Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm bang biên giới Arunachal Pradesh khiến Trung Quốc ‘không vui’. (Nguồn: ANI) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Ukraine tiếp tục thay chỉ huy lữ đoàn phòng thủ gần Avdiivka, lần thứ 4 kể từ khi ra trận hồi năm ngoái, theo các nguồn tin của Ukraine ngày 11/3 tiết lộ.
Theo các nguồn tin, Chỉ huy Lữ đoàn cơ giới độc lập số 47 thuộc Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) Dmitry Ryumshin, được bổ nhiệm chỉ một tháng rưỡi trước, đã bị cách chức. Bản thân lữ đoàn cũng bối rối không hiểu tại sao họ có thể loại bỏ một chỉ huy “tài năng” như vậy.
Vẫn chưa biết ai sẽ là chỉ huy mới của Lữ đoàn 47. (Top War)
* Căng thẳng Ukraine-Tòa thánh Vatican: Ngày 11/3, phản ứng với lờcan đảm giương cờ trắng và đàm phán”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, đ
Đặc phái viên của Vatican tại Kiev Visvaldas Kulbodas để phản đối những tuyên bố của Giáo hoàng Francis.
Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định, ông không đồng ý với những nhận xét của Giáo hoàng Francis và nêu rõ, nếu muốn một giải pháp hòa bình lâu dài qua thương lượng, "cách để đạt được điều đó là cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev”.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố không đồng tình với tuyên bố của Giáo hoàng, khẳng định quan điểm của Berlin rất rõ ràng: "Kiev có quyền tự vệ và có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi trong vấn đề này, với nhiều lựa chọn”.
Về phía Mỹ, một người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói với phóng viên hãng tin ANSA của Italy rằng, Tổng thống Joe Biden tôn trọng Giáo hoàng Francis, nhưng hòa bình phụ thuộc vào Moscow. (Reuters, The Kyiv Independent)
* Ukraine ngăn chặn đà tiến quân của Nga và tình hình hiện tại đối với quân đội quốc gia Đông Âu "tốt hơn nhiều" so với những tháng gần đây, theo lời ông Zelensky ngày 1/3.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết, nước này đang trong quá trình xây dựng "hơn 1.000 km" công sự.
Đề cập bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc không loại trừ đưa quân đội đến Ukraine, ông Zelensky nói: "Cho tới khi Ukraine còn đứng vững, quân đội Pháp có thể ở lại lãnh thổ của họ".
Châu Âu
* Lãnh thổ Nga bị tấn công UAV: Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đêm và rạng sáng 12/3, các khu vực miền Trung nước này phải hứng chịu một cuộc tấn công lớn bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine.
Lực lượng phòng không đã bắn hạ 25 UAV, bao gồm 11 chiếc trên lãnh thổ tỉnh Kursk, 7 chiếc ở tỉnh Belgorod, 2 chiếc ở mỗi tỉnh Moscow và Oryol, 1 chiếc ở các tỉnh Leningrad, Bryansk và Tula. Thống đốc Alexander Gusev cho biết 1 UAV khác đã bị hạ ở Voronezh.
Một bồn chứa sản phẩm dầu mỏ bốc cháy tại kho chứa dầu ở Oryol. Ở tỉnh Belgorod, 1 UAV đã làm hỏng đường dây điện, khiến 7 khu dân cư không có điện. Trong khi đó, tại khu đô thị Ramensky thuộc tỉnh Moscow, cuộc tấn công bằng UAV hướng tới thủ đô đã bị chặn.
Sáng 12/3, UAV đã tấn công một tổ hợp nhiên liệu và năng lượng trong khu công nghiệp Kstov ở tỉnh Nizhny Novgorod, khiến một cơ sở lọc dầu bốc cháy. (TASS)
* Gruzia theo đuổi chính sách thực dụng với Nga sau khi Thủ tướng Irakli Kobakhidze bổ nhiệm ông Georgi Kadzhai làm Đặc phái viên về quan hệ với Moscow.
Theo Thủ tướng Kobakhidze, chính sách thực dụng nhằm gìn giữ hòa bình đất nước, bên cạnh đó, ông Kadzhai cũng nhận một số nhiệm vụ nhất định liên quan quan hệ kinh tế. (TASS)
* Nga hủy hiệp định cho phép Anh đánh bắt cá ở Biển Barents: Ngày 11/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật hủy bỏ hiệp định năm 1956 cho phép các tàu đánh cá của Anh đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga ở Biển Barents.
Động thái này có tính đến quyết định của chính phủ Anh hồi tháng 3/2022 về việc chấm dứt chế độ tối huệ quốc trong thương mại song phương với Nga, được xem là phản ứng thích đáng trước những hành động không thân thiện từ phía London. (TASS)
* Thụy Điển không muốn NATO đặt các căn cứ thường trực ở nước này, theo lời Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson khẳng định, Stockholm không thấy cần thiết phải triển khai vũ khí hạt nhân ở nước này trong thời bình.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Paul Johnson nhận định, Nga đã thể hiện khả năng phục hồi sức mạnh và cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình cũng như đang định hướng nền kinh tế và cơ sở công nghiệp phục vụ quân đội, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ không thể chấp thuận hỗ trợ quân sự lâu dài cho Kiev. (Sputnik)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Ấn-Trung "đấu khẩu" về chuyến thăm hôm 9/3 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới bang biên giới Arunachal Pradesh.
Ngày 11/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Bắc Kinh kiên quyết phản đối các hoạt động của ông Modi ở Arunachal Pradesh và đã trao công hàm ngoại giao cho New Delhi.
Chính phủ Trung Quốc cho rằng “hành động của Ấn Độ sẽ làm phức tạp thêm vấn đề biên giới chưa được giải quyết giữa hai quốc gia”.
Ngày 12/3, Ấn Độ bác bỏ sự phản đối của Trung Quốc đối với chuyến thăm, khẳng định rằng bang biên giới phía Đông Bắc này luôn là “một phần không thể tách rời của Ấn Độ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal cho biết: “Các nhà lãnh đạo Ấn Độ thỉnh thoảng đến thăm Arunachal Pradesh cũng như thăm các bang khác. Việc phản đối những chuyến thăm như vậy hoặc các dự án phát triển của Ấn Độ là vô cớ". (Hindustan Times)
* Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thăm Đức và có cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Olaf Scholz vào ngày 12/3, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Berlin từ ngày 10-15/3.
Tại đây, ông Ibrahim cam kết duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc cũng như bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình mà không gặp phải bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia và đối thoại mang tính xây dựng để giải quyết mọi thách thức nảy sinh từ ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, trong đó có Biển Đông.
Đề cập xung đột Nga-Ukraine, cả hai thủ tướng nhất trí Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột bởi tình hình ở Ukraine đang gây ra những tác động nghiêm trọng về mặt thương mại và phát triển kinh tế, thậm chí ảnh hưởng đến cả châu Á.
Ở Dải Gaza, Malaysia và Đức kêu gọi ngừng bắn lâu dài trong khu vực, cũng như trả tự do cho các con tin và hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức cho người dân Palestine. Cộng đồng quốc tế cũng phải nỗ lực đạt được giải pháp hai nhà nước để giải quyết tình trạng xung đột kéo dài hàng thập kỷ ở Trung Đông. (The Sun)
* Triều Tiên-Mông Cổ bàn cách phát triển quan hệ song phương: Ngày 11/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Pak Myong Ho đã gặp Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, trong chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của một phái đoàn ngoại giao Triều Tiên.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), hai bên đã thảo luận về việc phát triển mối quan hệ hữu nghị do các nhà lãnh đạo tiền nhiệm đặt nền móng, cũng như tăng cường trao đổi và hợp tác song phương. Cùng ngày Thứ trưởng Pak Myong Ho cũng gặp gỡ người đồng cấp nước chủ nhà.
* Người Nhật Bản đầu tiên trở thành Chủ tịch ICC: Ngày 11/3, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) cho biết, bà Tomoko Akane được bầu làm Chủ tịch mới của ICC, với nhiệm kỳ 3 năm cho đến năm 2027, qua đó trở thành người Nhật Bản đầu tiên đứng đầu cơ quan có trụ sở tại La Haye.
Việc bổ nhiệm này có có hiệu lực ngay lập tức. (Kyodo)
* Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif công bố nội các mới vào ngày 11/3 nhằm đưa nền kinh tế vượt qua cơn khủng hoảng do nợ công cao, lạm phát tăng và đồng nội tệ mất giá. Các bộ trưởng đã tuyên thệ nhậm chức cùng ngày.
Trong số 19 bộ trưởng mới trong nội các, có Bộ trưởng Tài chính Muhammad Aurangzeb từng đứng đầu một ngân hàng hàng đầu tại Pakistan và có nhiều kinh nghiệm về tài chính quốc tế.
Phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức của nội các, Thủ tướng Sharif nhấn mạnh chính phủ mới cần tiến hành cải tổ sâu rộng về tài chính quốc gia, trong đó thách thức quan trọng nhất cần giải quyết lúc này là lạm phát tăng cao.
Dự kiến, Thủ tướng Sharif sẽ công bố thêm những vị trí mới trong nội các trong những tháng tới. (The Times of India)
Trung Đông-châu Phi
* Israel hứng hơn 100 quả rocket từ Lebanon: Sáng 12/3, quân đội Israel (IDF) thông báo, chỉ trong sáng cùng ngày đã có khoảng 70 quả rocket bắn vào miền Bắc nước này từ biên giới Lebanon, sau đó 30 quả rocket tiếp tục nhằm vào các vị trí quân sự ở Cao nguyên Golan bị nước này chiếm đóng.
Đây là một trong những đợt tấn công mạnh nhất kể từ khi nổ ra cuộc xung đột giữa Israel với phong trào Hezbollah tháng 10/2023. Hiện chưa có thông báo nào về thương vong.
Cùng ngày, Hezbollah tuyên bố đã bắn hơn 100 quả rocket vào một số vị trí quân sự của Israel. (Times of Israel)
* Trung Quốc, Nga, Iran tập trận hải quân chung gần Vịnh Oman nhằm mục đích tăng cường hợp tác hàng hải và bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, kéo dài từ 11-15/3.
Đây là cuộc tập trận thứ 4, có tên “Quan hệ an ninh-2024”, nhằm khẳng định sự đoàn kết ba bên trong bối cảnh cuộc chiến giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas ở Dải Gaza vẫn tiếp diễn.
Cuộc tập trận chung tập trung vào chiến dịch chống cướp biển và tìm kiếm cứu nạn. Trung Quốc đã phái 3 tàu, trong đó có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Urumqi, trong khi Iran điều hơn 10 tàu. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Varyag của Nga cũng tham gia tập trận. (Kyodo)
* Mỹ-Anh tiến hành 9 vụ không kích nhằm vào Houthi ở thành phố Hodeidah bên bờ Biển Đỏ, gồm 4 cuộc nhằm vào khu vực Ras Issa ở quận al-Salif phía Tây Bắc, 3 vụ khác diễn ra tại khu vực al-Arj của quận phía Đông Bajil, trong khi 2 vụ còn lại xảy ra ở khu vực al-Taif thuộc quận phía Nam Durayhimi.
Các vụ không kích được thực hiện ngày 11/3. Hiện chưa có bình luận nào được Mỹ và Anh đưa ra liên quan tới các vụ không kích này.
Trong khi đó, Cơ quan điều hành thương mại hàng hải của Anh báo cáo về một cuộc tấn công tên lửa mới nhằm vào tàu chở hàng ở vùng biển quốc tế ngoài khơi thành phố cảng Hodeidah của Yemen.
Ngày 12/3, Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) xác nhận, phiến quân Houthi đã phóng 2 tên lửa đạn đạo chống hạm từ khu vực do lực lượng này kiểm soát vào Biển Đỏ, hướng về phía tàu thương mại Pinocchio. Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại hoặc thương vong. (AP, Reuters)
* Sáng kiến "Thực phẩm cho Gaza" điều phối viện trợ nhân đạo quốc tế, do 3 cơ quan viện trợ đa phương cùng Italy công bố.
Sáng kiến nhằm tăng cường viện trợ lương thực và y tế cho vùng lãnh thổ Palestine này trong thời gian ngắn, sau đó về lâu dài sẽ tập trung vào tái thiết xã hội và khôi phục cuộc sống của người dân nơi đây.
Sáng kiến cũng hướng tới mục tiêu điều phối các dự án của 3 tổ chức trên và tạo ra hành lang viện trợ nhân đạo. Hành lang này sẽ được thiết lập từ đảo quốc Cyprus ở Địa Trung Hải.
Ông Tajani lưu ý thêm rằng những nỗ lực vận chuyển hàng viện trợ cho người dân ở Gaza hiện nay qua đường hàng không vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu nhân đạo hiện nay tại vùng lãnh thổ này.
Châu Mỹ
* Thủ tướng Haiti từ chức: Ngày 11/3 (giờ địa phương), Chủ tịch Cộng đồng Caribbean xác nhận, Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã từ chức.
Sau động thái này, tối cùng ngày, một quan chức Mỹ cho biết, Thủ tướng Henry - hiện mắc kẹt ở Puerto Rico - được hoan nghênh ở lại trên đất Mỹ, nói rõ: “Theo quan điểm của chúng tôi, ông ấy có quyền tự do ở lại nơi ông ấy đang ở và ông ấy có quyền tự do đi lại”.
Theo quan chức này, những cuộc đàm phán ở Jamaica giữa các nhà lãnh đạo Caribbean và khu vực, cũng như có sự tham gia từ xa của các nhân vật Haiti, tập trung nhiều vào “tầm quan trọng của yêu cầu không thực hiện hành động trả thù Thủ tướng Henry hoặc các đồng minh của ông”. (AFP)
* Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tranh cử nhiệm kỳ mới: Ngày 11/3, đảng Xã hội thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền tuyên bố Tổng thống Nicolás Maduro sẽ là ứng cử viên của tổ chức chính trị này trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 28/7 tới. (AFP)