📞

Tin thế giới 1/2: Đảo chính và hỗn loạn tại Myanmar, Trung Quốc nỗ lực hàn gắn quan hệ với Mỹ, Nga-Mỹ đạt thoả thuận đầu tiên

Quang Đào 19:45 | 01/02/2021
TGVN. Tình hình đảo chính tại Myanmar, Trung Quốc tìm cách hàn gắn quan hệ với Mỹ, luận tội ông Trump, bán đảo Triều Tiên, quan hệ Mỹ-Nga... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Tình hình Myanmar: Quân đội đảo chính và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi

Ngày 1/2, người phát ngôn đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền ở Myanmar Myo Nyunt thông báo, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và các nhân vật cấp cao khác của đảng này đã bị bắt giữ trong một cuộc khám xét bất ngờ vào sáng sớm cùng ngày.

Vụ việc xảy ra vài ngày sau khi căng thẳng leo thang giữa chính quyền dân sự và quân đội Myanmar, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ đảo chính sau một cuộc bầu cử mà lực lượng này cho là gian lận.

Tình hình sau đó diễn ra trong không khí hỗn loạn. Quân đội Myanmar đã triển khai binh sĩ ngoài tòa thị chính Yangon, mạng Internet dường như bị gián đoạn. Đài Truyền hình và Phát thanh quốc gia Myanmar MRTV cho biết đang gặp phải một số vấn đề kỹ thuật và không thể phát sóng.

Trong khi đó, quân đội Myanmar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở nước này trong vòng 1 năm và Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing hiện đang nắm quyền điều hành đất nước, trong khi Phó Tổng thống thứ nhất Myint Swe sẽ nắm vai trò quyền Tổng thống.

Quân đội nước này cũng thông báo, sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc, cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng sẽ được tổ chức lại và quyền lực nhà nước sẽ được giao cho đảng được bầu đáp ứng các tiêu chuẩn dân chủ. (Reuters/AP)

Bà Aung San Suu Kyi lên tiếng

Đảng NLD cho biết lãnh đạo đảng này, bà Aung San Suu Kyi kêu gọi người dân không chấp nhận cuộc đảo chính của quân đội.

"Hành động của quân đội là hành động đưa đất nước trở lại dưới chế độ độc tài. Tôi kêu gọi mọi người không chấp nhận điều này, hãy phản ứng và phản đối cuộc đảo chính của quân đội", NLD cho biết trong tuyên bố nhân danh bà Aung San Suu Kyi.

Tuyên bố được đăng tải trên trang Facebook của bà Aung San Suu Kyi nhấn mạnh hành động của quân đội là phi lý, đi ngược lại hiến pháp cũng như y chí của cử tri. (Reuters)

Mỹ-Nga: Nga đánh giá cao chính quyền mới của Mỹ

Ngày 31/1, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết chính quyền mới của Mỹ đã thể hiện ý chí chính trị, nhờ đó, Moscow và Washington đã quyết tâm đạt được thỏa thuận gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya-1, ông Peskov nói: "Chúng tôi thấy rằng chính quyền mới của Tổng thống (Joe) Biden đã thể hiện ý chí chính trị. Hơn nữa, họ còn đưa ra đề nghị gia hạn thêm 5 năm... Đây là một đề nghị tuyệt vời và chắc chắn ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Nga".

Nói về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Peskov cho biết bản chất cuộc điện đàm mang tính thực dụng bởi họ thừa nhận vẫn còn tồn tại những bất đồng cần thảo luận.

“Sự thẳng thắn nằm ở chỗ, các bên đã nêu rõ sự tồn tại của những bất đồng rất sâu sắc, nhưng đồng thời nhất trí rằng sự hiện diện của những bất đồng này không được bao hàm sự vắng mặt của các cuộc đối thoại và ngược lại, đòi hỏi một sự công bằng”, ông Peskov cho biết. (Sputnik)

Mỹ-Trung Quốc: Quan chức Trung Quốc cố gắng hàn gắn quan hệ song phương

Ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - dự kiến sẽ kêu gọi Mỹ chấm dứt chính sách đối ngoại kiểu Donald Trump khi ông có bài phát biểu trước cử tọa Mỹ.

Theo giới quan sát quốc tế, vị quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nhiều khả năng cũng nêu đề xuất tăng cường đối thoại giữa Bắc Kinh và Washington tại cuộc hội thảo “Trò chuyện với Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì”, do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung (NCUSR) tổ chức.

Hội thảo được tiến hành vào ngày 2/2 theo hình thức trực tuyến. (SCMP)

Luận tội ông Trump: Cựu Tổng thống Mỹ chỉ định 2 luật sư mới

Ngày 31/1, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ định 2 luật sư vào nhóm bào chữa cho cuộc luận tội của ông tại Thượng viện sau khi nhóm luật sư trước đó đã rút lui.

Hai luật sư đại diện cho ông Trump sẽ là David Schoen đến từ bang Alabama và Bruce Castor – một cựu công tố viên ở Pennsylvania. Trước đó, nhóm của ông Trump tiết lộ rằng một số luật sư Nam Carolina, những người được cử đại diện cho ông tại phiên tòa bắt đầu vào tuần tới sẽ không tham gia.

Ông Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội 2 lần, trong đó lần thứ 2 do cáo buộc kích động người ủng hộ gây hỗn loạn ở Điện Capitol vào ngày 6/1 khi các nhà lập pháp họp để chứng nhận ông Joe Biden chiến thắng. (Wptv)

Mỹ: Tổng thống Biden tiếp tục lật ngược di sản của người tiền nhiệm

Ngày 31/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi thư đến các nhà lãnh đạo tại Quốc hội Mỹ, nhằm đảo ngược nỗ lực phút chót của người tiền nhiệm Donald Trump. Ông Biden nêu rõ trong thư: “Tôi rút lại 73 đề xuất cắt giảm ngân sách đã được chuyển đến Quốc hội trước đó”.

Vào ngày 14/1, tức gần một tuần trước khi mãn nhiệm, cựu Tổng thống Donald Trump đã đề xuất cắt giảm 73 khoản trong ngân sách hiện tại, có tổng giá trị 27,4 triệu USD.

Các khoản cắt giảm là chi phí hoạt động của nhiều cơ quan hành chính trong Chính phủ, bao gồm Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Quỹ Quốc gia về Nghệ thuật và Nhân đạo hay Lực lượng Hòa bình. (Reuters)

Mỹ thất lạc gần 20 triệu liều vaccine phòng Covid-19

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã hoàn tất phân phối gần 50 triệu liều vaccine Covid-19 tới các tiểu bang. Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 31,1 triệu liều đã được tiêm cho người dân và số vaccine còn lại không biết đang ở đâu. Trong khi đó, một khi vaccine đã được gửi đi, các bang sẽ phải tự chịu trách nhiệm giám sát các liều vaccine này.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực xác định tình trạng của 20 triệu liều vaccine đã bị thất lạc. Họ tin rằng khoảng 2 triệu liều vaccine (chiếm 10%) bị thất lạc có thể do báo cáo từ các bang gửi đến chậm trễ.

Điều này có nghĩa là số liều còn lại có thể vẫn đang được lưu trữ trong nhà kho, tủ đông lạnh hoặc đang được vận chuyển trong mạng lưới phân phối phức tạp giữa chính quyền liên bang và các tiểu bang.

Chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden đang bị chỉ trích khi không thể xác định hiện chính quyền liên bang đang có bao nhiêu liều vaccine. Trong khi đó, ông Biden khẳng định chương trình vaccine mà chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump để lại “đang ở tình trạng tồi tệ hơn những gì mà họ tưởng tượng”.

Nga: Nhân vật đối lập Navalnyđối mặt với án tù giam, vợ được trả tự do

Ngày 1/2, Văn phòng Công tố Nga đã bày tỏ ủng hộ đề nghị của giới chức trại giam nước này về việc thay đổi án treo dành cho nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny thành án tù giam.

Ông Navalny hiện đang bị giam 30 ngày sau khi từ Đức trở về Nga với cáo buộc vi phạm các quy định trong thời gian hưởng án treo. Ông Navalny có thể bị phạt tù 3 năm rưỡi với tội danh này.

Trước đó, ngày 31/1, bà Yulia Navalnaya, vợ của ông Navalny đã được nhà chức trách Nga trả tự do sau khi cam kết sẽ hầu tòa. Bà Navalnaya cùng ngày đã bị bắt giữ vì tham gia một cuộc biểu tình trái phép.

Luật sư Svetlana Davydova của bà Navalnaya tuyên bố: "Bà Yulia Navalnaya đã được phóng thích khỏi đồn cảnh sát để trình diện trước tòa. Bà Navalnaya bị buộc tội theo Điều 20.2 trong Luật về các hành vi vi phạm hành chính của Nga (vi phạm thủ tục tổ chức hoặc vận động tuần hành, mít tinh, biểu tình). (TASS/Sputnik)

Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân?

Cựu quyền Đại sứ Triều Tiên tại Kuwait, ông Ryu Hyun-woo cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân vì kho vũ khí là chìa khóa cho sự tồn tại chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ông Ryu, người đào tẩu sang Hàn Quốc vào tháng 9/2019, đã đưa ra nhận định trên trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng CNN. Việc đào tẩu của ông chỉ mới được báo chí công khai hồi tuần trước.

"Sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên có liên quan trực tiếp đến sự ổn định của chế độ - và ông Kim Jong-un có khả năng tin rằng vũ khí hạt nhân là chìa khóa cho sự sống còn của mình", ông Ryu nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Triều Tiên có thể sẵn sàng đàm phán về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân nhưng Bình Nhưỡng không bao giờ từ bỏ chúng hoàn toàn. (CNN)

Libya bắt đầu tổ chức đối thoại chính trị để bầu ban lãnh đạo mới

Ngày 1/2 các đại biểu của Libya đã bắt đầu tham gia Diễn đàn đối thoại chính trị do Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn tại Geneva nhằm lựa chọn một ban hành pháp tạm thời để điều hành đất nước để chuẩn bị cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021.

Trong một tuyên bố, phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Libya (UNSMIL) cho biết 75 người - đại diện của các khu vực, bộ lạc và các phe phái chính trị - sẽ lựa chọn một Thủ tướng và Hội đồng Tổng thống gồm 3 thành viên từ danh sách 45 ứng cử viên trước ngày 5/2 tới.

Bên cạnh đó, UNSMIL lưu ý thêm rằng: "Cơ quan hành pháp thống nhất tạm thời mới sẽ có nhiệm vụ chính là dẫn dắt Libya đến cuộc bầu cử quốc gia diễn ra vào ngày 24/12/2021 và thống nhất các thể chế nhà nước".

Trước đó, danh sách 45 ứng cử viên cho các vị trí nêu trên đã được 75 đại biểu do LHQ lựa chọn thông qua trong các cuộc đối thoại chính trị được tổ chức vào tháng 11/2020. (AFP)