Ukraine và NATO, Nga chỉ trích kế hoạch triển khai tên lửa Mỹ tại Đức, Ukraine muốn gọi 15.000 tù nhân vào lực lượng vũ trang…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Hội nghị thượng đỉnh NATO bế mạc, ra tuyên bố chung 38 điểm, quyết định hỗ trợ 'cực mạnh' cho Ukraine. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

*Nga kết tội hơn 700 người nước ngoài chiến đấu cho Ukraine: Ngày 11/7, Văn phòng báo chí của Ủy ban Điều tra Liên bang Nga thông báo 714 công dân nước ngoài đã bị buộc tội chiến đấu cho quân đội Ukraine, trong đó 422 người bị Moscow đưa vào danh sách truy nã quốc tế.

Ủy ban này gần đây cũng đã đệ trình các vụ án hình sự để kết án vắng mặt 5 lính đánh thuê đến từ Australia, Algeria, Mỹ và Latvia.

Người đứng đầu Ủy ban điều tra Liên bang Nga Alexander Bastrykin đã tổ chức một cuộc họp tại trụ sở ở Donetsk để điều tra về tội ác của các lực lượng vũ trang Ukraine chống lại dân thường và quân nhân Nga trên lãnh thổ Nga và Ukraine. (TASS)

*Ukraine bắt giữ tàu hàng và thuyền trưởng vì giúp Nga xuất khẩu ngũ cốc: Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) ngày 11/7 cho biết đã bắt giữ một tàu hàng nước ngoài cùng thuyền trưởng ở ngoài khơi khu vực Odessa ở Biển Đen vì nghi ngờ đã giúp Moscow xuất khẩu ngũ cốc Ukraine từ khu vực Crimea.

SBU không nêu tên nhưng cho biết con tàu trên mang cờ một quốc gia Trung Phi và đã liên tục cập cảng biển Sevastopol ở Crimea để chất nông sản trong giai đoạn 2023-2024.

Cảng Odessa đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraine ở Biển Đen vốn đã được hồi sinh mà không cần sự đồng ý của Nga sau khi Moscow từ bỏ thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian vào mùa hè năm 2023 cho phép Kiev xuất khẩu thực phẩm trong thời gian xung đột với Nga. (AFP)

*Cựu Tổng thống Nga Medvedev đe dọa xóa sổ Ukraine và NATO: Ngày 11/7, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã chỉ trích lời hứa tại Hội nghị thượng đỉnh NATO về việc cấp quyền thành viên cuối cùng cho Ukraine và cho rằng Nga nên nỗ lực để tiến tới xóa sổ cả Ukraine và liên minh quân sự này.

Ông Medvedev đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng việc họ trang bị vũ khí cho Kiev có thể dẫn đến “ngày tận thế hạt nhân”. Quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga thuộc về Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, giới ngoại giao cho rằng quan điểm của ông Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho thấy quan điểm của giới lãnh đạo cấp cao Điện Kremlin. (Reuters)

Châu Á-Thái Bình Dương

*Trung Quốc phản đối hành vi kích động Chiến tranh Lạnh mới: Bình luận về tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ nhấn mạnh: “Trung Quốc kiên quyết phản đối NATO lợi dụng các vấn đề liên quan đến các điểm nóng trong khu vực để bôi nhọ Trung Quốc và châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới... NATO nên từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh lỗi thời cũng như những hành động nguy hiểm đẩy châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương rơi vào tình trạng hỗn loạn…".

Ngoài ra, theo ông Lưu Bằng Vũ, "Trung Quốc có trách nhiệm và minh bạch về các vấn đề liên quan đến mạng, không gian và vũ khí hạt nhân, và quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề này được hầu hết các nước ủng hộ". Trong khi đó, các nước NATO tuyên bố Trung Quốc nên ngừng hỗ trợ vật chất và chính trị cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, cũng như cắt giảm xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng sang Nga. (TASS)

*Hàn - Trung đàm phán về kiểm soát xuất khẩu: Ngày 11/7, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thông báo, các quan chức cấp cao của nước này và Trung Quốc đã tổ chức cuộc đàm phán đầu tiên về kiểm soát xuất khẩu.

Theo bộ này, trong cuộc hội đàm, hai nước đã nhất trí nỗ lực quản lý ổn định các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng. (Yonhap)

*Bắc Kinh phản đối Tokyo đưa tàu vào vùng biển của Trung Quốc: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm ngày 11/7 tuyên bố nước này phản đối hành động "bất hợp pháp và không đúng đắn" khi tàu Nhật Bản xâm phạm vùng biển của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu chính quyền Tokyo phải hứa không để hành vi này xảy ra lần nữa.

Trả lời họp báo thường kỳ, ông Lâm Kiếm cho hay Nhật Bản đã giải thích đó là lỗi kỹ thuật, đồng thời khẳng định những tàu nào đi vào vùng biển Trung Quốc mà không có sự đồng ý sẽ bị xử lý theo pháp luật. (Reuters)

*Hàn Quốc cải tổ cơ quan chính sách về Triều Tiên: Ngày 11/7, các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết bộ này có kế hoạch cơ cấu lại cơ quan chính sách về Triều Tiên để tập trung vào các chiến lược mới nhằm vào Bình Nhưỡng, đồng thời giảm các nhiệm vụ liên quan đến các vấn đề quân sự liên Triều.

Theo kế hoạch, phòng Chính sách Triều Tiên thuộc Bộ Quốc phòng sẽ được đổi tên thành phòng Chiến lược Triều Tiên, đơn vị có nhiệm vụ đưa ra chiến lược mới về các lệnh trừng phạt của Seoul đối với Bình Nhưỡng.

Việc cải tổ diễn ra trong bối cảnh quan hệ liên Triều tiếp tục gia tăng căng thẳng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi sửa đổi hiến pháp để xác định Hàn Quốc là “kẻ thù chính không thể thay đổi”. (Yonhap)

*Hàn Quốc sản xuất vũ khí laser phòng không: Ngày 11/7, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) cho biết nước này sẽ bắt đầu sản xuất loại vũ khí laser được thiết kế để tiêu diệt thiết bị bay không người lái của đối phương.

Tháng trước, DAPA đã ký kết một thỏa thuận trị giá khoảng 100 tỷ won (72 triệu USD) với công ty quốc phòng Hanwha Aerospace của Hàn Quốc để sản xuất hệ thống vũ khí này.

DAPA khẳng định hệ thống vũ khí laser có thể trở thành "nhân tố thay đổi cuộc chơi" trong chiến tranh tương lai. Nếu được triển khai theo kế hoạch trong năm nay, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên được biết đến vận hành vũ khí laser. (Yonhap)

Châu Âu

*NATO không thể sản xuất đủ đạn dược: Trang tin tức Semafor dẫn lời một quan chức cấp cao NATO giấu tên cho hay, liên minh quân sự này không thể sản xuất đủ đạn dược để phòng thủ hoặc hỗ trợ Ukraine.

Quan chức NATO nhấn mạnh đạn pháo 155 mm do các nước NATOsản xuất là khác nhau tùy thuộc vào nhà sản xuất cụ thể. Quan chức này nói thêm rằng kể từ bây giờ, việc mua sắm đạn pháo trong liên minh sẽ được thực hiện theo các quy tắc tiêu chuẩn.

Semafor cũng nhắc lại rằng, tới cuối năm nay, EU mới thực hiện được lời hứa gửi một triệu quả đạn pháo cho Kiev. (Sputnik)

*Nga đe dọa hành động để kiềm chế NATO: Hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/7 cho hay Moscow đang theo sát diễn biến khi cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ngày càng tiến gần biên giới của LB Nga. Ông Peskov tuyên bố Nga sẽ cần hành động để kiềm chế liên minh quân sự phương Tây.

Theo ông Peskov, mục tiêu của NATO là trấn áp Nga và hành động của liên minh này thể hiện "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với an ninh quốc gia Nga.

Trong tuyên bố chung ngày 10/7, Mỹ và Đức tuyên bố Washington sẽ bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa ở Đức vào năm 2026, trong nỗ lực chứng minh cam kết của Washington đối với công tác phòng thủ của NATO và châu Âu. (Reuters)

*Ukraine lên kế hoạch gọi 15.000 tù nhân vào lực lượng vũ trang: Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Denys Maliuska ngày 11/7 cho biết chính phủ nước này đang lên kế hoạch gọi khoảng 15.000 tù nhân bị kết án vào lực lượng vũ trang theo luật huy động mới được ký gần đây.

Luật thắt chặt các quy định huy động của Ukraine có hiệu lực từ ngày 18/5. Nhằm bổ sung cho các lực lượng Ukraine đã suy kiệt sau hơn hai năm xung đột quân sự với Nga, luật này yêu cầu tất cả những người Ukraine có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự phải báo cáo với các cơ quan tuyển quân trong vòng 60 ngày kể từ khi ban hành luật.

Ukraine đã thực thi thiết quân luật từ ngày 24/2/2022. Sau đó một ngày, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh tổng động viên. Sau đó, tình trạng thiết quân luật và huy động đã được gia hạn nhiều lần. Theo luật thời chiến của Ukraine, đàn ông từ 18 đến 60 tuổi bị cấm rời khỏi đất nước. (AFP)

*Nga chỉ trích kế hoạch triển khai tên lửa Mỹ tại Đức: Ngày 10/7, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố, quyết định triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên lãnh thổ Đức từ năm 2026 của Mỹ sẽ là sai lầm nghiêm trọng của Washington, là mối đe dọa trực tiếp đến nền an ninh và ổn định chiến lược quốc tế.

Đại sứ Antonov nhận định Mỹ đang làm tăng rủi ro chạy đua tên lửa mà quên rằng đây là “ngòi nổ” cho một cuộc leo thang mất kiểm soát trong quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Nga và NATO. Trước đó, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông báo Moscow đã có lời đáp trả trước việc Mỹ triển khai vũ khí ở Đức.

Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai vũ khí tầm xa ở Đức vào năm 2026, gồm hệ thống phòng không SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu thanh. (Sputniknews)

Trung Đông-châu Phi

*Tehran bác đánh giá của NATO về quan hệ Iran-Nga: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani ngày 11/7 đã bác bỏ tuyên bố của NATO về việc Tehran đang cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga trong chiến dịch ở Ukraine, cho rằng tuyên bố nhằm mục đích biện minh cho sự can dự của phương Tây vào cuộc xung đột này.

Ông Kanaani phát biểu: “Cộng hòa Hồi giáo Iran coi tuyên bố về việc Iran hỗ trợ Nga đối với cuộc xung đột Ukraine trong phát biểu bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Washington là hoàn toàn vô căn cứ và có động cơ chính trị".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng cáo buộc phương Tây cố gắng liên kết cuộc xung đột Ukraine với quan hệ Tehran - Moscow để biện minh cho sự can thiệp của nhóm các nước này và cung cấp vũ khí cho Kiev. (Al Jazeera)

*Palestine kêu gọi thành lập Chính phủ thống nhất sau ngừng bắn ở Gaza: Thủ tướng Palestine Mohammad Mustafa ngày 10/7 kêu gọi thành lập một Chính phủ Palestine thống nhất, sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.

Trong cuộc gặp các quan chức Liên hợp quốc (LHQ), các Đại sứ và Lãnh sự tại thành phố Ramallah, ông Mustafa nhấn mạnh sự cần thiết của đoàn kết và hợp tác. Ông Mustafa khẳng định sau khi chiến tranh kết thúc, Palestine phải được thống nhất dưới một chính quyền và một chính phủ, hợp tác với các đối tác như một thể thống nhất. Theo ông, không thể có giai đoạn chuyển tiếp không xác định có khả năng tạo ra sự phức tạp và hỗn loạn hơn.

Tuyên bố của ông Mustafa được đưa ra trong bối cảnh các phái đoàn từ Ai Cập, Mỹ, Qatar và Israel đã gặp nhau ngày 10/7 tại thủ đô Doha (Qatar) để nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza. (Al Jazeera)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Mỹ và Iran bí mật đàm phán về vấn đề hạt nhân: Báo Etemad của Iran dẫn lời Quyền Ngoại trưởng nước này Ali Bagheri Kani ngày 11/7 cho biết: “Các cuộc đàm phán gián tiếp đang được tiến hành thông qua Oman nhưng quá trình đàm phán được giữ bí mật và các thông tin chi tiết không thể công bố”.

Bình luận của ông Bagheri Kani được đưa ra sau khi người phát ngôn của Nhà Trắng ngày 8/7 cho biết nước này chưa sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran dưới thời Tổng thống mới đắc cử Masoud Pezeshkian.

Tổng thống đắc cử Pezeshkian, là người có quan điểm ôn hòa, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 tại Iran, diễn ra hôm 5/7. Ông Pezeshkian cam kết thúc đẩy một chính sách đối ngoại thực dụng và giảm bớt căng thẳng với sáu cường quốc đã tham gia vào thỏa thuận hạt nhân năm 2015. (Etemad)

*Mỹ đang tìm kiếm sự thay thế ông Zelensky: Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga (SVR) thu thập được thông tin về việc Mỹ đang tìm kiếm nhân sự thay thế ông Zelensky trên cương vị Tổng thống Ukraine.

Tạp chí “Trinh sát” đăng thông tin giải mật cho biết phương Tây đang hết sức lo ngại trước tâm trạng xã hội Ukraine đang ngày càng bất bình khi xung đột với Nga kéo dài. Trong xã hội Ukraine cũng lan rộng sự thờ ơ, sự mất lòng tin vào các thể chế nhà nước và nghi ngờ tính hợp pháp của ông Zelensky sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống 5 năm.

Theo SVR, Washington và các đồng minh đang phải thuyết phục các đối thủ ở Ukraine của ông Zelensky “tạm thời” thể hiện sự kiềm chế. Đồng thời, tài liệu chỉ ra rằng Mỹ đang tăng cường nỗ lực tìm kiếm người thay thế Tổng thống Ukraine. (AFP)

*Canada khẳng định sẽ tiếp tục mua tàu ngầm: Chính phủ Canada ngày 10/7 khẳng định tiếp tục mua tàu ngầm mới bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Mỹ.

Theo CBC News, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair tuyên bố Canada “đang thực hiện những bước đầu tiên hướng tới việc mua tới 12 tàu ngầm sử dụng năng lượng thông thường và có khả năng hoạt động dưới băng.

Đức và Na Uy được cho là từng thuyết phục Canada về ý tưởng trở thành một phần của chương trình tàu ngầm chung. Trong khi đó, Hàn Quốc đã đàm phán với Canada về việc mua bán này, đồng thời mong muốn thành lập cơ sở bảo dưỡng ở Canada. (CBC News)