Moscow cho rằng, NATO đã trở thành một bên trong xung đột Nga-Ukraine và liên minh quân sự này chọn Kiev. (Nguồn: Sky News) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Điểm yếu của Ukraine trên chiến trường: Ngày 11/10, tờ Financial Times (FT) của Anh cho rằng, các cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa của Nga ở Ukraine đã cho thấy rõ điểm yếu chính của Kiev là không đủ hệ thống phòng không "để bảo vệ một quốc gia rộng lớn, vì tên lửa có thể bay từ nhiều hướng khác nhau".
Theo FT, Nga sẽ từng bước "buộc Kiev phải lựa chọn giữa việc triển khai các hệ thống phòng không ít ỏi của mình để phòng thủ hoặc sử dụng chúng để tiến hành một cuộc phản công".
* Nổ lớn ở nhiều thành phố của Ukraine, nguy cơ đối với Kiev: Ngày 12/10, Hội đồng thành phố Kiev cho biết, lệnh báo động không kích đã được ban bố ở Kiev. Còi báo động không kích cũng một lần nữa lại vang lên tại 8 trong số 18 tỉnh của Ukraine.
Các nguồn tin hiện trường ở Ukraine cho hay đã nghe thấy tiếng nổ lớn ở cổng một khu chợ tại thành phố Melitopol thuộc vùng Zaporizhzhia vào sáng 12/10. Trong khi đó, tại Kherson, các phóng viên của Sputnik cũng thông báo về 5 vụ nổ.
Theo các chuyên gia, nếu phía Nga tiếp tục không kích thì Kiev sẽ mất khả năng kiểm soát an ninh năng lượng trong vòng 5-6 ngày tới. (Sputnik)
* Nga-Ukraine giằng co trên thực địa: Ngày 12/10, Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận, quân đội nước này đã giành lại quyền kiểm soát thêm 5 khu định cư ở vùng trọng yếu miền Nam Kherson gồm: Novovasylivka, Novogrygorivka, Nova Kamyanka, Tryfonivka và Chervone”.
Trong khi đó, trang mạng quân sự của Nga cùng ngày cho biết, quân đội Nga đã chuyển sang phản công ở hướng Liman sau khi phía Ukraine mất thế chủ động khi tấn công vào Kremennaya.
Một đoạn video liên quan do quân đội Nga công bố đã cho thấy pháo binh Nga tấn công nhiều vị trí của quân đội Ukraine ở ngoại ô phía Đông Torskoye thuộc tỉnh Luhansk. (AFP)
* Điện Kremlin nói NATO thừa nhận đang tham chiến ở Ukraine: Ngày 12/10, Điện Kremlin cho rằng, những phát biểu trước đó của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg có thể được coi là sự xác nhận rằng liên minh quân sự này đang chiến đấu bên phía Ukraine, trong cuộc xung đột với Nga.
Hôm 11/10, ông Stoltenberg tuyên bố, một chiến thắng của Nga ở Ukraine sẽ là "thất bại của tất cả chúng ta".
Cùng ngày, hơn 50 quốc gia sẽ nhóm họp bên lề cuộc họp của NATO tại Brussels để thảo luận về việc tăng cường phòng không cho Kiev. Đây sẽ là cuộc họp lớn đầu tiên của NATO kể từ khi Moscow sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine. Các nước NATO cũng sẽ tiến hành một cuộc tập trận hạt nhân vào tuần tới. (Reuters)
* NATO vạch ranh giới với xung đột Nga-Ukraine: Ngày 11/10, Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO Julianne Smith cho hay, khối này không có kế hoạch thay đổi quan điểm về việc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.
Theo bà Smith, "điều quan trọng là NATO không phải là một bên trong cuộc xung đột này. Đây là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. NATO là một liên minh quân sự phòng thủ. Tôi không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở quan điểm này”. (State.gov)
* Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ 8 người liên quan vụ nổ cầu Kerch, theo Interfax đưa tin, trong đó có 5 người Nga cùng 3 công dân của Ukraine và Armenia.
Cơ quan An ninh Nga cho rằng, vụ nổ trên cầu Kerch do cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine tiến hành.
* Australia xem xét yêu cầu hỗ trợ huấn luyện quân đội của Ukraine: Ngày 12/10, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, Canberra sẽ cân nhắc kỹ lưỡng yêu cầu của Ukraine về hỗ trợ huấn luyện cho quân đội của quốc gia này.
Phát biểu trên đài ABC, ông Albanese cũng lưu ý, nếu Australia gửi nhân viên đến giúp đào tạo binh sĩ Ukraine, việc huấn luyện sẽ diễn ra ở một quốc gia khác, có thể là một quốc gia châu Âu, nhưng không phải ở Ukraine.
* Tổng thống Nga kêu gọi không chính trị hóa vấn đề năng lượng hạt nhân trong cuộc gặp Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi.
Nhà lãnh đạo Nga bày tỏ hy vọng, với nỗ lực của ông Grossi, "chúng ta sẽ có thể giảm bớt sự khoa trương về điểm này, đưa lĩnh vực hoạt động và hợp tác của chúng ta sang trạng thái bình thường, bất chấp mọi sóng gió và các quá trình phức tạp đang diễn ra trên trường quốc tế”.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nhấn mạnh, những lời lẽ khoa trương của các lãnh đạo phương Tây về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là có hại và khiêu khích. (Reuters, Sputnik)
* Lãnh đạo G7 ra tuyên bố chung về vấn đề Ukraine gồm 13 điểm sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 11/10. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tham dự và phát biểu với hội nghị.
Theo tuyên bố, G7 kịch liệt lên án và khẳng định không bao giờ công nhận việc sáp nhập của Nga đối với các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine cùng với Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol.
Các nhà lãnh đạo G7 tái khẳng định sự ủng hộ đối với độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine trong biên giới được quốc tế công nhận, đồng thời nhấn mạnh đã và sẽ tiếp tục áp đặt thêm các chế tài về kinh tế đối với Nga.
Châu Âu
* Tổng thống Nga sẽ tới Thái Lan dự Hội nghị APEC: Báo Bangkok Post (Thái Lan) ngày 12/10 dẫn một nguồn tin an ninh cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận lời mời của Thái Lan tới dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở thủ đô Bangkok vào tháng 11 tới.
Nguồn tin cho hay, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã thông báo tới các cơ quan an ninh chuẩn bị các biện pháp đảm bảo an ninh cho hội nghị cấp cao sẽ diễn ra trong 2 ngày 18-19/11 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Queen Sirikit ở thủ đô Bangkok.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cử đại diện thay ông dự hội nghị này, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa chính thức xác nhận tham dự.
Indonesia cũng đã xác nhận, Tổng thống Nga sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia, dự kiến vào giữa tháng 11.
* Moldova có thể ban bố lệnh động viên một phần: Ngày 11/10, Bộ trưởng Quốc phòng Moldova Anatoly Nosaty cho biết, trong trường hợp rủi ro, nước này có thể ban bố lệnh động viên một phần.
Phát biểu trên kênh truyền hình PRO TV, ông Nosaty nói: “Cần phân tích kỹ lưỡng và nếu thực sự cần thiết, sẽ tiến hành huy động một phần để chuẩn bị và tăng khả năng ứng phó với các mối đe dọa của các lực lượng vũ trang”.
Quan chức này cũng nói thêm rằng, Moldova "không phải là mục tiêu” trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga "nhờ lòng dũng cảm và sự cống hiến của nhân dân Ukraine”..
* Pháp sẽ tăng cường triển khai quân sự tại Đông Âu, theo lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Sebastian Lecornu.
Quyết định trên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được xem như một phần trong cam kết của Paris đối với NATO, sẽ “tăng cường khả năng phòng thủ tại sườn Đông của châu Âu”.
Pháp cũng sẽ tiếp tục củng cố khả năng phòng thủ tại Lithuania với việc bổ sung thêm các máy bay tuần tra. Trong khi đó ở Estonia, Pháp sẽ triển khai một đơn vị bộ binh hạng nhẹ quy mô khoảng 100 binh sĩ vào năm tới, ngoài 300 lính Pháp đã đóng ở đó. (AFP)
* Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ các lệnh trừng phạt đơn phương của phương Tây với Nga: Ngày 11/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho hay: “Chúng ta đang thấy việc cắt đứt quan hệ với Nga phải trả giá như thế nào. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Hãy xem những gì đang xảy ra với giá khí đốt tự nhiên”.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, cần phải đảm bảo một lệnh ngừng bắn khả thi và một nền hòa bình công bằng cho Ukraine. (Tvnet)
* Belarus phát hiện âm mưu khủng bố: Ngày 11/10, phát biểu trên kênh truyền hình Belarus-1, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Belarus Ivan Tertel đã công bố thông tin về âm mưu chuẩn bị một loạt vụ tấn công trên lãnh thổ nước này.
Theo quan chức trên, âm mưu có liên quan việc Belarus đang thành lập một lực lượng hỗn hợp với Nga, "đó là âm mưu tấn công khủng bố trên đường sắt, theo tuyến di chuyển của quân đội Belarus và các đồng minh của Minsk”.
Châu Á
* Hamas cảnh báo khả năng liên kết với các lực lượng vũ trang nhằm chống Israel: Hãng tin Safa dẫn lời Ủy viên Bộ chính trị của Hamas Suhail al-Hindi cho hay, lực lượng này sẵn sàng hành động và sẽ sớm liên kết với các lực lượng vũ trang kháng chiến ở Bờ Tây và Đông Jerusalem để chống Israel.
Theo quan chức này, Hamas "sẽ không để cho những người định cư Do Thái làm náo loạn Jerusalem và Đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa", đồng thời cảnh báo Israel không nên “can thiệp theo bất cứ cách nào vào những nguồn tài nguyên giàu có từ biển, đặc biệt là khí đốt”.
Ông Al-Hindi nêu rõ: "Al-Aqsa là một thùng thuốc súng sẵn sàng kích nổ khi đối mặt với những kẻ chiếm đóng. Bàn tay của chúng ta đã đặt trên cò súng và chúng ta sẽ sớm gia nhập lực lượng kháng chiến ở Bờ Tây và Jerusalem”.
* EU hoan nghênh thỏa thuận phân định hải giới Israel-Lebanon: Liên minh châu Âu (EU) hoan nghênh việc Lebanon và Israel đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán về phân định ranh giới trên biển.
Khối này đánh giá cao tinh thần xây dựng của hai nước này cũng như vai trò của Mỹ trong nỗ lực đạt được thỏa thuận, đồng thời khuyến khích các bên tiếp tục đóng góp một cách xây dựng, hướng tới hợp tác khai thác năng lượng trong khu vực. (AFP)
* Bộ trưởng Quốc phòng Israel bảo vệ thỏa thuận phân định lãnh hải với Lebanon khi khẳng định, thỏa thuận này đảm bảo lợi ích và an ninh của Israel, bác bỏ những ý kiến chỉ trích từ phe đối lập rằng, Nhà nước Do Thái đã vội vàng ký thỏa thuận vì lo sợ những đe dọa từ lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Truyền thông Israel dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz tuyên bố, nước này "đã không và sẽ không từ bỏ một milimet an ninh nào... Thỏa thuận đang tiến triển bất chấp những mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Hezbollah, những kẻ đã cố gắng phá hoại tiến trình đàm phán… Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ an ninh trong mọi tình huống và bảo đảm an toàn cho mọi công dân Israel". (Times of Israel)
* Yemen-Saudi Arabia thảo luận về gia hạn lệnh ngừng chiến với Houthi: Ngày 11/10, đại diện lãnh đạo của Yemen và Saudi Arabia đang có cuộc gặp tại Riyadh để thảo luận việc gia hạn hiệp định ngừng chiến giữa chính phủ Yemen và lực lượng Houthi, vốn đã hết hạn vào ngày 2/10 vừa qua. (THX)
* Bà Aung San Suu Kyi nhận thêm án 6 năm tù: Hãng tin AFP dẫn một nguồn thạo tin cho biết, ngày 12/10, một tòa án tại Myanmar đã tuyên án bà Aung San Suu Kyi thêm 6 năm tù do dính líu đến 2 vụ tham nhũng, trong đó bà bị cáo buộc nhận hối lộ 550.000 USD từ doanh nhân Maung Weik.
Tổng mức án phạt tù đối với bà tăng lên 26 năm. Đây là án phạt mới nhất nhằm vào bà Aung San Suu Kyi. Bà Aung San Suu Kyi vẫn bác bỏ tất cả các cáo buộc.
* Trung Quốc huấn luyện cảnh sát quần đảo Solomon: Báo The Guardian số ra ngày 12/10 đưa tin, một phái đoàn gồm 34 sĩ quan cảnh sát quần đảo Solomon đã tới Trung Quốc để tham gia khóa huấn luyện đầu tiên kéo dài một tháng.
Trong nhiều thập kỷ qua, Australia đã đào tạo cho cảnh sát quần đảo Solomon và tham gia hỗ trợ an ninh trên quần đảo này. Trung Quốc cũng đã tham gia đào tạo cảnh sát và cung cấp thiết bị cho lực lượng cảnh sát quần đảo Solomon, song đây sẽ là nhóm cảnh sát quần đảo Solomon lớn nhất được huấn luyện ở nước ngoài.
Châu Mỹ
* Thượng viện Mỹ bắt đầu thảo luận về Dự luật Ủy quyền Quốc phòng: Ngày 11/10, Thượng viện Mỹ chính thức bắt đầu cuộc tranh luận về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2023, trị giá 817 tỷ USD dành cho Lầu Năm Góc.
Đạo luật cũng bao gồm các điều khoản nhằm cạnh tranh với các đối thủ như Trung Quốc và Nga, đồng thời tăng cường hỗ trợ Đài Loan (Trung Quốc) và Ukraine. (Reuters)
* Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng gặp Tổng thống Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20: Ngày 11/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden để ngỏ cánh cửa cho đối thoại với Nga nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
Ông Biden cho biết: “Nếu ông Putin nói rằng muốn thảo luận, tôi sẽ gặp ông ấy”, đồng thời nhấn mạnh, ông không nghĩ Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, nước này sẵn sàng thảo luận với Mỹ và phương Tây để tìm cách chấm dứt xung đột, nhưng đến nay chưa nhận được đề xuất đàm phán nghiêm túc nào. (Reuters)
Châu Phi
* EU-Algeria cam kết tăng cường hợp tác năng lượng: Ngày 11/10, Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng Algeria-EU đã khai mạc tại thủ đô Algiers của Algeria nhằm mang lại nhiều cơ hội hợp tác năng lượng hơn giữa hai bên.
Kêu gọi các nhà công nghiệp năng lượng châu Âu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Algeria, Thủ tướng nước này Ayman Benabderrahmane cho biết: “Algeria là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất ở châu Phi và là nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch lớn thứ ba của EU, ngược lại, EU là thị trường quan trọng nhất đối với khí đốt của Algeria".
Bên cạnh đó, Algeria có tiềm năng lớn về trữ lượng dầu cũng như khí đốt, việc tăng cường các nỗ lực thăm dò là cốt lõi trong chiến lược của Algeria và các cơ hội đầu tư đang mở ra cho các đối tác châu Âu.
Về phần mình, Cao ủy châu Âu về Năng lượng Kadri Simson nhấn mạnh, EU đang tìm kiếm các nhà cung cấp khí đốt mới sau khi chấm dứt hợp tác với Nga. (Africa News)