📞

Tin thế giới 1/2: EU tặng quà lớn, Ukraine thở phào; nước châu Âu trung lập bất ngờ 'ngỏ lời' với NATO; 'chảo lửa Trung Đông' bỏng rẫy

Hoàng Hà 21:47 | 01/02/2024
EU nhất trí gói viện trợ mới cho Ukraine, Thụy Sỹ muốn tăng cường hợp tác với NATO, Trung Đông bỏng rẫy từ Dải Gaza đến Biển Đỏ rồi Iraq, tình hình Biển Đông.. là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
EU nhất trí gói viện trợ 50 tỷ Euro cho Ukraine. (Nguồn: Shutterstock)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Tất cả 27 nhà lãnh đạo EU nhất trí gói viện trợ 50 tỷ Euro cho Ukraine từ ngân sách của Liên minh châu Âu (EU), theo lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel thông báo ngày 1/2 trên mạng xã hội X

Theo ông Michel, điều này giúp đảm bảo nguồn tài trợ ổn định, dài hạn cho Ukraine, thể hiện vai trò lãnh đạo cũng như trách nhiệm hỗ hợ Kiev.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã hoan nghênh quyết định này, nhấn mạnh, các nước EU một lần nữa thể hiện sự đoàn kết với Kiev.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lưu ý, điều này sẽ "củng cố sự ổn định kinh tế và tài chính lâu dài" khi xung đột với Nga bước sang năm thứ ba.

Bộ Kinh tế Ukraine cho biết, chính quyền Kiev dự kiến sẽ nhận được đợt hỗ trợ đầu tiên trị giá 4,5 tỷ Euro (4,9 tỷ USD) từ EU vào tháng 3 tới. (Reuters, AFP)

* Ukraine sẽ tiếp tục tấn công Nga: Ngày 1/2, Giám đốc Cơ quan tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov đe dọa, nước này sẽ tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng quân sự và cơ sở quan trọng của Nga.

Trên mạng xã hội, ông Budanov nhấn mạnh, Ukraine có một kế hoạch cho hành động này.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ Telegraph của Anh, ông Budanov xác nhận lực lượng Ukraine sẽ tiếp tục tấn công Nga vào mùa Xuân năm nay, tuyên bố rằng, chiến dịch tấn công của Moscow xung quanh các khu định cư Donbass gồm Kupyansk, Liman, Bakhmut và Avdeevka sẽ "hoàn toàn chấm dứt" vào đầu mùa Xuân.

* Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valeri Zaluzhny sẽ bị cách chức trong tuần này, theo thông tin từ CNN, đến cuối tuần, Tổng thống Zelensky sẽ ký lệnh cách chức.

Theo CNN, ngày 29/1, cuộc gặp giữa hai lãnh đạo cấp cao nhất của nhà nước và quân đội Ukraine đã diễn ra tại văn phòng Tổng thống và sau đó, ông Zaluzhny đã nộp đơn xin từ chức và từ chối chức vụ thay thế mà Tổng thống Zelensky đưa ra.

Báo chí thì tiết lộ đơn xin từ chức của ông Zaluzhny chính là "đòn chặn trước" ý định cách chức ông của Tổng thống Zelensky. Sau đó chính quyền Kiev đã phải lên tiếng phủ nhận việc cách chức người đứng đầu quân đội khi đất nước đang trong tình trạng chiến tranh.

Trong khi đó, ngày 31/1, Reuters dẫn nguồn tin từ quân đội Ukraine tiết lộ, Tư lệnh Bộ binh Oleksandr Syrskyi đã được đề nghị thay thế ông Zaluzhnyi.

* Tái thiết Ukraine: Ngày 31/1, Ankara và Kiev đã ký thỏa thuận cho phép các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng của Ukraine bị hư hại trong cuộc xung đột với Nga.

Quan chức cấp cao hai nước đã ký văn bản xác định các điều khoản đối với “Lực lượng đặc nhiệm tái thiết Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraine” cũng như thảo luận về vai trò mà Ankara “sẽ đảm nhận trong công cuộc tái thiết".

Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác với các nước thứ ba trong công cuộc này.

Các lĩnh vực chủ chốt cần được tái thiết là nhà ở và giao thông, bao gồm đường bộ, cầu và đường sắt, cũng như cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy của Ukraine.

Trước đó một ngày, tại Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio đã chủ trì Hội nghị lần thứ tư Ủy ban thúc đẩy tái thiết Ukraine nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thúc đẩy tái thiết kinh tế Nhật Bản-Ukraine dự kiến diễn ra tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 19/2.

Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ phát huy kinh nghiệm quý giá của công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh và phục hồi kinh tế sau thảm họa thiên tai, tận dụng hiệu quả kiến thức và công nghệ của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như sự tham gia của cả khu vực công và tư nhân để hỗ trợ Ukraine. (Reuters, Kyodo)

Trung Đông

* Mỹ-Houthi: Ngày 31/1, Houthi tuyên bố, lực lượng này đã phóng một số tên lửa đối hạm vào tàu chở container KOI của Mỹ đang trong hành trình hướng tới Israel. Tên lửa "đã đánh thẳng vào mục tiêu".

Theo phong trào trên, hành động này “để ủng hộ nhân dân Palestine ở Gaza và đáp trả hành động gây hấn của Mỹ và Anh đối với Yemen”. Theo ông Sarea, tên lửa của Houthi “đã đánh thẳng vào mục tiêu”.

Cùng ngày, Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) của quân đội Mỹ ra tuyên bố xác nhận, các lực lượng nước này đã tấn công và phá hủy một số tên lửa đất đối không ở Yemen mà Houthi chuẩn bị khai hỏa, coi đó là "mối đe dọa tiềm tàng đối với máy bay" của Washington.

Ngoài ra, phóng viên kênh CBS News cùng ngày cũng dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao ở Bahrain cho biết, Mỹ đã tấn công 10 máy bay không người lái (UAV) đang chuẩn bị phóng ở miền Tây Yemen. (Reuters)

* Mỹ-Iraq: Ngày 31/1, AFP dẫn thông báo của Nhà Trắng cáo buộc nhóm dân quân Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq đứng sau vụ tấn công UAV hôm 28/1 nhằm vào một căn cứ tại Jordan khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng và 40 người khác bị thương.

Tổng thống Joe Biden tiết lộ, ông đã quyết định về cách thức phản ứng của Mỹ đối với vụ tấn công nêu trên, nhưng chưa công bố chi tiết về kế hoạch cũng như thời gian triển khai.

Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ đáp trả theo thời gian, cách thức và lịch trình mà chúng tôi chọn”.

* Israel-Mỹ-Palestine: Ngày 31/1, tờ Walla của Israel dẫn lời 2 quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tiết lộ, Ngoại trưởng Antony Blinken đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ chuẩn bị tham mưu về khả năng công nhận Nhà nước Palestine độc lập chỉ 1 ngày sau khi kết thúc xung đột ở Dải Gaza.

Trong vài ngày tới, ông Blinken dự kiến sẽ sớm thực hiện chuyến công du Trung Đông lần thứ 5 kể từ khi nổ ra cuộc chiến giữa Israel và Hamas hôm 7/10/2023.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết, Mỹ đang tìm kiếm lệnh ngừng bắn trong khoảng thời gian tối đa cho cuộc chiến ở Gaza để giải thoát các con tin, đồng thời gây áp lực yêu cầu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lập kế hoạch kết thúc chiến dịch quân sự ở Gaza.

Washington cũng tỏ rõ lập trường với Israel về việc phản đối bất cứ động thái nào nhằm giảm diện tích vùng lãnh thổ của Palestine, trong đó có kế hoạch lập vùng đệm.

* Israel-Hamas: Đêm 31/1, Đài truyền hình nhà nước KAN đưa tin, phong trào Hamas vừa yêu cầu Israel trả tự do cho tất cả thành viên lực lượng Nukhba tinh nhuệ bị bắt hôm 7/10/2023, để đổi lấy hành động trả tự do cho các con tin.

Lực lượng Nukhba bao gồm những chiến binh tinh nhuệ nhất của Hamas và cũng là những tay súng đầu tiên đột nhập lãnh thổ Israel hôm 7/10. Yêu cầu của Hamas đã được giới chức Israel tiếp nhận và thảo luận, tuy nhiên chưa có bất cứ quyết định nào được công bố.

Trong khi đó, Jerusalem Post dẫn lời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày khẳng định, ông đang cố gắng hết sức và luôn cam kết giải cứu các con tin bị Hamas giam giữ.

* Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhóm họp về khủng hoảng Trung Đông vào ngày 31/1 trong bối cảnh chiến sự tại Dải Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Phiên họp lần này tập trung đánh giá các phán quyết tạm thời của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) thuộc LHQ liên quan tới những cáo buộc diệt chủng ở Gaza và tình hình cứu trợ nhân đạo tại đây.

Tổng Thư ký LHQ Guterres khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động cho Cơ quan Cứu trợ của LHQ (UNRWA) nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân ở Dải Gaza, cũng như tiếp tục cung cấp các dịch vụ cho người tị nạn Palestine tại những khu vực khác như Bờ Tây, Jordan, Lebanon và Syria.

Ông Guterres tái khẳng định các phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) thuộc LHQ liên quan những cáo buộc diệt chủng ở Gaza, cũng như luật nhân đạo quốc tế, cần phải được tuân thủ trong mọi hoàn cảnh. (UN News)

Châu Âu

* Thụy Sỹ muốn tăng cường hợp tác với NATO: Ngày 1/2, chính phủ Thụy Sỹ thông báo kế hoạch xem xét ý tưởng triển khai lính nghĩa vụ cho các nhiệm vụ huấn luyện chung, cũng như các quy định về việc quá cảnh quân nhân nước ngoài qua nước này.

Nhìn chung, kế hoạch trên nhằm tăng cường hợp tác với Tổ chức HIệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong lĩnh vực quốc phòng.

Thông báo nêu rõ: “Thụy Sỹ phần lớn đã áp đặt các hạn chế hiện tại đối với chính mình. Do vậy, việc từ bỏ hoặc ít nhất là điều chỉnh chúng trong khuôn khổ luật trung lập là tùy thuộc vào đánh giá sắp tới”.

Chính phủ cũng cho biết không được đưa ra bất kỳ nghĩa vụ hay sự phụ thuộc hoặc ràng buộc nào không phù hợp với tính trung lập của đất nước. (SWI)

* Nga đặt niềm tin vào quan hệ với Italy: Ngày 31/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, nước này tin chắc “không ai có thể phá hủy nền tảng vững chắc của quan hệ Moscow-Rome”, bất chấp thực tế là hiện tại, “tất cả các lĩnh vực tương tác song phương đã bị đóng băng”.

Theo bà, việc Italy bỏ chính sách chống Nga và từng bước khôi phục hợp tác thực chất và sự tôn trọng lẫn nhau "sẽ thực sự có lợi cho lợi ích chung”.

Moscow khẳng định không nghi ngờ gì về thực tế rằng “nhân dân Italy, với trí tuệ, tầm nhìn xa và ý thức chung của họ sớm hay muộn sẽ hiểu được con đường chống Nga mang tính hủy diệt hiện nay phản tác dụng đến thế nào”. (ANSA)

* Armenia gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), theo thông tin từ Đại diện chính thức của Armenia về các vấn đề pháp lý quốc tế Yeghishe Kirakosyan.

Trước đó, hồi tháng 3/2023, ICC đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, song Điện Kremlin khẳng định Nga không công nhận thẩm quyền của ICC và coi các quyết định của cơ quan này là vô hiệu.

Châu Á

* Trung Quốc cảnh báo mảnh vỡ tên lửa rơi xuống Biển Đông dự kiến vào sáng 3/2, từ 7h-8h giờ địa phương (6h-7h giờ Hà Nội). Nguyên nhân sự việc không được nói rõ.

Tọa độ cho thấy vị trí mảnh vỡ có thể rơi xuống nằm ở phía đông đảo Hải Nam. Việc tiếp cận khu vực này bị cấm trong thời gian nói trên. (Reuters)

* Philippines sẽ mua tàu ngầm, trong khuôn khổ kế hoạch hiện đại hóa quân đội giai đoạn 3.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã phê chuẩn giai đoạn ba của công cuộc hiện đại hóa này, phản ánh sự chuyển đổi chiến lược từ phòng thủ bên trong sang bên ngoài.

Quan chức Hải quân Philippines không thể nói chính xác số lương tàu ngầm định mua, nhưng "chắc chắn hơn một". (Reuters)

* Pakistan sẽ tổ chức tổng tuyển cử như dự kiến vào ngày 8/2 trong mọi trường hợp, theo lời Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền của Pakistan Gohar Ejaz.

Chính phủ tạm quyền ở Pakistan đã được thành lập để điều hành đất nước kể từ khi Quốc hội nước này giải tán vào ngày 9/8/2023.

Theo Hiến pháp Pakistan, cuộc tổng tuyển cử lẽ ra phải được tổ chức trong vòng 90 ngày kể từ ngày giải tán Quốc hội, song ngày bầu cử liên tục bị lùi lại vì nhiều lý do gây ra những phản ứng trái chiều. (Reuters)

* Hải quân Mỹ triển khai 3 tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương gồm USS Carl Vinson, USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan. Đây là lần đầu tiên sau hai năm có ba tàu sân bay của Mỹ hiện diện ở khu vực này.

Các tàu này đã tham gia tập trận cùng các tàu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) từ 29/1-2/1 nhằm "tăng cường năng lực của Liên minh Nhật-Mỹ trong hoạt động ngăn chặn và đáp trả hiệu quả”.

Cuộc tập trận mang tên Multi-Large Deck, diễn ra ở Biển Philippine “phù hợp với luật pháp quốc tế ở vùng biển quốc tế”, bao gồm “tập trận phòng không, giám sát trên biển, các cuộc tập trận trên boong và diễn tập chiến thuật nhằm nâng cao khả năng chiến đấu tinh nhuệ độc nhất”. (Nikkei Asia)

* Myanmar có Chủ tịch Ủy ban bầu cử mới: Ngày 31/1, kênh truyền hình chính thức MRTV đưa tin, Hội đồng hnh chính nhà nước Myanmar đã bổ nhiệm tân Chủ tịch Ủy ban bầu cử và các Bộ trưởng sau khi gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng.

Theo lệnh của hội đồng, ông U Ko Ko sẽ trở thành Chủ tịch mới của Ủy ban bầu cử liên bang nước này, thay thế ông U Thein Soe; ông U Aung Aung đảm nhận chức vụ Thống đốc bang Shan từ người tiền nhiệm U Aung Zaw Aye.

Hội đồng cũng bổ nhiệm một Thứ trưởng Bộ Thể thao và Thanh niên, một thành viên mới của Ủy ban bầu cử Liên minh và một thành viên mới của Ban Dịch vụ Dân sự Liên minh theo lệnh riêng.

Châu Mỹ

* Lầu Năm Góc bổ sung danh sách các công ty hợp tác với quân đội Trung Quốc nhằm nêu bật các thực thể bị cáo buộc có mối quan hệ hợp tác này.

Những cái tên mới được bổ sung vào danh sách bao gồm nhà sản xuất chip bán dẫn YMTC, công ty trí tuệ nhân tạo Megvii, nhà sản xuất công nghệ đo khoảng cách bằng laser (lidar) Hesai Technology và công ty công nghệ NetPosa.

Mặc dù các công ty nằm trong danh sách trên chưa bị áp lệnh cấm trong ngắn hạn, song sẽ phải hứng chịu tác động nghiêm trọng về mặt uy tín và là lời cảnh báo rõ ràng đối với các thực thể của Mỹ có dự định hợp tác.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa phản hồi yêu cầu bình luận về động thái trên. (Reuters)

* Mỹ trừng phạt một loạt thực thể và cá nhân ở nhiều nước: Ngày 31/1, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào 2 thực thể bị cho là có liên hệ với chính quyền quân sự Myanmar, gồm Tập đoàn Shwe Byain Phyu và công ty vận tải biển Myanmar Five Star Line.

Bộ trên cũng tuyên bố trừng phạt 3 thực thể và 1 cá nhân ở Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ vì “cung cấp hỗ trợ tài chính quan trọng” cho mạng lưới tài chính được Lực lượng Quds của Iran và nhóm chiến binh Hezbollah ở Liban sử dụng.

Bên cạnh đó, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 3 công ty có liên hệ với các bên đối địch ở Sudan là Ngân hàng Alkhaleej và Al-Fakher Advanced Works do Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự kiểm soát, cùng công ty Zadna International do quân đội Sudan kiểm soát. (Reuters)

Châu Phi

* Mỹ-Morocco chủ trì hội nghị về ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở thành phố Marrakech, miền Nam Morocco vào ngày 31/1.

Hội nghị kéo dài đến ngày 2/2, là một phần của Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) - nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn những hành vi vận chuyển các vật liệu nguy hiểm qua đường bộ, đường hàng không và đường biển.

Hội nghị được tổ chức nhằm khuyến khích các nước châu Phi hỗ trợ PSI và sử dụng các nguồn lực quốc gia để tạo ra những công cụ pháp lý, ngoại giao và quân sự để đấu tranh với mối đe dọa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. (THX)