Đức sẽ hỗ trợ gần 500 máy phát điện để Ukraine khôi phục lại hệ thống điện trong mùa Đông giá rét. (Nguồn: Twitter) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Mỹ ưu tiên tăng cường hệ thống phòng không cho Ukraine: Nhà Trắng cho biết điện đàm ngày 11/12 với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh Washington sẽ ưu tiên tăng cường phòng không cho Kiev. Ông chủ Nhà Trắng cũng hoan nghênh “tuyên bố thẳng thắn của ông Zelensky về một nền hòa bình dựa trên các nguyên tắc cơ bản được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc”. (Reuters)
* Đức viện trợ máy phát điện, cân nhắc chuyển xe tăng Leopard 2 tới Ukraine: Ngày 11/12, Đại sứ quán Đức tại Ukraine cho biết Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật Liên bang Đức (THW) sẽ viện trợ 470 máy phát điện trị giá 19,5 triệu Euro cho Ukraine nhằm ứng phó với tình trạng mất điện sau khi hệ thống năng lượng nước này bị pháo kích. Bên cạnh 150 máy phát điện đã tới nơi, phần còn lại sẽ được bàn giao cho Ukrenergo-nhà điều hành hệ thống truyền tải điện quốc gia của Ukraine, cũng như các tỉnh Odessa, Mykolaiv và Kherson ở miền Nam.
Cùng ngày, chia sẻ với báo Welt am Sonntag (Đức), Đại sứ Ukraine tại Đức Oleksii Makeiev cho biết, Ukraine hiện cần thêm các hệ thống phòng không, pháo phòng không tự hành Gepard, lựu pháo và đạn dược: “Trong những cuộc đàm phán trực tiếp, chúng tôi được bảo đảm sẽ nhận được nhiều vũ khí và đạn dược hơn. Chúng tôi sẽ công bố thêm thông tin về chủng loại trong thời gian tới”.
Đại sứ Ukraine khẳng định ông không muốn gây áp lực ngoại giao với Đức, nhưng vẫn mong Berlin đẩy nhanh tiến độ cấp vũ khí, tránh xảy ra trường hợp tương tự như với các hệ thống phòng không IRIS-T kéo dài trong vài tháng.
Trước đó, ngày 9/12, Đức xác nhận đang trong quá trình đám phán với Mỹ và một số đồng minh khác về đề nghị gửi xe tăng Leopard-2 cho Kiev. Trước đó, Nhà Trắng đã khẳng định không phản đối chuyển giao xe tăng chiến đấu cho lực lượng vũ trang Ukraine. (Kyiv Independent/Tagesschau)
* Czech sẽ tiếp nhận các công nhân quốc phòng Ukraine: Ngày 12/12, Thứ trưởng Quốc phòng Czech Tomas Kopecny cho biết công nhân người Ukraine được đào tạo bài bản có thể đảm nhận hàng nghìn vị trí việc làm trong ngành công nghiệp quốc phòng của Czech, qua đó đáp ứng nhu cầu cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Kopecny lưu ý, khi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev hồi tháng Mười, Thủ tướng Czech Petr Fiala đã đồng ý tiếp nhận các chuyên gia vũ khí Ukraine. Tuần trước, lãnh đạo một tập đoàn sản xuất vũ khí Czech cho biết mỗi tuần Ukraine bắn khoảng 40.000 đạn pháo từ hàng trăm khẩu pháo do phương Tây cung cấp. Tuy nhiên, hiện Ukraine phải giảm bớt hỏa lực do thiếu đạn dược.
Trong số thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Czech là một trong các nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ukraine từ đầu xung đột. Tuy nhiên, hiện Czech cạn kiệt kho vũ khí và cần nhiều năm để bổ sung. Một số nhà sản xuất vũ khí nước này cho biết họ cần tăng cường lực lượng lao động. (TTXVN)
Mỹ-Nga
* Mỹ sẽ mời Nga dự hội nghị APEC 2023: Ngày 12/12, trả lời truyền thông Singapore, quan chức cấp cao của Mỹ về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) Matt Murray xác nhận Mỹ sẽ mời Nga tham dự Hội nghị APEC 2023. Tuy nhiên, ông không cho biết liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có dự hội nghị các nhà lãnh đạo APEC năm 2023 ở San Francisco hay không. Trước đó, nhà lãnh đạo Nga đã cử Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov tham dự hội nghị cấp cao APEC tại Thái Lan hồi tháng trước.
Tại hội nghị APEC 2022 hồi tháng Năm, đại diện Mỹ và một số quốc gia khác đã rời cuộc họp để phản đối Moscow khi Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov phát biểu. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali hồi tháng trước mặc dù nhận được lời mời từ nước chủ nhà Indonesia. (Reuters)
* Nga: Mỹ vẫn chưa thể hiện tinh thần xây dựng trong đàm phán: Hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin ngày 12/12 nói rằng Moscow coi Istanbul là một “địa điểm thoải mái” để ngoại giao với Mỹ. Tuy nhiên, quan chức nước này cho rằng dường như Washington đã thông qua một giải pháp mang tính xây dựng trong các cuộc đàm phán.
Thực tế cho thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nổi lên như một nhà trung gian quan trọng giữa Moscow, Kiev và Washington kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi tháng Hai. Nhiều hoạt động ngoại giao từ hòa đàm, sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, đối thoại trao đổi tù nhân tới gặp gỡ trực tiếp giữa quan chức tình báo hai nước, đã diễn ra tại Istanbul hoặc Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một tin liên quan, TASS (Nga) dẫn lời ông Vershinin khẳng định Moscow muốn điều chỉnh sáng kiến ngũ cốc Biển Đen để đảm bảo có thêm các nguồn cung lương thực cho những nước nghèo nhất thế giới ở châu Phi và châu Á. (Sputnik/TASS)
Mỹ-Trung
* Mỹ-Trung đối thoại xây dựng: Ngày 12/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thông báo phái đoàn Mỹ, gồm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cùng Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia về Trung Quốc và Đài Loan Laura Rosenberger, đã hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong tại thành phố Lang Phường, giáp Bắc Kinh.
Ông cho hay hai bên đã có “buổi trao đổi quan điểm sâu rộng” về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Quan chức Trung Quốc khẳng định: “Cuộc đối thoại đã diễn ra thẳng thắn, có chiều sâu và mang tính xây dựng”. (Reuters)
Đông Nam Á
* Malaysia sẽ tiếp tục phối hợp với ASEAN về lộ trình kết nạp Timor Leste: Ngày 12/12, chia sẻ trên Facebook sau khi tiếp Tổng thống Timor Leste José Ramos-Horta tại Malaysia, Thủ tướng nước chủ nhà Anwar Ibrahim cho biết Malaysia cam kết tiếp tục phối hợp với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác về lộ trình nhằm xúc tiến để Timor Leste gia nhập Hiệp hội.
Về hợp tác song phương, hai nhà lãnh đạo đã đánh giá tiến độ hợp tác giữa Malaysia và Timor Leste và khám phá các lĩnh vực hợp tác mới. Ông Ibrahim hy vọng quan hệ song phương sẽ tiếp tục được tăng cường thông qua các lĩnh vực hợp tác khác nhau. Đồng thời, ông khẳng định Kuala Lumpur sẽ tiếp tục hỗ trợ Dili trong các lĩnh vực phát triển xã hội, an ninh và kinh tế. Về phần mình, trong cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà, Tổng thống José Ramos-Horta đã chúc mừng ông Anwar Ibrahim được chỉ định làm Thủ tướng thứ 10 của Malaysia.
Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết Malaysia và Timor Leste duy trì mối quan hệ thân thiện và nồng ấm. Malaysia là nước đầu tiên thành lập Văn phòng Liên lạc tại Dili vào ngày 13/4/2001 và cũng là thành viên ASEAN đầu tiên lập Đại sứ quán tại đây (ngày 19/5/2002). Quốc gia Đông Nam Á này cũng tích cực hỗ trợ Timor Leste về phát triển xã hội, an ninh và kinh tế khi cung cấp các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho các quan chức Timor Leste với Chương trình hợp tác kỹ thuật Malaysia (MTCP). Năm 2021, Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Timor Leste, thứ 13 về xuất khẩu và thứ 7 về nhập khẩu. Từ tháng 1-10 năm nay, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 84,6 triệu USD. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Ngoại trưởng Hàn-Trung tham vấn: Ngày 12/12, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo, Ngoại trưởng nước này Park Jin và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã tham vấn trực tuyến cùng ngày để thúc đẩy các nội dung trao đổi tại cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bali, Indonesia vào tháng trước. Đồng thời, hai bên cũng đã thảo luận về các vấn đề song phương còn tồn đọng.
Trong cuộc tham vấn, Ngoại trưởng Park Jin bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Triều Tiên, trong đó có các vụ thử tên lửa đạn đạo với số lượng kỷ lục trong năm nay, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng không có thêm các hành động gây hấn như thử hạt nhân, thay vào đó ngồi vào bàn đối thoại. Ông cũng kêu gọi Bắc Kinh ủng hộ sáng kiến “táo bạo” của Seoul về hỗ trợ kinh tế quy mô lớn cho Bình Nhưỡng để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa, cũng như nỗ lực đối thoại với Triều Tiên.
Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẽ đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết các vấn đề ở bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, hai bên nhất trí rằng thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước ở Bali, Indonesia tháng trước là “cột mốc quan trọng”, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Hàn-Trung trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Hai bên cam kết hợp tác để thực thi “suôn sẻ” thỏa thuận đã đạt được tại cuộc gặp trên, đồng thời “liên lạc chặt chẽ” để duy trì động lực của ngoại giao cấp cao song phương, bao gồm chuyến thăm dự kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hàn Quốc. (Reuters/Yonhap)
Châu Mỹ
* Tân Tổng thống Peru yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm: Ngày 12/12, tân Tổng thống Peru Dina Boluarte cho biết sẽ đệ trình dự luật mới lên Quốc hội “trong vài ngày tới” về việc tổ chức tổng tuyển cử sớm 2 năm vào tháng 4/2024.
Tuyên bố của bà Boluarte được đưa ra sau biểu tình hôm 11/12 yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử đã khiến 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương. Đa số người biểu tình đều ủng hộ ông Castillo, liên tục yêu cầu Peru tổ chức bầu cử thay vì cho phép bà Boluarte nắm quyền đến năm 2026, khi nhiệm kỳ của ông Castillo kết thúc. Một số người biểu tình cũng kêu gọi đóng cửa Quốc hội nước này. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
* EU-Iran tiếp tục “ăn miếng trả miếng”: Ngày 12/12, Phát biểu với báo giới khi tới tham dự hội nghị ngoại trưởng EU ở thủ đô Brussels, Bỉ, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhằm vào các thành viên lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Tương tự, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết London sẽ tiếp tục phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran khi hành động của Tehran là không thể chấp nhận được. Ông Cleverly nhấn mạnh: “Ưu tiên của chúng tôi là ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng song song với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hành động, để đáp trả khi hành động của Iran là không thể chấp nhận được”. Ông cũng đề cập việc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga ở Ukraine.
Cùng ngày, viết trên trên Telegram, Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh: “Bộ Ngoại giao (Iran) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức và cá nhân trong EU và Vương quốc Anh vì hành động hỗ trợ khủng bố và các nhóm khủng bố, kích động bạo lực, bạo loạn, tấn công khủng bố nhằm vào người dân Iran”.
Trong số các tổ chức và cá nhân nêu trên có đài phát thanh Zamaneh, đài phát thanh Farda, tạp chí Charlie Hebdo, căn cứ thông tin liên lạc Menwith Hill thuộc Không quân Hoàng gia Anh, các cơ sở của Hải quân Anh, cũng như Ủy ban Nghị viện Anh về Tự do Iran”. (Reuters)