📞

Tin thế giới 1/2: NATO đang 'mơ' Nga thất bại? Ukraine 'than thở' về đảm bảo an ninh; Myanmar hứng loạt trừng phạt

Hoàng Hà 19:45 | 01/02/2023
Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, tình hình viện trợ quân sự cho Kiev, Myanmar bị trừng phạt dồn dập, căng thẳng Israel-Iran, các cuộc đình công ở châu Âu... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Nga cho rằng, NATO đang tăng cường đặt cược vào xung đột ở Ukraine, trong đó, Moscow sẽ thất bại. (Nguồn: Sky News)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* NATO tăng cường đặt cược vào cuộc đối đầu ở Ukraine: Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga Sergey Naryshkin, đó là một trong những mục tiêu rõ ràng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Ukraine.

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Naryshkin nói: “Sự đặt cược của NATO đang tăng lên do thực tế là họ vẫn mơ về một thất bại chiến lược của Nga… Tuy nhiên điều này sẽ không xảy ra”.

* Tổng thống Áo đến Kiev: Ngày 1/2, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã đến thủ đô Kiev và dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trên trang Twitter, Tổng thống Bellen viết: "Sau gần một năm xung đột, Ukraine không bị lãng quên. Cùng với Tổng thống Zelensky và những người dân Ukraine dũng cảm – chúng ta đại diện cho các giá trị châu Âu". (Reuters)

* Hỗ trợ quân sự cho Ukraine là để chấm dứt xung đột, theo lời Tổng thống Italy Sergio Mattarella ngày 31/1.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hungary Katalin Novák tại Rome, Tổng thống Mattarella nêu rõ: “Sự hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự dành cho Ukraine và các biện pháp trừng phạt đối với Nga là nhằm chấm dứt chứ không phải thúc đẩy xung đột”. (ANSA)

* Tây Ban Nha lên kế hoạch cấp cho Ukraine từ 4-6 xe tăng Leopard 2A4, báo El Pais (Tây Ban Nha) ngày 1/2 dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết.

Trước đó, trong tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết, chính phủ nước này đã bắt đầu khôi phục lại một số xe tăng Leopard 2A4 để giao cho Kiev. (Reuters)

* Pháp gửi Kiev thêm 12 khẩu pháo Caesar, sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine tại Ba Lan, theo thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng nước này Sebastien Lecornu ngày 31/1.

Lô vũ khí này, cùng với 18 khẩu pháo Caesar đã được chuyển giao, được trích từ quỹ 200 triệu Euro (217 triệu USD) mà Paris thành lập để tài trợ vũ khí cho Kiev.

Trong khi đó, 150 binh sĩ Pháp sẽ đến Ba Lan vào cuối tháng 2 để huấn luyện cho 600 binh sĩ Ukraine mỗi tháng tại đây. (AFP)

* Mỹ sẵn sàng cung cấp gói viện trợ trị giá hơn 2 tỷ USD cho Ukraine, theo lời 2 quan chức giấu tên. Gói viện trợ có thể được công bố trong tuần này.

Lô vũ khí dự kiến gồm tên lửa tầm xa, các thiết bị hỗ trợ cho hệ thống phòng không Patriot, tên lửa, xe chiến đấu bọc thép, nhiều vũ khí và đạn dược.

Một phần của gói viện trợ trị giá 1,725 tỷ USD được trích từ quỹ “Sáng kiến Hỗ trợ an ninh Ukraine” (USAI), phần còn lại trị giá hơn 400 triệu USD dự kiến sẽ được trích từ các quỹ thuộc diện Quyền Rút vốn của Tổng thống Mỹ. (Reuters)

* LHQ kêu gọi các bên xung đột ở Ukraine ngừng bắn: Ngày 31/1, ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, cho hay, cơ quan này "không có quan điểm về các công nghệ cụ thể", khi được yêu cầu bình luận về việc Ukraine kêu gọi cung cấp máy bay chiến đấu.

Theo quan chức này, "mối quan tâm của Liên hợp quốc là tình trạng đối đầu vẫn tiếp tục diễn ra. Chúng tôi muốn cuộc xung đột này dừng lại”. (UN)

Châu Âu

* Ukraine muốn thảo luận về quy chế hạt nhân, nhưng chưa có đề xuất cụ thể, theo lời Đại sứ Ukraine tại Đức Oleksiy Makeev ngày 1/2.

Ông Makeev nhấn mạnh, Ukraine chưa bao giờ nhận được "sự hỗ trợ an ninh đầy đủ" của Mỹ, Anh và các cường quốc hạt nhân khác theo Bản ghi nhớ Budapest vào năm 1994.

Theo nhà ngoại giao Ukraine, "đó là một tín hiệu xấu cho tất cả các quốc gia trên thế giới, những người nhận ra rằng trên thực tế, chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể cứu họ khỏi bị tấn công” và vì vậy mà Kiev muốn bắt đầu thảo luận. (DW, Teller Report)

* Tổng thống đắc cử Czech ủng hộ Ukraine gia nhập NATO: Ngày 1/2, hãng CTK của Czech dẫn lời Tổng thống đắc cử nước này Petr Pavel tuyên bố, Ukraine xứng đáng trở thành thành viên của NATO sau khi kết thúc xung đột với Nga.

Tái khẳng định ủng hộ cung cấp vũ khí cho Kiev và không coi việc cung cấp máy bay chiến đấu là điều cấm kỵ, theo ông Pavel, phương Tây “không có lựa chọn nào khác" bởi vì “Ukraine có thể sẽ thua nếu không được cung cấp vũ khí”.

Tổng thống đắc cử Czech cũng cho rằng, hòa bình hoàn toàn phụ thuộc vào Moscow và ông sẽ ủng hộ, dù chỉ là một dấu hiệu nhỏ nhất, thiện chí đàm phán để chấm dứt xung đột, tuy nhiên ông thấy "không có dấu hiệu nào như vậy từ phía Nga”.

* Hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra vào ngày 3/2 tại Kiev. Chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị sẽ là triển vọng của tiến trình đàm phán gia nhập EU sau khi Kiev thực hiện tất cả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới còn tập trung vào các biện pháp trừng phạt mới của EU, đặc biệt liên quan tên lửa, máy bay không người lái và ngành công nghiệp hạt nhân.

Tình hình an ninh, công tác triển khai Công thức Hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nỗ lực buộc Nga phải chịu trách nhiệm và vấn đề tái thiết sau xung đột cũng sẽ được xem xét. (AFP)

* Thổ Nhĩ Kỳ phản đối đưa tàu quân sự vào Biển Đen cũng như việc leo thang xung đột vũ trang trong khu vực, theo lời Ngoại trưởng nước này Mevlut Cavusoglu, ngày 1/2.

Hãng thông tấn Anadolu dẫn lời ông Cavusoglu nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ nghiêm túc Công ước Montreux năm 1936, trong đó Ankara nắm quyền kiểm soát các eo biển Bosporus, Dardanelles và quy định việc vận lưu thông qua những eo biển này của tàu chiến hải quân.

Ankara khẳng định đã, đang và tiếp tục kêu gọi các bên trong cuộc xung đột Ukraine thiết lập liên lạc.

* Anh, Pháp đối mặt cuộc đình công lớn: Theo hãng tin Reuters, trong ngày 1/2, ước tính có tới 500.000 giáo viên, giảng viên đại học, viên chức và nhân viên lái tàu sẽ tham gia cuộc đình công lớn chưa từng có tại Anh trong ít nhất một thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, sẽ diễn ra nhiều cuộc tuần hành phản đối một đạo luật mới ngăn chặn đình công trong một số lĩnh vực, cũng như phản đối một đề xuất mà người lao động cho là sẽ gây thêm nhiều bất đồng giữa họ và giới chủ.

Cuộc đình công đồng loạt nói trên sẽ khiến nhiều trường học đóng cửa, dịch vụ vận tải đường sắt ngưng trệ gần như trên toàn nước Anh, trong khi quân đội chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ tại các khu vực biên giới.

Người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak nêu rõ, chính phủ Anh sẽ thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động, song thừa nhận đình công sẽ gây ảnh hưởng đáng kể khi làm gián đoạn cuộc sống của người dân, đồng thời khẳng định, đàm phán mới là hướng tiếp cận đúng đắn.

Tại Pháp, AFP cho hay, các nghiệp đoàn kêu gọi tiếp tục đình công vào các ngày 7/2 và 11/2 nhằm phản đối kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron. Ngày 31/1, khoảng 2,8 triệu người đã tham gia biểu tình trên toàn nước Pháp

* Anh-EU đạt thỏa thuận hải quan hậu Brexit liên quan Bắc Ireland, theo đó, EU chấp thuận một kế hoạch nhằm tránh phải kiểm tra định kỳ đối với các loại hàng hóa được vận chuyển đến Bắc Ireland. Hai bên cũng đang thảo luận chi tiết về thỏa thuận kiểm tra thú y

Ngoài ra, EU cũng đồng ý rằng, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) chỉ có thể ra phán quyết về những vấn đề của Bắc Ireland nếu một vụ việc được các tòa án trong vùng lãnh thổ này đệ trình, song vai trò chính xác của ECJ vẫn chưa được xác định. (Reuters)

Châu Á

* Myanmar hứng chịu loạt trừng phạt mới: Ngày 31/1, chính quyền Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bộ trưởng Năng lượng Myanmar Myo Myint Oo và 2 quan chức hàng đầu của Doanh nghiệp Dầu khí Myanmar thuộc sở hữu nhà nước.

Danh sách trừng phạt mới này cũng bao gồm Tư lệnh Không quân Myanmar Htun Aung, cựu quan chức quân đội Hla Swe và một nữ doanh nhân sở hữu Tập đoàn Htoo có quan hệ hợp tác chặt chẽ với quân đội Myanmar.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt Ủy ban Bầu cử Liên bang Myanmar do quân đội kiểm soát và 2 công ty khai thác mỏ thuộc sở hữu nhà nước.

Canada cùng ngày cũng đưa ra thông báo về quyết định trừng phạt thêm 6 cá nhân Myanmar theo “Quy định về các biện pháp kinh tế đặc biệt”, đồng thời cấm xuất khẩu, bán và vận chuyển nhiên liệu hàng không đến quốc gia Đông Nam Á này.

Trong một động thái phối hợp cùng Mỹ và Canada, Anh tuyên bố trừng phạt 2 công ty và 2 cá nhân được cho là có liên hệ với một thực thể được gọi là “Tập đoàn Asia Group", doanh nghiệp chuyên cung cấp nhiên liệu hàng không cho quân đội Myanmar.

Những đối tượng thuộc diện trừng phạt sẽ bị phong tỏa tài sản, đồng nghĩa với việc công dân và doanh nghiệp Anh sẽ bị cấm giao dịch với họ. Ngoài ra, 2 cá nhân trong danh sách trừng phạt cũng sẽ phải đối mặt với lệnh cấm đi lại của chính phủ Anh.

Trong khi đó, ngày 1/2, chính phủ Australia cũng thông báo đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 16 quan chức của chính quyền quân sự Myanmar, trong đó có Thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự và cấp phó của ông là Soe Win. (Reuters, ABC News)

* Mỹ-Hàn phối hợp nâng cao năng lực răn đe đối với Triều Tiên: Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Tae-yong ngày 31/1 tuyên bố, Seoul và Washington sẽ tìm cách tăng cường năng lực răn đe chung đối với Bình Nhưỡng "thông qua sự hợp tác chặt chẽ trên mọi lĩnh vực", trước hết là năng lực răn đe mở rộng.

Theo Đại sứ Cho Tae-yong, Hàn Quốc và Mỹ cũng sẽ phối hợp ngăn chặn Triều Tiên tài trợ cho các chương trình vũ khí của nước này.

Ngày 1/2, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã bắt đầu chuyến công du Mỹ để thảo luận về phương hướng phát triển quan hệ đồng minh, vấn đề bán đảo Triều Tiên và các vấn đề nổi cộm toàn cầu. (Yonhap)

* Mỹ-Ấn Độ khởi động Sáng kiến về công nghệ quan trọng và mới nổi, điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng sẽ giúp Washington và New Delhi cạnh tranh với Bắc Kinh trong các lĩnh vực thiết bị quân sự, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

* Israel cáo buộc Iran đứng sau hầu hết các vụ tấn công mạng: Ngày 31/1, Giám đốc Cục An ninh mạng quốc gia Israel Gaby Portnoy cáo buộc Iran “đang dẫn đầu một chiến dịch gây hấn, có tổ chức tấn công không gian mạng của Israel”.

Cùng ngày, các quan chức an ninh cấp cao Israel đã họp bàn để đánh giá khả năng Iran sẽ tấn công trả đũa vụ Nhà nước Do Thái tấn công một chiếc xe tải chở vũ khí của Tehran hôm 30/1. (THX)

* Nga-Ai Cập nhấn mạnh việc tái khởi động đàm phán Palestine-Israel trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng hai nước ngày 31/1. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov cho biết, Moscow và Cairo một lần nữa nhấn mạnh cần phải khởi động lại cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay, Moscow tái khẳng định cần phải sớm nối lại công việc của nhóm bộ tứ trung gian hòa giải quốc tế (gồm Mỹ, Nga, Liên hợp quốc và EU) cũng như phối hợp chặt chẽ với bất kỳ quốc gia Arab nào liên quan vấn đề này. (TASS)

Châu Mỹ

Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về “sự ủng hộ của Mỹ đối với nền dân chủ của Brazil và cách thức hai nước có thể tiếp tục hợp tác để thúc đẩy các giá trị dân chủ và hòa nhập trong khu vực và trên toàn thế giới".

Hai Tổng thống cũng sẽ thảo luận về biến đổi khí hậu, di cư, phát triển kinh tế và các vấn đề an ninh. (AP)

* EU muốn sớm phê chuẩn hiệp định thương mại với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mecosur) vào tháng 7 tới, sau hơn 3 năm trì hoãn.

Sau 20 năm đàm phán, EU và Mecosur - tổ chức bao gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay - đã đạt được thỏa thuận hồi tháng 6/2019, song hai bên vẫn chưa chính thức phê chuẩn kể từ thời điểm đó.

Một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc phê chuẩn hiệp định liên quan chính sách môi trường của cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền Tổng thống Brazil hôm 1/1, ông Lula da Silva đã đề xuất nối lại tiến trình phê chuẩn hiệp định thương mại với EU. (AFP)

* Quốc vương Jordan Abdullah sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 2/2, theo thông báo của Đại sứ quán Jordan tại Washington hôm 31/1.

Hiện tại, Quốc vương Abdullah đang ở thăm Washington và đã gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại Điện Capitol trong ngày 31/1. (Reuters)

Châu Phi

* Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune dự kiến thăm Nga vào tháng 5, theo thông báo từ Văn phòng của ông Tebboune ngày 31/1. Tổng thống Tebboune cũng dự kiến thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp trong cùng tháng này.

Algiers có mối quan hệ nồng ấm với Moscow trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất châu Phi này cũng trở thành nguồn cung năng lượng quan trọng của châu Âu, do hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine. (Arab News)

* Tunisia kéo dài tình trạng khẩn cấp đến cuối năm 2023, theo quyết định vừa được phê chuẩn của Tổng thống nước này Kais Saied.

Luật khẩn cấp của Tunisia trao cho chính quyền các quyền đặc biệt, bao gồm tiến hành bắt giữ tại gia, cấm các cuộc họp chính thức, áp đặt lệnh giới nghiêm, giám sát phương tiện truyền thông và báo chí, cấm tụ tập và kiểm duyệt phương tiện truyền thông mà không có sự cho phép của cơ quan tư pháp. (AFP)