Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế (Army 2024) diễn ra tại trung tâm triển lãm Patriot gần thủ đô Moscow, từ ngày 12-14/8. (Nguồn: RIA) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á- Thái Bình Dương
*Phái đoàn ngoại giao, quân sự Trung Quốc đến Indonesia: Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, theo thỏa thuận giữa nước này và Indonesia, Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông và Thiếu tướng Trương Bảo Quần, Phó chủ nhiệm Văn phòng hợp tác quân sự quốc tế thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc dẫn đầu một phái đoàn đến thủ đô Jakarta vào ngày 12/8 để tham dự Hội nghị quan chức cấp cao đầu tiên trong khuôn khổ cuộc Đối thoại chung cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Trung Quốc-Indonesia.
Cuộc Đối thoại chung cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Trung Quốc-Indonesia, được khởi động vào năm 2023, là cuộc đối thoại cấp bộ trưởng theo thể thức 2+2 đầu tiên được thiết lập giữa Trung Quốc và các nước khác.
Người phát ngôn cho hay trong Hội nghị quan chức cấp cao này, hai bên sẽ trao đổi quan điểm về quan hệ Trung Quốc-Indonesia cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. (Tân Hoa xã)
*Tổng thống Hàn Quốc đề cử bộ trưởng quốc phòng mới: Ngày 12/8, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo Tổng thống nước này Yoon Suk Yeol đã chỉ định người đứng đầu Cơ quan An ninh Tổng thống (PSS) Kim Yong Hyun làm bộ trưởng quốc phòng mới, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Shin Won Sik được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia.
Thông cáo báo chí của Chánh văn phòng Tổng thống Chung Jin Suk cho biết thêm, Cố vấn an ninh quốc gia Chang Ho Jin được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt về ngoại giao và an ninh, một vị trí mới.
Kim Yong-Hyun, từng là tướng quân đội ba sao, đã giữ chức Giám đốc PSS kể từ khi ông Yoon Suk Yeol nhậm chức vào tháng 5/2022. Việc đề cử ông phải thông qua phiên điều trần phê chuẩn của quốc hội, mặc dù tổng thống có thể tiếp tục và bổ nhiệm người được đề cử bất kể kết quả của phiên điều trần như thế nào. (Yonhap)
*Đánh bom xe buýt ở Afghanistan, 12 người thương vong: Ngày 11/8, một chiếc xe buýt nhỏ tại thủ đô Kabul của Afghanistan đã phát nổ do bom, khiến 1 người thiệt mạng và 11 người khác bị thương.
Theo phát ngôn viên của cảnh sát Kabul, ông Khalid Zadran, vụ nổ xảy ra tại một khu phố phía Tây thủ đô, nơi sinh sống của nhiều người Hồi giáo dòng Shi’ite - nhóm thiểu số bị đàn áp trong lịch sử ở Afghanistan và thường xuyên là mục tiêu tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Mặc dù số vụ đánh bom và các vụ tấn công liều chết ở Afghanistan đã giảm đáng kể từ khi Taliban nắm quyền vào tháng 8/2021, nhưng một số nhóm vũ trang, bao gồm cả IS, vẫn là mối đe dọa tại quốc gia này. (AFP)
*Australia ký thỏa thuận với Anh, Mỹ liên quan đến AUKUS: Ngày 12/8, Australia đã ký một thỏa thuận cho phép trao đổi bí mật hạt nhân và vật liệu với Mỹ và Anh, một bước quan trọng hướng tới việc trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho hải quân. Thỏa thuận này ràng buộc ba nước vào các thỏa thuận an ninh để chuyển giao vật liệu và bí quyết hạt nhân nhạy cảm của Mỹ và Anh như một phần của thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS năm 2021.
Thỏa thuận mới nhất được ký tại Washington vào tuần trước và được đệ trình lên quốc hội Australia ngày 12/8 bao gồm một điều khoản cho phép Australia bồi thường cho các đối tác trước mọi trách nhiệm pháp lý đối với rủi ro hạt nhân từ các vật liệu được gửi đến Australia. (Reuters)
* Mỹ, Hàn tập trận đối phó với mối đe dọa mạng: Ngày 12/8, các quan chức cho biết Hàn Quốc và Mỹ sẽ bắt đầu cuộc tập trận quân sự mùa hè thường niên vào tuần tới để tăng cường năng lực chống lại vũ khí và các mối đe dọa mạng của Triều Tiên.
Cuộc tập trận Ulchi Freedom Shield (Lá chắn Tự do Ulchi), dự kiến từ ngày 19-29/8, diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như cố gắng phóng vệ tinh trinh sát.
Bình Nhưỡng từ lâu đã lên án Mỹ, Hàn Quốc gây căng thẳng tại khu vực bằng các cuộc tập trận quân sự, gọi đó là cuộc diễn tập cho một cuộc chiến tranh hạt nhân. (Reuters)
*Trực thăng đâm vào khách sạn ở thành phố du lịch của Australia: Các nhà chức trách ngày 12/8 cho biết hàng trăm hành khách tại thành phố du lịch Cairns nổi tiếng của Australia đã được sơ tán sau khi một chiếc trực thăng đâm vào phần mái của một khách sạn.
Truyền thông đưa tin các đội cứu hộ đã được điều động vào khoảng 2h00 sáng 12/8 (16h00 ngày 11/8 theo giờ GMT) sau vụ tai nạn tại Khách sạn Hilton’s Double Tree ở thành phố Cairns, nơi được coi là cửa ngõ vào Rạn san hô Great Barrier của Australia.
Cảnh sát không nêu rõ tình trạng của phi công hoặc liệu có hành khách nào trên máy bay hay không, nhưng một đoạn video được đăng trên mạng xã hội cho thấy một đám cháy trên mái khách sạn. (Reuters)
Châu Âu
*Nga sơ tán công dân tại Belgorod: Ngày 12/8, Thống đốc Belgorod cho biết đã ban hành lệnh sơ tán cư dân tại tại tỉnh Belgorod, nằm ở biên giới giữa Nga và Ukraine, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk.
Chiến dịch tấn công quy mô lớn của quân đội Ukraine vào khu vực Kursk bắt đầu hôm 6/8. Những đợt tập kích bằng thiết bị bay không người lái và pháo binh đã khiến ít nhất 5 cư dân địa phương thiệt mạng. Theo dữ liệu thống kế mới nhất, hơn 60 người đã bị thương, trong đó có 5 trẻ em, trong khi 55 người hiện được điều trị tại bệnh viện. Người dân địa phương đang được sơ tán tới một số khu vực ở Nga, trong đó có thủ đô Moscow. (AFP)
*Serbia coi BRICS là giải pháp thay thế cho EU: Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin cho biết Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đối với Serbia là một cơ hội và là sự thay thế thực sự cho Liên minh châu Âu (EU), BRICS không yêu cầu bất cứ điều gì từ Serbia, nhưng có thể cung cấp nhiều hơn những gì nước này yêu cầu.
Phó Thủ tướng Serbia trước đó thông báo rằng chính quyền nước này trong những ngày tới đang chờ đợi lời mời chính thức tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 ở Kazan.
Kế hoạch đảm nhận chức chủ tịch luân phiên BRICS của Nga vào năm 2024 bao gồm hơn 250 sự kiện ở 11 khu vực của Nga, được tổ chức bởi đại diện các cơ quan điều hành liên bang và khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14, diễn ra tại Kazan từ ngày 22-24/10. (Sputnik)
*Tổng Tư lệnh Ukraine muốn tiếp tục chiến dịch ở Kursk: Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU), ông Alexander Syrskyi, ngày 11/8 cho biết chiến dịch của VSU vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, ông không nói rõ liệu đó có phải là chiến dịch của VSU ở tỉnh Kursk hay không.
Trên kênh Telegram cá nhân, ông Syrsky viết: “Chúng ta sẽ tiếp tục chiến dịch”.
Trước đó, ngày 10/8, một nhóm phá hoại và trinh sát của VSU đã xâm nhập vào lãnh thổ huyện Belovsky thuộc tỉnh Kursk, song quân đội Nga đã ổn định được tình hình.
Trong một diễn biến khác, Người đứng đầu Chechnya, Ramzan Kadyrov ngày 11/8 cho biết quân đội Nga đã phá hủy các đoàn xe quân sự cùng binh sĩ của VSU đồng thời chiếm được các thiết bị của NATO làm chiến lợi phẩm ở tỉnh Kursk. (AFP)
*Nga tăng cường sản xuất khoảng 300 mẫu vũ khí: Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế (Army 2024), Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Anton Alikhanov cho biết nước này đang tăng cường sản xuất các mẫu vũ khí và trang thiết bị quân sự trong bối cảnh hàng nghìn sản phẩm trong số đó đang được sử dụng cho chiến dịch quân sự đặc biệt và khoảng 300 mẫu nằm trong diện nhu cầu đặc biệt.
Bộ trưởng Alikhanov nêu rõ: "Tổng cộng, hàng nghìn mẫu vũ khí và trang thiết bị quân sự được sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong số đó, hiện chúng tôi phân loại khoảng 300 mẫu trong diện có nhu cầu đặc biệt. Đối với vị trí ưu tiên này, tổ hợp công nghiệp quân sự Nga tiếp tục tăng khối lượng sản xuất. Điều này đạt được chủ yếu thông qua việc hiện đại hóa và mở rộng cơ sở vật chất, tăng cường nguồn nhân lực và năng suất lao động theo nhịp độ tại các doanh nghiệp".
Army 2024 diễn ra tại trung tâm triển lãm Patriot gần thủ đô Moscow của Liên bang Nga từ ngày 12-14/8.(Sputniknews)
Trung Đông – châu Phi
*Israel: Iran sắp tấn công quy mô lớn: Hãng tin Axio trích một nguồn tin cho biết Bộ trưởng quốc phòng Israel Yoav Gallant đã thông báo với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin rằng Iran hiện đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel.
Trong tuyên bố hôm 12/8, Bộ trưởng Quốc phòng Israel xác nhận đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ tối 11/8.
Tuyên bố cho biết hai Bộ trưởng đã thảo luận về sự phối hợp hoạt động và chiến lược cũng như sự sẵn sàng của quân đội Israel trước các mối đe dọa từ Iran.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ra lệnh triển khai một tàu ngầm tên lửa dẫn đường đến Trung Đông. Quân đội Mỹ đồng thời tuyên bố sẽ triển khai thêm máy bay tiêm kích và tàu chiến của Hải quân đến khu vực này để tăng cường phòng thủ cho Israel. (TASS)
*Tổng thống Mỹ nói căng thẳng Trung Đông “dễ dàng” leo thang thành chiến tranh khu vực: Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình CBS, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng căng thẳng ở Trung Đông có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực, nhưng vẫn có thể ngăn chặn được.
Khi được hỏi về khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1/2025, Tổng thống Biden trả lời: "Có. Vẫn có thể. Kế hoạch mà tôi đưa ra, được G7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc… xác nhận, vẫn khả thi. Và thực sự tôi đang làm việc mỗi ngày - cùng toàn thể đội ngũ của mình - để đảm bảo rằng căng thẳng không leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực. Nhưng điều đó có thể dễ dàng xảy ra". (TASS)
*Các hãng hàng không Đức, Thụy Sỹ ngừng bay tới Trung Đông: Ngày 12/8, tập đoàn hàng không Đức Lufthansa thông báo gia hạn lệnh đình chỉ các chuyến bay đến Tel Aviv, Tehran, Beirut, Amman và Erbil đến ngày 21/8 do căng thẳng vẫn tiếp diễn trong khu vực.
Lufthansa cũng cho biết họ sẽ tránh sử dụng không phận Iran và Iraq cho đến ngày 21/8, kéo dài so với lệnh đình chỉ trước đó là đến ngày 13/8.
Cùng ngày, hãng hàng không quốc tế Thụy Sỹ cũng thông báo kéo dài lệnh ngừng các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv và Beirut cho tới ngày 21/8. Hãng này lưu ý sẽ tránh các không phận Iran, Iraq và Israel cho tới ngày 21/8 (so với thông báo trước là ngày 13/8). (AFP)
*Phó Tổng thống Iran thông báo ý định từ chức: Phó Tổng thống Iran Mohammad Javad Zarif, người từng giữ chức ngoại trưởng và vừa được bổ nhiệm phụ trách các vấn đề chiến lược trong chính phủ mới của Tổng thống Masoud Pezeshkian hôm 2/8, đã thông báo ý định từ chức.
Nguyên nhân khiến Phó Tổng thống Zarif từ chức có thể là do bất đồng về thành phần nội các mới của Iran. Ngày 11/8, Tổng thống Pezeshkian đã trình bày trước quốc hội danh sách các chính trị gia mà ông đề xuất thành lập nội các mới. Trong số 19 ứng cử viên chỉ có một người là phụ nữ.
Trên mạng xã hội X, ông Zarif viết: “Tôi không hài lòng với kết quả công việc của mình và xấu hổ vì không thể nhận được ý kiến chuyên môn của các ủy ban cũng như sự tham gia của phụ nữ, thanh niên một cách đàng hoàng như tôi đã hứa". (Sputnik)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Mỹ thông báo triển khai tàu ngầm tới Trung Đông: Lầu Năm Góc ngày 11/8 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh triển khai tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường tới Trung Đông, trong bối cảnh khu vực đang chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công của Iran và các đồng minh sau vụ các thành viên cấp cao của Hamas và Hezbollah bị sát hại.
Trong một tuyên bố sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Austin nói chuyện với người đồng cấp Israel, Lầu Năm Góc cho biết ông Austin đã ra lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln khẩn trương triển khai tới Trung Đông.
Quân đội Mỹ cho biết sẽ triển khai thêm máy bay chiến đấu và tàu chiến của Hải quân đến Trung Đông trong bối cảnh Washington tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ của Israel. (Reuters)
*Colombia đình chỉ ngừng bắn với lực lượng FARC: Ngày 11/8, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia, ông Iván Velásquez, cảnh báo đang xem xét đình chỉ lệnh ngừng bắn với mặt trận “Jorge Suárez Briceño” thuộc nhóm Estado Mayor Central (EMC), lực lượng bất đồng chính kiến lớn nhất trong FARC trong bối cảnh 60 binh sĩ Chính phủ vẫn tiếp tục bị giam giữ.
Với khoảng 4.000 thành viên, EMC hoạt động tại 23 trong tổng số 32 tỉnh của Colombia. Lực lượng này bao gồm nhiều nhóm vũ trang tách ra từ Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) - tổ chức hiện đã giải giáp vũ khí và trở thành một đảng chính trị.
Bất đồng chính kiến giữa các nhóm vũ trang EMC với FARC khiến đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Colombia và lực lượng này nhiều lần rơi vào bế tắc sau gần 7 thập kỷ nội chiến. (Reuters)