📞

Tin thế giới 12/7: Tình báo Nga-Mỹ điện đàm, Moscow bác tin Wagner muốn chiếm vũ khí hạt nhân, Malaysia kêu gọi ASEAN đoàn kết

Thế Quân 21:08 | 12/07/2023
Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, Ngoại trưởng Nga gặp phái đoàn Trung Quốc tại Indonesia, tên lửa Triều Tiên bay 74 phút, lập kỷ lục mới, Mỹ-Nhật-Hàn lên án... là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Tên lửa chiến thuật ATACMS mà Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine. (Nguồn: The New Voice of Ukraine)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Âu

*Nga tuyên bố Ukraine bị tổn thất nặng nề trong chiến dịch phản công: Trong cuộc họp báo ngày 12/7, Bộ trưởng Quốc phòng LB Nga Sergei Shoigu đã thông báo về “tổn thất đáng kể” của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) trong cuộc phản công. Theo ông Shoigu, quân đội Nga đã phá hủy 17 xe tăng chiến đấu Leopard, 5 xe tăng bánh lốp AMX và 12 xe chiến đấu bộ binh Bradley mà các nước phương Tây cấp cho Ukraine.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh tổn thất của VSU lên tới "1244 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác". Theo ông Shoigu, các số liệu này chỉ ra rằng cuộc phản công của VSU đã khiến cho họ tổn thất đáng kể. Ông Shoigu cùng dẫn số liệu thống kê, theo đó, kể từ ngày 4/6, VSU thiệt hại tới 26.000 binh sĩ và 3.000 đơn vị vũ khí các loại. Những con số này là cho thấy sự phức tạp của tình hình đối với quân đội Ukraine. (TASS)

*Quan chức tình báo Nga và Mỹ điện đàm: Hãng TASS đưa tin Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại LB Nga Sergey Naryshkin ngày 12/7 cho biết ông đã điện đàm với người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hồi cuối tháng 6 vừa qua để thảo luận về "những việc cần làm với Ukraine".

Ông Burns và ông Naryshkin đã duy trì đường dây liên lạc kể từ khi bắt đầu cuộc chiến của Nga ở Ukraine vào thời điểm mà các liên hệ trực tiếp khác giữa hai nước đang ở một mức tối thiểu, với các mối quan hệ song phương ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. TASS dẫn lời ông Naryshkin cho hay - có khả năng hai quan chức của Nga và Mỹ này sẽ gặp mặt trực tiếp. (AFP)

* Mỹ sẽ cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine: Tờ New York Times dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết chính quyền Mỹ tiếp tục thảo luận về khả năng chuyển giao tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine. Lầu Năm Góc giải thích rằng Mỹ có kho vũ khí ATACMS tương đối nhỏ nên việc chuyển giao chúng cho Ukraine có thể gây nguy hiểm cho khả năng sẵn sàng chiến đấu ở các khu vực khác.

ATACMS là tên lửa dẫn đường tầm xa do Tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ chế tạo. Loại tên lửa này cũng có thể được bắn từ các hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) như M270 và M142 HIMARS mà Ukraine có. Các phiên bản mới nhất của tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 310 km với độ chính xác 1 mét. Lockheed Martin cho biết khoảng 4.000 quả tên lửa ATACMS đã được bắn kể từ những năm 1980. (New York Times)

* Nga tung video thu giữ xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley của Mỹ: Trang mạng quân sự của Nga ngày 12/7 đã công bố video binh sĩ nước này thu giữ một xe chiến đấu bộ binh (BMP) M2 Bradley do Mỹ chế tạo bị Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) bỏ lại ở hướng Zaporizhzhia.

Theo các nguồn tin, phương tiện chiến đấu này của Mỹ không bị hư hại và được quân đội Nga thu giữ trong tình trạng nguyên vẹn. Trong video được đăng tải, binh sĩ Nga đã thu giữ BMP tại một khu vực bỏ trống. Hiện vẫn chưa rõ lý do VSU bỏ lại phương tiện chiến đấu này.

BMP M2 Bradley là xe chiến đấu chở bộ binh do Mỹ chế tạo và được quân đội Mỹ tích cực sử dụng. Loại phương tiện này được trang bị đầy đủ các loại vũ khí và thiết bị điện tử hiện đại. (TASS)

* Điện Kremlin bác tin Wagner muốn chiếm thiết bị hạt nhân: Điện Kremlin ngày 12/7 đã bác bỏ khẳng định của tình báo quân đội Ukraine rằng các thành viên thuộc nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga đã có ý định chiếm các thiết bị hạt nhân trong cuộc binh biến bất thành hồi tháng 6 vừa qua.

Hôm 11/7, hãng Reuters đưa tin Giám đốc tình báo quân đội Ukraine - Kyrylo Budanov cho biết các tay súng của Wagner đã đến một căn cứ hạt nhân - được gọi là Voronezh-45 - trong nỗ lực lấy các thiết bị hạt nhân nhỏ thời Liên Xô.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng không có thông tin nào như vậy. Ông Peskov khẳng định rằng phát biểu của Ukraine giống như thông tin sai lệch.

Cùng ngày, Điện Kremlin chỉ trích việc phương Tây đảm bảo an ninh cho Ukraine là sai lầm và "có nguy cơ rất nguy hiểm", đồng thời cho biết điều này sẽ xâm phạm an ninh của chính Nga.(Reuters)

* Đức muốn có chiến lược rõ ràng về Trung Quốc: Nội các Đức thông báo vào ngày 13/7 sẽ thông qua chiến lược Trung Quốc như cam kết sau khi chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz yêu cầu xem xét lại cách thức Đức tương tác với đối tác thương mại lớn nhất của nước này hồi năm ngoái.

Theo hai nguồn tin từ chính phủ tiết lộ với Reuters, ông Scholz đã nhiều lần nhấn mạnh “giảm rủi ro” trong mối quan hệ của Đức với Trung Quốc, vốn được Berlin coi là một đối thủ chiến lược và cạnh tranh ngày càng quyết đoán, vì vậy giảm dần sự phụ thuộc vào nước này chứ không phải “tách rời” khỏi thị trường Trung Quốc.

Việc thông qua chiến lược đã bị trì hoãn trong vài tháng do sự bất đồng về chính sách trong liên minh cầm quyền 3 đảng, trong đó đảng Xanh, kiểm soát các Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh tế, ủng hộ mối quan hệ kinh tế hạn chế hơn nữa.

Trong số những thay đổi đang được xem xét như kiểm soát xuất khẩu, cũng như sàng lọc các dự án đầu tư của các công ty Đức làm ăn tại Trung Quốc để bảo vệ bí quyết và các công nghệ nhạy cảm. (DW)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Hàn-Mỹ-Nhật lên án vụ phóng tên lửa xuyên lục địa của Triều Tiên: Ngày 12/7, quân đội Hàn Quốc tuyên bố, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), Tướng Kim Seung-kyum và những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản lần lượt là Tướng Mark Milley và Tướng Yoshihide Yoshida đã lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới nhất của Triều Tiên và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác ba bên trong cuộc hội đàm ở Hawaii ngày 11/7.

Thông cáo báo chí của JCS nêu rõ, ba quan chức nêu trên lên án các hành động của Triều Tiên, điều này cho thấy tầm quan trọng của cam kết ba bên trước mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Theo JCS, cuộc hội đàm này diễn ra trùng thời điểm Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa mới nhất. Thông cáo còn nhấn mạnh: “Các liên minh Hàn Quốc-Mỹ và Mỹ-Nhật Bản là điều cần thiết để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.(Yonhap)

* Ngoại trưởng Nga gặp phái đoàn Trung Quốc tại Indonesia: Ngày 12/7, TASS dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov sẽ gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Jakarta, Indonesia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: "Theo kế hoạch một cuộc họp giữa Nga và ASEAN và một loạt cuộc gặp song phương sẽ diễn ra tại Indonesia, bao gồm một cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc và ông Vương Nghị tại Jakarta". (Reuters)

* Trung Quốc phản đối "hành động phân biệt đối xử" của Chính phủ Anh: Đại sứ quán Trung Quốc tại Vương quốc Anh ngày 12/7 cho biết Bắc Kinh kiên quyết phản đối điều mà họ gọi là "các hành động phân biệt đối xử" của Chính phủ Anh đối với các công ty Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc nêu rõ: "Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi phía Anh ngừng đàn áp vô lý đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và cung cấp cho họ một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử".

Cơ quan ngoại giao Trung Quốc đưa ra phát biểu này để đáp lại các báo cáo của giới truyền thông về việc Chính phủ Anh ngăn chặn 8 giao dịch liên quan đến đầu tư có liên quan đến Trung Quốc vào các công ty Anh theo Đạo luật Đầu tư và An ninh Quốc gia trong năm qua. (Reuters)

* Đảng Tiến bước tuyên bố Ủy ban bầu cử Thái Lan lạm quyền: Trong tuyên bố được đưa ra ngày 12/7, đảng Tiến bước (MFP) cho rằng Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) đã “lạm quyền” khi quyết định gửi đơn lên Tòa án Hiến pháp khuyến nghị truất tư cách nghị sĩ của ứng cử viên thủ tướng Pita Limjaroenrat.

Tuyên bố nhấn mạnh, việc Ủy ban bầu cử lập luận rằng đã có đủ bằng chứng về việc ông Pita vi phạm quy định đối với ứng cử viên hạ nghị sĩ, trong khi không thông báo cũng như cho phép ông Pita được quyền giải thích là “lạm dụng quyền lực” được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Về phần mình, ông Pita khẳng định việc EC không đưa ra bất kỳ thông báo nào, cũng như cho phép ông tự bào chữa là “không công bằng” và “có chút vội vàng”, nhất là trong bối cảnh quyết định trên chỉ được đưa ra một ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng.

Trước đó cùng ngày, EC cho biết đã có đủ bằng chứng về việc ông Pita sở hữu cổ phần của công ty truyền thông iTV khi tham gia tranh cử ghế hạ nghị sỹ, trong khi pháp luật Thái Lan nghiêm cấm bất kỳ cá nhân nào sở hữu cổ phần của công ty truyền thông tham gia ứng cử hạ nghị sĩ. EC đã gửi khuyến nghị và hối thúc Tòa án Hiến pháp tạm thời đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita cho đến khi tòa án đưa ra phán quyết định cuối cùng. (Bangkok Post)

* Malaysia kêu gọi ASEAN đoàn kết duy trì hòa bình ở Biển Đông: Ngày 12/7, Ngoại trưởng Malaysia Zambry Abdul Kadir đã kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đoàn kết nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cho rằng ASEAN cần thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải đang gây nhức nhối ở vùng biển này.

Phát biểu với các phóng viên sau một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 và các Hội nghị liên quan tại Jakarta, ông Kadir nói: “Chúng ta cần tái khẳng định cam kết của mình. Chúng ta cần tập hợp mọi người lại với nhau để thể hiện rằng chúng ta đoàn kết”.

Ông Kadir cho biết vấn đề Biển Đông trước đó cũng đã được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Phong trào không liên kết (NAM) ở Baku (Azerbaijan) vào ngày 5/7 vừa qua, và Malaysia muốn thuyết phục NAM tham gia vào các nỗ lực duy trì sự ổn định trên biển. (Straight Times)

* Ngoại trưởng Thái Lan gặp bà Aung San Suu Kyi: Hãng thông tấn Antara của Indonesia cho biết, ngày 9/7, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai xác nhận đã gặp nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đang bị chính quyền quân sự Myanmar lưu đày và cầm tù.

Đây là cuộc gặp đầu tiên được xác nhận giữa bà Suu Kyi và một quan chức cấp cao nước ngoài kể từ cuộc chính biến do giới quân sự tiến hành lật đổ chính phủ dân cử của Myanmar.

Thái Lan đã theo đuổi cách tiếp cận của riêng mình để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar với việc mời đại diện của chính quyền quân sự tham dự 3 cuộc họp kể từ năm ngoái. Bangkok đã mời tất cả các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tham dự cuộc họp gần đây nhất được tổ chức vào tháng 6, song cuối cùng chỉ có Bộ trưởng Lào và chính quyền quân sự Myanmar tham dự.

Ông Pramudwinai khẳng định rằng cả 3 cuộc họp trên do Thái Lan khởi xướng đều tuân thủ đầy đủ Đồng thuận 5 điểm (PC) được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí hồi tháng 4/2021, trong đó kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức; tổ chức đối thoại giữa các bên; bổ nhiệm đặc phái viên; cho phép hỗ trợ nhân đạo từ ASEAN; đồng thời cho phép Đặc phái viên ASEAN thăm Myanmar để gặp gỡ các bên. (Antara)

*Tên lửa Triều Tiên bay tới 74 phút, lập kỷ lục mới: Kênh Asahi TV dẫn lời quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên vừa phóng bay trong khoảng thời gian 74 phút, lâu nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cũng xác nhận thông tin này và cho biết thêm tên lửa Triều Tiên đạt tới độ cao trên 6.000 km.

Thông tin cho hay: "Thời gian bay của tên lửa kéo dài khoảng 74 phút. Vào lúc 11h13 (8h13 giờ Hà Nội) tên lửa rơi xuống Biển Nhật Bản bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, cách đảo Okushiri ở Hokkaido khoảng 250 km về phía Tây". (Reuters)

Trung Đông - Châu Phi

* Iran triệu Đại sứ Nga vì tuyên bố về 3 hòn đảo tranh chấp: Truyền thông nhà nước Iran cho biết Iran ngày 12/7 đã triệu Đại sứ Nga liên quan tới một tuyên bố chung của Moscow và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) về 3 hòn đảo tranh chấp bởi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Hôm 10/7, Nga và GCC đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó các ngoại trưởng bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến của UAE nhằm đạt được một giải pháp hòa bình cho vấn đề ba đảo thông qua đàm phán song phương hoặc Tòa án Công lý Quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã lên án tuyên bố này là trái với quan hệ hữu nghị giữa Iran và các nước láng giềng, đồng thời nói thêm rằng "ba hòn đảo mãi mãi thuộc về Iran".

Các đảo Abu Musa, Greater và Lesser Tunb đều được cả hai quốc gia tuyên bố chủ quyền nhưng nằm dưới sự kiểm soát của Iran từ năm 1971, ngay trước khi 7 tiểu vương quốc vùng Vịnh giành được độc lập hoàn toàn từ Anh và thành lập UAE, hiện là đồng minh của Washington.(AP)

Châu Mỹ

* Tàu huấn luyện hải quân Nga Perekop thăm Cuba: Tàu huấn luyện hải quân Nga Perekop cùng với 398 thành viên đã cập cảng La Habana ngày 11/7. Cuba chào đón tàu Perekop bằng 21 phát đại bác từ pháo đài San Carlos de la Cabaña ở cửa Vịnh La Habana.

Đại sứ quán Nga tại Cuba cho biết chuyến thăm bao gồm các cuộc gặp với các quan chức của Hải quân Cuba, chính quyền thành phố La Habana và thăm các địa điểm lịch sử. Dự kiến, người đứng đầu Hải quân Cuba, Chuẩn đô đốc Carlos Alfonso Duque Ramos, và Thống đốc La Habana Yanet Hernández sẽ tiếp đoàn.

Theo kế hoạch, tàu Perekop, dài 138 m, rộng 16,2 m và cao 6,5 m, sẽ neo tại Vịnh La Habana đến ngày 14/7 và mở cửa cho công chúng tham quan trong hai ngày 12 và 13/7. (TTXVN)

* Chủ tịch Cuba lên tiếng về sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân Mỹ: Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel ngày 11/7 bác bỏ sự hiện diện bất hợp pháp của Mỹ và tàu ngầm hạt nhân của nước này tại tỉnh cực Đông Guantánamo của Cuba.

Ông Díaz-Canel chỉ rõ Mỹ không chỉ xâm phạm bất hợp pháp một phần lãnh thổ của Cuba ở Guantánamo mà còn làm gia tăng phẫn nộ với sự hiện diện của một tàu ngầm hạt nhân ở đó.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Cuba tố cáo Mỹ cho một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vào căn cứ hải quân nằm ở Vịnh Guantánamo từ ngày 5 đến 8/7 và mô tả đây là hành động leo thang khiêu khích.

Về phần mình, Mỹ khẳng định nước này có quyền di chuyển tài sản đến căn cứ quân sự của họ ở Guantánamo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhấn mạnh nước này “sẽ tiếp tục bay, điều hướng và di chuyển các tài sản quân sự khi luật pháp quốc tế cho phép”. (TTXVN)

* Đánh bom xe công vụ ở Mexico làm nhiều người thương vong: Tối 11/7, một ô tô 16 chỗ thuộc sở hữu của Văn phòng Công tố Quốc gia tại thành phố Tlajomulco de Zúñiga, bang Jalisco, Mexico đã bị tấn công bằng bom khiến 3 cảnh sát thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương.

Theo giới chức địa phương, chiếc xe chở các lực lượng chức năng bị tấn công khi đang di chuyển tới một địa điểm vừa xảy ra án mạng tại thành phố Tlajomulco de Zúñiga để thực hiện việc khám nghiệm hiện trường. Số người bị thương bao gồm 2 em nhỏ đang đi bộ bên đường.

Thống đốc bang Jalisco Enrique Alfaro cực lực lên án những kẻ đã gây ra vụ việc, coi đây không chỉ là sự thách thức của của những kể gây án với bang Jalisco, mà với cả đất nước Mexico.

Vụ việc đã đưa tổng số cảnh sát bị sát hại ở Mexico từ đầu năm 2023 lên 17 người, trong đó có 3 nữ cảnh sát.

Trước đó, hôm 28/6, các tay súng chưa rõ danh tính đã bắn chết 3 sĩ quan cảnh sát tại thành phố Celaya, bang Guanajuato, miền Trung Mexico. (TTXVN)