Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin thế giới nổi bật trong ngày:
Tổng thống Biden 'giải trình' vụ không kích Syria
Hồi cuối tuần, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi một bức thư cho Quốc hội nước này giải thích về quyết định không kích Syria, theo đó, đây là hành động "tuân theo quyền tự vệ vốn có của Mỹ, được thể hiện trong Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc".
Theo ông Biden, mục tiêu của cuộc không kích này là nhằm vào một “cấu trúc thuộc về lực lượng được cho là dân quân do Iran hậu thuẫn" nhằm đáp trả "các cuộc tấn công gần đây chống lại Mỹ và thành viên liên quân ở Iraq, trong đó có cuộc tấn công ngày 15/2 ở Erbil, Iraq khiến 1 người thiệt mạng và 6 người bị thương".
"Mỹ luôn sẵn sàng thực hiện các hành động cần thiết và tương xứng để tự vệ", Tổng thống Biden khẳng định. (CNBC)
Syria đánh chặn loạt tên lửa dội vào thủ đô
Ngày 28/2, đài truyền hình nhà nước Syria đưa tin, lực lượng phòng không của Syria đã đáp trả một "hành động gây hấn của Israel", theo đó, hầu hết các tên lửa bắn về phía các khu vực quanh thủ đô Damascus đã bắn hạ.
Phát ngôn viên quân đội Israel đã từ chối bình luận. (AP)
Nga-Mỹ: Moscow sẵn sàng giải quyết bất đồng qua đối thoại
Ngày 1/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Tổng thống Putin luôn để ngỏ khả năng đối thoại với tất cả các nước trên khắp thế giới, bao gồm Mỹ, đồng thời sẵn sàng giải quyết những bất đồng sâu sắc nhất thông qua đối thoại".
"Tổng thống Putin đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng khôi phục và phát triển mối quan hệ một cách tích cực giống như phía Mỹ", ông Peskov nhấn mạnh.
Bình luận về tuyên bố mới đây của Tổng thống Biden rằng, Mỹ sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, ông Peskov sửa lại rằng, khu vực này không được sáp nhập mà gia nhập trở lại vào Nga thông qua một tiến trình hợp pháp.
Tuy nhiên, theo ông Peskov, Tổng thống Biden đã không nêu vấn đề Crimea trong các cuộc liên lạc mới đây với Nga. (Sputnik)
Nga cáo buộc Twitter vi phạm pháp luật
Ngày 1/3, cơ quan quản lý báo chí của Nga Roskomnadzor cáo buộc nhà cung cấp mạng xã hội Twitter "cố ý" vi phạm pháp luật Nga khi cho rằng, nền tảng mạng xã hội này không tuân thủ những yêu cầu của Roskomnadzor về việc gỡ bỏ một số nội dung bị cấm.
Roskomnadzor cho biết, Twitter có thể bị phạt một khoản tiền lớn nếu bị kết tội liên tiếp không xóa những nội dung bị cấm theo luật pháp.
Cơ quan của Nga trích dẫn những nội dung bị cấm có liên quan tới vấn đề tự sát, khiêu dâm và ma túy.
Hiện Twitter chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề này. (Reuters)
Tình hình Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi chịu thêm cáo buộc, ASEAN nhóm họp
Một luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết, thân chủ của ông phải đối mặt với 2 cáo buộc phạm tội mới trong phiên xét xử này, gồm vi phạm luật truyền thông cũng như kích động bất ổn xã hội, ngoài các cáo buộc tàng trữ các máy bộ đàm chưa đăng ký và vi phạm những hạn chế chống Covid-19.
Vị luật sư này cho biết phiên tòa kế tiếp dự kiến vào ngày 15/3 tới
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt theo hình thức trực tuyến vào ngày 2/3 nhằm thảo luận về Myanmar. (AFP, Reuters)
Tập đoàn dầu khí Trung Quốc lên tiếng về việc bị hủy niêm yết cổ phiếu tại Mỹ
Ngày 28/2, Tổng công ty Dầu khí Hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) khẳng định lấy làm tiếc đối với quyết định của Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) về việc hủy niêm yết cổ phiếu lưu ký (ADSs) của công ty này tại Mỹ.
Một thông báo của công ty này cho hay quyết định và hành động của NYSE có thể ảnh hưởng đến giá trị và khối lượng giao dịch của ADSs do CNOOC phát hành.
CNOOC khuyến cáo các cổ đông và các nhà đầu tư tiềm năng nên thận trọng, đồng thời nhấn mạnh rằng, họ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến vụ việc để đưa ra các thông báo phù hợp tiếp theo. (THX)
Tổng thống Philippines: Dọa chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ vì... hứa với Trung Quốc?
Ngày 28/2, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đe dọa lập tức chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) nếu ông tìm thấy "thông tin chắc chắn" cho thấy Mỹ đã cất giữ vũ khí hạt nhân tại nước này.
Ông Duterte nói: "Tôi đã đưa ra tuyên bố rằng, chúng ta sẽ thông qua một chính sách đối ngoại, điều này có nghĩa là tôi đã đảm bảo với Trung Quốc rằng tôi sẽ không cho phép vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ ở Philippines".
Ngoài ra, Tổng thống Philippines cũng cảnh báo, chiến tranh sẽ khởi phát tại Biển Đông nếu một cuộc xung đột liên quan đến Mỹ nổ ra. (Phil star)
Trung Quốc thông báo tập trận suốt tháng Ba ở Biển Đông
Theo thông báo đăng trên trang mạng chính thức hôm 26/2, Cục Hải sự Trung Quốc cho hay, sẽ tổ chức các cuộc tập trận trong một khu vực hình tròn, với bán kính 5 km ở Biển Đông, ở phía Tây bán đảo Lôi Châu, từ ngày 1-31/3, đồng thời cấm các tàu đi vào khu vực này. (theo The Star, Sky News)
Iran từ chối đàm phán với Mỹ và châu Âu, đòi Washington dỡ trừng phạt trước
Ngày 28/2, Iran đã bác bỏ việc tổ chức một cuộc họp không chính thức với Mỹ và các cường quốc châu Âu để thảo luận về cách thức khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc thế giới.
Iran tuyên bố: "Chính quyền của Tổng thống Joe Biden nên thay đổi chính sách gây áp lực tối đa của ông Trump đối với Tehran... Nếu muốn đàm phán với Iran, trước tiên họ nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt”.
Ngoài ra, Iran cũng khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc, bất chấp việc trước đó đã giảm quy mô hợp tác với cơ quan này.(Reuters)
Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập Đại sứ Iran về chỉ trích liên quan đến chiến dịch tại Iraq
Ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đại sứ Iran tại Ankara Mohammad Farazmand sau khi Tehran chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Gara ở miền Bắc Iraq, tiêu diệt gần 50 thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK), là sự can dự vào Baghdad và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo cho ông Farazmand việc Ankara bác bỏ lời cáo buộc do Đại sứ Iran tại Baghdad đưa ra và rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu chống những kẻ khủng bố đe dọa sự ổn định và chủ quyền của Iraq, đồng thời mong Tehran ủng hộ hành động này. (Anadolu)
Các nhà lập pháp châu Âu kêu gọi ngăn chặn Israel "thôn tính" Bờ Tây
Ngày 1/3, hơn 400 nghị sĩ châu Âu đã ký tên vào một bức thư kêu gọi các nhà lãnh đạo tận dụng nhiệm kỳ của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden như một cơ hội để ngăn chặn hành động "thôn tính trên thực tế" của Israel tại khu Bờ Tây đang bị chiếm đóng.
Trong thông điệp gửi tới các ngoại trưởng châu Âu và đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, các nghị sĩ nhấn mạnh "chính quyền ông Biden mang đến cơ hội sửa sai" cho chính sách Trung Đông.
Các nhà lập pháp cũng hối thúc châu Âu “làm việc với chính quyền ông Biden, các nước trong khu vực và các bên trên thực địa để ngăn chặn hành động đơn phương làm suy yếu triển vọng hòa bình, thúc đẩy quyền và an ninh của tất cả người dân dưới sự kiểm soát hiệu quả của Israel". (AFP)
Khủng hoảng Armenia: Người biểu tình xông vào tòa nhà chính phủ
Ngày 1/3, hãng thông tấn RIA đưa tin, một đám đông người biểu tình đã xông vào tòa nhà chính phủ Armenia ở thủ đô Yerevan nhằm yêu cầu Thủ tướng nước này Nikol Pashinyan từ chức.
Hồi tuần trước, Thủ tướng Pashinyan đã lên án cái mà ông gọi là âm mưu lật đổ, sau khi quân đội Armenia kêu gọi ông từ chức.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Armenia Armen Sarkissan tiếp tục nhận được yêu cầu từ Thủ tướng Pashinyan về việc cách chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Onik Gasparyan. (Reuters, Sputniknews )