Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 11/9: Nga bất bình vì chi tiết trong tranh luận Trump-Harris, Ukraine đón khách quý, phương Tây 'rần rần' với tin tình báo về Iran

Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ tranh luận trực tiếp lần đầu tiên, căng thẳng Iran-phương Tây liên quan cáo buộc Tehran gửi tên lửa cho Nga, Tổng thống Iran thăm Iraq, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 79 khai mạc phiên họp toàn thể... là một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Tin thế giới 11/9: Nga bất bình vì chi tiết trong tranh luận Trump-Harris, Ukraine đón khách quý, phương Tây 'rần rần' với tin tình báo về Iran
Hai đối thủ trong cuộc bầu cử Mỹ 2024 là ông Donald Trump và bà Kamala Harris trong buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên sáng 11/9 (giờ Việt Nam). (Nguồn: Reuters)

Châu Âu

* Nga bất bình khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bị nhắc tên trong buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là bà Kamala Harris và ông Donald Trump vào sáng 11/9 (giờ Việt Nam).

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Moscow thực sự không hài lòng khi tên của ông Putin đang bị lợi dụng như một phần của cuộc chiến chính trị nội bộ Mỹ.

Tin liên quan
Nếu Nga và Ukraine Nếu Nga và Ukraine 'buông tay' thỏa thuận quá cảnh khí đốt, châu Âu sẽ chìm trong nỗi lo

Điện Kremlin đánh giá, Washington có cái nhìn thù địch và tiêu cực đối với Moscow, đồng thời bày tỏ hy vọng các ứng cử viên tổng thống Mỹ sẽ ngừng nhắc đến ông Putin.

Trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, bà Harris nghi ngờ ông Trump sẵn sàng dừng hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine "vì lợi ích" và "tình bạn" với ông Putin của Nga. Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ cáo buộc đối thủ đã bí mật đại diện chính quyền của Tổng thống Joe Biden để gặp ông Putin vài ngày trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. (Reuters)

* Các ngoại trưởng Mỹ, Anh đến Ukraine: Ngày 11/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Anh David Lammy đã đến thủ đô Kiev của Ukraine để tham dự một loạt cuộc họp với giới chức chính phủ quốc gia Đông Âu, trong đó có Tổng thống Volodymyr Zelensky. (Reuters)

* Điện Kremlin cảnh báo “rắn” nếu Mỹ cho phép Ukraine tấn công tên lửa vào Nga, theo đó, Moscow sẽ đáp trả “tương xứng”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov còn khẳng định, chiến dịch tấn công của Nga vào Ukraine chính là “phản ứng” đối với chính sách ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, Moscow sẽ tiêu diệt bất kỳ lô tên lửa mới nào thuộc Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine. (AFP)

* Ba Lan mời Phần Lan tham gia tập trận chung: Ngày 11/9, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã mời các lực lượng vũ trang Phần Lan tham dự các cuộc trận Dragon 24 và Anaconda của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sẽ diễn ra trên lãnh thổ quốc gia Trung Âu.

Lời mời được đưa ra sau cuộc gặp của ông Duda với người đồng cấp Phần Lan Alexander Stubb đang có chuyến thăm Warsaw. Tổng thống Ba Lan cũng bày tỏ, Warsaw muốn hợp tác "chặt chẽ nhất có thể" với Helsinki và tăng cường khả năng phối hợp giữa lực lượng vũ trang của cả hai nước. (Sputnik)

* Ba Lan gia hạn "vùng đệm" trên biên giới với Belarus thêm 90 ngày, bắt đầu từ 11/9, khẳng định biện pháp này đã có hiệu quả trong việc giảm tình trạng di cư bất hợp pháp.

Theo Bộ Nội vụ Ba Lan, số vụ vượt biên giới bất hợp pháp đã giảm 64% kể từ khi khu vực "vùng đệm" được thiết lập và đưa vào sử dụng. (Reuters)

* Slovakia ủng hộ Moldova gia nhập Liên minh châu Âu (EU), theo lời Thủ tướng Slovakia Robert Fico trong cuộc gặp với người đồng cấp Moldova Dorin Recean tại Bratislava ngày 10/9.

Phát biểu họp báo, ông Fico cũng nhấn mạnh, giữa hai nước không có vấn đề chính trị công khai nào, vì vậy có thể tập trung vào việc hợp tác kinh tế và các vấn đề chính trị căn bản, lưu ý rằng vẫn còn nhiều tiềm năng giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực kinh doanh giữa hai bên. (Moldpres)

TIN LIÊN QUAN
Bật mí điều mà Nga từng cân nhắc về xung đột ở Ukraine, Moscow ngạc nhiên vì phản ứng của Kiev

Căng thẳng Iran-phương Tây

* Phương Tây "rần rần" cáo buộc Iran cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga để sử dụng trong xung đột tại Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, có khả năng Nga sẽ sử dụng chúng trong vòng vài tuần tới tại Ukraine. Mỹ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể và cá nhân hỗ trợ việc hợp tác giữa Nga và Iran.

Pháp, Đức, Anh cũng ra tuyên bố chung lên án vụ việc trên, cho biết sẽ thực hiện các bước nhằm hủy bỏ những thỏa thuận dịch vụ hàng không song phương với Iran.

Anh cũng đã công bố gói trừng phạt mới, theo đó bổ sung 7 đối tượng trong danh sách trừng phạt Iran và 3 đối tượng trong danh sách trừng phạt Nga.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã đề xuất một loạt biện pháp chống Iran "quyết đoán và có mục tiêu", liên quan cáo buộc Tehran cung cấp tên lửa cho Nga. (Reuters, AFP, Sputnik)

* Ukraine dọa cắt đứt quan hệ với Iran nếu Nga sử dụng tên lửa đạn đạo do Tehran cung cấp để tấn công quốc gia Đông Âu, đồng thời lên án việc chuyển giao vũ khí như vậy là "không thể chấp nhận được".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhiy Tykhyi cho biết, bên cạnh cắt đứt quan hệ, Kiev cũng xem xét tất cả lựa chọn. (Reuters)

* Iran tuyên bố đáp trả các biện pháp trừng phạt mới do Anh, Pháp và Đức áp đặt do cáo buộc Tehran đã cung cấp tên lửa tầm ngắn để Nga sử dụng trong cuộc xung đột với Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani coi hành động của 3 nước châu Âu là nhằm "chống lại người dân Iran", do đó Tehran sẽ có "hành động tương xứng".

Iran cũng bác bỏ cáo buộc của các nước phương Tây về việc chuyển vũ khí để Nga sử dụng trong cuộc xung đột với Ukraine là "vô căn cứ và không đúng sự thật". (IRNA)

* Điện Kremlin chỉ trích cáo buộc Iran chuyển vũ khí cho Nga, nhấn mạnh, những tuyên bố về nhiều vụ chuyển giao vũ khí khác nhau đều là vô căn cứ. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Ukraine dọa 'hậu quả tàn khốc' trong quan hệ với Iran, HĐBA họp khẩn về tình hình xung đột

Châu Á-Thái Bình Dương

* Giáo hoàng Francis thăm Singapore, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á của Giáo hoàng. Chuyến thăm Singapore 3 ngày này là chuyến thăm đầu tiên của một giáo hoàng đến đây kể từ năm 1986, khi cố Giáo hoàng John Paul II dừng chân tại đây trong 5 giờ. (The Straits Times)

* Hàn Quốc nêu giải pháp cho các mối đe dọa từ Triều Tiên: Ngày 11/9, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Hyun cho biết, giải pháp “cơ bản” nằm ở một Bán đảo Triều Tiên thống nhất và tự do. (Yonhap)

* Philippines lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Biển Đông bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), với sự tham dự của ít nhất 20 quốc gia, theo lời Đại sứ Philippines tại Washington Jose Manuel Romualdez.

Theo nhà ngoại giao này, càng nhiều quốc gia đoàn kết lại và "gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng những gì họ đang làm chắc chắn không đúng với lịch sử, thì càng ít khả năng họ thực hiện động thái sai lầm mà tất cả chúng ta đều lo sợ". (SCMP)

* Trung Quốc muốn thúc đẩy liên kết chiến lược phát triển với Saudi Arabia, theo lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khi ông đến thủ đô Riyadh của quốc gia Trung Đông.

Ông Lý Cường đến Saudi Arabia vào ngày 10/9 để chủ trì Phiên họp thứ tư của Ủy ban chung cấp cao Trung Quốc-Saudi Arabia và thăm nước này theo lời mời của Thái tử kiêm Thủ tướng Mohammed bin Salman Al Saud. (THX)

TIN LIÊN QUAN
Khoảng 1.000 người Công giáo La Mã chào đón Giáo hoàng Francis tại sân bay Singapore

Trung Đông-châu Phi

* Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian thăm Iraq từ ngày 11/9 nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ vốn đã thân thiết với quốc gia láng giềng. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức.

Phát biểu tại buổi gặp với ông Pezeshkian, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani tuyên bố, chính phủ cả hai nước đều phản đối mở rộng cuộc chiến Hamas-Israel ở Dải Gaza.

Trong chuyến thăm của ông Pezeshkian, hai bên đã ký 14 thỏa thuận. (AFP)

* Trực thăng quân sự Israel rơi tại Gaza ngày 11/9 khi đang sơ tán một binh sĩ bị thương, khiến 2 quân nhân thiệt mạng và 7 người khác bị thương.

Theo Lực lượng phòng vệ Israel, điều tra ban đầu cho thấy, vụ việc không phải do hỏa lực của kẻ thù gây ra, song vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.

* Mỹ không lạc quan về thỏa thuận ngừng bắn Gaza, theo lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ông cho hay, dựa trên những gì đã đàm phán, dù các bên rất gần thỏa thuận nhưng vẫn chưa thể đạt được.

Theo ông Blinken, vấn đề hiện tại không phải là gia tăng áp lực đối với Israel hay phong trào Hamas, mà là cả hai bên phải thừa nhận một thỏa thuận là vì lợi ích của họ.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, Washington không thể ép buộc giới lãnh đạo Israel đồng ý với các điều khoản được đề xuất, nhưng sẽ tiếp tục nỗ lực thuyết phục họ về sự khôn ngoan của một bước đi như vậy. (Reuters)

* Israel không kích giết chết một chỉ huy Hezbollah, theo một nguồn tin thân cận với phong trào này tiết lộ.

Theo nguồn tin trên, người bị sát hại là Mohammad Qassem al-Shaer, “một chỉ huy chiến trường” trong Lực lượng tinh nhuệ Radwan của Hezbollah.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho hay, nước này sắp hoàn thành nhiệm vụ ở Gaza và chuyển trọng tâm lên biên giới phía Bắc, nơi đang xảy ra các cuộc giao tranh hàng ngày với Hezbollah. (Reuters, AFP)

* Tấn công rocket ở Iraq, một quả rơi xuống gần trung tâm hậu cần của Đại sứ quán Mỹ, cạnh Sân bay quốc tế Baghdad, song không gây thương vong. Quả rocket còn lại rơi xuống căn cứ chống khủng bố cũng gần sân bay này, gây thiệt hại vật chất.

Đến nay, chưa có nhóm nào lên tiếng thừa nhận gây ra vụ tấn công trên. (THX)

TIN LIÊN QUAN
Iraq: Vụ nổ rung chuyển một trung tâm của Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, thông tin ban đầu do tên lửa

Châu Mỹ

* Tranh luận trực tiếp Trump-Harris đã diễn ra hấp dẫn và “cân tài cân sức” tại thành phố Philadelphia, được phát trực tiếp trên kênh ABC News, trong đó tâm điểm thu hút sự quan tâm của hàng triệu khán giả truyền hình là một loạt vấn đề liên quan đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại.

Các ứng cử viên đã tranh luận nhiều vấn đề nóng như kinh tế, quyền phá thai, các xung đột ở Ukraine và Gaza...

Theo giới quan sát và dư luận Mỹ, đây là một cuộc tranh luận hấp dẫn giữa hai ứng cử viên tổng thống và có thể sẽ trở thành một bước ngoặt của chặng nước rút trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Ngay sau khi cuộc tranh luận kết thúc, chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ và cá nhân bà Kamala Harris đã nhận tin vui khi ca sĩ lừng danh Taylor Swift, người có hàng triệu khán giả hâm mộ tại Mỹ, tuyên bố ủng hộ bà Harris trở thành tổng thống tiếp theo. (NBC News)

* Canada đình chỉ bán vũ khí cho Israel: Ngoại trưởng Canada Melanie Joly thông báo, nước này đã đình chỉ khoảng 30 giấy phép vận chuyển vũ khí tới Israel. Tất cả các giấy phép xuất khẩu trên đã được phê duyệt trước khi Ottawa ban hành lệnh cấm bán vũ khí mới có thể được sử dụng ở Gaza hồi tháng 1.

Bà Melanie khẳng định: “Chính sách của chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi sẽ không gửi bất kỳ loại vũ khí hoặc phụ tùng vũ khí nào đến Gaza. Chấm hết”. (Reuters)

Tin thế giới 10/9: Nga nổi giận vì 'bão' UAV, Ukraine có chơi chiêu hạt nhân để ép đồng minh? Thảm kịch do Israel tấn công 'vùng an toàn' ở Gaza

Tin thế giới 10/9: Nga nổi giận vì 'bão' UAV, Ukraine có chơi chiêu hạt nhân để ép đồng minh? Thảm kịch do Israel tấn công 'vùng an toàn' ở Gaza

Thủ đô của Nga bị hàng trăm UAV nhắm mục tiêu tấn công, Israel không kích Gaza khiến hàng chục người tử vong, Nga-Trung Quốc ...

Ukraine dọa 'hậu quả tàn khốc' trong quan hệ với Iran, HĐBA họp khẩn về tình hình xung đột

Ukraine dọa 'hậu quả tàn khốc' trong quan hệ với Iran, HĐBA họp khẩn về tình hình xung đột

Ngày 10/9, Ukraine tuyên bố họ có thể cắt đứt quan hệ với Iran nếu Nga sử dụng tên lửa đạn đạo do Tehran cung ...

Bầu cử Mỹ 2024: Hai đối thủ lần đầu giáp mặt, bà Harris công kích bằng từ 'bi kịch', ông Trump lảng tránh một câu hỏi về Ukraine và Palestine

Bầu cử Mỹ 2024: Hai đối thủ lần đầu giáp mặt, bà Harris công kích bằng từ 'bi kịch', ông Trump lảng tránh một câu hỏi về Ukraine và Palestine

Sáng 11/9 (giờ Việt Nam, tối 10/9 theo giờ Mỹ), ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng viên ...

Nếu Nga và Ukraine 'buông tay' thỏa thuận quá cảnh khí đốt, châu Âu sẽ chìm trong nỗi lo

Nếu Nga và Ukraine 'buông tay' thỏa thuận quá cảnh khí đốt, châu Âu sẽ chìm trong nỗi lo

Sở hữu hơn 22.000 km đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, Ukraine đã là một nhân tố chủ chốt trên thị trường năng lượng ...

Bật mí điều mà Nga từng cân nhắc về xung đột ở Ukraine, Moscow ngạc nhiên vì phản ứng của Kiev

Bật mí điều mà Nga từng cân nhắc về xung đột ở Ukraine, Moscow ngạc nhiên vì phản ứng của Kiev

Ngày 10/9, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu, cũng là cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đã tiết lộ với kênh truyền hình ...