📞

Tin thế giới 12/12: Nga chỉ trích bình luận của Mỹ về ông Nalvany, Ba Lan tích cực lập chính phủ mới

Minh Quân 21:42 | 12/12/2023
Nga bắn hạ tên lửa bay qua Belgorod, triển vọng thỏa thuận mới Israel-Hamas, nhà mạng lớn nhất Ukraine bị tấn công… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Ông Donald Tusk phát biểu trước các nhà lập pháp sau khi được bầu làm thủ tướng Ba Lan tại quốc hội ở Warsaw ngày 11/12/2023. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga bắn hạ tên lửa do Ukraine phóng qua Belgorod: Ngày 12/12, viết trên Telegram, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các hệ thống phòng không đã phá hủy một tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U từ láng giềng bay qua Belgorod vào 5h00 giờ địa phương. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại.

Tên lửa Tochka-U, được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi là Scarab B, là tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn của Liên Xô.

Trong tin liên quan, cùng ngày, viết trên Telegram, người đứng đầu khu vực Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm, ông Yevgeny Balitsky nói: “Các đơn vị của chúng tôi đã đạt tiến triển đáng kể về Đông Bắc Novopokrovka”. (AFP/Reuters)

* Nga theo dõi sát cuộc gặp lãnh đạo Mỹ-Ukraine: Ngày 12/12, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Moscow theo dõi “sát sao” cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến diễn ra cùng ngày tại Washington (giờ địa phương).

Quan chức này cảnh báo “hàng chục tỷ USD” Washington cung cấp đã không thể xoay chuyển tình thế và các gói viện trợ mới cũng sẽ “thất bại” tương tự. Người phát ngôn Tổng thống Nga cũng cho rằng việc chưa có thành quả thực địa đang khiến quyền lực của ông Zelensky suy yếu. (AFP/Reuters)

* Tổng thống Ukraine: Kiev đang nỗ lực cải cách: Ngày 11/12, viết trên Telegram sau khi gặp Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva tại Washington D.C., Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ: “Cảm ơn các bạn đã ủng hộ Ukraine và chúc mừng thành công của đất nước và nhân dân chúng tôi. Trong giai đoạn xung đột, chính phủ chúng tôi đang thực hiện những cải cách nhằm củng cố thể chế của mình và hợp tác với các đối tác để mang lại nhiều cơ hội kinh tế hơn cho người dân của chúng tôi”. (Reuters)

* New York Times: Mỹ thất bại trong việc huấn luyện quân đội Ukraine: Ngày 11/12, tờ New York Times (Mỹ) dẫn các nguồn tin ở Kiev và Washington cho biết việc huấn luyện binh sĩ Ukraine theo phong cách Mỹ đã thất bại. Bởi lẽ, tuyến phòng thủ của Nga hóa ra mạnh hơn nhiều so với dự kiến của phương Tây.

Bài viết có đoạn: “Cuộc phản công năm 2023 được xây dựng quanh việc tái cơ cấu quân đội Ukraine theo mô hình Mỹ”. Bên cạnh đó, các nguồn tin của báo Mỹ nhận định tổn thất của Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) là đáng kể. Trong 3 tháng, các huấn luyện viên Mỹ và quân nhân châu Âu đã huấn luyện 9 lữ đoàn của VSU, gồm 36.000 binh sĩ, những kiến thức cơ bản về chiến tranh cơ động.

Ngoài ra, bài viết cũng nhấn mạnh: “Lý thuyết được phía Mỹ đưa ra là chỉ có lực lượng hạng nặng mới có thể chọc thủng vị trí kiên cố của Nga và giành lại quyền kiểm soát. Song trong khi Mỹ đang dạy binh sĩ Ukraine cách sử dụng các loại vũ khí này, người Nga đã chuẩn bị cho tình huống tiếp theo”. (New York Times)

Israel-Hamas

* Israel đột kích thành phố Jenin ở Bờ Tây khiến 4 người thiệt mạng: Ngày 12/12, Bộ Y tế Palestine và hãng thông tấn WAFA (Palestine) cho biết một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào thành phố Jenin và trại tị nạn đã khiến 4 người thiệt mạng. Ngoài ra, 1 người khác đã bị thương trong vụ tấn công vào khu phố Al-Sibat ở thành phố Jenin.

Giám đốc bệnh viện Jenin nhận định người Palestine là mục tiêu trực tiếp. Ngoài ra, WAFA cho biết lực lượng Israel đang bao vây 3 bệnh viện trong khu vực.

Trước đó, Bộ Y tế Palestine công bố đã có 275 người Palestine thiệt mạng ở Bờ Tây kể từ sau khi phong trào Hồi giáo Hamas tấn công Israel ngày 7/10. (Reuters)

* Israel cập nhật thương vong của binh sỹ: Ngày 12/12, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã công bố số liệu thương vong mới nhất kể từ khi đổ bộ Dải Gaza.

Trong số 105 binh sỹ tử trận thì có tới 20 người thiệt mạng vì cái gọi là “hỏa lực thân thiện” và các tai nạn ngoài ý muốn. Cụ thể, 13 binh sỹ đã thiệt mạng do “hỏa lực thân thiện” vì bị nhận diện sai trong các vụ không kích, khai hỏa từ xe tăng hoặc do đồng đội nổ súng. Một binh sỹ khác thiệt mạng do động đội bắn một cách không cố ý và 2 người khác tử vong do đồng đội bắn nhầm. Ngoài ra, 2 binh sỹ khác thiệt mạng do trúng mảnh vỡ văng từ các thiết bị nổ mà phía Israel kích hoạt.

Kể từ đầu chiến dịch tấn công vào Gaza hôm 7/10 đến nay, đã có 1.645 binh sỹ Israel bị thương, trong đó 434 người đã thiệt mạng. IDF đang kiểm tra lại các trường hợp bắn nhầm và đưa ra chỉ dẫn cần thiết để rút kinh nghiệm. (Reuters)

* Israel mở thêm cửa khẩu để kiểm tra hàng hóa vào Dải Gaza: Ngày 12/12, Chính quyền Israel cho biết sẽ có thêm hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza khi Nhà nước mở thêm 2 trạm kiểm soát để đẩy nhanh tiến độ kiểm tra hàng cứu trợ trước khi thông quan tại cửa khẩu Rafah.

Theo Quân đội Israel, động thái này sẽ “cải thiện tiến độ kiểm tra an ninh đối với hàng hóa viện trợ thông qua cửa khẩu Rafah, cho phép tăng gấp đôi số lượng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza… Sẽ không có nguồn viện trợ nào từ phía Israel vào Gaza mà chỉ đi qua phía Ai Cập”.

Hiện chỉ có duy nhất cửa khẩu Rafah vẫn mở để đưa hàng viện trợ quốc tế vào Dải Gaza. Tuy nhiên, do tiến độ kiểm tra an ninh của Israel rất chậm chạp, các đoàn xe gặp nhiều khó khăn trong phân phối hàng cứu trợ tới khu vực cần thiết.

Trước đó, Israel đã đồng ý mở cửa khẩu Kerem Shalom để cải thiện tốc độ viện trợ. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, Nhà nước Do Thái nhấn mạnh sẽ không mở cửa trực tiếp bất cứ cửa khẩu mới nào, mà sẽ chỉ sử dụng các cửa khẩu Nitzana và Kerem Shalom để kiểm tra hàng hóa, trước khi các chuyến xe này vào Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah.

Trước đó, ngày 10/12, Cơ quan Nhân đạo Liên hợp quốc cho biết, kể từ khi lệnh ngừng bắn sụp đổ hôm 1/12, mỗi ngày chỉ có 100 xe tải chở hàng viện trợ từ phía Ai Cập vào Dải Gaza so với mức 500 xe/ngày ở trước ngày 7/10. (TTXVN)

* Khả năng Israel-Hamas đạt thỏa thuận con tin mới: Ngày 12/12, đài Al-Arabiya (Saudi Arabia) dẫn lời một quan chức Palestine tiết lộ: “Chúng tôi mong đợi các cuộc đàm phán lớn về thỏa thuận trao đổi tù nhân mới vào tuần tới. Hamas yêu cầu ngừng bắn hoàn toàn vì phong trào Hồi giáo sẵn sàng cho một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo theo những điều kiện mới”. Theo quan chức Palestine, dù “con đường hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn mới ở Dải Gaza đang được mở ra, song các cuộc đàm phán thích hợp chưa bắt đầu”. (TASS)

* Israel: Chiến dịch quân sự ở Dải Gaza sẽ tiếp tục đến khi đạt mục tiêu: Ngày 11/12, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố chiến dịch ở Dải Gaza sẽ chỉ kết thúc một khi Israel đạt được các mục tiêu.

Ông cũng cho biết hiện IDF đang bao vây các thành trì cuối cùng của Hamas ở Jabaliya và Shejaiya ở phía Bắc Dải Gaza. Quan chức này nhấn mạnh các tiểu đoàn của Hamas tại đây, vốn được coi là “bất khả chiến bại” và đã chống lại Israel nhiều năm qua, “sắp bị xóa sổ”. Hàng trăm thành viên Hamas đã đầu hàng quân đội Israel trong những ngày gần đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel cũng tuyên bố nước này không có ý định ở lại Dải Gaza lâu dài và sẵn sàng thảo luận xem ai sẽ kiểm soát vùng lãnh thổ này, miễn đó không phải là nhóm thù địch với Israel. Đồng thời, ông cho hay Israel sẵn sàng đạt được thỏa thuận với lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon, với điều kiện và thỏa thuận gồm vùng an toàn dọc biên giới và các bảo đảm phù hợp. (Reuters)

* WHO quan ngại về việc nhân viên y tế bị bắt giữ ở Gaza: Ngày 12/12, trên mạng xã hội X, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay một phái đoàn do WHO dẫn đầu tới bệnh viện Al-Ahli ở Gaza hôm 9/12 đã bị dừng hai lần tại một trạm kiểm soát trên đường tới phía Bắc Gaza và trên đường trở về. Đồng thời một số nhân viên của Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine đều bị giam giữ trong cả hai lần.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc kiểm tra kéo dài và giam giữ các nhân viên y tế, khiến tính mạng của những bệnh nhân vốn đã yếu ớt - gặp nguy hiểm”. (Reuters)

* Ngoại trưởng Trung Quốc, Iran điện đàm về tình hình Gaza: Ngày 11/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian đã điện đàm để trao đổi quan điểm về tình hình hiện nay ở Dải Gaza. Trong điện đàm, ông Vương Nghị cho biết quan điểm của nước này về cuộc xung đột có thể được tóm tắt là thực hiện lệnh ngừng bắn và chấm dứt đụng độ càng sớm càng tốt, bảo đảm cứu trợ nhân đạo và quay trở lại giải pháp hai nhà nước.

Về quan hệ song phương, nhà ngoại giao này khẳng định Trung Quốc sẵn sàng thực hiện đồng thuận quan trọng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đạt được trong hai cuộc gặp năm nay và thúc đẩy quan hệ song phương hướng tới sự phát triển ổn định và sâu rộng.

Đồng thời, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định Trung Quốc ủng hộ Iran và Saudi Arabia cải thiện hơn nữa quan hệ, thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác của các nước, thực sự giữ hòa bình và an ninh trong khu vực. (Tân hoa xã)

Nga-Mỹ

* Nga chỉ trích bình luận của Mỹ về về thủ lĩnh đối lập Navalny: Ngày 12/12, Điện Kremlin tuyên bố bình luận của Mỹ bày tỏ sự lo ngại về tình trạng của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny, người hiện đang bị bỏ tù, là “sự can thiệp không thể chấp nhận được vào công việc nội bộ của Nga”.

Tuy nhiên, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết ông không biết về tung tích của ông Navalny.

Chính trị gia đối lập nêu trên hiện được cho là đã bị chuyển từ nơi giam giữ hình sự đến một địa điểm không được tiết lộ.

Trước đó, người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby đã kêu gọi chính phủ Nga trả tự do ngay lập tức cho ông Alexei Navalny, đồng thời nhấn mạnh “lẽ ra không bao giờ nên bỏ tù ông Navalny”. (Reuters)

Đông Nam Á

* Mỹ xem xét nâng cấp quan hệ với Lào: Ngày 12/12, tờ Vientiane Times (Lào) đưa tin, trong chuyến thăm Lào mới đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Bill Russo cho biết Washington cam kết sẽ làm mọi điều có thể để bảo đảm năm Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2024 thành công với Lào và các nước ASEAN.

Theo báo trên, phát biểu trước cuộc gặp với các quan chức Bộ Ngoại giao Lào, ông Bill cho hay chuyến thăm nhằm thảo luận về những cách thức khả thi để Mỹ có thể hỗ trợ cương vị Chủ tịch ASEAN 2024 cho Lào. Ông Russo nhấn mạnh rằng có rất nhiều sự quan tâm đến khu vực và các mục tiêu mà Lào, với tư cách là Chủ tịch, sẽ dẫn dắt ASEAN phấn đấu để đạt được.

Ngoài bối cảnh ASEAN, Mỹ cũng đang xem xét tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện của nước này với Lào, lưu ý rằng cả hai bên đều có sự hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và chống tội phạm xuyên quốc gia.

Lào sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1/2024 tới. Điểm nổi bật sẽ là cách thức mà Lào, trên tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2024, sẽ dẫn dắt Khối thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN và ứng phó thách thức khu vực trong bối cảnh bất ổn toàn cầu và khu vực đang diễn ra. (Vientiane Times)

Nam Á

* Pakistan: Phiến quân đột kích đồn cảnh sát khiến 4 sĩ quan thiệt mạng: Ngày 12/12, các quan chức Pakistan cho biết một nhóm các tay súng đã đột kích một đồn cảnh sát ở ở quận Dera Ismail Khan phía Tây Bắc nước này, giáp biên giới Afghanistan. Vụ tấn công bằng bom và súng này khiến 4 sĩ quan an ninh thiệt mạng và làm bị thương nhiều người khác.

Nhóm Tehreek-e-Jihad Pakistan (TJP) tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công, với mục tiêu là nhắm vào Quân đội Pakistan. Các nguồn tin chính quyền quận cho biết các tay súng đã điều khiển một chiếc xe chở đầy chất nổ đâm vào cổng chính, sau đó thực hiện một cuộc tấn công bằng súng.

Hiện chưa rõ TJP có liên quan đến nhóm Hồi giáo Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) hay không. Trong nhiều năm, nhóm này đã nhắm vào nhà nước và cơ quan Pakistan, muốn lật đổ chính phủ để thay thế bằng chính quyền Hồi giáo hà khắc. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Hàn Quốc kêu gọi Nga hỗ trợ trừng phạt Triều Tiên: Ngày 12/12, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yung Ho cho biết vụ phóng vệ tinh hồi tháng trước của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) cấm Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ đạn đạo.

Song ông nhận thấy Nga lại “cực kỳ thụ động” trong việc tiếp tục trừng phạt Triều Tiên. Quan chức này nhấn mạnh đã có “có dấu hiệu rõ ràng” về hợp tác quân sự giữa Bình Nhưỡng và Moscow. Hiện Hàn Quốc cũng đang xem xét liệu Nga có tiếp nhận thêm công nhân Triều Tiên bất chấp các nghị quyết của LHQ hay không.

Tháng trước, cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã nhận viện trợ của Nga cho vụ phóng vệ tinh mới đây. Bên cạnh đó, tờ Donga Ilbo (Hàn Quốc) cũng cho biết sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Nga hồi tháng 9, Bình Nhưỡng đã cử hàng trăm công nhân xây dựng và công nhân khác đến vùng Viễn Đông của xứ bạch dương. (Reuters)

Châu Âu

* Tin tặc tấn công mạng nhà mạng di động lớn nhất Ukraine: Ngày 12/12, Kyivstar, nhà mạng di động lớn nhất Ukraine, cho biết công ty này là nạn nhân của một cuộc tấn công “mạnh” của tin tặc sáng cùng ngày. Vụ tấn công đã tạm thời làm mất tín hiệu di động và internet của hãng. Hiện công ty đang nỗ lực khắc phục sự cố ngừng hoạt động và hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật. (Reuters)

* Tàu khu trục Pháp tiêu diệt UAV đe dọa tàu chở dầu Na Uy: Ngày 12/12, Bộ Quốc phòng Pháp tuyên bố tàu khu trục FREMM Languedoc đã chặn và phá hủy một UAV đang đe dọa tàu chở dầu Strinda của Na Uy trong một cuộc tấn công trên không phức tạp bắt nguồn từ hướng Yemen. Theo tuyên bố, cuộc tấn công diễn ra tối ngày 11/12, gây hỏa hoạn trên tàu chở dầu treo cờ Na Uy trên.

Trước đó, ngày 12/12, phiến quân Houthi ở Yemen thừa nhận tấn công tàu Strinda khi thủy thủ đoàn từ chối mọi cảnh báo. Theo người phát ngôn Houthi, phong trào này đã tìm cách cản trở việc di chuyển của một số tàu trong những ngày gần đây để thể hiện sự ủng hộ người Palestine. Quan chức này cũng nhấn mạnh phong trào Houthi sẽ tiếp tục chặn tất cả các tàu hướng tới cảng Israel cho tới khi Nhà nước Do Thái cho phép đưa thực phẩm và viện trợ y tế vào Dải Gaza. (Reuters)

* Thủ tướng Ba Lan đệ trình danh sách nội các: Ngày 12/12, tân Thủ tướng B Donald Tusk đã trình lên Hạ viện danh sách nội các mới. Dự kiến, Hạ viện Ba Lan sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm vào lúc 15h00 cùng ngày theo giờ địa phương.

Theo danh sách, lãnh đạo đảng Nhân dân Ba Lan (thuộc liên minh Con đường thứ ba), ông Wladyslaw Kosiniak-Kamysz giữ vị trí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Adam Bodnar là Bộ trưởng Tư pháp, ông Andrzej Domanski trở thành Bộ trưởng Tài chính. Ông Marcin Kierwinski sẽ đảm nhận chức Bộ trưởng Nội vụ trong khi ông Radoslaw Sikorski một lần nữa sẽ trở thành Ngoại trưởng Ba Lan. Có 9/26 bộ trưởng trong Chính phủ mới là phụ nữ.

Trình bày chương trình của Chính phủ mới trước Hạ viện, tân Thủ tướng Donald Tusk đã đề cập chính sách đối nội và đối ngoại của Ba Lan. Ông cam kết sẽ thúc đẩy giải ngân “hàng tỷ Euro” từ các quỹ bị Liên minh châu Âu (EU) đóng băng.

Liên quan tới biểu tình của các tài xế xe tải phong toả biên giới với Ukraine, ông Tusk khẳng định đã “tìm ra cách” chấm dứt tình trạng kéo dài suốt một tháng qua. Ông cũng kêu gọi phương Tây “huy động toàn lực” để hỗ trợ Ukraine. (TTXVN)

Trung Đông-châu Phi

* Nam Phi công bố kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới: Ngày 12/12, Cape Town đã công bố kế hoạch bổ sung thêm 2.500 MW điện hạt nhân mới. Theo Bộ trưởng Điện lực Nam Phi Kgosientsho Ramokgopa, sự bổ sung này sẽ là “một cột mốc quan trọng”. Ông nhấn mạnh Nam Phi sẽ xây dựng những nhà máy mới ở quy mô và tốc độ có thể chi trả được.

Phát biểu với báo giới tại Cape Town, Phó Tổng cục trưởng phụ trách năng lượng hạt nhân của Bộ Năng lượng Nam Phi Zizamele Mbambo cho biết tổ máy mới đầu tiên có thể sẽ đi vào hoạt động vào năm 2032 hoặc 2033. Quan chức này cho biết Nam Phi đã yêu cầu “các nhà cung cấp khác nhau” đưa ra đề xuất. Ông nói: “Chúng tôi rất vui mừng về triển vọng và tự tin về khả năng đảm bảo rằng trong một khoảng thời gian hợp lý, chúng tôi có thể (công bố) các nhà thầu ưu tiên”.

Hiện nước này có nhà máy điện hạt nhân Koeberg gần Cape Town (nhà máy điện hạt nhân duy nhất ở châu Phi), song chỉ hoạt động một nửa công suất. (TTXVN)